Con đường tựu nghĩa - Dân Làm Báo

Con đường tựu nghĩa

Trần Thảo (Danlambao) - Năm 1985 trong một chương trình Đại Nhạc Hội Tân Niên, tôi được giao phụ trách xây dựng một vở kịch thơ. Thời gian đó, chưa có phương tiện internet tiện lợi như bây giờ, và trong tay tôi cũng không có một tài liệu nào về kịch thơ để tham khảo. Nhưng tôi nhớ ngày xưa, tôi có dịp đọc vỡ kịch thơ Hận Tam Quan của nhà thơ Hoàng Cầm và vở kịch thơ Nguyễn Trải của nhà thơ Trúc Đường Nguyễn Mạnh Phác, người anh ruột của nhà thơ Nguyễn Bính. Trong vở Hận Nam Quan, như tựa đề của nó, chủ ý diễn tả phút tiễn biệt đầy bi thống và hào hùng của Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Khanh. Còn trong vở Nguyễn Trãi của Trúc Đường thì không gian và thời gian rộng rãi hơn, diễn tả cuộc đời hoạt động của Nguyễn Trãi từ lúc tiễn cha đi và trở về bị quân Minh giam lỏng ở thành Đông Quan, sau đó được Đặng Dung đem gươm báu đến tặng và mời ra giúp khôi phục triều đại nhà Trần, nhưng ông đã viện cớ để từ chối vì thấy thời đại của Trần triều đã chấm dứt. 

Khi bắt được liên lạc với nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã tìm về Lỗi Giang để tụ nghĩa, ông tham mưu cho Lê Lợi cho tới khi giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Từ đó, tôi nghĩ tại sao mình không cố gắng kết nối những tình tiết của hai vở kịch thơ nói trên để viết một vở kịch thơ với nội dung nêu cao tinh thần yêu nước của tiền nhân. Thế là tôi không ngại khả năng hạn hẹp của mình, viết vở kịch thơ với tựa đề Con đường tựu nghĩa. Vở kịch thơ CĐTN dĩ nhiên cũng được viết về nhân vật Nguyễn Trãi, người đã tham mưu cho Lê Lợi trong mười năm trường kỳ kháng chiến chống quân Minh, bắt đầu từ năm 1418 và cuối cùng giành thắng lợi quyết định vào năm 1428. Nhưng điều khác biệt trong Con Đường Tựu Nghĩa so với vở Hận Nam Quan của nhà thơ Hoàng Cầm và vở Nguyễn Trãi của Trúc Đường là tôi hư cấu một nhân vật Việt Nữ thay cho Nguyễn Thị Lộ, và lược bỏ những chi tiết mà khả năng của tôi không thể nào bao sân được, chỉ chú trọng đến phần Nguyễn Phi Khanh căn dặn con trai Nguyễn Trãi, chớ học thói nhi nữ thường tình, mà hãy về nuôi chí lớn, cứu nước nhà thoát vòng nô lệ bắc phương. Tôi đặc biệt chú trọng đến phần Nguyễn Trãi tìm gặp Lê Lợi để dâng lên kế sách phá giặc.

Các bạn thân mến.

Đất nước Việt Nam của chúng ta đang có nguy cơ lọt vào tay giặc thù phương bắc, hoặc là chiếm trọn Việt Nam hoặc là đặt ách thống trị qua một tập đoàn cộng sản bù nhìn. Tôi gửi đến các bạn nội dung vỡ kịch thơ này như gửi một tấm lòng. Hãy noi theo gương sáng của tiền nhân, cùng nhau gìn giữ lấy giang sơn gấm vóc mà cha ông ta đã hy sinh bao máu xương để gầy dựng. Không có đóng góp nào là nhỏ, chỉ có sự vô cảm, thản nhiên trước nguy cơ mất nước, dân tộc chìm đắm trong vòng nô lệ, mới là nỗi tiếc hận ngàn đời.

Vào năm 1408, khi cha của Nguyễn Trãi, ông Nguyễn Phi Khanh, bị giặc Minh bắt giải về Tàu, Nguyễn Trãi quay về định kế phá giặc, rửa nhục cho nước, rửa hờn cho cha. Trong hơn mười năm trời bị giặc Minh giam lỏng ở thành Đông Quan, Nguyễn Trãi đã nghiên cứu và tổng hợp những kinh nghiệm đấu tranh của dân tộc để viết nên tập Bình Ngô Sách. Biết Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đóng căn cứ ở Lỗi Giang, Nguyễn Trãi tìm đến dâng kế phá giặc. Lê Lợi nghe được lấy làm mừng, dùng ông làm Tham Mưu, cùng lo việc lớn. Nguyễn Trãi chẳng những là một nhà chính trị lỗi lạc, ông còn là một nhà quân sự thiên tài, đã góp đại công vào chiến thắng lẫy lừng của dân tộc trong mười năm kháng chiến chống quân Minh,giành lại nền độc lập cho nước nhà vào năm 1428.

Cuộc đời của Ức Trai Nguyễn Trãi đã để lại cho chúng ta tấm gương sáng vằng vặc của tinh thần vì nước vì dân, rất xứng đáng với lời ngợi khen của Vua Lê Thánh Tông: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tạo", có nghĩa là tấm lòng của Ức Trai sáng như sao Khuê.

Các bạn thân mến.

Kịch bản Con đường tựu nghĩa ghi lại những tao ngộ của Nguyễn Trãi vào thời gian trước và sau khi ông tìm đến Lỗi Giang để phò Lê Lợi. 

Kịch bản được chia làm hai màn, hai cảnh.

MÀN MỘT, CẢNH MỘT

Địa điểm: Tại một quán nước bên đường, xa xa ẩn trong sương mù là Ải Nam Quan, vùng địa đầu giới tuyến giữa hai nước Hoa Việt, Cô hàng đang lau chùi bàn ghế, chốc chốc lại ngẩng đầu nhìn về phương xa. Trời đã về chiều, ráng non đoài, đỏ bầm như máu.

Cô hàng:

Đây Nam Quan, bóng trời chiều bãng lãng
Ráng non đoài hừng hực mối thù chung
Tím thịt bầm da, non nước Vua Hùng
Đang quằn quại trong bàn tay quân dữ
Quốc phá gia vong, dẫu thân nhi nữ
Cũng quyết lòng phụ vận hội trung hưng
Nối gót tiền nhân, gương sáng Triệu Trưng
Cân quắc nữ nhi, diệt thù cứu quốc.

Ngay lúc đó Nguyễn Trãi đang trên đường đi tiễn cha, ngang qua quán, ông bỗng nghe tiếng ngâm thơ đầy khí khái của cô hàng, Nguyễn Trãi dừng chân và cất tiếng khen.

Nguyễn Trãi:

Cao quý thay, Cao quý thay,
Đời Đông Hán hơn ngàn năm về trước
Núi chuyển, sông gầm, trống giục đất Mê Linh
Nợ nước, thù nhà nương tử tiến binh
Làm tan tác sáu mươi lăm thành của đoàn quân xâm lược
Nay cô nương muốn noi gương người trước
Quả thật phi thường, nam tử sánh đâu?
Duyên hạnh ngộ, vốn quân tử nan cầu
Vậy, chẳng hay quê quán, phương danh?
Kẻ này xin thỉnh giáo.

Cô hàng:

Thưa tiên sinh,
Thiếp nguyên quán Tây Hồ, Việt Nữ là tên
Theo bút nghiên, biết dăm chữ làm nền
Đâu dám nhận lời tiên sinh khen tặng
Còn tiên sinh?
Trông vẻ người tài hoa tuấn nhã
Phải việc gì mà rong ruỗi đường xa?
Có biết chăng cạm bẫy khắp sơn hà
Bầy quân dữ vốn phường vô đạo.

Nguyễn Trãi:

Vẫn biết thế, nhưng ta Nguyễn Trãi
Có khi nào sợ hãi trước hùm beo
Để tiễn cha, quyết vượt suối băng đèo
Dẫu có chết, cũng làm thân hiếu tử.

Cô hàng:

Ồ, thì ra là Ức Trai Tiên Sinh Nguyễn Trãi
Thuở đầu xanh từng phóng bút thơ đề
Chí lớn tài cao, lỗi lạc khắp sơn khê
Thiếp gặp đây, thực ngàn lần vạn hạnh.

Nguyễn Trãi:

Đừng nói thế nàng ơi, đừng nói thế
Lửa cháy non sông, vùi thân bá tánh
Ta đứng nhìn để thẹn chữ kinh luân
Cơn gia biến, cha già phải ách gian truân
Không gánh vác, ta làm con lỗi đạo.

Cô hàng:

Mong Tiên Sinh chớ buông lời ảo nảo
Đã làm người đâu khỏi tiết gian nan
Đấng trượng phu,tùy ngộ nhi an
Đem tài trí ra giúp đời giúp nước
Công lao ấy lệnh nghiêm đường biết được
Hẳn hài lòng mãn nguyện chốn lao lung.

Nguyễn Trãi:

Đa tạ lời nàng chỉ giáo
Chỉ sợ Trãi này trí thấp tài sơ
Đường còn xa, ải bắc sương mờ
Xin bái biệt cùng nàng, hẹn ngày tái ngộ.

Nguyễn Trãi quay mình định bước đi, thì ngay lúc đó một toán quân Minh áp giải một tù nhân dừng lại trước quán. Tù nhân mang gông và xích xiềng nơi cổ, dáng dấp tiều tụy. Nguyễn Trãi nhìn kỹ, rõ ràng là cha mình, ông chạy vụt lại, định quỳ lạy cha thì một tên quân Minh xô ông ngả nhào, hét lớn: Dang ra. Tên chỉ huy thấy dáng vẻ thư sinh của Nguyễn Trãi bèn khoát tay:

Mặc kệ nó, đồ thư sinh trói gà không chặt
Chẳng gan nào dám động đến quan binh
Hãy vào đây, cùng cô quán hữu tình
Uống dăm chén giải lao rồi lên đường tiếp tục.

Nguyễn Trãi quỳ lạy cha

Nguyễn Trãi:

Lạy cha, tội con đáng muôn thác
Để cha già phải chịu ách lao lung
Đất lạ xứ người cơ hiểm trùng trùng
Xin cha cho con được theo bên mình
Để sớm hôm hầu hạ

Nguyễn Phi Khanh:

Hừ, Mi là thằng nghịch tử
Học thói đời khóc lóc than van
Nguyễn Phi Khanh này thiết thạch trung can
Đâu có đứa con như mi, một phường yếu đuối
Gặp lúc nhiễu nhương trăm đường tăm tối
Đạo làm người, trung nghĩa để đâu?
Về đi con, hãy về đi
Lấy giang sơn tổ quốc làm đầu
Mài bút thành gươm, cứu đời, cứu nước
Đừng học thói cô đầu khiếp nhược
Dẫu giông bão thế nào,
Cũng gắng làm thân tùng thân bách nghe không.

Nguyễn Trãi:

Lạy cha,
Con xin cúi đầu nghe lời cha dạy
Nhưng....

Nguyễn Phi Khanh:

Còn chần chờ gì nữa nhỉ?
Tận trung là tận hiếu
Hãy về đi mà cứu lấy giang sơn
Đừng để cha phải nhắm mắt ngậm hờn
Và dân tộc phải chìm trong tăm tối
Có chính nghĩa soi đường con đi tới
Có triệu lòng chờ tiếng gọi bình Ngô.
Lấy thế nhân dân làm sức mạnh xô bờ
Lấy nhân nghĩa làm châm ngôn đại định
Ngày mai đây, bốn phương trời yên tĩnh
Cha mỉm cười với giấc ngủ ngàn thu.

Sau đó quân Minh tiếp tục giải Nguyễn Phi Khanh về phía bên kia biên giới,Nguyễn Trãi đứng nhìn theo uất nghẹn

Nguyễn Trãi:

Lạy cha. ơn nghĩa sinh thành nói sao cho hết được
Chỉ dặn lòng khắc cốt ghi tâm
Phút chia tay đau đớn âm thầm
Lời cha dặn, trọn đời con ghi nhớ
Con sẽ sống, sẽ góp từng hơi thở
Mài bút thành gươm cứu nước cứu đời.

Từ nãy giờ cô hàng lắng nghe câu chuyện giữa cha con Nguyễn Trãi, cô rất khâm phục khí phách của Nguyễn Phi Khanh, và thầm mừng rằng Nguyễn Trãi đã hạ quyết tâm cứu nước.

Cô hàng:

Tiên Sinh thấy ra rồi, Tiên Sinh thấy ra rồi
Tiện thiếp thực muôn vàn kính phục
Đất nước lâm nguy, mịt mù cơn quốc nhục
Đạo làm người việc lớn phải lo toan
Có lý đâu riêng tính chuyện bình an
Mà khoanh tay mặc giòng đời trôi chảy
Hãy đứng lên như Trường Sơn vững chải
Đem trí tài mở rộng chuyển càn khôn
Thì dù trải mật phơi gan
Thiếp xin nguyện gánh giang san cùng chàng.

Nguyễn Trãi:

Xin cảm tạ ơn nàng tri kỷ
Chuyện nước nhà phải nghĩ cho sâu
Đổi thay mấy cuộc bể dâu
Nhân tài tuấn kiệt biết đâu mà tìm?
Có minh chủ để kìm tay lái
Cuộc trường kỳ nào phải đôi năm
Trãi tôi lo lắng âm thầm
Tìm đâu ra bậc hữu tâm anh hùng.

Cô hàng:

Thưa tiên sinh,
Thiếp xin phép được đôi lời tiến dẫn
Trộm nghe, có Lê Lợi anh hùng khí tiết
Hội Lũng Nhai hào kiệt kết đoàn
Cùng nhau việc lớn lo toan
Lam Sơn tựu nghĩa lòng son sáng ngời.

Nguyễn Trãi:

Thật thế ư, thật thế ư
Bấy lâu nay,nhân cơn gia biến
Đâu để lòng biết chuyện đấu tranh
Ơn nàng chỉ rõ ngọn ngành
Tôi sẽ về đất hùng anh hợp quần
Đường đi dẫu gian truân nguy khó
Lòng quyết tâm vượt khổ cứu đời
Thoáng chốc đã quá đôi mươi
Ơn non nghĩa nước mộng người Ức Trai.
Thôi, chiều đã xuống khắp núi rừng biên ải
Xin bái biệt cùng nàng, hẹn gặp lại sau

Cô hàng:

Vâng, thiếp mong chàng lên đường cẩn trọng.

Nguyễn Trãi quay mình bước đi, cô hàng đứng nhìn theo, miệng thoáng nụ cười nhưng mắt buồn xa xôi.

Cô hàng:

Dấn bước lên đường thỏa chí trai
Lam Sơn linh địa tụ anh tài
Chỉ ngang ngọn giáo mười phương tĩnh
Phất ngọn cờ vàng giặc khiếp oai.

Màn từ từ khép, hết màn một.

MÀN HAI CẢNH HAI

Nguyễn Trãi quay về và bị quân Minh giam lỏng ở Đông Quan gần mười năm trời. Suốt trong thời gian này ông dồn hết tâm ý, thanh lọc và tổng hợp những kinh nghiệm đấu tranh của dân tộc để viết nên tập Bình Ngô Sách. Sau đó Nguyễn Trãi tìm đến Lỗi Giang, gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Vì ông thay đổi họ tên nên Lê Lợi không biết, chỉ dùng ông vào việc sổ sách ở một trạm liên lạc. Nguyễn Trãi vừa làm việc, vừa viết cho hết chương cuối của tập sách.Sau có người mách, Lê Lợi biết và tìm đến.

Địa điểm: trong một căn phòng được bài trí đơn giản, Nguyễn Trãi đang ngồi viết sách thì Lê Lợi và hai nghĩa quân Lam Sơn bước vào.

Lê Lợi:

Ức Trai Tiên Sinh!
Ức Trai Tiên Sinh!
Đã mấy tháng nay, 
Đứng trước Thái Sơn mà chẳng biết
Quả Lợi này có mắt như không.
Bậc hiền giả hẳn rộng rãi tấm lòng
Xin lượng thứ kẻ này vô tình không hỏi.
Vẫn thường nghe danh rền bốn cõi
Tài văn chương lừng lẫy một thời
Hôm nay được diện kiến cùng người
Thật chẳng khác gặp cơn mưa rào giữa trời nắng hạ.

Nguyễn Trãi vội vã đứng lên làm lễ cùng Lê Lợi

Nguyễn Trãi:

Xin tạ ơn Chúa công khen thưởng
Thật ra Trãi này vốn trí thấp tài sơ
Về Lam Sơn làm sĩ tốt dưới cờ
Được tựu nghĩa đã là điều vạn hạnh
Từ buổi đầu, giấu che danh tánh
Chúa công rộng lòng không chấp đã là may.

Lê Lợi:

Sao tiên sinh lại nói thế?
Giữa lúc tuấn kiệt như sao buổi sáng
Nhân tài như lá mùa thu
Lợi tôi có khi nào dùng người không đúng chổ
Vì mãi đợi Tiên Sinh
Lợi này vẫn thường quên ăn quên ngủ
Chiếc ghế tham mưu vắng mặt kẻ hiền tài.

Nguyễn Trãi:

Xin tạ ơn Chúa công coi trọng
Đây tập sách Bình Ngô
Mười năm trời dụng tâm suy nghĩ
Chương cuối cùng cũng chỉ vừa xong
Kính dâng lên, để Chúa công
Suy xét phân minh, rộng lòng chỉ bảo.

Lê Lợi đón lấy, đọc vài trang đầu, đoạn thốt:

Giữa lúc bốn phương mịt mù tăm tối
Lợi tôi có sách này
Chẳng khác nào gặp được ánh trăng thanh
Nhìn vào đại cuộc đấu tranh
Xin Tiên Sinh cho mấy lời chỉ giáo.

Nguyễn Trãi:

Thưa Chúa công cùng các vị hào kiệt
Xưa nay, đánh giặc ai không dùng vũ khí
Nhưng có vũ khí nào bằng sức mạnh toàn dân
Thế nên, muốn đại cuộc công thành
Phải vận động toàn dân tham gia chiến đấu.
Muốn thu phục nhân tâm,
Phải lấy điều nhân nghĩa làm đầu.
Trong trường kỳ chiến đấu dài lâu
Ta phải đấu tranh bằng sách lược tiêu hao toàn diện
Trãi tôi vừa nêu lên đôi lời thô thiển
Mong Chúc công và các vị anh hùng suy xét.

Lê Lợi:

Thật hợp ý ta, thật hợp ý ta
Muốn đại cuộc công thành
Phải lấy sức toàn dân làm chính
Muốn thu phục nhân tâm
Phải lấy điều nhân nghĩa làm đầu
Phen này dù phải chiến đấu dài lâu
Ta vững tin vào sách lược tiêu hao toàn diện.

Ngừng một lát, Lê Lợi rút gươm lệnh giương cao, bên cạnh là Nguyễn Trãi, phía sau là hai tráng sĩ Lam Sơn, Lê Lợi tuyên thề:

Hôm nay, trước anh linh tổ tiên,
Trước hồn thiêng sông núi
Lợi tôi xin thề:
Nguyện cùng huynh đệ Lam Sơn
Trên dưới một lòng, keo sơn gắn bó
Dù phải nằm gai nếm mật,
Quyết giương cao ngọn cờ cứu quốc.
Ta lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo
Đuổi loài cướp nước ra xa bờ cõi
Đem thanh bình về cho tổ quốc thân yêu.

Màn từ từ kéo.

The end.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo