What's on your mind? - Dân Làm Báo

What's on your mind?

Trần Thảo (Danlambao) - Mỗi ngày lên Facebook tôi đều gặp câu hỏi này trong phần bắt đầu của Status. Tôi cũng không hề bận tâm đến nó, dù biết là câu hỏi ấy luôn hiện hữu ở đó. Cho tới sáng nay, câu hỏi ấy đập vào mắt tôi với độ xoáy càng lúc càng sâu, khiến tôi có chút giật mình ngơ ngác!

Ừ nhỉ, tôi đang nghĩ cái quái gì trong đầu mình thế? Năm mới 2017 đã bắt đầu, thời gian trôi qua vùn vụt, mà cuộc sống cá nhân của mình vẫn lẩn quẩn trong tình trạng "không gì mới", và đất nước quê hương Việt Nam kia cũng ở trong trạng thái ù lì với những biểu hiện càng ngày càng xuống cấp một cách thê thảm, nguy cơ bị hán hóa bởi giặc thù phương bắc giờ đã quá lộ rõ. Tôi và các bạn có thể làm được gì? Một cá nhân, hay một nhóm nhiệt tâm với đất nước có thể làm được gì khi đứng trước cái đống rác quá lớn, mỗi lúc càng thúi hơn, tích tụ gần một thế kỷ kể từ khi HCM và đồng bọn đem cái chủ nghĩa ngoại lai, không tưởng, man rợ về áp đặt lên đầu lên cổ của dân tộc Việt Nam?

Tôi tham gia viết bài trên trang cá nhân của mình và các trang mạng bởi lòng tôi thôi thúc như thế, chứ tôi tự biết khả năng của mình tới đâu! Nói dễ nghe, tôi là một cây viết tài tử, nói vỗ mặt thì tôi đích thị là một cây viết ba chớp ba nháng. Một người viết chuyên nghiệp và cẩn trọng, để viết một đề tài họ thường nghiên cứu, đào sâu rất kỹ, tìm mọi cách diễn đạt trong sáng, chú thích nguồn trích dẫn đâu ra đó. Tôi thì không có cái phẩm chất đó. Tôi kiến thức hạn hẹp, đụng đâu viết đó. Một ý tưởng thoáng qua, tôi lục lại trong đầu óc mình xem có những sự kiện nào liên quan mà mình từng đọc, lôi chúng ra để hỗ trợ cho ý nghĩa chủ đạo của bài viết. Đôi khi tôi cũng làm biếng lục Google để xác nhận trí nhớ lù mù của mình. Vì khả năng của tôi chỉ chừng đó, thế nên mong các bạn thứ lỗi khi gặp những thiếu sót hay lỗi lầm trong những bài viết của tôi. Tôi chân thành cảm tạ.

Hôm nay tôi muốn gửi đến các bạn bài viết này, mà cá nhân tôi, thú thực cũng không tin là mình có thể hoàn tất, bởi phạm trù của nó quá lớn, quá rộng. Một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, tôi nghĩ, ông ta cũng sẽ ngán ngẩm khi có dự định viết về nó, huống hồ gì một tên " ba chớp ba nháng " như tôi. Nhưng tôi vẫn cứ viết, bởi tôi luôn quan niệm hãy cứ để tấm lòng của mình dẫn dắt, đưa tâm trí của tôi đến với các bạn. Biết đâu cùng với nhau, chúng ta có thể khai mở ra một cái nhìn tốt cho quê hương đất nước thì sao, phải vậy không các bạn? 

Như đã viết ở phần trên, đất nước Việt Nam trong chế độ CSVN hiện nay cũng giống như một đống rác thúi tổ chảng mà, nếu dân tộc ta có cơ may dọn dẹp nó trong đầu thế kỷ này, thì cái hệ lụy của nó sẽ kéo dài trong mấy mươi năm để giải quyết, còn nếu dân tộc ta bất hạnh, vẫn cứ để cho đống rác đó càng ngày càng lớn, thì cái họa mất nước, dân tộc chìm đắm trong nô lệ Tàu cộng, mãi mãi tiêu tán là điều không thể nào tránh khỏi.

Trong bài viết "Phải làm gì?", tôi góp tiếng với BS Nguyễn Đan Quế và KS Đỗ Nam Hải khi đặt vấn đề vượt qua sợ hãi. Đây là yếu tố quan yếu để khởi đầu một cuộc hành trình còn nhiều gian nan trước mắt. Nhưng không còn sợ hãi, rồi chúng ta sẽ làm gì? Làm thế nào để quy tụ được sức mạnh của dân tộc, và tổ chức sức mạnh đó đi vào đấu tranh thực tế với thế lực cộng sản phi nhân?
Các bạn thân mến.

Bao nhiêu năm sống trong chế độ CSVN, cái cơ chế ma quỷ đó đã khiến cho lòng người Việt Nam ly tán, đạo đức lương thiện dần xa rời trong từng quan hệ giữa con người với nhau, thay vào đó là thái độ thủ mình, nghi kỵ, không dễ trao niềm tin cho ai. Đây chính là thủ đoạn của CSVN gây cho kỷ cương, tình cảm con người trở thành như thế. Có như vậy chúng mới dễ kéo dài ách thống trị tàn bạo trên đầu cổ của người dân chúng ta. Nếu đa số nhân dân, khi đã nhìn rõ cơ nguy mất nước của dân tộc, biết rằng không đứng lên thì sẽ có ngày lạc mất căn cước Việt Nam, tự mình can đảm, vượt qua nỗi sợ hãi từng ám ảnh bao nhiêu năm, thì vấn nạn tiếp theo, làm sao tạo dựng niềm tin giữa người với người, lấy đoàn kết làm sức mạnh, lúc đó, sẽ là yếu tố quyết định thắng thua trong cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa và gian tà.

Chúng ta phải làm gì trong lúc đó? 

Tôi tạm chia xã hội Việt Nam, trong nước và cả hải ngoại, ra làm NĂM thành phần. Thành phần số 1 là tập đoàn thống trị CSVN, hay nói khác đi chính là Bộ Chính Trị và Trung ương đảng CSVN. Thành phần thứ 2 là những đảng viên, cán bộ ăn theo với quyền lợi của đảng. Thành phần thứ 3 là những đảng viên CS thức tỉnh, nhìn thấy con đường XHCN và CSCN là hoang tưởng, và thấy rõ bộ mặt thật tồi bại của đảng. Thành phần thứ 4 là quần chúng nhân dân nói chung. Thành phần thứ 5 chính là chúng ta, có thể ở trong nước và có thể ở hải ngoại, là những con người đã quá rõ bộ mặt chuột của HCM và bè lũ cộng sản, chỉ thẳng mặt chúng và tố cáo chúng chính là thủ phạm đã gây ra bao tội ác ghê gớm cho dân tộc, đẩy đất nước vào vũng lầy nhầy nhụa hôm nay.

Thành phần số 1:

Cộng sản ở bất cứ đâu trên thế giới này, đều có một điểm chung, đó là gian trá và xảo quyệt. Dù là CS Tàu, CS Cuba, CS Bắc Hàn, CS Nga, CS Việt Nam, tất cả đều giấu mặt khi lực lượng còn non kém. Dưới chiêu bài tranh đấu vì bất công xã hội, chúng thuyết phục người dân bản xứ rằng mâu thuẩn bất công trong xã hội là do giai cấp tư bản thống trị gây ra, và tuyên truyền cho người dân về một xã hội công bằng, người không bóc lột người, rồi mơ mộng tăng lên đỉnh điểm về cái ảo tưởng thiên đường CSCN, ở đó con người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu. Tới khi nắm quyền bính trong tay, chúng coi những người dân ngày nào thậm thụt cung cấp gạo mắm thuốc men nuôi dưỡng cán bộ như những kẻ thù, phủi sạch mọi quan hệ và sẵn sàng phóng tay tàn sát, đưa "đối tượng mà ngày nào chúng ra sức tranh thủ" ra nghĩa địa nằm cho chúng rảnh tay cai trị. Từ Mao Trạch Đông, Fidel Castro, Kim Nhật Thành, Stalin, Hồ Chí Minh v.v. và bao nhiêu tên nữa, tất cả đều như thế. Hãy đọc tư liệu về Mao Trạch Đông trong tác phẩm Bí Mật Cuộc Đời Mao Trạch Đông của Bác Sĩ Lý Phục Huy, là Bác Sĩ riêng của Mao. Hãy tìm đọc tác phẩm The Double Life of Fidel Castro. My 17 Years As Personal Bodyguard to El Lider Maximo của tác giả Juan Reinaldo Sanchez. Hãy tìm đọc những tư liệu tràn đầy trên mạng về những tên ác thú Bắc Hàn. Còn về Hồ Chí Minh, kẻ cho tới giờ mà chế độ CSVN, mặc cho người dân đói nghèo như rơm rạ, vẫn sẵn sàng bỏ ra hằng ngàn tỷ đồng để dựng tượng khắp nơi, hắn có khác gì với Mao, với Stalin, Fidel Castro, Kim Nhật Thành, Kim Young Un? Chỉ có mắt mù tai điếc, lương tri thui chột mới không thấy được cái tham vọng thống trị quyền lực và hưởng đời sống vật chất sung sướng của những tên trùm cộng sản. Mới đây, khi Fidel Castro chết, CSVN còn tổ chức quốc tang, mợ Kim Ngân còn thay mặt " đảng và nhân dân VN ", nhét chữ vô mồm dân, chia buồn ì xèo. Điều đó có thể hiểu được vì bao giờ cũng vậy, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nhưng người được coi là một nhà văn có văn phong hàn lâm như bà Phạm Thị Hoài lại viết bài "Ông Già và Chủ Nghĩa Xã Hội Huyền Ảo", trong đó ca ngợi Fidel Castro như một người nghệ sĩ với những liên hệ văn học, với tài năng thiên phú, bà cũng không quên nhét mấy câu thơ vuốt đuôi của Lê Đạt "Mây trắng đền Hùng, râu bác ung dung" và bức tranh Tô Ngọc Vân vẽ HCM để tụng hô thằng già mất nết, dâm tặc, điều đó thì quả là không thể nào hiểu nổi.

Tôi lan man như thế không phải là đi xa chủ đề, tôi chỉ muốn nói một điều là bản chất của cái lũ quỷ CS là không có gì phải nghi ngờ. Dù là HCM hay Nguyễn Phú Trọng, hai thế hệ khác nhau, nhưng chúng chính là những đứa không bao giờ biết nghĩ đến quyền lợi tối thượng của dân tộc, đất nước. Chúng chỉ biết say mê quyền lực và bảo vệ chiếc ghế của chúng, bảo vệ sự sống của đảng.

Thành phần số 2:

Thành phần này khá đông. Với con số hơn 4 triệu đảng viên cộng sản hiện nay, với thân tộc bà con của chúng, con số người ăn theo với sinh mệnh của đảng phải lên tới vài chục triệu người. 

Bạn ở Sài Gòn hay những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, hẳn thấy hiện nay những vị trí béo bở nơi cơ quan, xí nghiệp toàn là do đảng viên nắm, chuyện đó dĩ nhiên rồi, nhưng để ý sẽ thấy trong những thị thành, ở những vị trí, địa điểm thuận lợi có thể hái ra tiền hiện nay đều do bà con dòng họ của cán bộ đảng viên, đặc biệt là người miền bắc, nắm giữ. Thành phần ăn theo với đảng này, dù trời có gầm thì họ cũng giữ chặc vị trí và quyền lợi đang có, không bao giờ họ chịu mất đảng để nhả bỏ quyền lợi, và họ chính là những hòn đá tảng, ngăn trở tiến trình thay đổi đất nước. Điều đó không có gì phải nghi ngờ.

Thành phần số 3:

Thành phần này không biết phải gọi họ bằng cái tên gì cho chính xác. Nếu nói họ là phản tỉnh thì không đúng hẳn. Bởi khi đã dùng chữ phản tỉnh, thì họ phải đoạn tuyệt với quá khứ, và bản thân hướng về một tương lai với những suy nghĩ và ước vọng hoàn toàn mới mới phải! Nhưng nếu bạn nghe nhà thơ Bùi Minh Quốc ca ngợi khoảng thời gian hoạt động ngày trước trong tinh thần mà ông gọi là của "Người cộng sản chân chính", hay bạn nghe bà Kim Chi tự hào về "Khoảng đời thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc" thì bạn hiểu tôi đang nói tới điều gì. Thành phần số 3 rất phức tạp, tôi tin rằng những người như ông Bùi Tín, Tống Văn Công, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Thanh Giang v.v... dù mỗi ông có hoàn cảnh cá nhân khác biệt, nhưng họ đều đã ngán ngẩm chế độ CSVN, hoàn toàn không tin tưởng ở đảng nữa, nhưng cái ràng buộc với quá khứ như thắt gút trong lòng họ, họ không cởi bỏ được, khiến cho người ta nhìn vào, như nhìn vào một mớ bòng bong, làm sao có thể tin tưởng là họ thực sự đã chuyển hướng? Đó là tôi nói chung thôi, bởi vì không thể tách rời từng cá nhân trong thành phần này để nói, nó sẽ quá dong dài. Tôi đơn cử vài thí dụ để các bạn thấy rõ. Như Nhạc Sĩ Tô Hải, ông viết Hồi Ký Của Một Thằng Hèn, đây là thái độ rất dứt khoát để ta có thể thấy được con người của ông. Ông Tống Văn Công, trong hồi ký Đến già mới chợt tỉnh, ông có viết một câu "Vì đọc sách... nên đã khiến tôi ngu lâu". Tôi rất tán thưởng câu nói này, nó cho ta thấy thái độ đoạn tuyệt quá khứ của ông. Riêng ông Nguyễn Thanh Giang, người mà tôi đánh giá khá cao, nhưng khi ông đề nghị "Nếu không có người nào tốt thì thay thế Nguyễn Phú Trọng bằng Đinh Thế Huynh hay Trần Đại Quang cũng được" thì tôi lại thấy rất buồn cười. Đây là lời đề nghị của một người đang lẩn quẩn trong mê trận, không chọn cửa NPT được, đành chọn đỡ cửa ĐTH hay TĐQ, cũng giống như người khát nước mà lại dùng nước biển để đỡ cơn khát.

Đó là chưa kể tới một số nhân vật khác, cũng không còn tin tưởng ở đảng nữa, nhưng họ lại tệ hơn những nhân vật tôi vừa kể ở trên. Những nhân vật tôi kể trên, rất khác nhau, nhưng ít ra họ không còn mơ mộng về chuyện đảng sẽ thay đổi cho tốt hơn. Nhưng những ông như Giáo sư Tương Lai, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, ông Nguyễn Trung (phụ tá của ông Võ Văn Kiệt trước đây), và cả ông Bùi Tín, vào giai đoạn mới thoát ra hải ngoại, tất cả đều có một điểm chung, đó là thi nhau viết kiến nghị, đề nghị đảng thay đổi để xây dựng đảng vững mạnh, lấy lại niềm tin của nhân dân. Thành thật mà nói, tôi đọc mấy kiến nghị của ông Bùi Tín và ông Nguyễn Trung gửi cho đảng, tôi thấy thật là tội nghiệp. Tôi hoàn toàn chân thành chứ không có ý mỉa mai gì cả khi nói rằng với chỉ số thông minh vừa phải, ai cũng thấy bỏ công ra viết những kiến nghị đó thật là vô ích. Đảng không muốn thay đổi, vì thay đổi với họ có nghĩa là tự sát.

Đảng sẽ cố chèo chống tới cùng, được ngày nào hay ngày đó. Mơ mộng lấy lại niềm tin của nhân dân ư? Thật giống người si nói mộng!

Thành phần số 4:

Đây là thành phần đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam, cũng là thành phần đối tượng chính mà bất cứ một tổ chức hay phong trào đấu tranh nào cũng cần quan tâm vận động thuyết phục. 

Ngày trước, nhân dân cả hai miền nam bắc VN đã từng nhiều, ít khác nhau bị cộng sản tuyên truyền, dụ hoặc. Với người dân miền bắc thì trong gần một thế kỷ, còn người dân miền nam thì hơn bốn mươi năm, tất cả, ngoài thành phần ăn theo, đã ngấy đảng và chế độ lên tới tận cổ. Bây giờ mà nói họ tuyệt đối tin tưởng vào lãnh đạo của đảng như bà Phó Bí Thành Hồ Nguyễn thị Quyết Tâm vẫn hay bô bô láo toét thì thật là nói lấy được, nói để giành phần một cách ngu si đần độn. Bà Tâm thì nói tin tưởng tuyệt đối, còn Đinh La Thăng và Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc thì cứ đăng đàn kêu gọi chống đảng viên hủ hoá, chống tự chuyển biến, tự chuyển hóa để lấy lại niềm tin của nhân dân. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, khiến cho ban hợp xướng CSVN trở thành một gánh hát tả bí lù!

Người dân Việt Nam tuy đã ngấy CSVN lên tới cổ, nhưng bảo họ tin tưởng ai khác vào lúc này thật không phải là chuyện dễ. Họ đã từng bị phản bội một cách trắng trợn bởi CSVN nên bây giờ như chim sợ cành cong, như người bị rắn cắn một lần thì mãi sợ sợi dây!

Với hoàn cảnh thực tế như thế, chúng ta làm sao vận động thành phần đông đảo này tham gia đấu tranh? Tôi không là chuyên gia tâm lý, cũng chả phải là cán bộ tuyên truyền, nhưng tôi chân thành đề nghị. Quần chúng hiện nay chưa tham gia đông đảo, nhưng không phải là họ vô tâm, không thấy, không nghĩ gì cả trước hiện tình đất nước. Chúng ta muốn vận động họ tham gia việc đấu tranh chung thì, theo tôi, phải làm sáng cái đức chân thành

Các bạn thân mến.

Các bạn nhìn hình ảnh côn an, dân phòng đàn áp những người dân không một tấc sắt trong tay một cách dã man, các bạn có cảm thấy máu trong người như sục sôi lên không? Các bạn thấy hình ảnh Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bịt mồm giữa tòa án bạo quyền, bạn có nổi đóa lên không? Các bạn thấy hình ảnh kiên cường bất khuất của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, của chị Cấn Thị Thêu, của Trần Bang, của Trần Huỳnh Duy Thức, của Nguyễn Văn Đài, của Nguyễn Hồ Nhật Thành, bạn có thấy lòng mình nao nao xúc động vì hào khí của họ không? Thưa bạn, đó chính là tương tác của tình cảm chân thành. Quần chúng nhân dân cũng vậy mà thôi, họ sẽ nghe theo tiếng gọi thôi thúc của chính nghĩa dân tộc khi họ thấy được sự chân thành của người đấu tranh hôm nay. Họ sẽ không bao giờ tin vào những hứa hẹn hão huyền như của lũ cộng sản ngày nào đâu thưa bạn.

