Ai sẽ là Chingachgook? - Dân Làm Báo

Ai sẽ là Chingachgook?

Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Chingachgook là một nhân vật trong phim "The Last of the Mohicans" trình chiếu vào năm 1992 tại Hoa Kỳ. Đoạn chót trong phim là cực điểm của phim. Đoạn này diễn tả cảnh ba người thuộc bộ lạc da đỏ Mohican giải cứu một cô gái người Anh bị một đám chiến binh bộ lạc da đỏ Iroquois bắt đi qua con đường ven núi quanh co hiểm trở. Tuy chỉ có vài phút, đoạn phim gói ghém nhiều khía cạnh về con người như tình yêu, lòng can đảm, hy sinh, độc ác, hận thù, và vinh quang. Những khái niệm này được liên kết với phong trào tự do dân chủ tại Việt Nam qua phương pháp ẩn dụ. Sự liên kết là một tiến trình chủ quan, đưa đến một hy vọng cho cuộc đấu tranh.

*


Cuốn phim "The Last of the Mohicans" ("Người cuối cùng của bộ lạc Mohican" hoặc "Người Mohican cuối cùng") là một phim lịch sử của Mỹ nổi tiếng vào năm 1992, có thành công thương mại tuy không rực rỡ như các phim Avatar, Titanic, và Star Wars: The Force Awakens. Đạo diễn Michael Mann thay đổi vài chi tiết trong truyện (có cùng nhan đề do James Fenimore Cooper viết), nhưng những chi tiết này không thay đổi nhiều cốt truyện và ý nghĩa câu chuyện (Xem, thí dụ như, Simandan 2010; UHCL). 

Cốt truyện phim được lồng trong bối cảnh tại vùng rừng núi thuộc địa (sau này là miền bắc tiểu bang New York) vào năm 1757 trong cuộc chiến tranh Pháp và thổ dân da đỏ. Các tài tử trong phim gồm có: Daniel Day-Lewis (đóng vai Hawkeye), Madeleine Stowe (Cora), Jodhi May (Alice), Russell Means (Chingachgook), Wes Studi (Magua), và Eric Schweig (Uncas). 

Câu chuyện nói về cuộc tranh giành quyền lực giữa quân Anh, Pháp, và thổ dân da đỏ, và các tình tiết éo le như chuyện tình giữa Hawkeye và Cora, Uncas và Alice. Chingachgook là tù trưởng bộ lạc da đỏ Mohican. Ông có hai người con: con ruột là Uncas và con nuôi da trắng là Hawkeye. Cora và Alice là hai cô con gái của Đại Tá Anh Munro. Magua trước thuộc bộ lạc Huron nhưng bị đuổi và trở thành thủ lĩnh đám chiến binh bộ lạc Iroquois gồm có các bộ lạc Mohawks, Mingos, và Macuas. Hai bộ lạc Iroquois và Mohican đều là thổ dân da đỏ, nhưng chiến binh bộ lạc Iroquois hung ác và hiểm độc trong khi bộ lạc Mohican trung thực và dũng cảm. 

Điểm đặc sắc của phim "The Last of the Mohicans" là nhạc bối cảnh trong phim, do Trevor Jones và Randy Edelman thực hiện, và ca khúc "I Will Find You" ("Anh sẽ tìm em") do Clannad. Phong cảnh cây cỏ, rừng núi hùng vĩ, sông hồ, thác nước tuyệt đẹp càng làm tăng giá trị nghệ thuật. Những cảnh đánh nhau trên trận mạc, đồn quân, và phục kích giữa các phe Anh, Pháp, và chiến binh da đỏ đem hương vị lịch sử cho câu chuyện.

Trong bài này, tôi sẽ kể sơ lược đoạn chót cuốn phim, và sự kết nối ý nghĩa nội dung trong đoạn này với cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam qua phương pháp ẩn dụ. Đây là diễn giải có tính chất hoàn toàn chủ quan và phản ảnh cảm nghĩ của tôi khi coi lại đoạn phim sau hai mươi năm. Trong phần sau đây, tôi dùng "khán giả" để chỉ người đọc, người nghe, hoặc người xem tùy thể loại tác phẩm.

A. Ẩn dụ là một khí cụ giúp diễn tả ý tưởng một cách hiệu quả:

Ẩn dụ là một trong những dụng cụ mỹ từ (figure of speech) để diễn tả một sự việc, vật, hoặc khái niệm một cách hiệu quả. Nó là một phép biến đổi, chuyển một diễn tả từ vùng A sang vùng B với mục đích gây tác dụng mạnh mẽ trên khán giả qua nhiều khía cạnh: tượng hình, tượng thanh, cụ thể hóa, khơi động tình cảm, v.v. 

Ẩn (隐) có nghĩa giấu giếm, kín đáo, bí mật, ngấm ngầm, che đậy, ẩn nấp, trốn. Dụ (喻) có nghĩa tương đồng, so sánh, ví von, nói rõ, hiểu rõ, dùng so sánh để nói cho dễ hiểu. Ẩn dụ (metaphor), đôi khi gọi là ám dụ, là một cách so sánh ngầm hoặc kín đáo, thay vì so sánh rõ rệt. So sánh rõ rệt (simile) dùng các từ ngữ "như," "giống như," "tương tự như" để ví von. 

Thí dụ: 

1) Câu "Tim tôi rạn nứt khi nghe tin nàng lấy chồng" dùng ẩn dụ "tim rạn nứt" để diễn tả một nỗi buồn cực kỳ sâu đậm, tha thiết. Thể dạng mô tả "buồn tha thiết" được biến sang thể dạng "tim rạn nứt" có cách diễn tả cụ thể và tượng hình hơn.

2) Câu "Tôi ngắm suối tóc đen của nàng" dùng ẩn dụ "suối" để diễn tả mái tóc chảy dài. Nhóm chữ "mái tóc đen chảy dài" được biến thành "suối tóc đen" vẽ nên hình ảnh linh động của luồng nước chảy từ trên cao.

3) Câu "Một cuốn sách như một khu vườn được mang trong túi áo" dùng so sánh rõ rệt với từ "như" để ví sách vở như khu vườn. Nếu từ "như" được thay bằng "là," câu "Một cuốn sách là một khu vườn được mang trong túi áo" dùng ẩn dụ. Trong so sánh rõ rệt, sự ví von được ghi ra rõ ràng: một việc được nói là giống như một việc khác. Trong ẩn dụ, sự ví von được ngầm hiểu như thể không có so sánh, vì hai việc đó được coi giống hệt nhau; do đó nhấn mạnh thêm ý nghĩa (Grothe 2008, 13).

Tuy ẩn dụ thường được nhắc đến trong văn chương, nó cũng được dùng trong ngôn ngữ hàng ngày (thí dụ, miệng giếng, chân núi) và trong các lãnh vực khác như chính trị, thương mại, xã hội. Ngoài ra, ẩn dụ không phải chỉ được dùng trong ngôn ngữ, mà còn trong "ý tưởng và hành động" (Lakoff và Johnson 1980, 3), phim ảnh, nghệ thuật, hội họa, kiến trúc, vũ, v.v...

Ẩn dụ hiện hữu dưới nhiều thể dạng: từ (chữ), nhóm chữ, đoạn văn, câu nói, cử chỉ, tranh ảnh, điêu khắc, đoạn phim, âm nhạc, và âm thanh. Trong văn viết (thí dụ, truyện, thơ, luận văn, diễn văn), ẩn dụ hiện hữu là từ (chữ), nhóm chữ, hoặc đoạn văn, biểu lộ qua hình thức hay nội dung. Hình thức là lối diễn tả thông thường của ẩn dụ, như các thí dụ trên (tim rạn nứt, suối tóc, bờ vai). Nội dung là lối diễn tả phức tạp hơn và dựa vào ý tưởng của một phần hoặc toàn thể tác phẩm (đoạn văn, bài viết, đoạn phim, khúc nhạc). 

Một cách phân loại ẩn dụ là dựa vào hai nghĩa: "ẩn dụ là một dạng của diễn tả và truyền thông bằng ngôn ngữ và ẩn dụ là một dạng của tượng trưng và biểu tượng bằng khái niệm" (Glucksberg 2001, 4). Cách phân loại này có thể coi như cách phân loại ẩn dụ thành hai loại: ngôn ngữ và ý tưởng. Thể loại ngôn ngữ là thể loại thông thường như các thí dụ ở trên. Thể loại ý tưởng là thể loại dùng ý tưởng để thay thế cho một ý tưởng khác. Thí dụ, trợn mắt để biểu lộ sự ngạc nhiên, hành động thả chim bồ câu biểu tượng hòa bình.

Ngoài việc phân loại, ẩn dụ được tạo ra và/ hoặc quy gán, diễn giải dưới hai hình thức căn bản như sau:

1) Do tác giả trong tác phẩm, ngầm hoặc rõ rệt: Tác giả dùng ẩn dụ trong tác phẩm mình để diễn tả ý tưởng hoặc đạt mục tiêu mình như làm nổi bật ý tưởng, cụ thể hóa khái niệm trừu tượng, hoặc đem lại vui tươi cho sự diễn tả. Tùy vào sự khéo léo, ẩn dụ có thể hoặc không đạt được mục tiêu mong muốn. Đôi khi, khi cách dùng vụng về hoặc quá phức tạp xa xôi, tác giả còn tạo nên tác dụng ngược lại, hoặc làm lẫn lộn khán giả. 

2) Do khán giả diễn giải tác phẩm và quy gán cho một sự việc nào đó: Khán giả một tác phẩm có thể diễn giải lời, hình ảnh, hoặc ý nghĩa trong tác phẩm đó theo ý mình. Sự diễn giải đó không nhất thiết đúng hoặc phù hợp với ý tác giả, nhưng việc đó không quan trọng đối với người diễn giải vì đó là một nhận xét chủ quan. Khán giả có thể diễn giải qua ẩn dụ để tìm một giải thích, thỏa mãn một ý tưởng nào đó, xác định một quy chiếu cố định, củng cố một ý kiến, hoặc bất cứ lý do nào thích hợp.

Bài này nhắm vào hình thức thứ nhì. Tôi diễn giải các hình ảnh, nhân vật, tình tiết, và diễn tiến trong đoạn chót cuốn phim "The Last of the Mohicans" để quy gán chúng là ẩn dụ cho cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam hiện nay.

B. Đoạn chót trong phim "The Last of the Mohicans":

Trong đoạn gần chót, Magua và đám quân Iroquois bắt giữ Cora, Alice, và một viên sĩ quan người Anh (Hayward), và mang họ trình cho vị trưởng lão bộ lạc Huron. Hawkeye xuất hiện với ý định xin tha cho những người bị bắt giữ này. Vị trưởng lão phán rằng Magua được phép mang Alice đi nhưng Cora phải bị thiêu sống. Hawkeye xin được chết thay cho Cora, nhưng Hayward giành chết thay. Cuối cùng, Cora và Hawkeye được thả và Hayward bị thiêu sống (nhưng được Hawkeye bắn chết từ xa để không bị đau đớn trước khi chết). 

1. Diễn tiến trong đoạn chót:

Đoạn chót trong phim là đoạn cực điểm. Trong đoạn này, đoàn chiến binh da đỏ Iroquois do Magua lãnh đạo áp giải Alice đi trên con đường hiểm trở ven núi, bên cạnh vách núi cao sừng sững và thác nước chảy mạnh (Hình 1). Chingachgook, Hawkeye, và Uncas chạy theo để giải cứu Alice. Cora ở lại trong một hang núi chờ đợi. Uncas, vì hối hả muốn cứu Alice, chạy trước và chặn đầu đoàn chiến binh Iroquois.

Hình 1: Đám chiến binh Iroquois áp giải Alice trên con đường núi hẹp bên vách núi.

Trong tiếng nhạc lúc du dương thánh thót, lúc xôn xao dồn dập, đoàn người đi trên đoạn đường hẹp bên vách núi cao sừng sững bên vực sâu thăm thẳm. Uncas chợt phóng ra giết mấy tên Iroquois đi đầu. Một cuộc cận chiến xảy ra với dao và rìu giữa Uncas và Magua. Kết quả Uncas bị giết chết và xác anh bị Magua hất xuống vực sâu qua vách núi (Hình 2). Từ xa, Chingachgook và Hawkeye thấy xác Uncas rơi xuống vực. Cả hai hét lên trong nỗi đau thương. 

Hình 2: Magau dùng dao đâm chết Uncas và hất xác anh xuống vực

Alice chứng kiến cảnh đó trong hãi hùng. Nàng bước đến bên vách núi, nhìn xuống vực thẳm. Magua ngoắc tay kêu gọi nàng trở lại, nhưng Alice lao xuống vực tự tử để chết theo với Uncas (Hình 3). Từ hang núi xa, Cora đau đớn kêu khóc khi thấy Alice thả người lao xuống vực sâu. Thấy không cứu vãn được Alice, Magua lạnh lùng dẫn đoàn chiến binh tiếp tục đi.

Hình 3: Alice lao mình xuống vực tự tử chết theo với Uncas

Chingachgook và Hawkeye tiếp tục chạy theo sau đoàn quân xuyên qua đường núi chật hẹp và hiểm trở. Họ bắt kịp đoàn người và bắn giết một số chiến binh Iroquois đi sau (Hình 4). 

Hình 4: Chingachgook và Hawkeye bắt kịp đoàn Iroquois từ phía sau

Magua quay lại và chuẩn bị đương đầu với Chingachgook. Cuộc đánh nhau xảy ra chớp nhoáng. Chingachgook né nhát chém của Magua, và lộn người ra sau Magua, chém Magua một nhát vào lưng, và bồi thêm một nhát lên đầu. Khi Magua bị thương tích đứng như trời trồng, Chingachgook quay mình giáng một đòn chí tử giết chết Magua (Hình 5). Magua ngã xuống, đầu hắn đập vào mặt đất với cặp mắt trợn trừng.

Hình 5: Chingachgook giết Magau trong một cuộc cận chiến thần tốc

Khi tôi coi phim "The Last of the Mohicans vào khoảng năm 1995, tôi rất có ấn tượng với đoạn chót. Trong vài phút, đoạn chót gói ghém nhiều hình ảnh xúc động và bi thương. Những khía cạnh về con người được diễn tả một cách tinh tế: tình yêu giữa Uncas và Alice; lòng can đảm của Uncas xả thân cứu Alice dù chỉ có một thân một mình; sự tàn bạo của đám Iroquois lôi kéo cô gái chân yếu tay mềm; cái bạo lực dã man của Magua giết Uncas và hất xác anh xuống vực sâu; lòng hy sinh cao cả của Alice lao đầu xuống vực chết theo Uncas; sự lạnh lùng dửng dưng của Magua sau khi Alice lao đầu xuống vực thẳm; nỗi đau thương của Cora, Hawkeye, và Chingachgook chứng kiến cái chết thê thảm của người thương yêu; nỗi hận thù của Hawkeye và Chingachgook kiên tâm trì chí chạy theo đám Iroquois qua đường núi chật hẹp; và cuộc trả thù đích đáng và thần tốc của Chingachgook trong cuộc cận chiến với Magua.

Những hình ảnh và cảm tượng đó còn được tiếng nhạc mê hồn qua âm thanh của giàn nhạc với các nhạc cụ như vĩ cầm, trống, dương cầm, làm sống động. Điệu nhạc dật dìu, có âm hưởng ray rứt như tiếng thở than nức nở, như thể tiếc nuốc thời quá khứ xa xưa. Sau đó, có những khúc nhanh, dồn dập, thúc giục mọi người vùng lên, vượt mọi sợ hãi, và chống lại bạo quyền.

2. Vài vấn đề vương vấn trong đoạn chót:

Lúc coi phim, có một điểm về đoạn phim đó khiến tôi suy nghĩ. Tại sao Chingachgook và Hawkeye tiếp tục chạy theo đám Iroquois để giết Magua sau khi họ biết Uncas và Alice đã chết? Câu trả lời dễ dàng là họ muốn trả thù cho cái chết của Uncas và Alice. Nhưng có lẽ nào chỉ vì muốn trả thù mà họ lao đầu tấn công đám Iroquois đông hơn họ và đương đầu với Magua, một tên thủ lĩnh chiến binh hung ác và khỏe mạnh, có khả năng cận chiến đáng sợ?

Trước đó, Magua cho thấy là một kẻ man rợ, giết người không gớm tay, đã từng móc tim Đại tá Munro trong cuộc phục kích. Tại sao Hawkeye dám liều mạng trong khi Cora đang an toàn chờ anh ở đằng sau? Nếu có chuyện gì xảy ra và anh phải hy sinh tánh mạng như Uncas, cái chết của anh sẽ trở nên vô nghĩa. Qua câu chuyện, ta biết Hawkeye rất yêu Cora. Trước đó, anh phải bỏ Cora ở lại và thề, "Anh sẽ tìm em" trước khi nhảy xuống thác nước để chạy thoát đám Iroquois đang theo đuổi. Sau đó, khi Cora bị vị trưởng lão thổ dân gán tội chết, anh đứng ra chịu chết thế cho Cora. Với tình yêu mạnh mẽ như vậy, tại sao anh lao đầu vào đám chiến binh Iroquois hung tợn để lại Cora bơ vơ một mình?

Tôi cho rằng đạo diễn Michael Mann dựa vào truyện và thay đổi chút ít, diễn tả cảnh đó để tạo phần xúc cảm và gay cấn cho câu chuyện, và để có một kết cục thỏa đáng là kẻ gian ác phải bị đền tội. Khán giả thường không để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt, nhất là khi những chi tiết này bị lu mờ bởi những cảnh tượng mạnh mẽ. Quả thực đoạn chót cuốn phim là đỉnh của toàn bộ phim. Kết cục của những tình tiết được dàn xếp ổn thỏa. Cái chết thương tâm của Uncas và Alice không đến nỗi khiến khán giả buồn bực lắm vì cả hai là nhân vật phụ và mối tình họ thực ra không được khai triển đầy đủ. Cái quan trọng là kẻ gian ác Magua bị giết và hai người tình Hawkeye và Cora được sống bên nhau. 

Tuy nhiên, vẫn có một cái gì bất ổn vương vấn trong đầu óc tôi mỗi khi tôi nghĩ đến phim đó. Ngoài việc Chingachgook và Hawkeye liều lĩnh trả thù, những hình ảnh và diễn tiến trong đoạn phim, tuy trình bày có lớp lang thứ tự, vẫn có một cái gì lạc lõng, có chút rời rạc. Quyết định của vị trưởng lão cho phép Magua mang Alice đi; đồng ý cho Hayward, thay vì Hawkeye, chết thay cho Cora; và thả Hawkeye và Cora, có vẻ gượng ép, như thể dàn xếp vội vã để đi đến đoạn kết ổn thỏa như trên.

Gần hai chục năm sau, tôi không suy nghĩ gì thêm về đoạn phim đó, dù thỉnh thoảng vẫn nghe khúc nhạc đệm ru hồn trên Youtube.

C. Ẩn dụ trong đoạn chót trong phim "The Last of the Mohicans":

Cách đây khoảng một năm, trong dịp lướt Youtube, tôi coi các clips của Jenny O'Connor, người được gọi là cô chơi nhạc vĩ cầm nóng bỏng (the hot violinist). Cô Jenny có nhiều clips chơi nhạc nền của phim "The Last of the Mohicans" một cách điêu luyện, nhất là với diện mạo xinh xắn, thân hình thanh tú trong y phục hấp dẫn. Trong lúc miên man truy tìm các clips với bài nhạc nền này, tôi tình cờ coi lại khúc phim đoạn chót trong phim "The Last of the Mohicans" ở trên.

Một cách lạ lùng, trong khi coi lại đoạn phim đó, tôi chợt có phản ứng khác hẳn lúc coi phim lần đầu cách đây 20 năm. Tôi vẫn nhận ra hình ảnh bi thương và xúc động như lần đầu, nhưng cường độ gia tăng sâu đậm hơn. Cảm tưởng lạc lõng không còn nữa mà được gắn chặt vào một điểm tựa vững vàng. Khung cảnh và diễn tiến xảy ra như mô tả những diễn tiến có thật xảy ra ngoài đời. Những gì tôi cho là gượng ép trước đó bỗng trở nên có ý nghĩa và tự nhiên.

Tôi đã liên kết cảnh tượng và tình tiết trong đoạn chót phim với những gì tôi có trong trí não hiện nay mà tôi không có 20 năm trước đây.

Đoạn phim chót trong cuốn phim "The Last of the Mohicans" phản ảnh cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam.

Những nét tương đồng thật có ý nghĩa. Con đường núi quanh co hiểm trở là con đường Việt Nam. Đoàn chiến binh Iroquois lôi kéo Alice đi trên con đường núi là nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) tại Việt Nam với lực lượng công an cảnh sát tàn ác. Magua tượng trưng lũ cầm quyền ác độc, cướp bóc, giết người không gớm tay. Cora và Alice tượng trưng những người dân hiền lành chất phát bị đàn áp cướp bóc, và những người đấu tranh cho tự do bị giam cầm. Chingachgook, Hawkeye, và Uncas là những người tích cực tham gia trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, sẵn sàng hy sinh tánh mạng để cứu toàn dân Việt Nam thoát ách cộng sản và đi đến vinh quang. Cái chết của Uncas và Alice tượng trưng cho những hy sinh, đau khổ, tù đầy, và ngay cả chết chóc của người dân Việt Nam dưới ách cộng sản.

Lời phán của vị trưởng lão thổ dân da đỏ Huron không còn gượng ép để dẫn đến đoạn kết như trong một cuốn phim. Lời phán đó là lời nguyền của Thượng Đế cho số phận bất hạnh của dân tộc Việt Nam bị đọa đày trong chiến tranh và ách cộng sản suốt mấy chục năm qua. Cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, núi non hùng vĩ, thác nước ngoạn mục, đồng cỏ bao la, sông nước mênh mông, là giang sơn gấm vóc đất Việt khắp ba miền Nam Trung Bắc.

Ngay cả nhan đề cuốn phim cũng là ẩn dụ cho phong trào dân chủ. Người cuối cùng của bộ lạc Mohican là ai? Đó là Uncas, vì anh là người cuối cùng có giòng máu thuần chủng (pure-blooded) của bộ lạc Mohican (Xem, UHCL). (Cuối cùng đây không có nghĩa là cuối cùng còn sống, mà có nghĩa là hậu duệ trẻ nhất.) Thế hệ trẻ vị thành niên tại Việt Nam hiện nay có thể sẽ là thế hệ cuối cùng có giòng máu thuần chủng của dân tộc Việt. Khi Tàu cộng xâm chiếm Việt Nam, chính sách đồng hóa hiểm ác của chúng sẽ đem giòng máu ngoại lai vào các thế hệ sau.

Đặc biệt nhất là cảnh Chingachgook chạy đến Magua khi Magua sửa soạn nghênh chiến, và Chingachgook kết thúc mạng sống Magua bằng ba nhát chém thần tốc. Hình ảnh Magua đứng như trời trồng biểu hiện sự kinh hoàng của đám cầm quyền cộng sản trước sức mạnh không thể ngăn cản được của chính nghĩa. Hình ảnh Magua ngã xuống, đầu đập vào đất, tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ cộng sản, khi các tượng tôn thờ Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản bị kéo xuống và đập tan. Đây là một ẩn dụ cho việc trong tương lai, chưa xảy ra, nhưng việc đó không làm giảm giá trị của sự so sánh. 

Về sự lựa chọn cho đoạn kết của phim, có hai giải pháp cho kết cục sau khi Alice và Uncas chết. Thứ nhất, Hawkeye and Chingachgook không rượt đuổi đám Iroquois, và tìm xác Alice và Uncas và chôn cất tử tế. Họ sẽ không trả thù vì việc đó không làm sống lại Alice và Uncas. Sau đó, Hawkeye sẽ chung sống hạnh phúc với Cora. Thứ nhì, như được dùng trong phim, Hawkeye and Chingachgook tiếp tục rượt đuổi đám Iroquois, và giết chết Magua để trả thù cho Uncas và Alice.

Sự lựa chọn giải pháp thứ nhì, cho Chingachgook giết Magua, của đạo diễn Mann và tác giả James Fenimore Cooper là sự lựa chọn xuất sắc. Trong truyện, Hawkeye là người giết Magua, bằng súng bắn từ xa. Đạo diễn Mann làm tăng tình tiết nên cho Chingachgook, một người cha lớn tuổi, đánh cận chiến với Magua. Cho dù Hawkeye hoặc Chingachgook giết Magua, ý nghĩa của kết cục không thay đổi.

Ý nghĩa đó là: công lý nhân loại có giá trị cao cả hơn tình yêu cá nhân. Giết chết Magua không làm sống lại Uncas và Alice, nhưng đem lại công lý vì Magua phải trả lại những gì hắn gây cho người khác. Nếu để hắn sống, sẽ có những bất công và nhiều người khác bị hắn gây hại. Hawkeye và Chingachgook không cần suy nghĩ họ sẽ phải làm gì sau khi chứng kiến cảnh Uncas và Alice rơi xuống vực thẳm. Họ hành động theo bản năng của con người. Hawkeye có thể nghĩ đến Cora và mối nguy hiểm họ sẽ đương đầu, nhưng việc đó quá nhỏ nhoi so với việc trả thù cho Uncas và Alice, vì anh không muốn cái chết của Uncas và Alice trở nên vô nghĩa. Tương tự, tuy lòng thương con của Chingachgook khiến ông không suy nghĩ và nhất định giết Magua cho bằng được, có thể trong tiềm thức, ông biết trước sau gì ông cũng phải giết Magua và cái chết của Uncas chỉ là một động cơ thúc đẩy ông hành động ngay tức khắc để đem lại công lý. Cái công lý đó không phải chỉ là công lý cá nhân giữa Chingachgook và Magua mà là công lý nhân loại. Loại trừ Magua không đơn thuần trả thù cá nhân mà còn diệt trừ một ung hoại con người, đem lại công bằng cho xã hội.

Ngoài ra, việc cả hai người, Chingachgook và Hawkeye, cùng tiếp tục rượt đuổi Magua mà không tham khảo ý kiến lẫn nhau sau khi thấy Uncas chết, cho thấy cái công lý nhân loại mà họ theo đuổi tiêu biểu một khái niệm phổ quát. Khái niệm phổ quát đó là giá trị của chính nghĩa và tính chất vĩnh cửu của chân thiện mỹ. Đạo đức thường không chấp nhận việc giết người, nhưng có nhiều trường hợp việc giết người trở nên cần thiết để duy trì công lý nhân loại, đem lại ý nghĩa của chính nghĩa trong việc đạt đến chân thiện mỹ. Công lý là một diễn tả của việc chính nghĩa khắc phục tà đạo. Chính nghĩa khắc phục tà đạo là một con đường đi đến chân thiện mỹ.

Sự so sánh ở trên không hoàn toàn chính xác từng ly từng tí, nhưng khung cảnh, diễn tiến, ngay cả điệu nhạc day dứt dồn dập, quả thật mô tả phong trào dân chủ tại Việt Nam. Với tôi, đoạn phim đó là ẩn dụ độc đáo cho cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ. Chắc chắn có nhiều người không đồng ý với tôi, hoặc nếu có, sẽ cho rằng đó là ẩn dụ yếu ớt. Việc đó là việc thông thường vì ẩn dụ do khán giả có tính chất chủ quan. Mỗi người có kinh nghiệm sống, nền tảng, gia đình, môi trường giao tiếp ngoài xã hội, nghề nghiệp, và lý tưởng khác nhau. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi một việc có ý nghĩa với một người mà chẳng có, hoặc có ít, ý nghĩa với người khác, hoặc nhiều khi còn có ý nghĩa tương phản.

Một cách thiết thực, tôi không cần biết việc tôi coi đó là ẩn dụ có hợp lý hay không, vì đó là sự cảm nhận chủ quan, và do đó không có vấn đề đúng hay sai hoặc hợp lý hay vô lý. Tôi móc nối và liên kết các nhân vật, hành động, và diễn tiến trong phim với những người, sự kiện, và biến cố có thật ngoài đời dựa vào những gì tôi tích tụ trong trí nhớ. "Điểm cốt lõi của ẩn dụ là hiểu và trải qua một sự việc bằng một sự việc khác" (Lakoff and Johnson 1980, 5). Tôi hiểu và ý thức phong trào tự do dân chủ tại Việt Nam sâu xa hơn qua những nhân vật, hành động, và diễn tiến trong đoạn chót của phim "The Last of the Mohicans."

Việc móc nối hoặc liên kết hai sự việc đó xảy ra khá nhanh, có lẽ chỉ vài giây khi tôi coi lại đoạn phim đó cách đây khoảng một năm, và tôi không kiểm soát được tiến trình suy luận trong đầu. Dường như những đối tượng được tích tụ trong trí nhớ ngày qua ngày và tạo nên những điểm mốc sẵn sàng bật ra móc vào những kích tố khi những kích tố này xuất hiện.

Có thể có những khía cạnh hình ảnh tương đồng nào đó giúp cho việc móc nối và liên kết này dễ dàng. Có thể Cora, Alice, Hawkeye, và Uncas có nét phảng phất giống những người đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Phương Uyên, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Trần Thị Nga, Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Mai Trung Tuấn, Huỳnh Anh Tú, Trần Huỳnh Duy Thức. Có thể tiếng khóc của Cora nghe như tiếng khóc của mẹ khóc con, vợ khóc chồng bị đánh chết trong đồn công an. Có thể cảnh Magua nhếch mép khi hắn đâm Uncas và hất xác anh xuống vực giống như cảnh lũ công an đánh chết những người bị bắt vào đồn. Có thể đám chiến binh Iroquois hung hăng lôi kéo Alice giống như lũ công an cảnh sát bao vây lôi kéo các tù nhân lương tâm. Có thể giai điệu u ẩn và nhịp điệu dồn dập của nhạc đệm nhắc nhở đến bao ngàn năm lịch sử con Rồng cháu Tiên. Có thể cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi non hiểm trở gợi đến đồi núi sông ngòi Việt Nam. Có thể sự khác biệt giữa hai bộ lạc da đỏ Mohocan và Iroquois gợi đến sự khác biệt giữa hai quốc gia trong thời chiến: Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở miền Nam theo thể chế tự do dân chủ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở miền Bắc theo thể chế độc tài cộng sản, với VNCH tượng trưng chính nghĩa và VNDCCH tượng trưng tà đạo.

Có thể tôi có một ước mơ thầm kín trong tâm khảm là chế độ cộng sản bị sụp đổ. và những kẻ cầm quyền bán nước hại dân, lũ công an cảnh sát ác độc bạo tàn sẽ bị tiêu diệt. Chỉ khi lũ cộng sản tàn ác bị tiêu diệt mới đem lại ý nghĩa cho biết bao cái chết của dân Việt, từ chiến tranh Việt Nam, thuyền nhân, cho tới cảnh sông biển bị tàn phá, đại họa môi trường, và đại họa mất nước. Công lý phải được duy trì để diệt trừ hậu họa và đem lại ý nghĩa cho biết bao cái chết oan ức, thương tâm, và tức tưởi. Công lý này không do từ luật pháp nhân tạo nào, mà là công lý do Thượng Đế đặt ra cho loài người, để chính nghĩa khắc phục tà đạo và đưa con người đến chân thiện mỹ.

Nhưng vẫn còn một vấn đề.

Cách diễn giải cảnh Chingachgook chém chết Magua là một ẩn dụ cho một việc chưa xảy ra. Khi nào việc đó xảy ra là một câu hỏi. Nhưng có một câu hỏi quan trọng hơn.

Ai sẽ là Chingachgook?

Tài Liệu Tham Khảo:

tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.

Glucksberg, Sam. 2001. Understanding Figurative Language. From Metaphors to Idioms. Oxford University Press. New York, New York, USA.

Grothe, Mardy. 2008. i never metaphor i didn't like. HarperCollins Publishers. New York, New York. U.S.A. 

Lakoff, George và Johnson, Mark. 1980. Metaphors we live by. The University of Chicago Press. Chicago, Illinois. U.S.A.

Simandan, V. M. 2010. James Fenimore Copper’s ‘The Last of the Mohicans’: book vs. movie. 10-2-2010. http://www.simandan.com/james-fenimore-copper%E2%80%99s-%E2%80%98the-last-of-the-mohicans%E2%80%99-book-vs-movie/ (truy cập 13-2-2017).

UHCL (University of Houston - Clear Lake). Không rõ ngày. Guide to The Last of the Mohicans (1826) by James Fenimore Cooper (1789-1851). Không rõ ngày. http://coursesite.uhcl.edu/hsh/Whitec/LITR/4232/research/critics/mohicansassgn.htm (truy cập 13-2-2017).



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo