Paulus Lê Sơn (Danlambao) - Những người anh em dân tộc Tây Nguyên đang bị cầm tù đã giúp đỡ tôi trong lúc ban đầu nhập trại cũng như về sau chính anh em là những người bên cạnh để chia sẻ động viên trong lúc tôi bị đau đớn và rất cô đơn. Khi tôi vào buồng 10 thì còn khá nhiều anh em người Tây Nguyên còn đang chấp hành án phạt tù, bởi án của họ thường khá dài.
Hầu hết tất cả anh em dân tộc Tây Nguyên đều là những người tù cô đơn theo đúng nghĩa cả vật chất và tinh thần. Có lẽ chính sự cô đơn và bạc nhược nơi nhà tù cộng sản mà anh em thương nhau nhiều hơn. Hầu hết họ đều là tín hữu của đạo Tin Lành, rất sùng đạo và mộ mến Thiên Chúa.
“Cả năm, vài năm thậm chí có người từ khi bị chuyển ra ngoài Bắc này không hề có gia đình thăm gặp”, Siu Hanh nói. Thường ngày anh hay nói chuyện với tôi và chia sẻ những kinh nghiệm để đối phó với các gián điệp Trung Quốc cũng là gián điệp trong buồng giam cho cán bộ.
Siu Hanh, sinh 1984, 12 năm tù. Bon xo ma rưng, Ia Peng, Phú thiện, Gia Lai. Một người trẻ nhưng có tấm lòng quảng đại, anh chăm lo cho nhiều bệnh nhân trong buồng giam bị ốm đau. Siu Hanh nói rằng “dù họ có đối xử với mình nhiều lúc tệ bạc nhưng khi ai trong buồng giam ốm đau thì mình luôn là người cõng, bồng bế và chăm sóc họ”.
Sinh Hanh là người bóp tay chân cho tôi nhiều nhất sau khi tôi bị công an đánh đập bị trọng thương. Anh cũng giặt quần áo, thậm chí cõng tôi đi lại lúc tôi bị nằm liệt.
Ông Har, sinh 1954, 11 năm tù, Plei ia ly, Chư Đăng Ya, Chư Păh, Gia lai, ông bị tàn tật trong nhà tù vì bị thương trong lúc làm việc, một chân và tay ông không còn tác dụng nên đi lại thường rất khó khăn nên ông phải dùng gậy. Sau này cây gậy của ông cho tôi mượn để tập đi lại trong buồng giam sau thời gian dài gần bình phục do di chấn tôi bị công an đánh đập.
Ông Har hay nhìn tôi cười một cách trìu mến, nhẹ nhàng và như muốn nói gì đó, nhưng khẩu ngôn của ông rất khó diễn tả vì di chứng của tai nạn. Cuộc sống của ông rất khó khăn.
Siu Nhăm, sinh năm 1981, 8 năm tù, Plei wel, Ia Ko, Chư sê, Gia lai. Anh có đặc tính nói ngọng lắm, nhưng hiền lành và dễ gần. Gia đình anh hầu như không có, anh em kể chuyện là vợ anh ấy bỏ đi theo một viên công an nào đó khi anh bị bắt vào tù, và hình như anh có mấy người con.
Siu Nhăm thường lấy lá sấu để nấu canh cá mỗi khi trại cấp phần ăn, một tuần một lần, mỗi lần được một miếng cá bằng ba ngón tay, lá gì anh cũng có thể làm thức ăn được. Tiền lưu ký của anh rất ít, một hôm anh mua hai lạng thịt giá 40 nghìn đồng, anh chia cho một hai người không có thức ăn, anh định chia cho tôi mấy miếng vì khi đó mấy tháng tôi cũng không có tiền lưu ký, tôi trân trân nước mắt trước tình cảm anh dành cho tôi.
Anh Siu Them, 1982, 7 năm tù, Plei Tao Rong, Dun, Chư sê, Gia Lai; và anh Y Yuăn Byă, 1966, 11 năm tù Buôr, Hoà Xuân, Ban Mê Thuột, Đắc Lắc ăn chung với nhau và hai anh này có quà gia đình gởi ra, hai anh rất thương tôi, thường cho tôi đồ ăn trong thời gian gia đình chưa ra thăm nuôi.
Nghe anh em trong buồng kể chuyện, vợ anh Y Yuăn trong một lần ra thăm anh trên đường về bị tai nạn và tử vong, thật xót xa. Thấy tôi đau đớn và mắt kém anh cho tôi thuốc xoa bóp tay chân và bổ mắt Tobicom.
Việc tôi và anh em Tây Nguyên nói chuyện liên tục được gián điệp báo cáo với lãnh đạo trại giam, họ ngăn cấm chúng tôi không được quan hệ, không được nói chuyện, có những lần cán bộ trại giam nói với tôi là không nên nói chuyện với họ và hỏi tôi nói chuyện gì. Anh em cũng nói với tôi là trại không cho quan hệ, nhưng họ cũng gần hết án cả nên họ chẳng ngại bị trại làm khó dễ trong việc giảm án.
Họ đan lát rất chăm chỉ, nhanh và đủ chỉ tiêu trại giao, thậm chí thừa chỉ tiêu nhưng thường được giảm án rất ít. Họ ít được chấp nhận khi đòi hỏi quyền lợi của mình và cũng bị ngăn cản nhiều trong việc thực hành tôn giáo của mình, không được tụ họp nhau để cầu nguyện và chia sẻ đức tin tôn giáo của mình.
Họ là những người tù cô đơn, khốn khổ, bị chèn ép và phân biệt đối xử nặng nề. Tôi nhớ từng khuôn mặt hiền lành, chất phác, lầm lũi, nhưng mãnh liệt trong Đức Tin và tình yêu đối với mọi người.
(Còn tiếp)