Thành phần số 5:

Thành phần này, dù ở trong nước hay ở hải ngoại, chính là bản thân chúng ta.

Tôi tách chúng ta thành một thành phần để dễ nói rõ ngọn ngành, chứ thật ra chúng ta cũng thuộc về thành phần số 4, có nghĩa là chúng ta cũng thuộc thành phần quần chúng nhân dân.

Chúng ta, vì một cơ may (hay là bất hạnh?) đã va chạm nhiều với thực tế của đời sống trong chế độ CSVN. Chúng ta sớm tiếp xúc với những phương tiện thông tin hiện đại, nhìn thấy rõ bộ mặt khốn nạn của CSVN nói riêng, và lũ cộng sản thế giới nói chung. Chúng ta tự nhiên đứng về phía những người bị áp bức, nói lên những tiếng nói mà người dân thấp cổ bé miệng không thốt lên được.

Nhưng chúng ta cũng không phải là một khối thống nhất. Trình độ chúng ta khác nhau, cái nhìn của chúng ta đối với thời cuộc cũng khác nhau, và trên hết, theo ý kiến chủ quan của tôi, là chúng ta không đủ độ lượng để dung chứa nhau, không đủ bao dung để hài hoà khác biệt, hầu có thể tạo dựng sức mạnh đoàn kết.

Việc này nói rất dễ nhưng để thực hiện được rất rất khó. Vì sao? 

Chỉ vì chúng ta chỉ là những con người bình thường với ái ố hỷ nộ rất người. Để thoát ra được những hơn thua, tranh chấp, mỗi người chúng ta phải biết tự kiềm chế. Xin các bạn đừng cho là tôi dạy đời, tôi cũng như các bạn, chả có gì cao siêu cả, khi tôi nói điều đó với bạn, tôi cũng là người cố gắng cho mình tốt hơn, chứ tôi không là thánh nhân.

Tóm lại, trong NĂM thành phần mà tôi cố gắng liệt kê ra, theo ý kiến chủ quan của tôi, hai thành phần số 1 và số 2 coi như là không cần phí công tranh thủ sự quay đầu của họ cho chính nghĩa dân tộc, bởi thành phần này họ sẽ bám trụ tới cùng vì quyền lợi của đảng, của cá nhân gia đình họ. Riêng thành phần số 3, những người mà tôi tạm gọi là phản tỉnh, ngoại trừ thành phần thấy đảng sai trái, tầm bậy nhưng vẫn kiên trì kêu gọi đảng thay đổi, lấy lại lòng tin của dân, những người đó họ tiếp tục mê ngủ, chúng ta không phí công thuyết phục những đầu óc hoang tưởng, còn những người khác, hoặc đoạn tuyệt hẳn với quá khứ đảng viên, hoặc chối bỏ đảng CS, tố cáo đảng hại nước hại dân, nhưng trong lòng của họ vẫn không rứt bỏ được cái quá khứ mà họ cho là thần thánh, hào hùng, chúng ta nên cho họ không gian và thời gian để họ tỉnh táo lại. Chúng ta có chính nghĩa, nhưng chính nghĩa đó chưa có đủ nhân lực và điều kiện để phát triển, chúng ta cần thuyết phục những nhân tố có thể được, hài hoà những khác biệt trong tập thể đấu tranh chính nghĩa, tạo dựng sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh vì đất nước, vì dân tộc hiện nay.

Như đã nói phần trên, tôi cố gắng diễn đạt tâm tư của mình trong bài viết này, nhưng phạm trù bài viết quá rộng, khả năng của tôi thì ba chớp ba nháng, nên các bạn hãy đọc và cùng thảo luận, đóng góp ý kiến. Biết đâu chúng ta có thể tìm được những điều hữu ích cho công cuộc đấu tranh hiện nay. 

02.01.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo