Thương anh, thương chị - Dân Làm Báo

Thương anh, thương chị

Trịnh Kim Tiến - Anh là chồng tôi; chị là chị tôi, là mẹ đỡ đầu của tôi.

Ngày 10/10, cách đây hơn hai tháng, chị bất ngờ bị bắt và truy tố với tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước". Tôi buồn, dù tôi biết lâu nay chị vẫn luôn chuẩn bị tâm lý đón nhận ngày đó đến với mình. Chị đi tù bất ngờ, bỏ lại cho bà ngoại hai đứa con thơ. Lúc đi chị đau đớn, đau không phải vì mình bị bắt, chị đau vì họ còng tay chị đưa đi trước mặt đứa con gái đáng thương. Nó ngơ ngác trong nỗi đau xa mẹ, nó bị ám ảnh bởi hành vi của những con người độc ác. Chị đau đớn nhưng khuôn mặt vô cùng bình thản, bởi chị biết, sự đau đớn của chị không là gì so với những gì dân tộc này đang phải hứng chịu.

Một tuần, một tháng, rồi lại một tháng trôi qua, người phụ nữ đơn thân đối mặt với bóng tối nhà tù. Hai đứa con chị tập dần với cuộc sống không có mẹ ở bên. Những đêm thằng bé 4 tuổi khóc ngặt nghẽo cả đêm để đòi mẹ nó là những đêm đứa con gái 10 tuổi của chị trùm chăn trong nước mắt. Dù chúng nó có đáng thương bao nhiêu thì cũng không có tổ chức, đoàn hội Nhà nước nào lên tiếng bảo vệ. Chỉ có những con người thấp cổ bé họng đang ngày ngày kêu cầu công lý cho nhau.

Cái mà họ gọi là tuyên truyền, là chống phá ấy, nó đơn thuần là sự lên tiếng của người dân, là sự cương trực không cúi đầu trước bạo quyền. Là những lần bỏ công bỏ việc phản đối sự bành trướng của Trung Quốc, là những khi cắn răng chịu đánh chịu đau để hướng dẫn người dân bước đi trên con đường pháp lý, là những bài viết yêu cầu Nhà nước phải bảo vệ dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn biển đảo trước sự phá hoại của ngoại bang, của các tập đoàn phi nhân tính. Sự đòi hỏi chính đáng của công dân, yêu cầu trách nhiệm của nhà chức trách trước những thảm họa của dân tộc bị quy kết là chống phá, là xâm hại lợi ích quốc gia.

Chị tôi bị bắt chưa được ba tháng thì đến lượt chồng tôi gặp nạn. Mặc dù anh chưa có án, chưa bị truy tố trong hôm nay nhưng ngày mai thì chưa ai biết được. Nếu chị lựa chọn cách công khai trên mạng xã hội thì chồng tôi lại quyết định hoạt động trong âm thầm. Bởi công việc của chồng tôi là chia sẻ sự trải nghiệm của bản thân, hỗ trợ, làm cầu nối để các chuyên gia hướng dẫn kiến thức nền tảng cho những anh chị em muốn dấn thân thay đổi và phát triển đất nước. Công việc ấy không những không được nhà cầm quyền hoan nghênh mà còn bị ngăn chặn, phá hoại nhiều lần. Chồng tôi đã từng công khai hoạt động và đã từng bị phá hoại không thương tiếc, cuối cùng anh quyết định im lặng, âm thầm mở lớp học cho mọi người để khơi dậy những giá trị của tri thức đang bị bào mòn trong xã hội Việt. Vì một Việt Nam cường thịnh, phải thay đổi. Thay đổi bằng con đường nào để đất nước không rơi vào đau thương phẫn nộ là điều mà anh luôn trăn trở. Sự đau đáu của anh về tương lai của dân tộc đã khiến anh bị hành hung một cách man rợ trong đêm 26/12 vừa qua và có thể tiếp tục bị bức hại trong thời gian sắp tới.

Người tôi mềm nhũn, nặng nề trong suy nghĩ và đầu óc thì trống rỗng khi biết chồng mình bị dí súng vào đầu, bị bắt đi trong khi tôi không ở bên anh. Đó là cảm xúc tự nhiên của một người vợ, nhưng thứ tâm trạng này chỉ chiếm lĩnh được con người tôi trong một buổi tối. Tôi trấn tĩnh mình phải mạnh mẽ lên, phải hiểu rằng, muốn làm chuyện tốt đẹp ở xã hội này thì phải trả giá. Đã nhiều người hy sinh cho tiếng nói của họ và tôi phải chấp nhận điều đó, bởi đó là quyết định của chồng mình và cũng là sự lựa chọn của chính tôi. Rồi tôi chẳng còn coi là quan trọng nữa chuyện họ bắt hay không bắt chồng mình. Họ bắt nhốt được thể xác nhưng không thể giam cầm được ý chí tự do của một con người. Trong một xã hội độc tài thì nhà tù chính là nơi ở của người công chính. Điều tôi cần làm là phải đứng thẳng người lên, đương đầu với những bất công đang diễn ra với anh, với chị.

Anh Thành, chị Quỳnh, em yêu hai người thật nhiều.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo