Đinh La Thăng và quan điểm phát triển đô thị thời đánh Mỹ cho Tàu - Dân Làm Báo

Đinh La Thăng và quan điểm phát triển đô thị thời đánh Mỹ cho Tàu

CTV Danlambao - ...Sài Gòn từng được xem là Hòn Ngọc Viễn Đông. Kể từ khi phải mang tên của một loài, thành phố xinh đẹp này đã trở thành một nơi không đáng sống. Ngày hôm nay, ông cựu bộ trưởng giao thông vận tải mà thành tích quá khứ chỉ là những phát ngôn ấn tượng, trong vai trò lãnh đạo thành phố và với phương hướng thi đua yêu nước của ông, ông sẽ biến Sài Gòn thành cái hòn gì!?...

Theo ông Đinh La Thăng, tân bí thư thành hồ, để phát triển Sài Gòn thành một nơi "đáng sống nhất với bất cứ ai" thì phải có "tinh thần yêu nước trong thi đua lao động, thi đua học tập, thi đua khởi nghiệp, thi đua rèn luyện ý chí..." (*)

Thử hỏi ở những nước văn minh tiến bộ, có ông bà thị trưởng nào chường mặt ra trước thành phố trình bày đường lối phát triển đô thị của mình bằng cách biểu công nhân viên chức và người dân theo kiểu Đinh Là Thăng rằng: “Thi đua, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan đơn vị đều phải cùng nhau nỗ lực hành động hết mình vì hạnh phúc của cộng đồng. Tinh thần thi đua phải thể hiện trong những việc cụ thể. Làm tốt chức phận của mình, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, nêu gương về nhân sách, lối sống, cho người khác chính là thi đua yêu nước”. 

Tại các nước văn minh, phát triển đô thị nằm trong kế hoạch của thành phố với những chương trình, đề án khoa học, thực dụng nhằm đáp ứng 2 điều chính: nhu cầu của người dân thành phố và phù hợp với ngân sách của địa phương. Thành quả của phát triển dựa vào khả năng hoạch định và thực hiện trong đó bao gồm những quyết định sáng suốt của cấp lãnh đạo, trình độ quản lý của cấp quản lý và khả năng chuyên môn của nhân viên thừa hành.

Không phải người dân ở các nước phát triển không yêu nước để những người lãnh đạo thành phố không đặt ra chuyện "thi đua yêu nước" làm nền tảng cho công cuộc phát triển đô thị. Không phải họ không có niềm hãnh diện về đất nước để có cảm nhận rằng sự phát triển của thành phố nơi họ sinh sống góp phần vào sự phồn thịnh của quốc gia, mang theo niềm hãnh diện chung cho xứ sở họ. Nhưng lòng yêu nước của họ nặng về tinh thần và không phải, không thể là phương tiện để các chính khách dùng đó là phương tiện xăng dầu cho cỗ xe kế hoạch mang đầy tính mị dân và xách động tinh thần hảo.

Phát triển đô thị là nhiệm vụ của bộ phận chính quyền do người dân tín nhiệm bầu ra. Nó đòi hỏi khả năng thực dụng của mọi cấp trong các bộ phận điều hành và không thể thành công nhờ vào cái gọi là tinh thần thi đua yêu nước không thể cân đo đong đếm được.

Bên cạnh lãnh vực phát triển đô thị mang tính hạ tầng cơ sở thì một lãnh vực khác quan trọng hơn đó là xây dựng một cộng đồng lành mạnh, văn minh, dân chủ. Muốn đạt được mục tiêu này thì lại càng không thể nói xuông những khẩu hiệu "thi đua yêu nước" hay như ông Thăng đã lôi những thứ từ thời "chính phủ" còn trốn trong hang Pắc Pó: "thi đua yêu nước được chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng thành một phong trào quần chúng, phong trào cách mạng,…thu hút toàn dân tham gia. Nhờ thi đua yêu nước mà suốt hơn một thế kỷ, không có việc gì đất nước không vượt qua để lập nên những kỳ tích, được thế giới ngưỡng mộ."

Một cộng đồng phát triển, văn minh hay không tùy thuộc và được đo lường bởi nhiều yếu tố. 2 yêu tố quan trọng nhất là hành xử của công dân và luật lệ. Hành xử tốt của công dân có được khi những em bé sinh ra và đến trường được giáo dục bởi những bài học về công dân, về trách nhiệm, khi người dân bước vào đời mang theo một hành trang đầy đủ về bổn phận, danh dự và trách nhiệm. Do đó, xây dựng một hệ thống giáo dục thành phố tốt, đào tạo thầy cô, gia tăng ngân sách giáo dục để đào tạo những công dân vào đời với tinh thần trách nhiệm cộng đồng... mới là những phương hướng thực tiễn, đúng đắn. 

Song song với việc giáo dục tinh thần, trách nhiệm công dân, thành phố cần phải có những luật lệ nghiêm minh, công bằng, hợp lý để mọi công dân tuân thủ. Luật lệ tự nó cũng không đủ mà còn phải có thêm một điều kiện khác: bộ máy và những người thi hành luật pháp phải công minh và chịu trách nhiệm ngang hàng với mọi công dân khác trước pháp luật.

Thế nhưng, một công dân ý thức không xả rác, một thành phố có luật lệ rõ ràng xả rác nơi công cộng là bị phạt. Thế nhưng ở những nơi công cộng lại không có đủ thùng chứa rác, nhân viên vệ sinh không kịp thời mang đi những thùng rác vốn đã ít ỏi lại bị đầy rác thì người dân sẽ hành xử như thế nào? Và đây mới là trọng trách của guồng máy điều hành thành phố. Người dân cần có thùng rác để bỏ vào và cái gọi là "phong trào thi đua yêu nước" của ông Thăng không giải quyết được tình trạng những thứ phế thải trên tay người dân (yêu nước) sẽ không bay phất phới khắp nơi trên đường phố giống như là những lá cờ và khẩu hiệu yêu nước đang phần phật bay.

Thi đua yêu nước, bản chất của nó là sự bán cái của ông Thăng trách nhiệm của ông sang cho người dân, thể hiện sự điều hành thành phố của một chính ủy chỉ biết những khẩu hiệu và phong trào, cho thấy ông Thăng hoàn toàn không biết gì về phát triển đô thị và cộng đồng - urban and community development - vốn đã trở thành một ngành học tại các trường đại học ngoại quốc.

Sài Gòn từng được xem là Hòn ngọc Viễn Đông. Kể từ khi phải mang tên của một loài, thành phố xinh đẹp này đã trở thành một nơi không đáng sống. Ngày hôm nay, ông cựu bộ trưởng giao thông vận tải mà thành tích quá khứ chỉ là những phát ngôn ấn tượng, trong vai trò lãnh đạo thành phố và với phương hướng thi đua yêu nước của ông, ông sẽ biến Sài Gòn thành cái hòn gì!?

15.04.2016


_______________________________________



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo