Ðánh giá di sản Hồ Chí Minh qua hiện tình đất nước - Dân Làm Báo

Ðánh giá di sản Hồ Chí Minh qua hiện tình đất nước

Luật Sư Ðào Tăng Dực (Danlambao) - Như một nhân vật lịch sử đương đại, Hồ Chí Minh được những người Cộng Sản Việt Nam tôn sùng đến mức độ thần thánh, nhưng ông lại bị những người quốc gia, nhất là người Việt hải ngoại kết án là một tội đồ dân tộc.

Cả hai bên không thiếu những người cực đoan, sử dụng những danh từ quá khích để thóa mạ lập trường của nhau.

Bài này là một cố gắng khách quan đánh giá vị trí thực sự của Hồ Chí Minh trong lịch sử đất nước. Ngôn từ tôi sử dụng luôn trung dung và những sách vở dẫn chứng tương đối không thiên vị.

Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 (Charles Fenn, t.16). Tên thật là Nguyễn Sinh Cung. Có thể nói ông và Mao Trạch Ðông suýt soát tuổi với nhau. Mao Trạch Ðông sinh ngày 26 tháng 12 năm 1893. Hai nhà lãnh tụ cộng sản của đầu thế kỷ 20 không những chia xẻ lý tưởng cộng sản mà còn gặp nhau nhiều lần trên con đường tranh đấu chông gai trước mắt của họ.

Tuy nhiên sự khác biệt giữa hai nhân vật sẽ giúp chúng ta đáng giá khách quan vai trò và vị trí của Hồ Chí Minh.

Năm 1921, Mao Trạch Ðông tham gia Ðại Hội đầu tiên của Ðảng cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải, dưới quyền lãnh đạo của Maring, đại diện cho Ðệ Tam Quốc Tế. Họ Mao không phải là lãnh đạo của đảng CSTQ vào giai đoạn mới được thành lập (Dick Wilson, t.93).

Năm 1925, một chi bộ Việt Nam của Hội Á-Tế-Á-Nhược-Tiểu-Dân-Tộc được thành lập tại Quảng Châu do Hồ Chí Minh (dưới tên Nguyễn Ái Quốc), Lâm Ðức Thụ, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong chỉ huy, dưới quyền lãnh đạo tối cao của cố vấn Nga Borodine. Sau đó nhóm đổi tên thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội. Cộng sản Việt Nam chia ra thành nhiều nhóm nhỏ. Mãi đến năm 1930 Nguyễn Ái Quốc mới thống nhất được các phe nhóm khác nhau dưới nhãn hiệu Ðông Dương Cộng Sản Ðảng. Ðến tháng Tư năm 1931 Ðông Dương Cộng Sản Ðảng chính thức được Ðệ Tam Quốc Tế công nhận (Nghiêm Xuân Hồng, tt.41-43).

Một cách khách quan, tôi cho rằng Hồ Chí Minh là một chính trị gia lão luyện, không những của Việt Nam mà có thể của thế kỷ 20. Trên phương diện này ông vượt lên trên các nhà cách mạng quốc gia chân chính như Nguyễn Tường Tam (Ðại Việt Dân Chính Ðảng), Trần Trung Lập và Ðoàn Kiểm Ðiểm (Việt Nam Phục Quốc Hội), Trương Tử Anh (Ðại Việt Quốc Dân Ðảng), Lý Ðông A (Ðại Việt Duy Dân Ðảng), Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội), Vũ Hồng Khanh (Việt Nam Quốc Dân Ðảng)…

Phần lớn chúng ta đều có nhận xét rằng, những thắng lợi của Hồ Chí Minh hoàn toàn lệ thuộc vào chiến thắng của Mao Trạch Ðông tại Hoa Lục năm 1949.

Tuy nhiên đánh giá như thế là hẹp cho ông.

Dĩ nhiên sự thành công của đảng CSTQ là một lợi điểm có tính cách chiến lược cho CSVN. Ðiều này giúp Hồ Chí Minh thanh toán trọn vẹn các phe nhóm quốc gia đối lập và toàn diện lãnh đạo cuộc chiến chống thực dân, đưa đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954. Tuy nhiên sự lão luyện của ông đã được biểu hiện trước khi Mao Trạch Ðông chiến thắng tại Hoa Lục rất lâu.

Trước hết từ ngày 8/9/1941 Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra chiêu bài Cộng Sản không được toàn dân ủng hộ. Muốn sống còn cần phải đội lốt quốc gia một cách khéo léo. Chính vì thế vào ngày này ông cho ra đời Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội dưới chiêu bài là một mặt trận gồm nhiều thanh phần kháng Pháp khác nhau nhưng bên trong do CSVN nắm giữ hoàn toàn. Tổ chức này là phong trào Việt Minh.

Trong khi hàng ngũ các đảng phái quốc gia chia rẽ và thiếu tổ chức chuyên nghiệp thì CSVN xâm nhập mọi tầng lớp xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng. Ðến tháng 8 năm 1945 khi Nhật Bản đầu hàng Ðồng Minh thì chính trường Việt Nam bỏ trống. Chính Phủ Trần Trọng Kim ngơ ngác. Các đảng phái quốc gia thiếu viễn kiến và chậm tay. Trong khi đó Việt Minh đã cướp thời cơ và cướp luôn chính quyền, buộc hoàng triều Bảo Ðại thoái vị.

Tuy nhiên Thực Dân Pháp với sự ủng hộ của Anh Quốc và theo chân quân Anh chiếm Sài Gòn, các tỉnh lỵ Nam Bộ và miền Trung.

Chỉ sau khi Thực Dân Pháp và Việt Minh đã ổn định các vùng ảnh hưởng của họ, thì các đảng phái quốc gia mới kéo quân về từ Trung Quốc. Dưới sự bảo trợ của Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) ảnh hưởng của họ rất mạnh và đã chiếm được một số tỉnh miền Bắc, có thể lợi dụng sự tương tranh giữa Việt Minh và Pháp để phát triển.

Tuy nhiên, vào giai đoạn hiểm nguy nhất cho đảng CSVN này (từ 1945 đến 1949) Hồ Chí Minh đã chứng tỏ sự lão luyện của mình. Ông lừa gạt được các chính đảng quốc gia (qua một chính phủ liên hiệp), ký hoà ước Sainteny với người Pháp và lừa luôn cả Tưởng Giới Thạch (để Họ Tưởng rút quân về Trung Quốc). Khi Họ Mao chiến thắng tại Trung Quốc năm 1949 thì cái chết đã gần kề cho các chính đảng quốc gia (NXH, t.65-72). 

Như là một chính trị gia, không ai có thể chối cãi tính cách “lão luyện giang hồ” để sống còn và ngự trị trên chính trường của ông.

Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất mà lịch sử sẽ nêu ra để đánh giá công lao của ông Hồ đối với dân tộc Việt Nam sẽ vô cùng cụ thể và hoàn toàn không nên căn cứ vào sự lão luyện giang hồ đó:

Ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN mà ông xây dựng có đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam như chiêu bài CSVN nêu ra hay không?

Thực ra vào tiền bán thế kỷ 20, khi các quốc gia Ðông Á thức tỉnh trước sự tụt hậu của mình và muốn thoát khỏi sự đô hộ hoặc chèn ép của ngoại bang, thì giới sĩ phu có hai con đường chính để chọn lựa:

Một là canh tân hệ thống kinh tế và chính trị đất nước theo mô thức tư bản của các nước Tây Phương. Hai là đi theo con đường chuyên chính vô sản của Ðệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Hai con đường hoàn toàn khác nhau về bản chất và đòi hỏi những cấp độ hy sinh khác nhau.

Con đường tư bản đòi hỏi:

a. Trên phương diện kinh tế một trật tự xã hội mới, trong đó vai trò của các giai cấp thương, công, nông sẽ được nâng cao. Vai trò của giai cấp kẻ sĩ sẽ không còn trên đỉnh cao tuyệt đối của xã hội.

b. Trên phương diện chính trị, một sự đoạn tuyệt với chế độ quân quyền và sự thành lập một chế độ cộng hoà, hoặc quân chủ lập hiến, trong đó các chính đảng có thể cộng sinh.

c. Trên phương diện văn hoá, nền văn hoá truyền thống vẫn được tiếp nối. Tam giáo (Phật Lão Khổng) vẫn hướng dẫn tâm linh của dân tộc, cùng với những tôn giáo Tây Phương như Thiên Chúa Giáo, trong tinh thần bình đẳng và hài hoà truyền thống.

d. Nền độc lập và nền tảng dân tộc tự quyết không thay đổi, nếu không nói là sẽ được củng cố qua sự phát triển và cường thịnh kinh tế của quốc gia.

Mặc dầu trên phương diện kinh tế có sự tái phối trí về đẳng cấp giữa các giai cấp xã hội truyền thống (sĩ, nông, công, thương), nhưng sự cải tổ có tính cách tiệm tiến và là một sự tiếp nối tự nhiên của xã hội truyền thống khi chuyển sang tư bản. Cũng như những quốc gia Tây Phương tân tiến cũng chỉ là những sự tiếp nối tự nhiên của xã hội truyền thống của họ. Có khác chăng là ở nhịp độ nhanh chóng hơn vì sự du nhập của các kỹ thuật tân tiến tây phương vào một xã hội nông nghiệp mà thôi.

Ngay cả trên phương diện chính trị, sự đoạn tuyệt với chế độ quân quyền chuyên chính cũng không tạo ra những khủng hoảng trong tâm thức quần chúng vì nhiều thập niên đã qua từ khi người Pháp đô hộ Việt Nam từ năm 1884, các tư tưởng dân chủ đã luân lưu trong tâm thức của dân tộc Việt Nam và được chấp nhận.

Trong bối cảnh kinh tế và chính trị đó, con đường tư bản Tây Phương có thể phát triển xứ sở mà không đánh mất nền văn hoá Ðông Á truyền thống của dân tộc. Ðó là con đường của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi và nhất là Tôn Dật Tiên của Trung Hoa Dân Quốc đang tồn tại tại Ðài Loan. Ðó cũng là con đường của Nhật Bản và Nam Hàn hiện nay. Đó cũng chính là con đường của hai nhà đại chí sĩ chân chính của dân tộc là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh chủ trương.

Con đường chuyên chính vô sản trái lại đòi hỏi nhiều và khắt khe hơn:

a. Trên phương diện kinh tế, một cuộc các mạng vô sản toàn diện. Cuộc cách mạng vô sản này vô cùng khốc liệt và tàn nhẫn, đánh bật tận gốc rễ toàn thể trật tự kinh tế và xã hội cổ truyền. Giai cấp công nhân vô sản sẽ ngự trị. Mọi giai cấp khác sẽ bị triệt tiêu.

b. Trên phương diện chính trị, một mô hình chuyên chính vô sản, độc tài đảng trị vô tiền khoáng hậu được áp đặt. Ðây chính là tác phẩm của nhà độc tài Lê Nin. Mọi đảng phái đối lập đều bị tiêu diệt và nhà nước sẽ khống chế xã hội dân sự tuyệt đối. Ðảng Cộng Sản là trung tâm quyền lực duy nhất và sẽ thiên thu trường trị, bao lâu mà thiên đường cộng sản chưa đạt đến.

c. Trên phương diện văn hoá thì mọi nền văn hoá tiền-cộng-sản đều phải triệt tiêu. Mọi tôn giáo đều là phản động và phản cách mạng. Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng. Chỉ có một văn hoá có thể tồn tại: Ðó là văn hoá Mác Xít. Giai cấp nghệ sĩ không còn tự do sáng tác mà phải là công cụ của Ðảng để tiêu diệt nền văn hoá truyền thống và xây dựng nền văn hoá Mác Xít.

d. Khái niệm quốc gia độc lập và quyền tự quyết dân tộc hoàn toàn đi ngược ý thức hệ Mác Xít, có tính cách phản động và phải bị triệt tiêu. Cộng sản chủ nghĩa là một chủ nghĩa có tính cách quốc tế. Sự thành lập Ðệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, hoặc Ðệ Tứ Quốc Tế Cộng Sản là thể hiện mục đích bất di bất dịch đó.

Trước ngưỡng cữa của tiền bán thề kỷ 20, sự khác biệt giữa Hồ Chí Minh và các lãnh tụ quốc gia như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Thái Học, Lý Ðông A nằm ở sự chọn lựa khác biệt này. Mặc dù họ không lão luyện giang hồ như Hồ Chí Minh, nhưng họ là những sĩ phu phát xuất từ xã hội truyền thống, họ yêu mến chân thật nền văn hoá của dân tộc họ và họ quyết sống còn với nền tự chủ và vận mệnh của dân tộc họ. Tuy họ chia rẽ, thiếu kỷ thuật đấu tranh và quyết đoán vào một giai đoạn quan trọng của lịch sử, nhưng họ đã có minh trí và cảm nhận được nơi lý thuyết Mác Lê, tính hủy diệt và phi dân tôc của nó. Mặc dù sức cám dỗ của lý thuyết này vào tiền bán thế kỷ 20 rất lớn, họ đã không bị cám dỗ.

Ở điểm chiến lược và quyết định này, họ sáng suốt hơn Hồ Chí Minh. Họ xứng đáng là những người yêu nước chân chính hơn Hồ Chí Minh vì vào điểm giao thời khó khăn đó, họ vẫn còn vững niềm tin nơi dân tộc họ.

Hồ Chí Minh, ngược lại, từ nguyên thủy đã mất niềm tin vào chính nền văn hoá của tổ tiên, đã không còn hãnh diện về một quốc gia Việt Nam độc lập và tự quyết nữa. Một kẻ vong thân như thế sẽ dễ dàng bị lý thuyết Mác Lê cám dỗ.

Chúng ta có thể kết luận rằng Hồ Chí Minh là một kẻ lão luyện giang hồ, nhưng thiếu viễn kiến. Ông đã không nhìn ra tính phi nhân nội tại của Lý Thuyết Cộng Sản này, sự sụp đổ tất nhiên của nó 70 năm sau tại Liên Xô và tác hại của nó đối với nền độc lập và tự chủ của dân tộc.

Tệ hơn nữa trên phương diện này, ông hoàn toàn thua kém Mao Trạch Ðông. Theo truyền thống của Ðệ Tam Quốc Tế, cả đảng CSTQ lẫn đảng CSVN, khi mới thành lập, đều phải chịu sự điều hành của Ðệ Tam Quốc Tế trên lý thuyết (tuy nhiên trên thực tế họ phải chịu sự điều hành của đảng CS Nga). Chính vì thế chúng ta nhận thấy sự hiện diện của Borodine khi Hội Á-Tế-Á-Nhược-Tiểu-Dân-Tộc (tiền thân đảng CSVN) được hình thành (1925) và sự hiện diện của Maring khi đảng CSTQ hình thành (1921).

Tuy nhiên cái hay của Mao Trạch Ðông là sau đó đã thanh trừng ra khỏi hàng ngũ Ðảng CSTQ những phần tử thân Nga Sô. Họ Mao cũng là một lý thuyết gia lỗi lạc, không những lập thuyết mà còn chuyển hoá lý thuyết Mác Xít để áp dụng thực tế vào hoàn cảnh và văn hoá Trung Quốc.

Trong khi đó, Hồ Chí Minh không có khả năng tư duy lập thuyết. Ông chấp nhận làm một học trò chăm chỉ và trung thành của Mác, Lê, Stalin và cả Mao Trạch Ðông. Ông theo khuôn mẫu của Liên Xô trọn vẹn. Mô hình Liên Xô chú trọng đến sự kiểm soát nội bộ đảng cũng như xã hội bằng công an mật vụ và sự ưu việt của ngành này trong đảng. Mô hình Trung Quốc thì xử dụng và dựa vào quân đội nhiều hơn.

Chính vì thế, tại Việt Nam, những thành phần lãnh đạo công an như Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ (thân Nga) nắm quyền tuyệt đối. Hậu quả là sau khi Hồ Chí Minh qua đời, những thành phần tương đối có tinh thần dân tộc như Võ Nguyên Giáp bị chèn ép dữ dội và lép vế. Hậu quả là đảng CSVN luôn luôn thiếu sáng tạo, bắt chước Nga Sô, và sau khi CS Nga Sô triệt tiêu, đi sau học đòi Trung Quốc trên mọi phương diện như những con vẹt thiếu khả năng tư duy độc lập.

Chẳng hạn năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Ðặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã thức tỉnh và quyết tâm đổi mới. Ðảng CSVN vẫn cố chấp và bảo thủ. Mãi đến năm 1985, sau khi Gorbachev phát động chính sách đổi mới tại Liên Xô thì CSVN mới theo đuôi. Kết quả chậm hơn Trung Quốc 10 năm.

Với sự sụp đổ của Liên Xô trong thập niên 90, CSVN lại nghiêng về Trung Quốc. Có thể nói rằng, đảng CSVN là một sự nối dài của sự thiếu viễn kiến và lệ thuộc ngoại bang của Hồ Chí Minh từ thủa ban sơ. Tất cả mọi chính sách của đảng CSVN từ trước đến nay đều cóp nhặt hoặc của Liên Xô hoặc của Trung Quốc, từ lúc Hồ Chí Minh còn sanh tiền cho đến lúc nhóm hậu duệ của ông nắm quyền.

Hồ Chí Minh có đem lại tự do cho người dân Việt Nam hay không thì thật là rõ rệt. Ngày hôm nay, Việt Nam là một trong một số ít quốc gia chuyên chính vô sản nghèo nàn còn lại trên thế giới. Hiến Pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN năm 1992 có thêm điều 4 ghi rõ sự độc quyền của đảng Cộng Sản trên chính quyền và xã hội dân sự. Điều này tiếp tục được duy trì bằng mọi giá trong bản hiến pháp 2013.

Những hậu duệ của Hồ Chí Minh như Lê Duẩn, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng etc… là những nhà độc tài bảo thủ hiếm hoi của nhân loại trong thiên niên kỷ mới. Chúng ta có thể đánh giá dân Việt có tự do hay không qua nhận định sau đây ngày 5 tháng 4, 2007 của ông Michael Marine, Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhân dịp Linh Mục Công Giáo Nguyễn Văn Lý bị bạo hành, bịt miệng trước tòa, không được quyền mặc áo dòng, không được quyền có luật sư biện hộ và sau đó bị kết án 8 năm tù:

“Ðáng tiếc thay hôm nay ngày càng có nhiều cá nhân bị tù đày hoặc quản chế tại Việt Nam trong khi họ chỉ có tội phát biểu quan điểm một các ôn hòa. Trong những người này có nhà báo Nguyễn Vũ Bình, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, nhà tranh đấu cho quyền lợi đất đai Bùi Kim Thanh, luật sư Lê Quốc Quân và Linh Mục Công Giáo Nguyễn Văn Lý.

"Thật vậy, Cha Lý vừa bị kết án 8 năm tù, một bản án kỳ khôi vì tội của Ông ta chỉ là nói lên quan điểm một cách ôn hòa bênh vực cho những cải tổ chính trị. Trong tinh thần khuyến khích sự phát triển và hội nhập của Việt Nam vào trào lưu quốc tế, chính quyền CSVN phải trả tự do ngay cho các cá nhân này và những cá nhân khác. Chính quyền CSVN phải xúc tiến duyệt xét và rút lại những luật pháp, cho phép sự phát biểu những quan điểm ôn hòa, ngay cả nếu những quan điểm này chỉ trích chính quyền. (và) những quan điểm như thế không còn trái với luật pháp nữa.”

Ngoài ra, những cuộc bầu cử quốc hội theo lối đảng cử dân bầu, lần cuối cùng diễn ra vào ngày 22 tháng 5, 2016 trong đó, toàn dân bị tước đoạt quyền ứng cử qua vai trò chọn lọc ứng viên của Mặt Trận Tổ Quốc, rõ ràng khinh bỉ sự thông minh của toàn thể dân tộc, trong thời đại tin học toàn cầu, không còn lừa gạt được ai.

Nếu chúng ta đánh giá Hồ Chí Minh qua hậu duệ của ông thì số điểm của ông càng thấp hơn nữa.

Ông có đem lại hạnh phúc cho dân tộc hay không được đánh giá qua các sự kiện sau đây:

a. Về phương diện phát triển kinh tế, hiện tại, trong các quốc gia khu vực Ðông Á như Trung Quốc, Bắc Hàn, Nam Hàn, Ðài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông thì Việt Nam chỉ hơn được Bắc Hàn một chút. Lý do là vì CS Bắc Hàn có một chế độ độc tài đảng trị tàn độc và điên rồ nhất nhân loại. Ngoài ra, nếu tiếp tục theo chế độ hiện giờ thì khoảng từ 50 đến 100 năm sau dân tộc chúng ta mới bắt kịp các nước không cộng sản trong khu vực.

b. Ðành rằng về phương diện nhân quyền và dân quyền thì dân Việt đã vô cùng hẩm hiu. Về phương diện chủ quyền thì CSVN muối mặt dâng đất và lãnh hải cho Trung Quốc để được bình yên cai trị dân chúng, tham nhũng vơ vét công khố. Tuy nhiên không có gì đáng xấu hổ bằng, trong thời đại thặng dư tin học này, mà các hậu duệ của Hồ Chí Minh lại bày vẽ các tấn tuồng lố bịch để xiển dương chế độ, nhưng kỳ thực bêu xấu cho toàn dân trên trường quốc tế. Một trong những ví dụ điển hình và xấu hổ nhất là ai cũng nhận thấy Việt Nam hiện nay là một chế độ chuyên chính, độc đảng và thủ tục bầu cử chỉ là một tấn tuồng trơ trẽn, đảng chọn sẵn cho dân bầu.

c. Dân tộc Việt Nam từ bao nhiêu ngàn năm đã chứng tỏ là một dân tộc can trường và bất khuất, nhất là khi đứng lên chống lại ngoại xâm hoặc bảo vệ tổ quốc. Từ nhiều đời các lực lượng vũ trang và an ninh luôn luôn đại diện cho toàn dân, trung thành với dân tộc và bảo vệ cho công lý. Ðó cũng là trào lưu hiện đại của nhân loại vào thế kỷ 21. Chỉ riêng tại Việt Nam Quân Ðội và Công An mang tiếng là của nhân dân, nhưng kỳ thực chỉ là những tên đầy tớ trung thành của một đảng cướp có võ trang mà thôi. Một trong những tội lớn nhất của hậu duệ của Hồ Chí Minh là biến bản chất anh hùng và bất khuất của quân đội thành những tên nô bộc của một chế độ độc đảng. Trong khi quân đội và các lực lượng an ninh của các quốc gia khác trên thế giới ngẩng mặt tự hào, thề trung thành với hiến pháp và tổ quốc của họ, đứng bên trên và bên ngoài các tranh chấp trên chính trường, bảo vệ trật tự xã hội và lãnh thổ quốc gia, thì tại Việt Nam trên thực tế họ là gia nô cho những gương mặt như Nông Ðức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng...

d. Trong một kỷ nguyên mà khoa học soi sáng con đường cho mọi dân tộc, sự khai phóng và mở mang trí tuệ toàn dân, sự đả phá những huyền thoại hoang đường là kim chỉ nam cho các nhà lãnh đạo đất nước, thì tại Việt Nam, đám hậu duệ của Hồ Chí Minh lại muốn phù phép, phong thần phong thánh cho ông. Không phải vì họ thực sự tôn sùng ông, nhưng chỉ vì có mê hoặc, ngu muội được dân trí thì chế độ độc tài đảng trị mới được trường tồn, những lãnh đạo chóp bu mới còn có cơ hội vơ vét công quỹ và xương máu của dân đen.

e. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các đồ đệ của ông từ Lê Duẩn đến Nguyễn Phú Trọng, đều tiếp tục di sản tinh thần của ông qua công hàm bán nước của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958, có hậu quả bán Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Họ liên tục nhượng các hải đảo, vùng đất và vùng biển cho Trung Quốc, hầu duy trì sự ủng hộ của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc và qua đó, duy trì quyền lực độc tôn tại Việt Nam, trong một thời điểm trọng yếu của lịch sử, khi Trung Quốc bị công pháp quốc tế giáng một đòn sấm sét, qua phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ngày 12 tháng 7 năm 2016, vô hiệu hóa toàn diện tính pháp lý của đường Lưỡi Bò TQ trên Biển Đông. Gần đây nhất, TBT Nguyễn Phú Trọng lại sang chầu TQ, ký thêm 15 hiệp ước song phương tăng cường sự lệ thuộc vào TQ, kể cả công tác huấn luyện cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng.

Hiện tình đất nước như thế phát xuất từ quyết định của Hồ Chí Minh, vào năm 1925, gia nhập phong trào Cộng Sản Quốc Tế, thay vì noi gương các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các lãnh tụ quốc gia kháng Pháp khác.

Không có Hồ Chí Minh thì đất nước chúng ta ngày hôm nay đã qua mặt Thái Lan, Mã Lai và ít nhất phải sánh vai cùng Nam Hàn, Ðài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản rồi.

Bước đi sai lầm của ông ta đã di họa cho nhiều thế hệ dân tộc Việt Nam là như thế.

(Chú Thích: Bài nguyên thủy Viết Cho Tuyển Tập “Sự Thật Về Hồ Chí Minh” Trong Chiến Dịch “Tẩy Trừ Huyền Thoại Giả Trá Hồ Chí Minh” của Phong Trào Sài Gòn)



___________________________________________

Tài Liệu Tham Khảo:

1. Charles Fenn, Ho Chi Minh, a Biographical Introduction, 1973

2. Nghiêm Xuân Hồng, Lịch Trình Diễn Tiến của Phong Trào Quốc Gia Việt Nam, Ngày Về Tái Bản, Hướng Việt Phát Hành

3. VietnamNet.vn

4. Dick Wilson, Mao the People’s Emperor, 1979

5. V. I. Lenin, Imperialism, the Highest Stage of Capitalism, Foreign Language Press, Peking 1970



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo