Paulus Lê Sơn (Danlambao) - Tôi bị thúc bách rất ghê gớm bằng những hình ảnh cuộc sống thực tế của các TPB VNCH, vì thế tôi quyết định đẩy mình đi đến với các gia đình Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB VNCH), tôi như thấy mình như một người lính ra chiến trận. Mùa Xuân đến cho lòng người phơi phới.
Tôi xác nhận rằng, chẳng bao giờ là đủ khi đến với những con người đang lê dần về bên kia thế giới. Họ đã một thời oai phong, tài tử lãng mạn trên chiến trường, trong cuộc sống hằng ngày. Thời thế lại đẩy đưa họ chìm vào những nỗi đau không kể siết và không ai thấu hiểu nỗi.
Tôi cùng một người bạn rong ruổi trên chiếc xe gắn máy đi khắp miền Sài Gòn và phụ cận, xuống tận miền Đông để tìm gặp các TPB. Người ta nói có đi thì mới đến, có đến thì mới biết được, có biết thì mới hiểu, đã hiểu rồi thì càng thêm yêu mến, cảm thông.
Chúng tôi cùng cười với niềm vui của họ và nước mắt tự trào ra lăn dài trên má với những câu chuyện đời của các TPB. Họ từng có một gia đình ấm áp, hạnh phúc, những người con tuyệt vời, họ từng là những lính trận gan góc, trí tuệ những cũng đầy nhân văn.
Để rồi, sau năm 1975, với cái được gọi là Giải Phóng Miền Nam của chế độ cộng sản đã đẩy hàng ngàn người lính VNCH lâm vào cảnh bi đát, đơn côi và nghèo khổ.
Ông Đỗ Sáng trước đây là thuộc binh chủng Nhảy dù (mũ đỏ), hiện đang sống đơn độc tại một phòng trọ ở Sài Gòn nói về gia cảnh của ông mới thấy hết được nỗi đau mà ông đang phải chịu đựng.
Ông kể, trước kia nhà ông ở Quận 4 Sài Gòn, cũng thuộc thành phần khá giả của đất Sài Thành khi xưa, ông có một vợ và hai con. Thế mà sau năm 1975, ông rơi vào cảnh thất thế giống như VNCH và cộng sản đối xử vô cùng bạc đãi. Vợ ông bệnh tật, các con ông cũng mang nhiều bệnh hoạn, không được sự quan tâm của xã hội, nên phải bán nhà ở Quân 4 để chữa trị bệnh cho vợ, con. Nhưng rồi vợ con cũng rời bỏ ông mà về bên kia thế giới.
Ông sống đìu hiu, cô quạnh trong một phòng trọ cũ kỹ hun hút nơi hẻm sâu vỏn vẹn chưa đến 10 mét vuông với cuộc sống mưu sinh hàng ngày bằng nghề xe ôm. Nhưng chúng tôi nhận thấy, tinh thần người lính của ông Sáng không bao giờ tàn lụi và mất đi trước những “bảo vật” đời lính của ông được nâng niu và trân trọng khi ông đem ra “khoe” cho chúng tôi được biết.
Về miền Đông, khu vực Bình Dương, Bình Phước, chúng tôi khá bất ngờ vì càng đi mới càng biết rõ trên đất nước này, nhiều vùng và nhiều tỉnh thành Việt Nam còn có rất đông đảo những người lính VNCH đang sống.
Và, chúng tôi cảm nhận rằng họ đang phải sống “nép mình” do cái chế độ cái xã hội hiện tại áp đặt lên họ. Chúng tôi tiếp cận họ với lòng chân thành và tình yêu mến, họ cảm nhận được điều đó nên đã cởi lòng và chia sẻ với chúng tôi bằng tất cả niềm cảm xúc của họ như dồn nén bấy lâu.
Đứng trước di ảnh của một TPB mới qua đời khoảng 1 năm về trước, người phụ nữ là em gái của TPB nói với chúng tôi “ông không có vợ con, đời lính tráng tung hoàng khắp nơi, về rồi ở vậy, đến lúc mất đi thì có tôi là người nhang khói cho ông ấy thôi”.
Tại Bến Cát, Bình Dương, chúng tôi may mắn được gặp một nhóm các TPB đã tề tựu đầy đủ, có bác thì bị mù, bác bị cụt chân, bác thì bị điếc, bác thì không còn khả năng điều khiển bản thân, họ đón tiếp chúng tôi rất ân cần, chu đáo.
Câu chuyện được chia sẻ qua lại, mỗi người một chiến tích, chúng tôi như hòa vào trong một không khí của tình đồng đội chiến hữu dù ở hai bậc thế hệ khác nhau. Họ vẫn tin tưởng vào một mùa Xuân mới đang tới gần cho dân tộc Việt Nam.
Các bác TPB cũng bước sang tuổi chiều tà, như ngọn đèn leo lét không biết tắt lúc nào. Chúng tôi đi đến nơi nào cũng đều nghe những tin buồn về bác nào đó mới qua đời. Tự trong đầu nghĩ liệu mươi năm sau có còn TPB Việt Nam Cộng Hòa nữa không? Chúng tôi lại càng thấy cái chế độ cộng sản này bất nhân vô cùng vô tận vì 42 năm qua vẫn một thái độ thù địch, hèn hạ, bỉ ổi đối với người lính VNCH.
Chia tay các bác TPB, trong tâm thức những người trẻ như chúng tôi như hiện hữu sức sống mãnh liệt, tinh thần của các TPB như những chồi non mơn mởn vươn lên giữa Mùa Xuân xanh biếc đầy hy vọng.
19.03.2017