Nguyên Thạch (Danlambao) - Rồi mai đây Tổ Quốc Quê Hương còn hay mất? Đó là sự nhói đau trong tâm tư của từng mỗi con dân nước Việt dẫu xa xứ hay vẫn còn ở lại quê cha trong khốn khó và tràn ngập đọa đày. Hiểm họa ngoại bang Tàu cộng, nó không rùng rợn như cơn đại hồng thủy cuồng cuộn nhưng mức hủy diệt một cách tiệm tiến của nó là vô cùng khủng khiếp.
*
Thắm thoát thời gian, vậy mà cũng đã gần 6 năm tôi góp mặt nơi đây trong thôn nhà Dân Làm Báo, chia sẻ bao bài viết, bao cảm nghĩ của mình như một "còm sĩ" và điều ấy là đúng với sự thật của bản thân nhất, bởi lẽ tôi không là nhà văn, nhà thơ hoặc hơn thế là nhà bình luận.
Tôi nhận thấy tôi rõ nhất là một người con của đất mẹ Việt Nam với bao nỗi muộn phiền đau đáu cho một quê hương đầy tan thương và khổ nạn. Tôi có cùng cảm nhận nỗi đau của dân tôi cũng là nỗi đau của riêng tôi. Bởi không là vô tâm vô cảm nên trong tôi luôn hiện hữu những nét buồn nhiều hơn vui và điều ấy đã khiến tôi càng có nhiều cảm nhận hơn "cuộc đời chỉ là bể khổ".
Quả thật dòng đời như con nước qua nhanh, mới ngày nào người thì bẻ súng vứt áo bên đường để lìa bỏ nơi chôn nhao cắt rún mà ra đi trong nghẹn ngào tức tưởi, kẻ thì mới chỉ lên ba, lên năm trong tay bế tay bồng theo ba mẹ trên những chuyến hải trình đầy gian nan và nguy hiểm... mà nay thì cũng đã ở tuổi trên 40.
Những chàng trai lính hào hùng ngày nào sau thời gian trôi nỗi ở xứ người, giờ cũng đã cằn cỗi theo dòng thời gian, người mất, người còn nhưng ai cũng mang đầy nét già cỗi tâm tư mà quê xưa chốn cũ vẫn còn xa xăm biền biệt trong cõi đọa đày.
Thế hệ thứ hai đang noi bước lớp đàn anh trên con đường tranh đấu nhưng màu thời gian cũng biến tóc hoa râm mà tương lai của Đất Mẹ vẫn còn trong ngậm ngùi đau xót.
Thế hệ thứ ba được sinh ra và lớn lên ở xứ người, đã được bảo đảm cho một tương lai xán lạn yên bề nhưng hỏi rằng còn được bao nhiêu biết rành tiếng Việt? Còn bao nhiêu hướng về đất tổ để góp sức đấu tranh cho nền Dân Chủ Tự Do và Nhân Quyền mà khối dân tộc đang cầu cứu kêu gào? Tình cảm cho một quê hương xa mặt cách lòng sẽ được tồn tại bao lâu?
Lời tâm tình hôm nay, những ngày cuối cùng của 2016, tôi thành tâm nguyện cầu Thượng Đế ban sức nhiệm mầu cho quê hương đất nước tôi được an bình, chóng thoát khỏi tai ách cộng sản tàn bạo, tránh được vòng vây nô lệ.
Mong ước cho thôn nhà Dân Làm Báo được trường tồn để góp tiếng nói cùng toàn dân nội ngoại, ngày càng nhiều cây viết thổ lộ tâm tư cùng trách nhiệm kêu gọi khối lương tâm dậy nên một cuộc cách mạng cứu quốc. Cảm ơn những chiến sĩ thầm lặng của Dân Làm Báo đã hy sinh thời gian để làm ra tiền của mình mà thức trắng đêm ngày canh giữ những tên DLV len lỏi phá hoại, hy sinh tiền của cá nhân để giữ được tiếng nói chung cho đất nước và mong rằng quý ACE trong BQT xem đây là những lời ghi nhận chân thành.
Mong muốn cho quý còm sĩ, bàn bè càng vững tâm như đã từng trong suốt thời gian qua. Là một lực lượng đông đảo góp phần cho tiếng nói của mình, tôi mong rằng chúng ta hãy xem nhau như anh chị em trong một đại gia đình DLB, san sẻ cảm nhận, cùng nhau đoàn kết trong việc đánh đổ bọn DLV cố tình len lỏi vào thôn để tuyên truyền và gây ngộ nhận. Và hơn hết là chúng ta hãy bỏ qua mọi dị biệt để cùng chung con đường hướng về quê hương góp phần diệt trừ bọn cộng sản độc tài.
Rồi mai đây Tổ Quốc Quê Hương còn hay mất?. Đó là sự nhói đau trong tâm tư của từng mỗi con dân nước Việt dẫu xa xứ hay vẫn còn ở lại quê cha trong khốn khó và tràn ngập đọa đày. Hiểm họa ngoại bang Tàu cộng, nó không rùng rợn như cơn đại hồng thủy cuồng cuộn nhưng mức hủy diệt một cách tiệm tiến của nó là vô cùng khủng khiếp.
Giặc ngoại bang đã thâu tóm gần như toàn bộ guồng máy cầm quyền CSVN, Bộ Chính trị, Trung ương đảng cộng sản hầu như cúi đầu thần phục Tàu cộng vô điều kiện. Các căn cứ quân sự trá hình dưới dạng đầu tư như các công ty đã mọc lên nhiều nơi. Đặc công Tàu cộng đã hiện diện khắp nẻo cùng hẻm tận, phố Tàu đã được dựng nên ở nhiều tỉnh thành là đoàn quân thứ năm để hậu thuẫn cho sách lược Hán hóa về lâu về dài. Rồi đây hàng triệu thanh niên Tàu được ưu ái đưa sang biên giới để lấy phụ nữ Việt Nam hầu sanh con mang họ và quốc tịch của cha, rồi sẽ có những cuộc "Trưng cầu dân ý" để chính thức hợp thức hóa Việt Nam thuộc Tàu. Thanh niên Việt sẽ trở thành những lao nô, không vợ không con và sẽ chết dần mòn trong rừng sâu nước độc.
Quê hương đất nước mình buồn lắm, mà đời người thì ngắn ngủi. Vượt qua được sự tỵ hiềm ganh ghét để góp chung bàn tay trong công cuộc đấu tranh thì đó quả là những điều trân quí và cao cả.
Cuối cùng, trước thềm năm mới 2017, chúc tất cả được vạn an và thành công. Cho tôi xin được phép chuyển lời từ quí còm sĩ cảm ơn Dân Làm Báo, cảm ơn các bạn.
30.12.2016