Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Không biết, cố tình không biết, ngu dốt, im lặng, và chối bỏ là những khái niệm căn bản về suy nghĩ và khả năng trí tuệ con người. Những khái niệm này có nhiều khía cạnh liên hệ nhau và ảnh hưởng mạnh mẽ trên cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Đặc biệt, im lặng hoặc chối bỏ sự thật có tác hại vào cuộc đấu tranh vì thường được dùng trong việc trình bày "nửa sự thật," thường bị coi là nguy hiểm hơn cả lời nói láo. Thời đại Internet giúp truyền bá thông tin và kiến thức. Tuy nhiên, tình trạng "không biết" tại Việt Nam là một thảm trạng bi đát vì nhóm cầm quyền áp dụng chính sách lừa đảo, mị dân, tuyên truyền, xuyên tạc, và nhồi sọ. Một trong những chiến thuật mị dân của nhóm cầm quyền cộng sản là so sánh chế độ cộng sản với những thể chế tự do khác, nhất là Hoa Kỳ. Do đó, người dân Việt sống tại Việt Nam cần phải biết rõ rệt sự khác biệt giữa hai thể chế này, nhất là về hệ thống pháp luật và các quy luật về nhân quyền.
*
Trong cuộc sống phức tạp, không ai có thể biết hết mọi chuyện, nhất là những chuyện không dính líu gì đến mình. Không biết là việc tự nhiên. Tuy nhiên, có nhiều khía cạnh về sự không biết cần phải được tìm hiểu. Trong bài này, tôi sẽ thảo luận những khái niệm về không biết, cố tình không biết, ngu dốt, im lặng, và chối bỏ. Những khái niệm này có nhiều khía cạnh liên hệ nhau và ảnh hưởng mạnh mẽ trên cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Sự phân biệt và xác định các khái niệm này giúp chúng ta hiểu rõ lý luận và lập trường trong các cuộc bàn thảo hoặc tranh cãi về các đề tài dân chủ và nhân quyền.
A. Định nghĩa và khái niệm căn bản:
1. Không biết:
Trước hết, chúng ta nên nhận ra "không biết" theo tiếng Việt là thể phủ định của "biết." Tiếng Việt không có thể xác định cho việc không biết. (Những cách gọi như "ngu dốt," "khờ khạo," "ngây thơ" không diễn tả chính xác ý nghĩa của "không biết" như sẽ được trình bày sau.) Tiếng Hán Việt là "vô tri" (無知) hoặc "bất tri" (不 知). Nhưng "vô tri" nghe có vẻ có ý xấu vì nó thường đi với "vô giác" (không có cảm giác), và "bất tri" (hoặc "vô thức," "bất thức") không thông dụng lắm. Do đó ít ai dùng "vô tri" hoặc "bất tri" để chỉ sự không biết. Trong các ngôn ngữ khác, "không biết" thường hiện hữu dưới dạng xác định. Thí dụ, "ignorance" (Anh, Pháp), "ignoranz" (Đức), "ignorancia" (Tây Ban Nha, Mễ), và "ignoranza" (Ý).
Trong tiếng Anh, tuy "ignorance" là từ ngữ thông thường, nhiều học giả đặt ra các từ ngữ khác, kèm theo các định nghĩa khác nhau. Các từ ngữ này gồm có: phi kiến thức (nonknowledge); không biết toàn diện (total ignorance); kiến thức thiếu thốn, phủ nhận, hoặc tiêu cực (negative knowledge) gồm có kiến thức về những giới hạn của sự biết, sai lầm trong việc ráng biết, các việc ngăn cản việc biết, và cái mà người ta không muốn biết; không biết đóng (closed ignorance), và không chắc chắn (uncertainty) (Smithson, 210).
a) Định nghĩa:
Định nghĩa cho từ ngữ "không biết" có nhiều tranh cãi (Smithson, 209). Thực ra từ (chữ) "biết" có nhiều nghĩa nhưng tôi sẽ không đi sâu vào các lý thuyết triết lý về sự khác biệt giữa các loại của "biết" như "ý thức," "nhận thức," "tri thức," "cảm nhận," v.v. Tôi sẽ chỉ chú trọng vào phần phủ định của nghĩa thông thường về "biết."
Một cách đơn giản, "không biết" là không ý thức hoặc không có thông tin, dữ liệu, tin tức về một sự kiện, nhân vật, biến cố, hoặc việc nào đó. "Không biết" không nhất thiết sai quấy hoặc có hại. Trong đời có cả triệu, cả tỉ sự kiện bạn không biết, và những sự kiện đó chẳng có tác dụng mạnh trên cuộc sống của chúng ta. Trong cuộc sống bận rộn, bạn không có thì giờ tìm hiểu những gì bạn không có nhu cầu biết trong hiện tại. Thí dụ, bạn không biết phong tục tập quán người Togo ở Phi Châu vì bạn không để ý đến xứ đó và không có dịp tìm tòi thêm.
b) Phân loại:
Rescher (2009. 12-13) cho rằng có hai loại "không biết" căn bản: loại "không biết" đáng trách hay có tội (culpable ignorance) và loại "không biết" có thể được tha thứ (venial ignorance).
Loại "không biết" đáng trách là loại "không biết" mà lẽ ra phải biết vì việc đó liên hệ đến trách nhiệm, bổn phận, công việc, cuộc sống, và ý tưởng của người đó. Thí dụ, một tài xế lái xe taxi chuyên chở hành khách phải biết luật lệ giao thông và các bảng hiệu chỉ dẫn trên đường xá. Một công dân trong một quốc gia phải biết những trách nhiệm của chính phủ và của mình và những quyền công dân mà chính phủ phải tôn trọng.
Loại "không biết" có thể được tha thứ là loại "không biết" về sự kiện không cần thiết hoặc không dính dáng gì đến trách nhiệm, bổn phận, công việc, cuộc sống, và ý tưởng của người đó. Thí dụ anh tài xế xe taxi chuyên chở hành khách không cần phải biết quy luật chơi túc cầu hoặc tên tuổi các người đá banh nổi tiếng. Do đó, việc anh không nói chuyện với khách trong lúc lái xe về một trận đá banh không có gì là đáng trách.
2. Cố tình không biết:
"Cố tình không biết" có thể được coi là một trường hợp đặc biệt của "không biết đáng trách" nhưng nó đóng một vai trò quan trọng trong xã hội học và các ngành liên hệ khác. Do đó, cho dễ dàng, chúng ta nên coi "cố tình không biết" là một loại khác với "không biết đáng trách."
Đã có rất nhiều nghiên cứu và tài liệu cho hiện tượng này, dưới nhiều tên khác nhau. Thí dụ, "cố tình không biết" (willful ignorance), "cố tình mù quáng" (willful blindness), "tránh né có ý thức" (conscious avoidance), hoặc "thờ ơ chủ tâm" (deliberate indifference) (Heffernan 2011, 2). Tuy có danh xưng khác nhau, những hiện tượng này đều có cùng một ý rằng người ta có trách nhiệm được thông báo và cơ hội để biết, nhưng người ta lẩn tránh (tlđd., 3). Sự lẩn tránh nhiều khi không bào chữa được vì cái mà người ta lẩn tránh, gọi là sự thật, hiện hữu sờ sờ và mọi người đều thấy. Câu chuyện vị hoàng đế mặc áo vô hình để lộ quần áo lót mô tả hiện tượng này. Một cách gọi tình trạng này là "con voi trong phòng" (the elephant in the room) (Zerubavel 2006). Con voi to tướng đứng trong căn phòng bé nhỏ thì không cách chi mà không nhìn thấy được.
Khi mức độ "cố tình không biết" lên cao, nghĩa là khi người ta khăng khăng "cố tình không biết," trạng thái "cố tình không biết" trở nên trầm trọng. Trong thuật ngữ tiếng Việt của phong trào dân chủ, nhóm chữ "quyết tâm ngu" hoặc "ngu quyết liệt" được gán cho những người cộng sản khăng khăng cố tình không biết. Những kẻ "quyết tâm ngu" hoặc "ngu quyết liệt" nhất định không muốn học hỏi và giữ mãi kiến thức sai lầm của mình. Một số những người này thường là những nhân viên tuyên truyển, hoặc hành nghề "dư luận viên" (DLV), thường phát biểu ý kiến trên các diễn đàn công cộng hoặc tranh cãi ngoài đường.
3. Ngu dốt:
"Không biết" và "ngu dốt" (stupidity) khác nhau. Đại khái, "không biết" là không có kiến thức, "ngu dốt" là không có khả năng biết hoặc hiể̀u (Rose 2011; Rescher 2009, ix). "Ngu dốt" tự nó, không có gì đáng trách vì không phải ai cũng có khả năng trí tuệ hiểu được những chuyện phức tạp, hoặc con người có thể bị một ảnh hưởng sâu xa nào đó mà mất đi khả năng suy luận, hoặc những việc đó không có gì quan trọng cho cuộc sống của người đó. Không có gì xấu hổ khi ta nhận ra sự ngu dốt của mình, nhất là khi những việc đó là những việc nhỏ nhặt.
Tuy nhiên, có loại "ngu dốt" đáng trách, nhất là khi hậu quả của sự ngu dốt đó ảnh hưởng đến cuộc sống và nhiều khi cả tương lai của con người. Loại này có thể gọi là "dại dột" (foolishness), nghĩa là không chịu hoặc không muốn học hỏi (Rescher 2009, ix). Ở mức độ thường, những người dại dột này không tạo ra những gì nguy hiểm hoặc có hại cho họ hay cho người khác. Tuy nhiên, khi cường độ không biết này gia tăng, nhất là khi được thúc đẩy bởi một động cơ nào đó, hậu quả của việc này có thể trở nên tác hại và khốc liệt không những với chính người đó mà còn với nhiều người khác liên hệ.
Còn có một loại "ngu dốt" nữa, hiện diện hầu hết khắp nơi nhưng đặc biệt rất thông thường hiện nay trong nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) hoặc xã hội cộng sản, là loại "dốt hay nói chữ" với ác ý (Cao-Đắc 2014). Loại này dùng lý luậ̣n, thường là ngụy biện, hoặc chứng cớ thiếu xác thực, bịa đặt, hoặc một chiều, để đưa đến kết luận sai lầm để phục vụ mục đích nào đó của họ, thường là bào chữa cho tội ác hoặc lỗi lầm của mình hoặc của người khác, hoặc đánh bóng thành quả của mình hoặc người khác một cách gian trá (tlđd.).
Loại "dốt hay nói chữ" với ý đồ ác độc hoặc với tinh thần vô trách nhiệm thường rất nguy hiểm vì họ cố gắng thuyết phục người khác tin vào kết luận của họ qua những chứng cớ sai lầm hoặc bịa đặt, hoặc dùng những lý luận sai lầm hoặc ngụy biện. Loại người này còn có thể cực kỳ nguy hiểm nếu họ có địa vị, tên tuổi, đạt được sự kính nể của một số người trong những lãnh vực chuyên môn nào đó, hoặc có công việc giáo dục người khác. Đối với những người hiểu biết và có trí óc suy luận, loại "dốt hay nói chữ" với ý đồ ác độc hoặc vô trách nhiệm thường không có tác dụng gì. Tuy nhiên, nhiều người có thể bị thuyết phục hoặc tin vào kết luận sai lầm của loại người "dốt hay nói chữ" này. Những người dễ tin này thường là những người thiếu hiểu biết vì không được tiếp cận thông tin, tài liệu, báo chí, sách vở; hoặc có chút hiểu biết nhưng bận rộn không có thì giờ kiểm chứng chứng cớ hoặc suy nghĩ thêm về các lý luận sai lầm; hoặc ngây thơ tin tưởng một cách sai lầm vì tên tuổi, địa vị, hoặc uy tín (đối với một số người) của người "dốt hay nói chữ."
4. Im lặng và chối bỏ:
Im lặng (silence) và chối bỏ (denial) là hai hiện tượng liên hệ mật thiết với "cố tình không biết" và "dốt hay nói chữ với ác ý."
Biết mà giữ "im lặng" hoặc "chối bỏ" khác hẳn với "không biết" tuy bề ngoài các hành động này có thể giống nhau. Có nhiều lý do tại sao người ta biết sự thật mà giữ im lặng hoặc chối bỏ sự thật, và chấp nhận sự giả dối hoặc giấu giếm. Có những lý do tốt đẹp và có thể cao thượng. Có những lý do tồi tệ và phản ảnh bản chất ích kỷ, gian trá, và ác độc.
a) Im lặng (silence):
Việc biết sự thật nhưng giữ im lặng có lý do cao thượng khi việc đó đem lại lợi cao quý hơn là phá tan sự im lặng. Ngoài ra, khi việc đó có tính cách riêng tư và không có ảnh hưởng đến người khác, thì giữ im lặng có thể coi là một sự lựa chọn cá nhân.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp "im lặng" tạo ra hậu quả tồi tệ, nhất là khi đối tượng của việc "im lặng" là một người, một sự vật, một dữ kiện, hoặc một hành vi phạm pháp. Thí dụ bạn biết người chủ bạn cắt xén tiền và tạo ra sản phẩm không an toàn cho người tiêu thụ. Nhưng bạn giữ im lặng, không tố cáo người chủ vì bạn không muốn bị mất việc. "Như câu thành ngữ đã nói, im lặng là đồng lõa. Bằng cách giữ im lặng, ta giúp bình thường hóa chuyện đó, chính ra còn khiến chuyện đó kéo dài thêm qua việc ngầm khuyến khích những người phạm tội coi đó là chuyện chấp nhận được" (Zerubavel 2006, 85). Nhiều khi, người giữ "im lặng" không muốn mở miệng vì nghĩ rằng có tố cáo cũng không có lợi gì. Tuy nhiên, có những trường hợp người ta không thể giữ im lặng mãi. Khi càng nhiều người gia nhập việc phá tan sự im lặng, sẽ tới một lúc nào đó áp lực gia tăng khiến cho những kẻ âm mưu còn lại đành phải công nhận sự hiện diện của con voi và cuối cùng họ sẽ không thể chối bỏ được nữa (Zerubavel 2006, 69).
b) Chối bỏ (denial):
Chối bỏ là hành động hoặc phát biểu phủ định một việc nào đó hoặc "khẳng định chuyện nào đó không xảy ra, không hiện hữu, không đúng, hoặc không được biết đến" (Cohen 2001, 3). Ta nên để ý chối bỏ luôn luôn có một sự phủ nhận, và luôn luôn có một việc gì (có thể đúng hoặc sai) được khẳng định trước đó. Từ ngữ "chối bỏ" nghe có vẻ có ý nghĩa xấu, nhưng thực ra "chối bỏ" chỉ có nghĩa "phủ nhận."
Có ba khả dĩ cho chối bỏ. (Tôi dùng "khả dĩ" dựa vào cách dùng của Cohen với danh từ "possibilities.")
Khả dĩ thứ nhất là sự phủ định đó quả thật đúng, nghĩa là cái bị chối bỏ là cái sai lầm, và chối bỏ đem lại sự thật. Việc chối bỏ là câu xác định đơn giản cho một sự kiện (Cohen 2001, 3-4). Thí dụ: (1) Không hề có quốc gia nào, kể cả Quốc Gia Việt Nam (tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa) và Hoa Kỳ, ký cho việc tổ chức bầu cử cho hai miền Nam Bắc Việt Nam trong hiệp định Geneva vào năm 1954; (2) Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower không bao giờ nói nếu có bầu cử tại Việt Nam thì đa số dân sẽ bầu cho Hồ Chí Minh thay vì Ngô Đình Diệm; (3) Liên Hiệp Quốc không hề bao giờ tuyên bố Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới.
Khả dĩ thứ nhì là sự phủ định đó cố tình, chủ tâm, và có ý thức để lừa dối (Cohen 2001, 4), nghĩa là cái bị chối bỏ là sự thật. Loại này thường được gọi là tuyên truyền, xuyên tạc, che giấu, lừa đảo. Thí dụ, NCQCS tại Việt Nam chối bỏ sự kiện Việt cộng thảm sát đồng bào Huế trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968.
Khả dĩ thứ ba phức tạp hơn, Sự chối bỏ không phải là vấn đề nói thật hoặc nói dối. Câu chối bỏ không hoàn toàn có chủ tâm, và việc biết sự thật không hoàn toàn rõ rệt. Có nhiều lý do tâm lý cho việc chối bỏ này. Nó có thể là một cơ cấu phòng thủ đối phó với mặc cảm tội lỗi, lo lắng, hoặc những cảm xúc rắc rối gây ra bởi sự thật. Tiềm thức ngăn chận ý tưởng đi tới sự hiểu biết có ý thức (Cohen 2001, 5). Thí dụ, người vợ chối bỏ việc chồng mình cưỡng bức con gái của hai người.
Trong khả dĩ thứ ba, những người chối bỏ sự thật biết sự thật hiện hữu, nhưng họ không thể hoặc không muốn tin vào sự thật đó. Khác với "cố tình không biết" hoặc "quyết tâm ngu," những người chối bỏ trong khả dĩ thứ ba này bị ảnh hưởng tâm lý khá phức tạp.
Thí dụ có những người trước đây sùng bái Hồ Chí Minh. Họ rất đau lòng khi biết được những tài liệu vạch trần tội ác, bản chất lưu manh lừa đảo, gian trá của Hồ, cộng với những bằng chứng không thể chối cãi được về lối sống dâm đãng (thí dụ, biết bao nhiêu liên hệ tình dục và con rơi rớt), hành vi bỉ ổi (thí dụ, đem gái đẹp và thuốc kích thích mời mọc các nhân viên tình báo Hoa Kỳ năm 1945, hôn hít các em bé gái trước công chúng đến độ bị chính phủ Indonesia than phiền), đạo văn các tác phẩm. Thần tượng vĩ đại của họ bị sụp đổ và họ không thể tưởng tượng họ lại có thể quá ngu muội tin vào những lời gian dối trước đó. Họ kinh hãi là tại sao một ác quỷ như vậy lại có thể từng là người thánh thiện trong tâm khảm họ biết bao nhiêu năm. Sự kinh hãi và hoang mang đó khiến họ chối bỏ sự thật, nhưng họ không "quyết tâm ngu" vì họ không thể bác bỏ được những chứng cớ hùng hồn.
Trong ba khả dĩ trên, khả dĩ thứ nhì (tuyên truyền, xuyên tạc, che giấu, lừa đảo) và khả dĩ thứ ba (hoang mang, lẫn lộn, không ngờ) là hai khía cạnh liên hệ đến sự không biết mà tôi đề cập ở trên. Người chối bỏ sự thật không phải là họ không biết sự thật, vì khi họ chối bỏ sự thật đó, họ phải ý thức sự hiện hữu và những lý lẽ của sự thật.
c) Tác hại của việc giữ im lặng hoặc chối bỏ sự thật (khả dĩ thứ ba):
Việc biết sự thật nhưng giữ im lặng hoặc chối bỏ sự thật trong khả dĩ thứ ba, có lý do tồi tệ khi việc đó chỉ để che giấu sai lầm của mình trong quá khứ, hoặc phản ảnh bản chất hèn nhát hoặc sợ sệt cho hậu quả nếu mình phá tan sự im lặng và công bố sự thật, hoặc việc giữ im lặng dẫn đến hậu quả tác hại hơn việc phá tan sự im lặng, hoặc khi việc đó ảnh hưởng không tốt đến người khác.
Thí dụ, trước đây bạn ca ngợi và tôn thờ Võ Nguyên Giáp, nhưng qua tìm tòi và nghiên cứu, bạn biết được Võ Nguyên Giáp là viên tướng hèn nhát và ác độc, Tuy nhiên, vì lý do nào đó, bạn giữ im lặng và không chia sẻ kiến thức đó với ai, kể cả họ hàng, bạn bè, và con cháu bạn, và bạn để họ tiếp tục tôn thờ hình ảnh Giáp. Bề ngoài, việc bạn giữ im lặng khi biết sự thật hoặc chối bỏ sự thật, giống như việc bạn không biết sự thật. Trong cả ba trường hợp, không ai nghe bạn nói xấu gì về Giáp. Do đó, những gì bạn ca ngợi và tôn thờ Giáp trước đó, vẫn còn y nguyên. Con cháu bạn hoặc bạn bè, người quen bạn, vẫn nghĩ rằng bạn vẫn tôn thờ Giáp, và nếu họ không có dịp biết sự thật hoặc nếu họ có niềm tin tưởng vào trí phán đoán của bạn, họ sẽ tiếp tục tôn thờ Giáp. Hậu quả tác hại này thật hiển nhiên. Nếu bạn là người hành nghề có lý tưởng là tôn trọng sự thật (thí dụ nghề giáo, phóng viên, ký giả), việc bạn im lặng hoặc chối bỏ sự thật còn là một hành động xúc phạm luân lý và đạo đức. Đó là vì bạn không đủ can đảm tự nhận sai lầm của mình trong quá khứ để đạt mục tiêu cao cả trong nghề nghiệp của bạn là truyền bá sự thật cho những người không có cơ hội hoặc phương tiện tìm tòi sự thật như bạn.
Có người viện lý do rằng họ giữ im lặng vì việc nói ra sự thật không cần thiết và còn có thể tạo hậu quả bất lợi cho mục tiêu quan trọng hơn. Tuy nhiên, lý do này không đứng vững và có thể gây tác hại cho cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ.
Thí dụ, có những người hiện đang đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam, tích cực bày tỏ ý tưởng đả kích chế độ cộng sản và xã hội chủ nghĩa. Họ vạch ra những điểm tệ hại của chế độ cộng sản hiện nay, gồm có bất tài, tham nhũng, nô lệ Tàu cộng, ích kỷ, thiển cận, tàn ác, v.v. Tuy nhiên, họ không bao giờ vạch ra những điểm tệ hại của đảng cộng sản Việt Nam trong quá khứ, từ lúc mới thành lập, trải qua cuộc chiến tranh chiếm đoạt miền Nam năm 1975. Đặc biệt, họ không dám chỉ trích Hồ Chí Minh hoặc những lãnh tụ cộng sản khác như Võ Nguyên Giáp. Họ thường giữ im lặng, hoặc chỉ viết một cách mơ hồ với ngụ ý hoặc ám chỉ thay vì nói thẳng ra, nhiều khi còn bày tỏ sự ngưỡng mộ hoặc kiêng dè về đảng cộng sản Việt Nam và các lãnh tụ đảng trong quá khứ.
Bảo rằng họ không biết những tội ác, lừa đảo, và sai lầm của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam trong quá khứ thì không đúng, vì có biết bao nhiêu chứng cớ cho việc này. Họ thường là những người có học và dư sức tiếp cận được tài liệu, tin tức, báo chí, sách vở khắp nơi, nhất là dưới sự thịnh hành của Internet. Họ biết và tin vào các tài liệu phơi bày tộc ác, lừa đảo, và sai lầm của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, nhưng họ không đả động gì đến Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam trong quá khứ. Đương nhiên, với những người vẫn còn tin Hồ Chí Minh và đảng cộng sản đời đầu tốt, họ thuộc loại "cố tình không biết" hoặc "quyết tâm ngu" như trình bày ở trên. Ngoài ra, có những người làm việc với NCQCS để đóng vai trò "dân chủ cuội" hô hào tự do dân chủ nhân quyền, nhưng vẫn giữ im lặng hoặc lộ ý đảng cộng sản "trước tốt, nay xấu" để gây chia rẽ hoặc tạo hoang mang, làm suy yếu tinh thần đấu tranh. Tôi sẽ không coi những người này là những người im lặng hoặc chối bỏ thực thụ.
Những người giữ "im lặng" hoặc "chối bỏ sự thật" (trong khả dĩ thứ ba) là những người đề xướng, với hàm ý, ý tưởng cộng sản đầu đời tốt, chỉ bây giờ mới thoái hóa, suy đồi, và trở nên xấu xa. Mức độ "im lặng" của những người này thường không giống nhau. Có người giữ tuyệt đối im lặng và không bao giờ nhắc đến Hồ Chí Minh hay các lãnh tụ cộng sản khác. Có người không nhắc đến rõ rệt, nhưng đề cập đến một cách kín đáo hoặc chỉ đề cập đến vì lỡ lời. Có người không nhắc đến trực tiếp, nhưng một cách gián tiếp, như thể vẫn còn tiếc nuối một quá khứ mà họ cho rằng huy hoàng. Ta không rõ chính xác nguyên nhân sâu xa cho ý nghĩ "trước tốt, nay xấu" này của họ, nhưng ta có thể có vài suy đoán như trình bày dưới đây.
Có nhiều lý do khiến họ rêu rao "cộng sản đời trước tốt": (1) Họ không muốn tự nhận mình dại dột, khờ khạo, tin vào lời dụ dỗ của cộng sản khi họ còn trẻ; (2) Họ không muốn làm nhục danh tiếng mình hoặc cha ông mình, thường được coi là "lão thành cách mạng" hoặc "công thần" của đảng; (3) Họ không muốn bị nhận diện là những kẻ gian tham, tàn ác, sát nhân, hoặc khủng bố dưới danh nghĩa giành độc lập hoặc chống Mỹ diệt Ngụy, trong khoảng thời gian chiến tranh.
Có nhiều lý do khiến họ khẳng định "cộng sản đời nay xấu": (a) Sự thật rành rành trước mặt, như "con voi trong phòng," và họ không thể làm ngơ được; (b) Họ đã bị "thất sủng," hoặc về hưu, và không còn hưởng lợi lộc gì nữa; (c) Họ cảm thấy hối hận, nhưng không có đủ can đảm thú nhận "cộng sản đời trước xấu," và hy vọng bằng cách chỉ trích "cộng sản đời nay xấu," họ đóng góp phần nào trong việc lật đổ chế độ cộng sản để chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ; (d) Họ biết đảng cộng sản sắp bị sụp đổ, và tính mạng hoặc cuộc sống của họ sau cộng sản sẽ khó khăn hoặc nguy hiểm. Do đó, họ muốn "kiếm điểm" trước để phòng hờ những trừng phạt sau này; và (e) Họ không mất mát gì khi tố cáo "cộng sản đời nay xấu" vì nhóm cầm quyền coi thường tiếng nói họ cho rằng họ đã già cả và chẳng ai thèm tin họ. Nhóm cầm quyền cũng chẳng hơi đâu phí nhân lực tiền tài truy tố hoặc bắt bớ họ.
Lý do những người rêu rao đảng cộng sản Việt Nam "trước tốt, nay xấu" là kết hợp của các lý do (1), (2), (3), (a), (b), (c), (d), và (e) trên, có thể kết hợp nhiều lý do cùng lúc. Thí dụ, (1)(a); (3)(d)(e); (2)(a)(b); v.v... Vì họ giữ im lặng một phần sự thật về đảng cộng sản trong quá khứ dưới nhiều mức độ khác nhau, việc họ chỉ trích đảng cộng sản hiện nay là hành động nói lên chỉ một nửa sự thật.
Một nửa sự thật thường có tác dụng nguy hiểm. Người Mỹ có câu, "Nửa sự thật thường là câu nói láo to lớn." ("Half the truth is often a great lie." - Benjamin Franklin), và "Một nửa sự thật còn tệ hơn câu nói láo hoàn toàn vì nó khiến cho ta khó biết được sự khác biệt giữa hai việc đó." ("A half truth is much worse than a whole lie because it makes it even harder to tell the difference between the two." - Gene Ruyle). Khi một người chỉ nói nửa sự thật, câu đó nhiều khi còn tệ hơn câu nói láo trắng trợn. Khi người ta nghe một câu nói láo, người ta có thể tin hoặc không tin. Nhưng câu nửa sự thật để mở nửa kia. Do đó, người nghe có thể lắp bất cứ gì vào nửa mở đó, và diễn giải theo sự sắp đặt của họ.
Thí dụ, trong trường hợp những người hô hào tự do dân chủ nhưng viện dẫn cộng sản "trước tốt, nay xấu," họ chú trọng nhiều vào nửa sự thật "cộng sản hiện nay xấu," nhưng không tiết lộ rõ nửa sự thật kia ("cộng sản đời trước cũng xấu"), và nhiều khi còn ám chỉ ngược lại ("cộng sản đời trước tốt"). Họ cho rằng nửa sự thật về quá khứ không cần thiết, vì để lật đổ thể chế cộng sản hiện tại, người dân chỉ cần biết cộng sản hiện tại xấu xa.
Cái sai lầm trầm trọng của lối suy nghĩ này là không phải ai cũng dùng cùng "phương trình" như họ. Trong phương trình đấu tranh của họ, chỉ có bản chất hiện nay của cộng sản là ẩn số. Do đó khi ẩn số này được tìm ra thì phương trình được giải. Tuy nhiên, có một số người (thực ra số này có thể là đa số) có phương trình tranh đấu khác. Trong phương trình này, bản chất quá khứ của cộng sản là ẩn số chính và bản chất hiện nay của cộng sản là ẩn số phụ. Với những người này (nhất là thế hệ trẻ), họ đã bị nhồi sọ quá nhiều về "cộng sản đời đầu tốt." Do đó, tuy họ ý thức được tình trạng xấu xa hiện tại, họ vẫn ngần ngại đứng lên mạnh mẽ, vì họ vẫn còn luyến tiếc những hình ảnh oai hùng (lừa bịp) của cộng sản đời đầu. Ngoài ra, khi những người này tin một cách sai lầm rằng cộng sản đời đầu tốt, họ sẽ giảm thiểu mức độ trầm trọng của tình trạng cộng sản đời nay xấu. Họ sẽ cho rằng không cần phải lật đổ hay thay đổi hoàn toàn cộng sản hiện tại, mà chỉ cần sửa đổi chế độ và tiếp tục đi theo con đường vạch ra từ cộng sản đời đầu.
Tìm hiểu sự thật về lịch sử và đảng cộng sản Việt Nam trong quá khứ là việc quan trọng trong việc giải ẩn số về "cộng sản đời đầu." Đã có rất nhiều tài liệu, bài vở, sách báo về đề tài này. Do đó, tôi sẽ chú trọng nhiều hơn về "cộng sản hiện tại." Thực ra, những điểm xấu xa về cộng sản hiện nay cũng được trình bày rộng rãi qua các tài liệu, sách vở, báo chí, và bài vở trên mạng. Tuy nhiên, có một khía cạnh ít có chú ý là xác định tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng nhân quyền và tự do dân chủ tại Việt Nam. Vấn đề này sẽ được thảo luận trong phần kế tiếp.
B. Tình trạng và mức độ "không biết" tại Việt Nam:
Tình trạng "không biết" tại Việt Nam có thể được chia ra cho hai khối: người dân và nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS). Sự phân biệt này rất quan trọng vì nó nhấn mạnh một đặc điểm của việc thu thập tin tức hoặc tài liệu: NCQCS kiểm soát việc truyền bá tin tức và tài liệu trong nước. Ngoài ra, NCQCS đặt ra hệ thống giáo dục và kiểm soát các phương tiện truyền thông, và do đó hầu như có toàn quyền quyết định đề tài hoặc nội dung nào được giảng dạy hoặc truyền bá.
Phần lớn dân Việt Nam sống tại Việt Nam thờ ơ với chính trị; một phần vì cuộc sống quá bận rộn; một phần vì họ cho rằng họ đã có đầy đủ, hoặc nếu có thiếu sót chút ít cũng không sao; một phần vì họ không biết đòi hỏi ai hoặc đòi hỏi gì khi họ sống trong cảnh nghèo túng. Đảng cộng sản Việt Nam càng làm tăng lối suy nghĩ này qua chính sách mị dân, tuyên truyền ca ngợi chế độ cộng sản, càng làm cản trở ý thức về tiến bộ và văn minh của dân.
Ngoài ra, có thể còn tệ hơn thế nữa, nhiều người, không phải kém hiểu biết mà còn hiểu biết rất rõ những cái tốt đẹp, hay ho, hoặc tiến bộ ở các nơi khác, nhưng họ vẫn cắn răng chịu sống dưới chế độ cộng sản. Đương nhiên, không phải ai cũng thế. Nhờ sự truyền bá thông tin trên Internet và các mạng xã hội, nhiều người dân Việt đã hiểu rõ sự thật về đảng cộng sản Việt Nam. Họ tích cực tham gia cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, số này vẫn còn là thiểu số.
Một trong những chuyện kỳ lạ nhất của NCQCS tại Việt Nam là họ thích so sánh Việt Nam dưới chế độ cộng sản với các quốc gia Tây phương, nhất là Hoa Kỳ, và thường tự hào Việt Nam dưới chế độ cộng sản có nhiều ưu điểm hơn Hoa Kỳ. Không có gì sai trái về việc so sánh với một siêu cường quốc tế, nếu không muốn nói việc đó nên được khuyến khích, vì việc đó, khi được thực hiện thích đáng, nâng cao tinh thần dân tộc, và giúp mọi người thấy được vị trí của đất nước so với thế giới. Tuy nhiên, NCQCS tại Việt Nam có những so sánh quái đản và đưa ra những kết luận ngu xuẩn và chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
Thay vì so sánh để nhận ra sự yếu kém và học hỏi, NCQCS so sánh để chỉ trích Hoa Kỳ và tự nâng cao thành quả của mình với ý đồ mị dân và lừa gạt những người không biết. Thông thường, khi muốn làm nổi bật giá trị của mình so với đối phương, ta nên chọn lựa những phương diện mình có nhiều điểm tốt đẹp trong khi đối phương có nhiều điểm yếu kém. Ngược lại, đảng cộng sản Việt Nam, như thể điếc không sợ súng, hoặc quá ngu xuẩn, hoặc dùng chiêu độc đáo cho rằng càng nói những chuyện nghe có vẻ điên khùng càng làm tăng niềm tin người khác, lại lôi những điểm yếu kém nhất của mình và so sánh với những điểm mạnh mẽ nhất của các thể chế dân chủ. Các điểm này gồm có tinh thần dân chủ, sự tự do, chế độ pháp lý, và nhân quyền.
Chúng ta đã quá quen nghe những câu phát biểu kỳ quặc và lố bịch đến độ khôi hài của cấp lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Tổ̀ng bí thư Nguyễn Phú Trọng ca ngợi thể thức bầu cử trá hình của đảng là "Dân chủ thế này là cùng" (VOA 2016). Phó chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Doan từng nói, "Dân chủ của Việt Nam 'cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản'" (Wikipedia 2016a). Nguyễn Thanh Sơn, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoai Giao Việt Nam, tuyên bố, "So sánh dân chủ ở Mỹ với dân chủ ở Việt Nam thì chưa biết ở đâu hơn ở đâu" (BBC Tiếng Việt 2013).
Đương nhiên hầu hết người dân chẳng tin, thường bỏ qua, và chế giễu chửi rủa các câu nói đó. Tuy nhiên, không tin, chế giễu, hoặc chửi rủa là một chuyện; tìm ra sự thật, hiểu rõ vấn đề và xác định chính xác mức độ dối trá và lừa đảo là một chuyện khác. Việc tìm ra sự thật còn quan trọng hơn khi những kẻ nói láo lừa đảo đó nắm giữ quyền hành trong nước, vì chúng lạm dụng quyền hành và lừa đảo những người ngây thơ khác. Do đó, không những bạn không tin, chế giễu, hoặc chửi rủa những gì nhóm cầm quyền cộng sản phát biểu (hoặc báo chí, dư luận viên phát biểu dưới lệnh nhóm cầm quyền), bạn cần phải tìm ra sự thật và truyền bá sự thật cho mọi người.
Người dân Việt có thể chưa hoàn toàn thấu đáo các khái niệm trừu tượng về dân chủ và nhân quyền, nhưng họ thường có những va chạm cụ thể với nhóm cầm quyền cộng sản qua những luật lệ và cách thức thi hành pháp luật của đảng cộng sản Việt Nam. Chính những luật lệ và cách thức thi hành pháp luật này liên hệ đến dân chủ và nhân quyền. Do đó, rất quan trọng cho người dân hiểu biết rõ giá trị của hệ thống pháp luật tại Việt Nam khi so sánh với các quốc gia văn minh khác, nhất là Hoa Kỳ.
Tìm hiểu về hệ thống pháp lý và các khái niệm về nhân quyền tại Hoa Kỳ giúp người dân Việt Nam đánh giá rõ rệt và cụ thể giá trị pháp lý và nhân quyền tại Việt Nam, và do đó có một nhận thức chính xác về mức độ tôn trọng nhân quyền và các lý thuyết căn bản về pháp luật tại Việt Nam. Tuy nhiên, ta nên nhận rõ một điều rằng trên giấy tờ, NCQCS vẽ vời những điều khoản hoặc luật lệ nghe có vẻ tôn trọng nhân quyền và tự do dân chủ, nhưng trên thực tế, NCQCS đi ngược lại những gì họ vẽ vời và áp dụng bạo lực hoặc "luật rừng" để bảo vệ thể chế độc tài.
Dầu sao chăng nữa, với kiến thức rõ rệt về hệ thống pháp lý và cách thức thi hành luật tại Hoa Kỳ, người dân Việt sẽ có thể đánh giá những huênh hoang lừa bịp của NCQCS. Thí dụ, có những án lệ trong hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ khiến thế giới kinh ngạc về mức độ tôn trọng tự do ngôn luận của người dân. Điển hình là phán quyết Communist Party of Indiana v. Whitcomb (1974) (Wikipedia 2016b). Trong phán quyết này, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (TCPVHK) bênh vực Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ, một đảng tí hon hoạt động công khai trên Hoa Kỳ, phán, "một nhóm ủng hộ việc lật đổ bằng bạo lực như là một học thuyết trừu tượng thì không nhất thiết coi là ủng hộ hành động phạm pháp" ("a group advocating violent overthrow as abstract doctrine need not be regarded as necessarily advocating unlawful action.") Có bao nhiêu người dân Việt biết đến phán quyết này khi TCPVHK bênh vực kẻ thù của Hoa Kỳ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân?
C. Kết luận:
Không biết, cố tình không biết, ngu dốt, im lặng, và chối bỏ là những khái niệm căn bản trong cuộc sống xã hội, và chúng có nhiều khía cạnh liên hệ nhau. Thảo luận chi tiết về các định nghĩa, phân loại, và so sánh những khái niệm này giúp chúng ta hiểu rõ víệc xác định hoặc phân loại những lý luận, lập trường, hoặc chủ trương trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ.
Xã hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản thể hiện nhiều khía cạnh của "không biết." Người dân đa số không biết nhiều việc liên can đến cuộc sống của họ vì nhóm cầm quyền áp dụng chính sách khủng bố tinh thần qua các kỹ thuật mị dân, tuyên truyền, nhồi sọ, và tẩy não. Các kỹ thuật này thường được hỗ trợ bởi bạo lực, đàn áp, mua chuộc, và lừa đảo. "Cố tình không biết" thường xảy ra với những người mù quáng hoặc bị mua chuộc tin tưởng vào đảng cộng sản Việt Nam. "Quyết tâm ngu" hoặc "ngu quyết liệt" là hiện tượng gán cho những viên chức hoặc dư luận viên cộng sản với thái độ cực đoan của "cố tình không biết." Ngoài ra, nhóm cầm quyền vượt quá mức độ cố tình không biết qua sự "dốt hay nói chữ với ác ý," một dạng xấu xa của ngu dốt. Ngoài những hiện tượng trên, "im lặng" vả "chối bỏ" là hai hiện tượng đóng phần quan trọng không kém trong việc truyền bá kiến thức và thông tin trong dân chúng. Hai hiện tượng này thường được phản ảnh qua những lý luận hoặc lập trường về "nửa sự thật," thường được coi tệ hại hơn cả nói láo.
Một trong những hành động "dốt hay nói chữ với ác ý" của NCQCS tại Việt Nam là họ thường so sánh thể chế chính trị, tinh thần dân chủ, và nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Để hiểu rõ sự ngu dốt này và xác định mức độ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, ta nên tìm hiểu rõ về hiến pháp và hệ thống pháp lý Hoa Kỳ. Tôi hy vọng sẽ có dịp viết một loạt bài về hệ thống pháp luật và hiến pháp Hoa Kỳ, kể cả các tu chính án chính về nhân quyền. Mục đích các bài này là truyền bá kiến thức về một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống người dân trong một xã hội văn minh để giảm bớt phần nào tình trạng "không biết" trong dân Việt do chính sách ngăn cấm thông tin của NCQCS.
*
Tài Liệu Tham Khảo:
tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.
BBC Tiếng Việt. 2013. Thứ trưởng Sơn phản hồi về bài trên BBC. 1-8-2013.
(truy cập 14-5-2016).
Cao-Đắc Tuấn. 2014. Dốt hay nói chữ. 1-12-2014.
(truy cập 9-5-2016).
Cohen, Stanley. 2001. States of Denial – Knowing about atrocities and suffering. Polity Press. Malden, Masssachusetts, U.S.A.
Heffernan, Margaret. 2011. Willful Blindness. Why We Ignore the Obvious at Our Peril. Bloomsbury. New York, NY, U.S.A.
Rescher, Nicholas. 2009. Ignorance (On the Wider Implications of Deficient Knowledge). University of Pittsburgh Press. Pittsburgh, Pennsylvania, U.S.A.
Rose, Lauren. 2011. Ignorance vs. Stupidity: the Political Correctness of Accurate Labels. 2011.
http://jdstone.org/cr/files/ignorance-vs-stupidity-the-political-correctness-of-accurate-labels.html
(truy cập 8-5-2016).
Smithson, Michael J. Không rõ ngày. Social Theories of Ignorance. Không rõ ngày.
(truy cập 8-5-2016).
VOA. 2016. Ông Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam 'dân chủ thế này là cùng.' 29-1-2016.
(truy cập 20-5-2016).
Wikipedia. 2016a. Dân chủ tại Việt Nam. Thay đổi chót: 13-4-2016.
(truy cập 14-5-2016).
_________.2016b. Communist Party of Indiana v. Whitcomb. Thay đổi chót: 1-3-2016.
(truy cập 5-9-2016).
Zerubavel, Eviatar. 2006. The Elephant in the Room - Silence and Denial in Everyday Life. Oxford University Press. New York, NY., U.S.A.
© 2016 Cao-Đắc Tuấn