Hãy cứ tàn phá đi, khi còn có thể - Dân Làm Báo

Hãy cứ tàn phá đi, khi còn có thể

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Nhìn những bức hình bọn trẻ miền Trung nheo nhóc này, tôi lại nhớ đến lũ trẻ trong tù. Nhớ thằng Khoai Tây, thằng Phê, con Bống, thằng Luân, thằng Bin... Nhớ cả những đứa còn đỏ hon hỏn nằm chen chúc với mẹ trong buồng giam mà tôi chưa kịp hỏi tên.

Có những điều rất khác giữa những đứa trong tù và những đứa ở ngoài, tất nhiên rồi. Nhưng, chúng có một thứ chung, chung lắm: tương lai. Cái thứ tương lai mà nghe nhắc đến bố mẹ chúng rùng mình và người đời thì ái ngại. Còn lũ chúng, chưa đủ lớn để biết đau, biết khổ, để thấy cái thăm thẳm của đời người trước mặt.

Thằng Phê, con Bống, thằng Luân, thằng Bin, thằng Khoai Tây hay nhiều đứa khác không biết đến que kem chừng nào mẹ nó chưa được tha. Chúng quen với những bộ quần áo kẻ sọc, thứ mà người lớn sợ hãi và ghê tởm. Đời cũng có thể ban cho chúng một cuộc sống ra sống, cũng có thể lại xô đẩy đến vết đời như cha mẹ chúng. Cái vòng luẩn quẩn của nhà tù khi chúng mở mắt đã thấy, biết đâu lại thành nơi ăn chốn ở khi trưởng thành? Dám lắm chứ, ai mà biết được.

Đời những đứa con tù khổ, đã đành. Nhưng cũng có vô số đứa chẳng phải bị ở tù oan theo mẹ ngày nào, cũng mờ mịt tương lai. Chúng, là hàng ngàn đứa trẻ miền Trung nằm trong hàng triệu số phận mang tên Formosa.

Chúng là con cái của những cha mẹ ngư dân lam lũ. Khi biển chưa ô nhiễm, cá chưa chết, chúng vẫn được ăn no, vẫn được đi học dù còn chật vật. Biển ô nhiễm, gia đình mất kế sinh nhai, chúng phải ăn ngót cái bụng. Và thất học. Cha mẹ chúng buộc phải từ bỏ nghề nghiệp truyền đời từ ngàn năm để lại và “chập chững vào đời bằng ngã khác như trẻ nhỏ” (nhạc sĩ Tuấn Khanh).

Formosa đã biến những con người làm ra của cải, những con người có phẩm giá thành kẻ ăn xin, xếp hàng nhận mười mấy ký gạo cứu trợ. Thứ gạo mà theo người dân Hà Tĩnh là “...mốc xanh ăn không được. Cho gà, gà không ăn. Cho chó, chó không ăn”. Cái thứ gạo mà mỗi lần xảy ra thiên tai lũ lụt đều được đem ra bố thí cho dân như một hình thức dọn kho, để rồi người nhận vẫn phải biết ơn và ngợi ca điệp khúc “chính sách nhân đạo của đảng”.

Số lương thực đổ đi ấy, chẳng lẽ là một phần của số tiền 500 triệu đô mà chính phủ này có được sau “phép tính nhanh” vội vã, chứ không qua một chương trình hành động nào, cũng theo cách nói của nhạc sĩ Tuấn Khanh?

Đã quá rõ ràng về những hậu quả mà người Việt Nam phải gánh chịu từ thảm họa do Formosa gây ra. Thảm họa của ngày hôm nay sẽ kéo dài nhiều năm sau nữa, lên nhiều thế hệ, đến mọi mặt của đời sống con người. Đã quá rõ ràng về chân dung kẻ tòng phạm góp sức cùng với Formosa tàn phá quê hương. Với những gì đảng cộng sản đã làm trên đất nước này, không ít người sẽ cho tôi là ngây thơ nhưng tôi không thể không hỏi, rằng:

Họ được gì sau cái chết oan uổng và tức tưởi của anh thợ lặn Lê Văn Ngày?

Họ được gì khi đất đai và biển miền Trung bị bỏ hoang?

Họ được gì khi hàng vạn con người phải từ bỏ nghề nghiệp, phải khốn khổ mất đi miếng cơm manh áo?

Họ được gì trước một thế hệ dốt nát của ngày mai vì hôm nay thất học?

Họ được gì trước những bệnh tật ốm đau, trước những hình hài dị hợm, quái thai đã được dự báo trước rằng sẽ hiện diện như một lẽ đương nhiên trên mảnh đất quê hương này?

Họ được gì trên những điêu tàn đổ nát?

Tôi không viển vông để đặt câu hỏi liệu các ông bà Trần Hồng Hà, Võ Tuấn Nhân, Nguyễn Thị Kim Tiến... có gợn một chút gì trong trí não và trái tim không, khi nhìn thấy những đứa trẻ lem luốc, đói ăn và không được đi học khi mùa khai giảng đang đến gần. Chúng, có thể sẽ phải dứt ruột lìa cha mẹ đi xứ khác, bán sức lao động tìm kế mưu sinh. Trong số chúng, sẽ có bao nhiêu cuộc đời của thằng Phê, con Bống, thằng Bin, thằng Khoai Tây?

Tôi nghĩ đến những người dân nhẹ dạ, lũ lượt đi tắm biển, ăn hải sản ở vùng nhiễm độc chỉ vì tin lời ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TNMT rằng “môi trường tự nhiên, biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải những chất ô nhiễm này”, và tin “các chỉ số đều an toàn đối với sức khỏe con người... hải sản tươi sống đều an toàn” như lời bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Có quá lời không khi nói rằng hành động phơi bụng đi tắm biển, ăn hải sản để nói dối vùng nhiễm độc đã an toàn của các ông bà quan lớn là hành động diệt chủng?

Nếu thế, thì mọi câu hỏi của tôi không còn cần thiết nữa.



27.08.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo