CTV Danlambao - Ngày 3/2/2017, công an Hà Tĩnh đã gửi thông báo “Tạm giam bị can” đối với TNLT Nguyễn Văn Hóa cho gia đình của anh. Như vậy là sau 23 ngày bị bắt, bị giam giam, người thân của Hóa mới được công an thông báo về việc tạm giam anh này. Xin nhắc lại, Nguyễn Văn Hóa bị bắt hôm 11/1/2017 khi đang đi trên đường. Công an vu cáo Hóa tàng trữ ma túy trong người rồi bắt anh. Tuy nhiên, mãi đến 12 ngày sau khi bắt Nguyễn Văn Hóa (tức là đã quá thời hạn “tạm giữ”) công an Hà Tĩnh mới thông báo về việc “tạm giữ” cho gia đình Hóa biết.
Nguyễn Văn Hóa 22 tuổi, bị "tạm giữ" theo điều 258 BLHS với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Trao đổi với một Luật sư nhân quyền tại Sài Gòn về Quy định thông báo cho người thân khi ra quyết định tạm giam, tạm giữ, chúng tôi được chia sẻ như sau:
“Điều 85 của Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 (sau đây gọi là “Bộ luật tố tụng hình sự 2003”) quy định thông báo về việc bắt như sau: “Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay”.
Như vậy, mặc dù chưa rõ ràng, như thời điểm thông báo về việc bắt người phải là ngay lập tức sau khi bắt được người trừ trường hợp có những cản trở khác. Ở điểm này, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không có quy định rõ đây phải là những cản trở khách quan hay là những cản trở chủ quan của chính các cơ quan ra lệnh bắt hoặc cơ quan nhận người bị bắt. Tuy nhiên, suy đoán theo tinh thần của luật, tức là theo hướng có lợi cho người bị bắt theo lệnh bắt, thì những cản trở này phải là những trở ngại khách quan.
Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (sau đây gọi là “Bộ luật tố tụng hình sự 2015”) có quy định rõ hơn về thời điểm phải thông báo việc bắt người tại Điều 116 như sau: “Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết; trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt.
Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay.”
Như vậy, với quy định mới, thời điểm thông báo đã được làm rõ hơn, tuy nhiên, do các quy định mới vẫn chưa được áp dụng nên tạm thời vẫn phải tuân theo các quy định cũ như đã phân tích ở trên”.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông báo “tạm giam”. Ngoài thông báo này, gia đình vẫn chưa nhận được thông báo (quyết định) Khởi tố bị can hay khởi tố vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Vụ việc liên quan đến “vụ án” của Nguyễn Văn Hóa là một bằng chứng rõ ràng nhất cho sự vi phạm và coi thường pháp luật của công an cộng sản Việt Nam, cụ thể trường hợp này là công an Hà Tĩnh. Điều này (đương nhiên) không lạ. Trong chế độ công an trị, việc dùng luật rừng để đàn áp, ức hiếp người dân luôn là nền tảng và phương châm làm việc của công an nói riêng, và toàn bộ hệ thống cầm quyền của chế độ cộng sản nói chung.