Tưởng nhớ nhạc sĩ Trần Lập, hãy khóc cho quê hương - Dân Làm Báo

Tưởng nhớ nhạc sĩ Trần Lập, hãy khóc cho quê hương

Dân đen (Danlambao) - Trong đêm tưởng niệm cố nhạc sĩ Trần Lập, rất nhiều bạn trẻ và người hâm mộ đã rơi nước mắt khi hình ảnh của anh được chiếu trên màn hình sân khấu. Đấy là tình cảm của những người yêu thích thể loại nhạc Rock dành cho nhạc sĩ Trần Lập. Nhưng ngoài tình cảm dành cho âm nhạc, lẽ nào người trẻ Việt Nam không còn điều gì khác để trân quí, để thao thức và để khát vọng thực hiện một thay đổi lớn lao hơn. Nếu như con số 10000 người ấy cũng được nhìn thấy trong những đợt biểu tình phản đối sự ngang ngược của Trung cộng tại biển đông, hay những đợt xuống đường phản đối nhà cầm quyền bao che Formosa, thủ phạm gây ra thảm họa môi trường thì có lẽ đất nước chúng ta không đến nỗi thê thảm như ngày nay...

*

Căn bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng của cố nhạc sĩ Trần Lập, và nó sẽ còn tiếp tục đe dọa cuộc sống hàng trăm ngàn người dân. Căn bệnh ấy xuất phát từ sự ô nhiễm môi trường, từ những thực phẩm bẩn và gần nhất là từ thảm họa môi trường biển. Thiết nghĩ người hâm mộ và những nhà tổ chức tưởng niệm nhạc sĩ Trần Lập cần hơn nữa những thông điệp, những việc làm thiết thực để cảnh báo ý thức của mọi người. 

Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập là người được công chúng Việt Nam biết đến vời những bản nhạc Rock do chính anh sáng tác và trình bày cùng ban nhạc Bức Tường. Thủ lĩnh ban nhạc này qua đời ngày 17/3/2016 ở tuổi 42 vì căn bệnh ung thư trực tràng. Sự ra đi của anh đã để lại nỗi xót thương cho người vợ và hai đứa con thơ cùng hàng ngàn người hâm mộ thể loại nhạc Rock.

Vào ngày 26/2/2017 tại Cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội đã diễn ra đêm nhạc “Hẹn gặp lại” được tổ chức nhằm tưởng nhớ cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập vì những đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Khoảng 10000 người đã tham dự đêm nhạc do gia đình cùng bạn bè của anh đứng ra tổ chức. Trước đó vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày, MC Anh Tuấn đã tổ chức cuộc diễu hành với hơn 160 xe mô tô mang theo thông điệp “vì một cộng đồng khỏe mạnh” để tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trần Lập.

Giới trẻ hiện nay thường chạy theo trào lưu thần tượng hóa diễn viên Hàn, cùng những chàng hề 3D, hay những cô người mẫu nội y với những vụ scandal tiền tỷ. Vì thế việc tổ chức tưởng niệm một người có những đóng góp cho cộng đồng như cố nhạc sĩ Trần Lập là việc nên và cần thiết trong xã hội. Đất nước cần nhiều hơn nữa những buổi tưởng niệm như thế dành cho những con người đã hy sinh xương máu vì quê hương biển đảo trong hải chiến Hoàng Sa 1974. Những nạn nhân trong vụ thảm sát do bàn tay Trung cộng gây ra tại biên giới phía Bắc 1979. Hàng trăm người thiệt mạng do thiên tai, nhân tai từ các đợt xả lũ thủy điện “đúng qui trình”, hay do thảm họa môi trường biển tại miền Trung.

Điểm ghi nhận trong sự kiện này là nhà cầm quyền luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tưởng niệm cố nhạc sĩ Trần Lập. Khác hẳn với các buổi tưởng niệm do các tổ chức xã hội dân sự đứng ra đều bị nhà cầm quyền ngăn cản và phá bĩnh. Phải chăng tử sĩ Hoàng Sa của quân lực VNCH hay những chiến sĩ biên giới phía Bắc dù hy sinh vì quê hương nhưng vẫn không đáng để được tưởng niệm. Lẽ nào hàng trăm sinh mạng đồng bào thiệt mạng do nhân tai, do thảm họa môi trường biển chỉ là cỏ rác trong xã hội, nên không đáng để tưởng niệm. Xin thưa, tất cả những chiến sĩ hai miền Bắc, Nam cùng hàng trăm con người miền Trung đã thiệt mạng vì chiến tranh, vì nhân tai hay vì thảm họa môi trường đều đáng tri ân hay tưởng nhớ. Bởi họ là con người và là chính đồng bào ruột thịt của người dân Việt Nam. Họ không được nhớ đến vì họ chống lại sự xâm lược của Trung cộng, họ là nạn nhân thảm họa môi trường do Trung cộng đem đến. Vì lẽ đó nhà cầm quyền không muốn nhắc đến sự hy sinh, mất mát của họ dù người dân vẫn luôn dành cho họ sự kính trọng và nỗi thương cảm. Tại sao nhà cầm quyền không muốn? Đơn giản là sợ làm phật lòng quan thầy Bắc Kinh.

Trong đêm tưởng niệm cố nhạc sĩ Trần Lập, rất nhiều bạn trẻ và người hâm mộ đã rơi nước mắt khi hình ảnh của anh được chiếu trên màn hình sân khấu. Họ khóc vì nhớ một nhạc sĩ tài năng đã sớm ra đi trong sự đau đớn bởi căn bệnh ung thư. Họ thương vì nỗi đau của một người vợ và hai đứa con thơ bỗng dưng bơ vơ vì sự ra đi ấy. Đấy là tình cảm của những người yêu thích thể loại nhạc Rock dành cho nhạc sĩ Trần Lập. Nhưng ngoài tình cảm dành cho âm nhạc, lẽ nào người trẻ Việt Nam không còn điều gì khác để trân quí, để thao thức và để khát vọng thực hiện một thay đổi lớn lao hơn. Nếu như con số 10000 người ấy cũng được nhìn thấy trong những đợt biểu tình phản đối sự ngang ngược của Trung cộng tại biển đông, hay những đợt xuống đường phản đối nhà cầm quyền bao che Formosa, thủ phạm gây ra thảm họa môi trường thì có lẽ đất nước chúng ta không đến nỗi thê thảm như ngày nay.

Căn bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng của cố nhạc sĩ Trần Lập, và nó sẽ còn tiếp tục đe dọa cuộc sống hàng trăm ngàn người dân. Căn bệnh ấy xuất phát từ sự ô nhiễm môi trường, từ những thực phẩm bẩn và gần nhất là từ thảm họa môi trường biển. Thiết nghĩ người hâm mộ và những nhà tổ chức tưởng niệm nhạc sĩ Trần Lập cần hơn nữa những thông điệp, những việc làm thiết thực để cảnh báo ý thức của mọi người. Tất cả chúng ta dù là dân đen hay nhà cầm quyền đều đang sống chung trong một bầu không khí ô nhiễm, đều ăn những thứ được pha trộn hóa chất độc hại. Nếu chúng ta không loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống, sớm hay muộn chúng ta sẽ có kết cục giống nhạc sĩ Trần Lập hay ca sĩ Minh Thuận.

Các bạn trẻ hãy nhìn vào thực tại xã hội vì rằng cuộc sống không chỉ có âm nhạc. Nơi các bạn sống còn cần cả một bầu không khí trong sạch, cần cả một thế hệ biết hành động thay vì chỉ ngồi đó thần tượng hóa một vài cá nhân mà thôi. Các bạn hãy khóc thương những tiền nhân hy sinh vì đất nước, hãy thương cảm những con người bất hạnh vì thảm họa môi trường. Khi ấy những giọt nước mắt của các bạn trẻ sẽ trở nên ý nghĩa và thật sự cảm động. Các bạn là tương lai của đất nước vì thế hãy can đảm lên tiếng trước những sai trái của xã hội. Đó sẽ là tất cả những gì các bạn nhận được trong tương lai của chình mình.

Nhà cầm quyền trước khi quá muộn hãy thay đổi, bởi chủ thuyết cộng sản sớm muộn sẽ lụy tàn. Thay vì tổ chức tang lễ cho một lãnh đạo quốc gia khác mà không hề có sự đóng góp nào cho người dân Việt Nam, nhà cầm quyền hãy tưởng niệm những người lính đã hy sinh vì quê hương biển đảo. Hãy giúp đỡ những nạn nhân thiệt hại trong thảm họa môi trường biển, hãy xử tội những kẻ gây ra nhân tai xả lũ “đúng qui trình”. Hãy trả lại cho nhân dân quyền tự quyết. Vì chỉ có nhân dân mới đem lại sức mạnh chống sự xâm lược phương Bắc, chỉ có nhân dân mới bảo vệ đất nước và bảo vệ những lãnh đạo cầm quyền biết lo nghĩ đến người dân.

28.02.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo