Cám ơn em lòng can đảm - Dân Làm Báo

Cám ơn em lòng can đảm

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Không có em, không có các bạn tự tìm lại, đòi lại quyền được quyết định vận mạng của tổ quốc thì chúng ta sẽ mất hết. Sẽ không còn gì trên một mảnh đất của những xác chết còn thở, của những con cá biết đi nằm phơi bụng trên mãnh đất hình chữ S dọc theo biển Đông.

Cám ơn em lòng can đảm. Lòng can đảm ấy đang bị bỏ tù nhưng sẽ không ai, không ai có thể giết được lòng can đảm của em. Lòng can đảm của em, ngục tù âm u đang đổ xuống đời em cũng chính là ngọn đèn soi rọi vào bóng đen sợ hãi của tôi, vào đêm dài trùm đầu say ngủ trong nỗi ích kỷ êm ái và ấm cúng của tôi...

*

1. Bố mẹ chúng tôi đã đào mồ chôn sâu lòng can đảm từ mùa đông Cải cách ruộng đất, từ những ngày Trần Dần đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Can đảm đã biến mất trên cuộc đời khi mảnh đất tổ tiên trở thành một phần của hợp tác xã, khi những miếng thịt đã biến mất trong cửa hàng mậu dịch, và hơi thở tự do của Nhân Văn Giai Phẩm đã vào tù. Từ ấy, chúng tôi ra đời. Sữa mẹ ngọt nhưng luôn có mùi sợ hãi. Sợ hãi! Gia tài lớn nhất để lại cho con. Can đảm? Làm sao chúng tôi mất đi cái chưa bao giờ có, từ thuở lọt lòng cho đến lớn khôn!?

2. Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội... Tôi muốn nói với bạn về những điều đã viết nhưng cũng bằng thừa. Đã mất mát quá nhiều để có thể bù đắp bằng lời, tự an ủi hảo với nhau. Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, Biên giới Việt Bắc... Những gì còn lại đều bị phá tan hoang, đều bị bỏ thuốc độc - độc bằng chất thải công trình lẫn chất thải Hồ Chí Minh. Nhưng thế hệ chúng tôi và thế hệ đàn anh đã mất đi nhiều thứ tủi nhục hơn. Chúng tôi mất đi lòng can đảm, mất tinh thần làm chủ vận mạng chính mình và vận mạng đất nước, mất đi ý chí hy sinh bình an cá nhân để mưu tìm lợi ích chung, mất đi cuộc sống có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.

3. Đã bao nhiêu năm chúng tôi đã bị bao vây, gò ép, uốn nắn như những con cá mòi trong hộp sắt với nước sốt màu đỏ để từng ngày, mỗi tháng, nhiều năm chúng tôi nghiễm nhiên trở thành những cái đinh, con ốc của guồng máy. Trong căn nhà nhỏ, bố chúng tôi bao vây chúng tôi bằng quá khứ kháng chiến, bằng thúc đẩy tương lai chúng tôi phấn đấu vào đoàn. Mẹ bao vây với lời khuyên đẫm nước mắt - thôi con! ai sao mình vậy. Anh bao vây bằng cảnh báo - liệu hồn, đừng làm ảnh hưởng đến vị trí, công ăn việc làm của anh. Bố mẹ anh chị kiên trì tự bao vây chính họ và điên cuồng hơn cả công an để bao vây chúng tôi. Đó là cách sống an toàn nhất. Chúng tôi mất và thật sự không có, không có một chút đất, chút nước nào tưới lên để cho hạt mầm can đảm được đâm chồi.

4. Trong ngôi nhà lớn chúng tôi bị bao vây, gò ép, uốn nắn để ngày còn bé khăn quàng đỏ xiết cổ, ngủ chỉ mong mơ thấy lãnh tụ vô vàn kính yêu. Lớn lên chỉ có một đường yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa. Cuộc đời chúng tôi và đất nước này đã có đảng lãnh đạo, soi đường dẫn lối với 700 tờ báo bao vây, 300 kênh truyền thanh truyền hình bao vây, một rừng luật bao vây. Chúng tôi bị bao vây bởi hào quang của những chiến thắng thần thánh, bởi lãnh tụ vĩ đại, bởi tấm bảng chỉ đường vĩ đại, bởi lừa dối từ những người bị lừa dối. Bạn bè chúng tôi bao vây lẫn nhau - đừng sống khác nhau, đừng tìm kiếm để đừng có những gì mà anh em muốn nhưng không dám làm gì để có được. Hãy sống như nhau! Để "cho nó lành", chúng tôi học cách tự bao vây chính mình. Quay lưng lại với thế kỷ trước và bước sang kỷ nguyên mới thế hệ chúng tôi mang theo một cái tên đáng nguyền rủa: Mặckệnó.

*

Nhưng em, cũng như tôi, đã từng nằm co mình trong cái bào thai sợ hãi. Em, cũng như tôi, đã lớn lên trong cái nôi đớn hèn. Em, cũng như tôi, đã từng bước vào đời theo tấm bảng chỉ đường của chế độ - với tấm hình của "lãnh tụ vĩ đại" lúc nào cũng đăm đăm nhìn xuống chỗ em ngồi trong lớp học. Thế nhưng dòng máu nào trong em đã tưới đẫm, da thịt nào trong em đã nuôi nấng hạt mầm kỳ diệu để từ em, người con gái trời sinh ra em làm thân cỏ cú đã vươn vai thành đại thụ.

Em đã cắt bỏ cái tên Mackeno đang dính liền với thế hệ mình. Em đã bước ra bóng đêm tự nguyền rủa và giỏi đỗ thừa. Em đã xuống đường để đòi lại biển đảo, đất đai đã mất và bảo vệ những gì có thể sẽ mất. Em đã một mình đứng ở chợ Đầm nhờ một chị đi ngang chụp hình cầm bảng hiệu để cứu những con cá như cứu lấy tương lai con cái của mình. Em đã một mình lẻo đẽo theo một người mẹ tranh đấu cho người con bị bỏ tù oan. Em đã một mình bỏ lại sau lưng con nhỏ để leo lên xe đò nửa đêm đi gặp một nhân viên lãnh sự quán ngoại quốc để vận động tự do cho một người em chưa hề gặp. Em đã một mình, cô đơn làm người đứng thẳng trước phong ba.

Em đã xuống đường, đồng hành với nhiều bạn khác để phá tan những vòng vây oan nghiệt, để tìm lại những gì đã mất trước khi chúng ta chào đời. Không có em, không có các bạn tự tìm lại, đòi lại quyền được quyết định vận mạng của tổ quốc thì chúng ta sẽ mất hết. Sẽ không còn gì trên một mảnh đất của những xác chết còn thở, của những con cá biết đi nằm phơi bụng trên mãnh đất hình chữ S dọc theo biển Đông.

Cám ơn em lòng can đảm.

Lòng can đảm ấy đang bị bỏ tù nhưng sẽ không ai, không ai có thể giết được lòng can đảm của em.

Lòng can đảm của em, ngục tù âm u đang đổ xuống đời em cũng chính là ngọn đèn soi rọi vào bóng đen sợ hãi của tôi, vào đêm dài trùm đầu say ngủ trong nỗi ích kỷ êm ái và ấm cúng của tôi.

Từ em bài thơ xưa sống lại,
ngủ đi em, mai sớm lên đường (Võ Hoàng).

23.02.2017



 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo