Hải Âu (Danlambao) - Qua phương tiện truyền thông, tôi rùng mình khi theo dõi vụ án sát hại Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà độc tài Bắc Hàn Kim Jong Un. Vụ án mạng xảy ra tại Malaysia nhưng một trong hai nữ nghi phạm là người mang quốc tịch Việt Nam, đó là Đoàn Thị Hương. Một cô gái có dáng người nhỏ bé, sinh ra và lớn lên trong một gia cảnh thuộc diện khó khăn. Mẹ của Hương đã qua đời vào năm 2015, cha của Hương là một thương binh 2/4 của bộ đội Bắc Việt. Hương là em gái út trong một gia đình có năm người con. Dù được gia đình hết mực yêu thương chăm sóc nhưng Hương đã sớm lạc lỗi khi em một mình bước chân vào cuộc sống lẻ loi trong một xã hội đầy dẫy cạm bẫy.
Có lẽ lúc này rất nhiều người dành cho Hương một thái độ oán trách, ghê sợ, khinh miệt, và cho rằng Hương là một nữ sát thủ. Riêng tôi, tôi cảm thương với Hương, sự thương cảm ấy không bắt nguồn từ lòng thương hại, không hình thức như một kẻ đạo đức giả. Tôi cảm thương em vì em cũng là một trong vô số những “nạn nhân” của xã hội ngày nay. Một cô gái vốn hiền lành, học hết cấp 3 thì phải xa gia đình để lên Hà Nội tiếp tục theo học. Cuộc sống xa nhà, thiếu thốn tình thân cùng với những cám dỗ từ sự xa hoa ảo vọng nơi đất khách chính là nguyên nhân dẫn đến kết cục bất hậu của Hương ngày hôm nay.
Một xã hội đang khuyến khích giới trẻ chỉ nghĩ đến chuyện hưởng thụ. Một cuộc sống được định hình từ những game show truyền hình nhăng nhít, lố bịch. Một Nhân cách được tôi luyện trong môi trường đầy dẫy sự dối trá và đối kỵ. Nó đã khiến một cô gái đơn độc mất kiểm soát và sa chân vào những ma lực của đồng tiền. Và để rồi chính ma lực của đồng tiền đã điều khiển em trở thành một người đang bị cáo buộc là một nữ sát thủ. Theo như lời khai của Hương thì em bị dụ dỗ tham gia vào một cuộc chơi khăm trên game show truyền hình. Đổi lại em sẽ nhận được 90 USD và sự nổi tiếng. Chưa thể xác định đúng sai trong lời khai của em, nhưng rõ ràng những ảnh hưởng từ cuộc sống đã góp phần biến em thành người “nổi tiếng” với vụ án có sức ảnh hưởng lớn trên truyền thông thế giới.
Hương tham gia vào vụ sát hại Kim Jong Nam vào ngày 14/2/2017. Và sự “nổi tiếng” của Hương tại Việt Nam chỉ thật sự bắt đầu khi Bộ ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về vụ việc. Tuy nhiên bà Nguyễn Phương Trà, phó Phát ngôn của Bộ ngoại giao nêu rõ: “Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi tội phạm dưới mọi hình thức và mọi mục đích. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước trong công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm”. Có lẽ vì phát ngôn ấy nên cho đến giờ phút này, Hương vẫn chưa thể có luật sư từ Việt Nam sang để hỗ trợ pháp lý cho em. Dù rằng tòa án của Malaysia đã chính thức cáo buộc tội danh giết người dành cho em.
Có thể Hương sẽ phải đối diện với án từ hình nhưng khi tòa án của Malaysia chưa đưa ra phán quyết cuối cùng thì em vẫn phải được xem là một công dân Việt Nam vô tội. Trước một vụ án ảnh hưởng tới chính trị và hình ảnh của quốc gia nhưng phía nhà nước cộng sản Việt nam tỏ ra chậm chạp khi đưa tin cũng như lựa chọn những biện pháp hỗ trợ pháp lý cho công dân của mình. Phải chăng chỉ vì Hương là một nghi phạm giết người, là một dân đen tầm thường trong xã hội.
Một ngày nào đó có thể Đoàn Thị Hương sẽ phải đối mặt với một kết cục đen tối nhất trong cuộc đời. Nhưng một lần nữa tôi vẫn sẽ dành sự thương cảm cho em dù không cổ súy cho bất cứ hành động nào dẫn đến tội ác. Bởi cá nhân một người không thể tạo ra một xã hội vì mỗi người chỉ là một tế bào trong xã hội ấy mà thôi. Nhưng xã hội Việt Nam ngày nay đang tạo ra những con người máu lạnh sẵn sằng hành hạ, sát hại lẫn nhau mà không hề tỏ ra run sợ. Những cuộc xô xát, chém giết ấy vẫn thường xuyên diễn ra từ học đường cho đến thương trường, từ cao niên cho đến những em học sinh tuổi đời còn quá ngây thơ. Đó là kết quả của một quá trình tàn phá nhân cách sống dưới sự lãnh đạo của nhà nước cộng sản Việt Nam. Để rồi con người sống trong cai thiên đường xã hội chủ nghĩa ấy chỉ còn nghĩ đến cá nhân mình, chỉ mong thỏa mãn nhu cầu của bản thân và bất chấp tất cả.
04.03.2017