Ted Yoho * Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) lược dịch - Bài viết của Dân Biểu Ted Yoho (thuộc đảng Cộng Hòa, tiểu bang Florida), thành viên Hội Đồng Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ, chủ tịch UB Đối Ngoại Đặc Trách Châu Á Thái Bình Dương trực thuộc Hội Đồng này sau cuộc điều trần về biển Đông diễn ra tại Quốc Hội.
UB Đối Ngoại Đặc Trách Châu Á Thái Bình Dương đã có cuộc điều trần để thảo luận đối sách cần thiết cho Hoa Kỳ trước tình trạng hung hăng hiếu chiến của Trung Cộng tại biển Đông. Trung Cộng cho đến giờ phút này vẫn chưa hề bị sứt mẻ gì cả dù rất ngang ngược lấn chiếm lãnh hải tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền này. Tại Quốc Hội, xu hướng ủng hộ thái độ cứng rắn đối với Trung Cộng về vấn đề này đang lan rộng, mà bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis thừa nhận, sự thờ ơ của Hoa Kỳ trước thái độ hung hăng của Trung Cộng ở biển Đông trong thời gian qua đã làm mất niềm tin các quốc gia trong vùng đối với Hoa Kỳ, tạo điều kiện dễ dàng cho Trung Cộng tác oai tác quái lên các nước trong vùng ở mọi mặt từ đối ngoại, kinh tế đến an ninh quốc phòng. Nhấn mạnh vào những mối bận tâm chính yếu của Hoa Kỳ đang bị nguy hại trước hoàn cảnh hiện nay tại biển Đông, cuộc điều trần cho thấy Hoa Kỳ có đủ những đối sách cần thiết và khả thi để răn đe khiến Trung Cộng phải trả giá rất đắt nếu tiếp tục hành động gây bất ổn về an ninh trong khu vực. Đã đến lúc Hoa Kỳ cần phải thực thi càng sớm càng tốt những đối sách này.
Mục tiêu chiến lược của Trung Cộng:
Trung Cộng không hành động để đối đầu trực diện với Hoa Kỳ nhưng lại cố xâm thực từ từ để có thể kiểm soát diện tích biển Đông càng nhiều càng tốt. Hơn năm ngàn tỷ Mỹ kim hàng hóa được chuyên chở ngang qua vùng biển Đông rộng lớn này mỗi năm, tính luôn cả tổng trị giá lượng xăng dầu chuyên chở đến các quốc gia đối tác có liên hệ kinh tế quan trọng đối với Hoa Kỳ như Nhật, Nam Hàn và Đài Loan. Tám hải cảng ra vào tấp nập nhất thế giới đều nằm ở vùng biển châu Á Thái Bình Dương, và gần một phần ba lượng hàng hóa mua bán của thế giới phải đi qua vùng biển Đông. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, quân đội Hoa Kỳ hiện diện tại vùng biển này, đảm bảo an ninh và tư do hàng hải, tạo điều kiện cho hàng hóa mua bán qua lại được thuận lợi.
Cho đến nay tổng kết lại, Trung Cộng đã mở xây trái phép được tổng cộng 3200 mẫu ở các đảo trên quần đảo Trường Sa kể từ năm 2013, với đầy đủ sân bay quân sự, đồn hải giám, hệ thống dò sóng radar, hệ thống hỏa tiễn đất đối không, súng phòng không. Ở vùng biển giáp Nhật, Trung Cộng sách nhiễu lực lượng tuần duyên của Nhật liên tục một cách cố ý, điều động nhiều đại chiến hạm đến hăm dọa và thường xuyên cho chiến đấu cơ xâm phạm vùng trời thuộc Nhật. Trung Cộng cũng gia tăng chi phí quân sự đáng kể, chú trọng vào các hệ thống vũ khí dò sóng kiểm soát vùng trời, vùng biển và hỏa tiển tấn công tầm xa rất tối tân. Hành động tăng cường vũ trang này cho thấy dã tâm của Trung Cộng muốn tăng khả năng đe dọa của mình về mặt lãnh hải ở trong vùng, vì các hệ thống vũ khí tối tân này có thể giúp Trung Cộng ngang ngược tùy tiện ban bố vùng trời cấm bay hay vùng biển cấm qua lại và nếu trái lệnh của Trung Cộng thì sẽ bị các hệ thống vũ khí này tấn công hủy diệt ngay. Mặc dù Trung Cộng hiện đại hóa quân đội không phải là mối lo cho Hoa Kỳ, nhưng dã tâm bành trướng và âm mưu cưỡng chiếm lãnh hải cũng như sự hung hăng hiếu chiến muốn thách thức sức mạnh Hải quân Hoa Kỳ là một mối nguy mà Hoa Kỳ không thể xem nhẹ.
Xung đột tại biển Đông và vai trò của Hoa Kỳ:
Trung Cộng cưỡng chiếm trái phép các quần đảo tại biển Đông hoàn toàn đụng chạm đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ buộc phải có hành động trừng phạt vì ba lý do:
Lý do thứ nhất là hành động ngang nhiên cưỡng chiếm biển Đông của Trung Cộng làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai nước. Trung Cộng đã nhiều lần truy sát tàu chiến Hoa Kỳ và mới đây, ngang nhiên tịch thu một máy bay nhỏ tự động (drone) chuyên dò tìm nghiên cứu về hải dương trong khi máy bay nhỏ tự động này chỉ cách tàu Mỹ đang điều khiển và muốn thu hồi lại máy bay này chỉ có vài trăm thước Anh, một bằng chứng khiêu khích ngang ngược quá rõ tại vùng biển quốc tế.
Lý do thứ nhì là hành động ngang nhiên cưỡng chiếm biển Đông của Trung Cộng tạo ra bất ổn về an ninh quốc phòng ở trong vùng. Hải quân của Hoa Kỳ đã giữ vững an ninh vùng này từ năm 1945 dựa trên công pháp quốc tế về biển đảo hẳn hòi, trong đó, có sự đảm bảo tự do về hàng hải. Nhờ có Hoa Kỳ hiện diện và đảm bảo tự do hàng hải, toàn bộ vùng Đông Nam Á ổn định và phát triển, góp phần giúp cả thế giới thêm phồn vinh.
Lý do cuối cùng, nếu Trung Cộng ngang nhiên cưỡng chiếm biển Đông ngay trước mũi Hoa Kỳ mà Hoa Kỳ không phản ứng mạnh thì tiếng nói của Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo thế giới sẽ bị suy yếu hẳn đi, khiến sự can thiệp của Hoa Kỳ trước mọi xung đột võ trang giữa các nước, mà nếu không can thiệp có thể lan rộng ra thành thế chiến, sẽ không còn hiệu lực nữa và làm các quốc gia mất niềm tin vào những cam kết hay ký kết về an ninh quốc phòng giữa Hoa Kỳ với những quốc gia này. Thờ ơ trước sự hung hăng hiếu chiến của Trung Cộng sẽ khiến tình trạng coi thường công pháp quốc tế lan rộng, và khiến vai trò của Hải quân Hoa Kỳ trong việc bảo vệ an ninh trật tự toàn cầu thêm khó khăn vì bị lu mờ để rồi dẫn đến uy tín của Hoa Kỳ hoàn toàn bị coi rẻ. (1)
Hợp tác với đồng minh để đem lại ổn định biển Đông luôn là chiến lược căn bản của Hoa Kỳ, nhưng ngay trước mắt, một quyết định chung giữa các nước để trừng phạt hành động hiếu chiến hung hăng của Trung Cộng khó có thể mà thực hiện được vì Trung Cộng đã phá hoại thành công sự đoàn kết giữa các quốc gia trong hiệp hội ASEAN. Chính phủ tiền nhiệm (chính phủ Obama) cam kết ồn ào như cái loa phường về sự quan trọng trong việc duy trì tự do hàng hải nhưng làm thì lại như mèo mửa, chỉ cho phép thực hiện có bốn cuộc tuần tra biển Đông mà thôi. Cho đến giờ phút này, chưa có sự trừng phạt đích đáng nào được tiến hành đối với Trung Cộng cả.
Đối sách khả thi của Hoa Kỳ để răn đe và trừng phạt Trung Cộng:
Trước tình trạng chia rẽ khối ASEAN, Hoa Kỳ cần phải dấn thân đẩy mạnh sự trừng phạt lên Trung Cộng để làm gương.
Trong cuộc điều trần này, Dean Chang thuộc hiệp hội Heritage Foundation (2) đã đề nghị nên trừng phạt cấm vận thương mại đối với các công ty đã giúp Trung Cộng xây các đảo nhân tạo trái phép tại biển đông khiến khả năng xây lấp trái phép này của Trung Cộng bị giảm hay mất hẳn do các công ty này không thể nào bỏ thị trường thế giới làm ăn kiếm tiền vì mấy cái đảo cát nhân tạo được.
Hải quân của Hoa Kỳ cũng cần phải thực hiện tuần tra biển Đông một cách định kỳ và thường xuyên hơn, đặc biệt là phải đi ngang và đi sâu vào phạm vi vùng biển cách các đảo nhân tạo xây trái phép bởi Trung Cộng khoảng mười hai hải lý để trực diện thách thức dã tâm bành trướng lãnh hải của Trung Cộng. Kể từ năm 2013, mỗi cuộc tuần tra biển trong tổng số bốn cuộc tuần tra được tiến hành đều đi ngang qua những vùng biển không gần các đảo nhân tạo xây trái phép của Trung Cộng, như lấp liếm né tránh vấn đề, biến cuộc tuần tra trở thành như là ghé vào lãnh hải của một nước trong tình thân thiện hữu nghị. Trong cuộc điều trần, tiến sĩ Michael Auslin (3) khẳng định vùng đảo sóng lặng Mischief Reef cần phải được coi là mục tiêu của các cuộc tuần tra biển Đông sắp tới.
Hai ngành Lập Pháp và Hành Pháp cần tiếp tục cộng tác để thực thi dự thảo về “Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải tại biển Đông,” cũng như thông qua các chương trình tài trợ quân sự cần thiết trong lúc tiếp tục theo sát tình hình nơi này. Nên nhớ rằng, tổng thống Phi Rodrigo Duterte, đăng nhiệm từ tháng Bảy năm 2016, đã phải chuyển sang quy lụy Trung Cộng. Phi là quốc gia chính yếu có lợi trước bản “Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải tại biển Đông” này và thái độ thờ ơ trong việc hổ trợ quân sự của chúng ta đã khiến Phi trở nên thất vọng mà trở cờ như vậy.
Bộ Quốc Phòng cũng phải loại bỏ Trung Cộng ra khỏi danh sách các nước được mời tham gia cuộc tập trận RIMPAC (4) năm nay. Trung Cộng lần đầu tiên được mời tham dự cuộc tập trận này là vào năm 2014, tức là sau khi mà hành động xây đảo trái phép được khởi công rầm rộ, đã mang một tàu do thám trái phép đến cuộc tập trận để thu thập tin tức tình báo. Bất chấp thái độ tiếp tục hung hãn hiếu chiến, Trung Cộng lại được mời đến dự cuộc tập trận vào năm 2016. Không thể nào cưng chìu một nước Trung Cộng hư đốn như vậy, và quan hệ hợp tác quân sự cần phải nằm trong khuôn khổ chiến lược trọng yếu của quốc gia. Ngoài việc loại trừ Trung Cộng ra khỏi danh sách các nước tham gia tập trận, chúng ta cần phải mời đảo quốc Đài Loan tham dự để dằn mặt Trung Cộng.
Chính phủ cũng cần phải thường xuyên sử dụng các biện pháp trừng phạt mang tính "gậy ông đập lưng ông" trên bình diện lớn hơn, ở nhiều lãnh vực khác nhau để đạt được những mục tiêu cần thiết cho quốc gia, một điều mà Trung Cộng vẫn thường hay tiến hành bấy lâu nay để thỏa mãn dã tâm của mình. Thí dụ, để phản đối sự lấp ráp các dàn phòng thủ chống hỏa tiễn THAAD (5) ở Nam Hàn, Trung Cộng đã ngăn cản du lịch sang Nam Hàn và thường xuyên sách nhiễu các công ty Nam Hàn ở Trung Cộng. Quyền lợi kinh tế của Trung Cộng hoàn toàn phụ thuộc vào các chính sách luật lệ của chính phủ Hoa Kỳ. Những hành động trả đũa theo kiểu của Trung Cộng cần phải được chính phủ chúng ta tiến hành tương tự đối với Trung Cộng để áp lực răn đe của Hoa Kỳ thêm mạnh, thêm hiệu quả; “gậy ông đập lưng ông" là khả thi và cần thiết.
Đã từ lâu, Hoa Kỳ thừa hiểu hiểm họa xâm thực rất lớn của Trung Cộng tại biển Đông nhưng lại chẳng hành động gì cho ra hồn để răn đe. Để thay đổi tình hình, chúng ta phải tự dấn thân tiến hành hàng loạt các biện pháp răn đe cần thiết. Hoa Kỳ càng chủ động tiến hành răn đe Trung Cộng thì kết quả đem lại cho sự ổn định biển Đông càng chắc chắn hơn, nhưng chúng ta đã từng thấy, né tránh những hành động răn đe cứng rắn chỉ đem đến nhiều bất ổn và đại họa cho Hoa Kỳ. Trung Cộng đã lợi dụng sự dung dưỡng của Hoa Kỳ để làm mưa làm gió trong vùng, cưỡng chiếm thêm lãnh hải. Sự mềm yếu dĩ hòa vi quý của chúng ta sẽ không làm cho bất ổn tại vùng biển Đông này giảm đi, mà trái lại, chính thái độ bạc nhược này đang làm cho nguy cơ xung đột võ trang tại nơi này trở nên ngày một không thể tránh khỏi.
23/3/2017
Bản tiếng Việt:
_____________________________________________________
Ghi chú:
(1) Vị Dân Biểu này viết đoạn văn trên hay lắm, vậy thì khi Hoa Kỳ không can thiệp lúc Việt Cộng ngang ngược xé bỏ cam kết Hòa Bình trước quốc tế năm châu tại Paris vào tháng Giêng năm 1973, hung hãn tiến chiếm tấn công Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975, vị dân biểu này nghĩ như thế nào? Bài học của Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đó cho nước Mỹ.
(2) The Heritage Foundation: là nhóm chiến lược gia thượng thặng đang đứng đàng sau cố vấn cho Trump về mọi chính sách đối ngoại, kinh tế và an ninh quốc phòng hiện nay. Nhóm này được thành lập vào khoảng những năm 1970 nhưng nổi đình nổi đám vào thời Ronald Reagan, khi tổng thống Reagan rất hứng thú với những kiến nghị đề xuất của nhóm này, nhất là vấn đề cải thiện và thu gọn bộ máy hành chánh của chính phủ. Nhiều người trong nhóm này về sau thành cố vấn quan trọng cho Reagan về nhiều lãnh vực quan trọng như kinh tế, quốc phòng.
(3) Tiến sĩ Michael Robert Auslin- bề ngoài là nhà văn và giáo sư thực tập tại đại học Yale, nhưng thật chất ông là chuyên gia phân tích và là một chiến lược gia thượng thặng vể các vấn đề Á Châu.
(4) THAAD (Terminal High Altitude Area Defense): là hệ thống hỏa tiễn có thể tiêu diệt các tên lửa từ xa nhờ vào hệ thống dò sóng radar tối tân. Trung Cộng thừa biết hệ thống phòng chóng hỏa tiễn từ xa THAAD đặt ở Nam Hàn sẽ vô hiệu hóa sức mạnh hỏa tiễn của Trung Cộng một cách dễ dàng nên tức giận.
(5) RIMPAC (the Rim of the Pacific Exercise)- cuộc tập trận liên kết ba binh chủng Hải Lục Không lớn nhất thế giới do Hoa Kỳ chủ xướng và mọi gọi nhiều quốc gia tham gia để có kinh nghiêm trợ chiến khi cần thiết. Cuộc tập trận thuờng xảy ra ở tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ vào những năm có con số cuối là số chẳng như 2008, 2010, 2012, vân vân.