Trần Thảo (Danlambao) - Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội. Ba tuần sau, ngày 23 tháng 9 năm 1945, Pháp theo chân lực lượng quân Anh vào giải giới quân Nhật và muốn tái lập chế độ thuộc địa tại nam bộ Việt Nam. Ý đồ tham lam, một lần nữa muốn nắm giữ quyền bóc lột của Thực Dân Pháp đã khiến nhân dân nam bộ bất bình, phẫn nộ, quyết đứng lên chống lại. Sự hưởng ứng kháng chiến của nhân dân miền nam, với bản tính "gặp chuyện bất bình chẳng tha", có thể nói là như ngọn sóng trào.
Hãy nghe ca khúc Nam Bộ Kháng Chiến của NS Tạ Thanh Sơn:
Mùa thu rồi ngày 23
Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến
Rền khắp trời lời hoan hô
Dân quân nam nhịp chân
Tiến lên trận tiền.
Thuốc súng kém chân đi không
Mà lòng người giàu lòng vì nước
Nóp với giáo mang ngang vai
Nhưng thân trai nào kém oai hùng...
Đứng ở mốc thời gian hiện tại, mà chúng ta vẫn có thể hình dung trọn vẹn cái khí thế sục sôi, hừng hực của vạn vạn tấm lòng hướng về tổ quốc trước họa xâm lăng. Già trẻ lớn bé gì cũng chỉ muốn xăn tay áo, lăn xả vào giặc cướp, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi tối thượng của tổ quốc.
Tôi nhớ từng đọc ở đâu đó mấy câu thơ của Victor Hugo được dịch sang tiếng Việt:
Vinh quang thay cho những người hy sinh vì tổ quốc!
Thiêng liêng thay tình yêu đất mẹ!
Đúng là như thế! Ngày nay đọc lại những hồi ký lịch sử, những áng văn viết về biến cố trọng đại của ngày Nam Bộ Kháng Chiến, chúng ta không khỏi nổi da gà, lắng nghe mạch máu của chính mình chuyển động, lòng tự nhiên cảm thấy vô vàn hãnh diện cho tinh thần yêu nước nồng nàn của dân nam.
Ngoài miền bắc cũng thế. Bắt đầu từ ngày 20 tháng 12 năm 1946, sau khi Hồ Chí Minh đưa ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cả dân tộc từ nam ra bắc như biến thành một khối thiết thạch. Có thể nói, sau hằng trăm năm chịu đựng hai tầng áp bức của phong kiến và thực dân, nhân dân Việt Nam ý thức đã tới lúc phải đứng lên cởi bỏ xích xiềng nô lệ, xây dựng một cuộc đời mới cho đất nước và cho chính bản thân mình.
Trong miền nam, nhà văn Xuân Vũ kể lại việc ông mới 14, 15 tuổi đã bỏ nhà trốn đi theo "cách mạng" rồi tập kết ra bắc. Trong "Hồi ký của một thằng hèn", NS Tô Hải kể lại việc ông đã không nghe lời cảnh cáo của thân phụ, quyết tâm đi theo đảng cộng sản, một phần do yêu nước, nào có so đo cộng sản hay không cộng sản, một phần cũng do tự ái của tuổi mới lớn, chủ quan tin vào nhận định của riêng mình.
Nhà văn Xuân Vũ và Nhạc sĩ Tô Hải chỉ là hai thí dụ trong hằng vạn người của tầng lớp thanh niên, ôm bầu máu nóng trước nghịch cảnh của đất nước.
Vinh quang thay và cũng bi thảm thay! Vinh quang vì tuổi trẻ Việt Nam thời đó đã tiếp nối được truyền thống hào hùng của tiền nhân, của Trần Quốc Toản, của Lê Lợi, của Quang Trung trong sứ mệnh giữ nước của dân tộc Việt. Bi thảm vì nhiệt huyết đó, tình yêu quê hương đó đã bị những người cộng sản quỷ quyệt tận tình lợi dụng. Thay vì đem tất cả năng lực của tuổi trẻ dồn cho sứ mệnh giữ nước và dựng nước, sau khi toàn dân đoàn kết một lòng, thành công đánh đuổi Thực Dân Pháp ra khỏi đất nước với chiến thắng Điện Biên Phủ, những người CSVN đã trói buộc những nhân tài đất nước vào vòng kìm tỏa của chủ nghĩa cộng sản, tiếp tục đẩy họ vào cuộc chiến xâm lược miền nam VN sau này, thực hiện dã tâm của quan thầy cộng sản thế giới: Nhuộm đỏ toàn cõi đông dương.
Nhà văn Xuân Vũ khi tập kết ra bắc năm 1954, lòng bồng bột hăng hái đã viết hai câu thơ:
Mười năm dồn lại một ngày
Là ngày tay mẹ cầm tay Bác Hồ!
Chỉ sống ở miền bắc vài tháng, ông đã sáng mắt sáng lòng, viết hai câu thơ khác, nhưng dĩ nhiên là giấu trong lòng, không dám đăng báo Văn Nghệ Hà Nội như hai câu trước:
Mười năm rõ mặt Bác Hồ
Là con quái vật miệng hô mắt lồi.
Với những người như ông Xuân Vũ Bùi Quang Triết và ông Tô Hải, mối tình đầu của mình bị tên sở khanh phụ bạc một lần là tởn tới già. Một ông thì âm thầm tạo dựng cơ hội đi B, về đến được quê nhà Mỏ Cày, Bến Tre năm 1968 là dông tuốt, một đi không trở lại. Một ông thì bất hạnh hơn, cố gắng nín thở qua sông, tới khi có tuổi rồi mới gióng lên tiếng "nói cho hả" trong tác phẩm "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn". Điều không thể chấp nhận được của chế độ CSVN là đối với một ông cụ 90 tuổi, bịnh hoạn liên miên như Nhạc sĩ Tô Hải mà chúng vẫn không buông tha, mới đây tin tức trên mạng cho hay phòng bịnh ông nằm luôn có công an theo dõi, rình rập, cuối cùng chúng còn ra lệnh cho bác sĩ bịnh viện từ chối chữa bịnh cho ông và đuổi ông về nhà.
Đời cũng lắm cảnh trớ trêu! Không phải ai cũng như ông Xuân Vũ và ông Tô Hải. Bộ mặt trơ trẽn của những người cộng sản, trước thì hô hào cách mạng, đấu tranh xóa bỏ giai cấp, tự do công lý cho tất cả mọi người, sau khi nắm quyền lực trong tay thì lại muốn làm vua, giai cấp xã hội chẳng những không được xóa bỏ mà còn ghê gớm hơn gấp trăm lần thời phong kiến, đã khiến cho hai ông Xuân Vũ và Tô Hải ngán tới tận cổ, và tìm mọi cách ly khai. Nhưng cũng có lắm người, tuy thất vọng vì đảng, sau khi nắm quyền, đã khiến xã hội đi vào chiều hướng thê thảm, tối tăm, cụ thể là hai vụ Cải Cách Ruộng Đất và Cải Tạo Tư Sản ngoài miền bắc đã khiến lòng người ly tán, nhân dân ngoài đó sống khép kín trong một đời sống như trại lính, nghèo nàn, bần tiện, nhưng họ vẫn khư khư ôm trong lòng những ký ức đẹp đẻ, hào hùng của một thời tham gia kháng chiến như Hoàng Cầm viết trong bài thơ Đêm Liên Hoan:
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vững nghìn thu một giống nòi.
Những người này, trước sau họ cố bám víu vào những hình tượng, những lời tuyên truyền dối trá nhưng đẹp đẻ về Hồ Chí Minh và luôn coi ông như một cha già dân tộc, một anh hùng cứu quốc. Thời đại trước đây, trong một môi trường hoàn toàn khép kín như xã hội miền bắc, người dân bị bưng bít mọi thông tin, thì họ mơ hồ tin theo những vẽ vời để sùng bái cá nhân HCM thì chúng ta có thể thông cảm được, nhưng tới đầu thế kỷ 21, khi những sử liệu được nghiên cứu một cách đáng tin cậy về Hồ Chí Minh ở trong tầm tay của họ, nhưng họ vẫn khăng khăng cho rằng đó là những tin tức xuyên tạc, nói xấu lãnh tụ. Những người như thế rất nhiều. Khi nói về Hồ Chí Minh, những người này yêu cầu người ta phải nhận xét khách quan, cẩn trọng, không thành kiến. Hồ Chí Minh là một kẻ cơ hội, tàn bạo, giả dối. Hồ Chí Minh là một kẻ sẵn sàng làm tay sai cho cộng sản quốc tế, sẵn sàng bán đứng dân tộc, đất nước. Tất cả những bản chất đó ngày nay đã rõ như ban ngày, vậy thì còn phải khách quan, không thành kiến như thế nào nữa?
Thực ra, như tôi đề cập phía trên, đây là một vấn đề tâm lý. Thói thường người ta hay nói "Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay", nhưng cũng có khi lại là "Đắng cay nhớ lúc ngọt bùi". Rất nhiều người, khi tham gia cuộc toàn quốc kháng chiến từ năm 1945-1954, ở trong độ tuổi chưa tới 20, có khi còn chưa biết tình yêu trai gái là gì. Họ đi theo tiếng gọi cứu nước, và đảng cộng sản với Hồ Chí Minh đứng đầu, đã là một hình ảnh thiêng liêng, lồng lộng trong tâm hồn họ. Hay nói véo von một chút, đảng và "Bác Hồ" thực sự là mối tình đầu của họ. Khi đảng và bác, như một tên sở khanh, để lộ mặt thật xảo trá, phụ phàng tình yêu của họ, họ đau lắm chứ, nhưng trong những phút giây đắng cay đó, họ tự an ủi mình bằng những hình ảnh ngọt bùi một thuở. Hãy nghe Bác Sĩ Nguyễn Khắc Viện, một người cộng sản 82 tuổi tâm sự:
"Đời tôi là đời một kẻ NGÂY THƠ. Phần THƠ là đi theo cụ Hồ kháng chiến chống xâm lược, tôi giữ nó lại. Phần NGÂY là đi theo Chủ Nghĩa Xã Hội, tôi vứt nó đi. Nhưng nếu phải sống lại, tôi vẫn đi con đường đó."
Đọc lời tâm sự của BS Nguyễn Khắc Viện thì chúng ta đã rõ lắm rồi! Tôi bỗng dưng từ câu kết của BS Nguyễn Khắc Viện mà nảy sinh một câu hỏi tò mò. Ông NKV bảo rằng nếu phải sống lại, ông ấy vẫn đi con đường đó. Tôi xin hỏi ông NKV, nếu ông sống lại vào thời đại của cuộc toàn quốc kháng chiến, và ông được mang theo Ký Ức của Mình vào Đầu Thế Kỷ 21 ở Việt Nam thì ông có còn đi theo con đường mà ông nói hay không? Nếu ông "vẫn đi con đường đó" thì quả thật tôi xin bái phục ông là một chân trí giả!
Bởi cái mâu thuẫn tâm lý này, mà nhiều người dù đã ngán ngẩm cái cơ chế XHCN đi hoài không thấy đường ra, nhưng họ đổ thừa tất cả những tệ hại của xã hội hiện nay là do những tên cà bứa như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, và những tên trước đây như Nguyễn Văn Linh, Lê khả Phiêu, Phan Văn Khải v.v.. vì bất tài nên đã đưa đất nước dân tộc đến vũng lầy hiện nay. Họ tin rằng nếu Hồ Chí Minh không chết sớm, và cầm cân nẩy mực thì đất nước nhất định là vinh quang, xán lạn! Không thiếu những kẻ mang kiến thức của thời đại mới mà vẫn khấn vái xin ông Hồ có linh thiêng thì về phù hộ cho mấy ông thần nước mặn hiện nay sám hối, quay về nẻo phải, mau xây dựng nền tự do dân chủ. Thật hết ý luôn!
Hồ Chí Minh qua đời mà thân xác không được nhập thổ, chắc khó mà tiêu diêu, lại bị hai hồn ma Ba Duẩn và Sáu Thọ kèm hai bên, có khấn vái tới ổng mà không hối lộ hai tên đó, thì dám nhận được cái xua tay, lắc đầu: "Đừng làm phiền tới lãnh tụ tối cao!"
Tôi không tin những người này lại có lối suy tư như vậy, tôi tin là họ biết hết sự thật, nhưng họ không dám chấp nhận nó mà thôi. Họ bám víu vào hồn ma của HCM để cho tâm hồn của họ có một chổ dựa, nếu chối bỏ HCM, họ không còn gì cả. Ôi "Tôi đang mơ giấc mộng dài, đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh!"
Lâu nay tôi hay chọt vào vấn đề này. Không phải vì tôi muốn lay họ dậy khỏi giấc mơ, bởi vì như thế thật tội nghiệp, họ sẽ chẳng còn gì cả. Nhưng tôi nghĩ rằng họ sẽ khiến cho sự lầm lạc này lan truyền ra xã hội, đó quả là điều không tốt. Nhưng ngẫm lại quả thật là đau! Chế độ CSVN dựa vào hình tượng HCM để kéo dài sự thống trị qua bộ máy tuyên truyền, không ngại tiêu tiền tỉ để xây tượng khắp nơi, mà ngay cả những người đã từng bị phản bội một cách trắng trợn, vẫn bám víu vào cái tượng mạ kền HCM để an ủi chính mình?
Đất nước Việt Nam trong vòng một thế kỷ qua đã trải qua quá nhiều bất hạnh, nhưng trong những bất hạnh đó, còn có một chút xíu may mắn, đó là Hồ Chí Minh đã chết sớm vào năm 1969. Nếu ông ta còn sống lâu hơn chừng 10 năm, cá nhân tôi tin rằng đất nước Việt Nam còn thê thảm hơn bây giờ.
Mới đây tôi được đọc ba bài viết của tác giả tên Lãng Anh trên trang mạng Ba Sam với tiêu đề chung là Đảng Cộng Sản Việt Nam, Ngã Ba Đường Lịch Sử. Phải thành thật công nhận tác giả Lãng Anh đã mất nhiều công sức để viết ba bài viết thật hay, tràn đầy kiến thức với lối phân tích sắc sảo. Các bạn hãy vào trang Ba Sam để đọc trọn vẹn ba bài viết của tác giả Lãng Anh. Ở đây tôi chỉ nêu vài nét chính.
Trong phần kết luận, tác giả Lãng Anh đã quy ra những điều mà chế độ CSVN cần phải làm để chuyển hóa đất nước sang một thời kỳ mới mẻ trong hòa bình, thay vì phải kết thúc chế độ trong loạn lạc, bất hạnh.
Gồm những điều như sau:
1- Nới lỏng kiểm duyệt báo chí và trang mạng xã hội.
2- Sa thải và tái bố trí việc làm cho ít nhất 30% người hưởng lương ngân sách.
3- Ban hành một đạo luật chống tham nhũng mới. Đặc xá những án tham nhũng cũ, và sẽ nghiêm chỉnh trừng trị những án tham nhũng mới khi thời hạn đặc xá chấm dứt.
4- Thành lập cơ quan tư pháp mới, được trao quyền điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng sau thời hạn đặc xá, dù đó là ai.
5- Tách rời Tư Pháp ra khỏi Hành Pháp.
6- Giải tán Mặt Trận Tổ Quốc, thành lập Mặt Trận Toàn Dân mới, với những thành viên được bầu lên một cách công khai và minh bạch, Mặt Trận Toàn Dân này sẽ lựa chọn một hội đồng soạn thảo Hiến Pháp mới.
7- Phải thực sự cầu thị, đầy đủ thiện chí.
Tôi thật sự kính trọng thiện chí của tác giả Lãng Anh, đã bỏ công sức để soạn ba bài viết này. Điều đó nói lên tác giả đã có nhiều suy tư và lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc. Tuy có những chi tiết tôi không đồng ý như tác giả tin rằng những người cộng sản thế hệ đầu, cụ thể là Hồ Chí Minh, là người yêu nước. Tác giả cũng tỏ lòng kính trọng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp như một danh tướng, một anh hùng v.v... Những chi tiết đó tôi không muốn bàn luận ở đây. Tôi chỉ xin đưa ra vài nhận định về những gì cốt lõi trong bài viết của Lãng Anh.
Thưa tác giả Lãng Anh.
Như anh trình bày, đối tượng của bài viết là những người cộng sản VN. Hay nói cụ thể là những người đang nắm quyền trong cơ chế CSVN hiện nay, vì những đảng viên CS bình thường dù có tâm đắc với những gì anh dày công viết ra thì họ cũng không làm gì được, đó là chưa nói phần lớn số này sống trong "an toàn khu" của đặc quyền, đặc lợi đã được biên chế, họ cứ muốn tiếp tục thế này, không muốn thay đổi.
Thế thì anh Lãng Anh có thể trông chờ gì từ những người CSVN đang nắm vận mạng đất nước trong tay?
Trong mấy mươi năm qua, trải qua nhiều đời Tổng Bí Thư, không thiếu những con người tâm huyết, trong và ngoài đảng, đã không ngại bất lợi cho bản thân, đã cất lên tiếng nói đầy thiện chí xây dựng, mong mỏi cho đất nước thoát khỏi vũng lầy tăm tối, nhân dân được hưởng đời sống văn minh, những quyền căn bản của con người được tôn trọng. Những vị như Hà Sĩ Phu, Nguyễn Trung, Nguyễn Khắc Mai, Lê Hồng Hà, Trần Huỳnh Duy Thức v.v... và còn bao nhiêu người nữa, họ đem tấm chân tình ra để góp ý, mong đất nước chuyển hóa tốt đẹp. Nhưng đối lại, họ đã được đối xử thế nào? Tất cả đều bị trù dập cách này hay cách khác. Tại sao lại như thế?
Ông Hà Sĩ Phu có một nhận định rất thú vị: "Những người CSVN, khi chưa nắm quyền trong tay, họ rước chủ nghĩa Mác vào đất nước ta bằng cửa sau, khi họ đã nắm quyền trong tay thì họ máng chủ nghĩa Mác ở cửa chính để treo đầu dê bán thịt chó." Ngắn gọn thế thôi, nhưng đã nói quá rõ cái bản chất xảo trá, dối gian của những người CSVN, kể từ HCM, Lê Duẩn cho tới Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang hiện nay!
Thưa tác giả Lãng Anh.
Những người CSVN hiện nay họ đang đi trên con đường một chiều, không thể quay đầu lại được, vì quay đầu vào lúc này, đối với họ, có nghĩa là tự sát, mất hết quyền lực, mất hết lợi lộc bản thân.
Tôi cũng mới đọc một bài viết của ông Nguyễn Đăng Quang, trong đó cũng có đôi phần tương tự như của anh Lãng Anh. Ông NĐQ đề nghị nên có một Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương do Đại Hội Đảng bầu lên, chứ không nên được chỉ định bởi TBT và BCT như trước đây, để kiểm tra mọi hành động xấu xa do tha hóa quyền lực gây ra. Dĩ nhiên động cơ của anh Lãng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang, khi đề nghị những việc mà cơ chế CSVN cần làm lúc này, khác nhau. Đề nghị của anh Lãng Anh nhắm vào việc giải quyết cái đống rác xã nghĩa, cứu nước cứu dân mà những người CSVN là một thành phần. Còn ông Nguyễn Đăng Quang đề nghị để xây dựng đảng trong sạch, giảm suy thoái và xã hội nhờ đó sẽ hưởng xái mà tốt đẹp hơn.
Nhưng dù là động cơ nào, thì trong cái nhìn của tôi, những đề nghị của các anh cũng chỉ có một nơi chốn lưu giữ duy nhất, đó là thùng rác!
Tôi nói điều này với tất cả chân thành, không hề có ý mỉa mai, mong anh Lãng Anh đừng buồn.
Tình trạng đất nước Việt Nam hiện nay nhất định sẽ không được chuyển hóa trong một cách thức hoà bình như tác giả Lãng Anh mong đợi. Vì thế, thay vì đem đàn mà gảy tai trâu, hãy đem tâm huyết để giải quyết cái vật cản đã đè nặng tâm tư người Việt Nam bấy lâu nay, đó là cái sợ đối với những hành động áp bức kiểu côn đồ, luật rừng của bạo quyền CSVN.
05.02.2017