Đại hội đảng tương lai trong lịch sử cận đại của Tàu hay tương lai chính trị của Tập Cận Bình - Dân Làm Báo

Đại hội đảng tương lai trong lịch sử cận đại của Tàu hay tương lai chính trị của Tập Cận Bình

Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm (Danlambao) - Sắp đến ngày Đại hội Đảng Trung cộng. Lúc đầu dự trù vào mua hè năm nay, tháng chín. Nay có thể dời vào mùa thu, tháng mấy chưa rõ. Từ đó, có nhiều nhà bình luận, nhiều tờ báo nói về vai trò và tương lai của vị Tổng bí thư đương nhiệm Tập Cận Bình. Có người cho rằng địa vị của ông mỗi ngày một vững chắc và đang lên như diều gặp gió. Có người ngược lại, cho rằng không phải như thế.

Để trả lời và nắm rõ những vấn đề trên, chúng ta cần phải lược sơ qua về tình hình chính trị, lịch sử cận đại của nước Tàu, tìm hiểu rõ hơn về những thế lực đã đưa họ Tập lên ngôi, và liệu họ có khả thế đưa ông xuống hay không.

Tình hình chính trị, lịch sử cận đại của nước Tàu:

Ở đây chúng ta hạn chế nói về tình hình hiện đại. Chúng ta chỉ bắt đầu từ ngày Mao Trạch Đông chết và ngày Đặng Tiểu Bình lên ngôi, trở lại nắm toàn bộ chính quyền.

Trước khi Mao chết vào ngày 9/9/1976, thì có cái chết của Chu Ân Lai vào ngày 8 tháng 1 cùng năm. Vào ngày 5/4, có cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, tưởng niệm họ Chu, mà nhiều nguồn tin cho rằng đứng đằng sau là Đặng Tiểu Bình, lúc này ông vừa mới trở lại chính quyền, theo lời yêu cầu của họ Chu, để ổn định tình thế, có thể đi đến nội chiến, do cách mạng Hồng vệ binh gây ra...

Chỉ 2 ngày sau, ngày 7/4/1976, Đặng bị Mao truất phế mọi quyền hành.

Nhưng không đầy năm tháng sau thì Mao chết và không đầy 1 tháng sau, vào ngày 8/10, nhóm "Bốn tên" trong đó có bà Giang Thanh, vợ Mao, Vương hồng Văn v.v… bị bắt.

Ngày 10 đến ngày 22/3/1977, Trung ương đảng họp nói về kế hoạch cho năm 1977. Hoa Quốc Phong, người được Mao chỉ định kế vị, nắm Đảng, Nhà nước và Quân đội, trên lý thuyết, đã đọc một bài diễn văn "Lưỡng trung", vừa trung thành với Mao, vừa trung thành với đường lối mà Đảng đã định. Tướng Vương Chấn (Wang Zhen), một người tướng văn dốt, không biết đọc, biết viết, là một tướng thảo khấu, nhưng đã được sự tin cẩn của Mao, vì trong thời gian Vạn lý trường chinh, Mao bị Tưởng Giới Thạch vây khốn, thiếu lương thực, thì chính Vương Chấn đã tiếp tế cho Mao, sau được trao toàn quyền lo về quân lương, quân dụng của Quân Giải phóng, hết lòng trung thành với Mao; sau khi Mao chết, thì hết lòng trung thành với Đặng, được ông này cho biệt hiệu là "Cây đại bác đáng yêu của tôi" sẵn sàng "bắn tất cả" và rất giỏi "gió chiều nào theo chiều đó". Chính tướng Vương Chấn và Trần Vân, người được coi là "Giáo hoàng của kế hoạch kinh tế" của Trung Quốc, trong kỳ họp Trung ương này, đã đề nghị phục hồi quyền hạn của Đặng Tiểu Bình, nhưng không được chấp nhận. Vương Chấn còn bị khiển trách, phải làm bản kiểm thảo.

Từ ngày 16 đến ngày 21/7/1977, họp lần thứ 3 Trung Ương Đảng khóa X, Đặng Tiểu Bình được hoàn toàn phục chức, từ Ủy viên Trung Ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban thường trực Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng đến chức Tham mưu trưởng Quân đội. Sự phục chức này là do đề nghị của Thống tướng Diệp Kiếm Anh, người trên thực tế nắm toàn quyền sau khi Mao chết, là người chính trong cuộc đảo chính "Nhóm Bốn tên", trong đó có vợ Mao.

Khi họ Đặng trở lại chính quyền, thì người ta có thể nói, 2 người có thực quyền lúc bấy giờ là họ Đặng và họ Diệp, một gia đình lớn ở Quảng Đông. Họ Diệp vừa là ân nhân của gia đình họ Đặng, vừa là Tỉnh trưởng Quảng Đông, một tỉnh lớn phía nam nước Tàu, đã đóng góp lớn cho sự tăng trưởng nhảy vọt của nước này trong thời gian tăng trưởng với 2 con số, Họ Diệp không những là tỉnh trưởng, mà còn là Chủ tịch Quốc hội và là Phó chủ tịch Quân Ủy hội, chỉ sau họ Đặng.

Chính Diệp Kiếm Anh đã kéo một người bạn mà ông quen biết từ hồi hoạt động ở Diên An, thời Mao, về làm phụ tá cho mình. Người đó không ai hơn là Tập Trọng Huấn, bố của Tập Cận Bình, một Phó Thủ tướng thời Mao, đặc trách về tư tưởng, ý thức hệ. Ông Tập đã bị tù, rồi giam lỏng suốt 16 năm dưới thời Mao, sau được ông Diệp trao cho chức Phó tỉnh trưởng Quảng Đông, kiêm Phó Chủ tịch Quốc hội. Sự hợp tác giữa một người cầm súng và một người cầm bút là một sự dễ hiểu. Từ đó họ Diệp là ân nhân của gia đình Tập Trọng Huấn và gia đình họ Tập di chuyển về Quảng Đông, chơi rất thân với gia đình họ Diệp, không những 2 bà vợ, mà cả con cái.

Quảng Đông đã là căn cứ địa của Đặng Tiểu Bình để trốn tránh Mao, là trung tâm quyền lực thứ nhì sau Bắc kinh.

Có người đặt câu hỏi Diệp Kiếm Anh quan trọng như thế mà trong Bát đại Gia lại không có tên họ Diệp. Bát Dại Gia đó là: Đặng Tiểu Bình, Dương Thượng Côn, Vương Chấn, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Tống Niệm Cùng, Bành Chân, Bạc Nhất Ba.

Thực ra sự thành lập Bát đại Gia không có một văn kiện chính thức nào, để biết rõ ngày tháng năm. Có lẽ nó được thành lập sau năm 1986, khi Diệp Kiếm Anh, vì tuổi già, xin nghỉ hưu vào kỳ họp lần thứ tư Trung ương Đảng, Đại hội thứ 12, ngày 16/5/1985, rồi liền sau đó, năm 1986, ông chết. Chỉ một năm sau, 1987, thì Tập Trọng Huấn bị thất sủng, nhất là từ lúc ông phản đối việc Đặng và 7 người Bát đại gia còn lại trong một cuộc họp tại nhà họ Đặng, truất phế Hồ Diệu Bang, đương kim Tổng bí thư Đảng.

Từ đó Đảng Cộng sản Tàu chia làm 2 phe, phe các đại công thần nằm trong Bát đại Gia, và phe các đại công thần không nằm trong đó.

Tiếp theo, phe thái tử cũng chia thành 2, phe bát đại gia, và phe không phải. Phe không phải này có thề nói có những người như Lưu Nguyên, con của Lưu Thiếu Kỳ, cựu Chủ tịch nước, Lưu Á Châu, con rể của Lý Tiên Niệm, cựu Chủ tịch quốc hội, Diệp Tuyển Ninh, con của Diệp Kiếm Anh, Tập Cận Bình, con của Tập Trọng Huấn v.v... Những người này, biết rằng thời cơ chưa đến, nên nằm ẩn mình, chờ thời, suốt 2 đời Tổng bí thư, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, trong vòng 20 năm, rải rác trong tất cả những cơ quan quan trọng trong Đảng, Chính quyền và Quân đội, như Diệp Tuyển Ninh, nằm trong cơ quan tình báo Quân đội và đã đóng góp rất nhiều cho cơ quan này, Tập Cận Bình, nằm trong cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền và ý thức hệ, nối gót cha, Lưu Á Châu, nằm trong Quân đội, Chính Ủy Không Quân, và hiện nay là Chính Ủy trường Cao Đẳng Quốc phòng, Lưu Nguyên, hiện nay là Tổng cục Trưởng cục Hậu cần Quân đội. Không ai phủ nhận là những người này đã đóng một vai trò không kém quan trọng trong việc đưa Tập Cận Bình lên ngôi.

Rồi tình hình nước Tàu thay đổi tiếp theo với biến cố lớn nhất là biến cố Thiên An Môn 1989. Có người cho rằng cái chết của Hồ Diệu Bang ngày 15/4/1989 là nguyên do chính đưa đến biến cố trên. Họ không phải là không có lý, nhưng đây chỉ là một giọt nước làm tràn ly. 

Biến cố Thiên An Môn bắt đầu bằng buổi tưởng niệm Hồ Diệu Bang được sinh viên học sinh tổ chức ở quảng trường Thiên An môn. Tuy nhiên, nước Tàu từ ngày Đặng Tiểu Bình mở của vào năm 1978 đã có những bước tiến nhảy vọt về kinh tế, nhưng cũng có mặt trái của nó. Đó là tình trạng bất công, làm cho dân phẩn uất, sinh viên học sinh bất mãn, ngay cả quân đội, làm chia rẽ ngay ở trong Trung ương Đảng. Người chủ trương vẫn tiếp tục cải cách và cải cách mạnh hơn, nhất là về mặt chính trị và ý thức hệ; kẻ chủ trương bảo thủ.

Trong biến cố Thiên An môn, nhóm Bát đại gia chia ra làm 2 phe: phe bảo thủ gồm có Dương Thượng Côn, đương kim Chủ tịch nước, Lý Bằng, đương kim Thủ tướng v.v...; phe cải cách có Triệu Tử Dương, đương kim Tổng bí thư, người thay thế Hồ Diệu Bang; phe trung lập có Lý Tiên Niệm, đương kim Chủ tịch Quốc hội. Còn Đặng Tiểu Bình lúc đầu ông đứng trung lập, nhưng sau đó mới ngả về phe bảo thủ. Cuối cùng phe bảo thủ, được sự đồng ý ngầm của Đặng Tiểu Bình, đã không ngần ngại dùng quân đội, xe tăng đàn áp dân, sinh viên, học sinh tạo ra thảm trạng Thiên An Môn. Theo như tin chính thức thì có 800 đến 1000 người chết. Nhưng theo con số bán chính thức thì con số rất cao, gấp cả 5 hay 7 lần.

Dẹp xong biểu tình, uy tín Dương Thượng Côn lên cao, mặc dầu ông là tay em của Đặng Tiểu Bình, đã lâu, từ thời ở Liên Sô về, làm Phụ tá cho họ Đặng, trong chức vụ Quân Ủy trong Bát Lộ quân, từ thời gian Chiến tranh chống Nhật. Uy tín họ Dương lên cao, vì đoàn quân được điều động về để dẹp biểu tình, chính là con cháu của ông.

Trong một buổi họp Bộ Chính trị để thay thế Triệu Tử Dương, Đặng Tiểu Bình đã đề nghị Hồ Cẩm Đào, mặc dù rất trẻ, nhưng đã là đương kim Hiệu trưởng Trường huấn luyện Cán bộ cao cấp của Trung Ương Đảng.

Tuy nhiên Dương Thượng Côn đã gạt đi, và theo như nhiều nguồn tin đáng tin cậy, thì họ Dương đã đề nghị Giang Trạch Dân, đương kim Bí thư thành ủy Thượng Hải, với sự ủng hộ của Lý Tiên Niệm, đương kim Chủ tịch Quốc hội.

Có nhiều nguồn tin cho rằng Giang Trạch Dân được sự ủng hộ của họ Lý, vì ông này có một người vợ lẽ, ở Thượng hải, thường cuối tuần, họ Lý ra sống với bà này, và đã được mua chuộc bởi Giang Trạch Dân. Cuối cùng Bộ Chính trị đã đi đến một giải pháp dung hòa: Giang Trạch Dân làm Tổng Bí thư, nhưng người kế vị là Hồ Cẩm Đào.

Nước Tàu bắt đầu kỷ nguyên của họ Giang từ thập niên 90, và người ta có thể nói kỷ nguyên họ Giang cũng là kỷ nguyên của Hồ Cẩm Đào, vì ông này chỉ là con rối của họ Giang trong suốt 10 năm nắm quyền.

Trong thời gian Giang Trạch Dân cầm quyền, có những ưu điểm, nhưng cũng có rất nhiều khuyết điểm:

Ưu điểm, đó là vẫn giữ được sự tăng trưởng kinh tế cao, ở 2 con số, cho tới mãi năm 2009. Khuyết điểm là xã hội trở nên rất bất công, đến cực điểm, tham nhũng, hối lộ lan tràn, không những trong chính quyền, từ cao xuống thấp, mà còn ở trong quân đội.

Hơn thế nữa chính Giang Trạch Dân và những người trong gia đình, trường hợp con ông ta, Giang Minh Hằng, đã mắc vào cái không còn là khuyết điểm nữa, mà là tội đồ của nhân loại, việc đàn áp Pháp Luân Công, mổ bụng những nạn nhân, lấy nội tạng bán. Trong trường hợp này, tất cả những đạo lý đã bị đổ xuống sông, xuống biển. Con người coi con người như xúc vật, có thể làm bất cứ điều gì để kiếm tiền. Không những trong việc đàn áp Pháp Luân Công, mà ngay cả trong tinh thần buôn bán. Sản xuất ra sữa có chất Mélanine, không phải chỉ để xuất cảng, mà bán ngay cho cả dân Tàu, đầu độc cả trăm ngàn trẻ em tại nước này.

Giang Trạch Dân, trong vụ xử án Bạc Hy Lai, có nói: "Bạc Hy Lai đã mắc vào tội dính dáng đến văn minh con người", trong vụ mổ bụng nạn nhân Pháp Luân Công để lấy nội tạng buôn bán. Có người bình luận cho rằng đây là một lời tự thú tội của họ Giang, vì đàn áp Pháp Luân Công, ông là thủ phạm chính.

Tuy nhiên họ Giang lúc đầu còn nể mặt Đặng Tiểu Bình và Dương Thượng Côn, nên chưa ra lệnh đàn áp, đợi đến lúc 2 người này chết, họ Đặng vào năm 1997, họ Dương vào năm 1998. Không những ông là thủ phạm chính mà ông còn kéo cả gia đình, thân thuộc, tay chân bộ hạ vào, như con của ông, Giang Minh Hằng, bộ hạ, như Chu Vĩnh Khang với người con là Chu Bân, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng trong quân đội, Lưu Văn Sơn trong cơ quan tuyên truyền nhà nước. Tay này không những là một con hổ lớn, một trong những người giàu nhất vùng Nội Mông, quê quán của ông ta, thế mà cho đến ngày hôm nay vẫn ngồi trong Ban thường Vụ Bộ Chính trị. Điều này chứng tỏ Tập Cận Bình chỉ đả những con hổ và dập những con ruồi nào không theo ông, và chứng tỏ thế lực của Giang Trạch Dân vẫn còn.

Đây cũng là điều bất công mà nhiều người Tàu đã nhìn thấy.

Khác với họ Mao và họ Đặng xuất thân trong quân đội, nên họ nói quân đội nghe, Giang Trạch Dân xuất thân là một kỹ sư cơ khí, du học ở Liên Sô, có lẽ đây là người lãnh đạo cuối cùng học ở nước ngoài, họ Giang lúc đầu nói quân đội không nghe, nên chỉ còn cách mua chuộc họ bằng tiền bạc, chức quyền. Thời Giang Trạch Dân và kéo dài sang tới Hồ Cẩm Đào, việc mua bán chức tước, hối lộ tham nhũng đã lên đến cực điểm.

Chính vì vậy mà Lưu Nguyên, con của Lưu Thiếu kỳ, trong nhóm thái tử Đảng không được hưởng gia tài như con của Bát đại gia, là tướng trong Cục hậu cần, đã không ngần ngại viết: "Một quân đội mà chỉ núp dưới đáy quần của người đàn bà và chạy theo tiền bạc thì quân đội đó làm sao khá được." Ông đã chỉ thẳng một viên tướng cao cấp, để được thăng chức, đã hiến dâng con gái mình cho cấp trên. Tham nhũng, hối lộ, dùng gái để lũng đoạn chính quyền, đây là những hiện tượng xảy ra như cơm bữa ở Bắc kinh và những trung tâm quyền lực khác dưới thời Giang Trạch Dân và ngay cả thời Hồ Cẩm Đào.

Vì lẽ đó, mà nhóm thái tử Đảng không được hưởng gia tài, như Lưu Á Châu, Tập Cận Bình, Diệp Tuyển Ninh, Vương Kỳ Sơn v.v... đã tấn công trực tiếp nhóm thái tử Đảng được hưởng gia tài như con cháu của Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Vương Chấn v.v…. Nhưng gián tiếp là họ chỉ trích chính quyền của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Hồ Cẩm Đào, suốt trong 10 năm cầm quyền bị những người của Giang Trạch Dân khống chế: trong quân đội thì có Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, trong Đảng thì có Tăng Khánh Hồng v.v… Do đó trong thời gian Hồ Cẩm Đào cầm quyền, có người đã nói rằng lệnh của ông không ra khỏi Tử cấm thành.

Ông La Vũ, bạn nối khố của Tập Cận Bình, hiện sống ở Hoa Kỳ, có viết cho ông một bức thư, trong đó có câu: "Trong Ban thường vụ Bộ Chính trị, chỉ có 1 người theo anh, một người đứng trung lập, còn 4 người kia chờ anh ngã ngựa".

Ông La Vũ là con của một đại công thần thời Mao, ông La Thụy Khanh, đặc trách về nội vụ, công an, tình báo, bạn thân của Tập Trọng Huấn, đặc trách về ý thức hệ. Không những 2 người là bạn thân với nhau, mà 2 bà cũng rất tâm đồng ý hợp, khi lên voi cũng như lúc xuống chó. Tất nhiên con cái là bạn nối khố từ thuở nhỏ. Trong Cách Mạng Hồng vệ Binh (1966-1976), ông La Thụy Khanh tự tử chết, chị gái của Tập Cận Bình cũng vậy.

Ông La Vũ nói đến 7 người trong Ban Thường vụ hiện thời của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang, Du Chính Thanh, Lưu Văn Sơn, Vương Kỳ Sơn, Trương Cao Lệ.

Một người theo, đó là Vương Kỳ Sơn, đang đặc trách về chiến dịch đả hổ đập ruồi. Người đứng trung lập là Lý Khắc Cường, đương kim Thủ tướng.

Lý Khắc Cường là tay em của Hồ Cẩm Đào, thuộc nhóm "Trường Đảng", người lãnh đạo nhóm này xa xưa phải kể là Hồ Diệu Bang.

Thực ra lúc đầu họ Hồ, khi còn đương kim Tổng bí thư, vì bị khống chế bởi nhóm Thượng Hải của Giang Trạch Dân, nên lúc sắp hết nhiệm kỳ, đã theo Tập Cận Bình, chống lại Giang Trạch Dân.

Người ta còn nhớ vụ Bạc Hy Lai, vào năm 2011, bắt đầu với vụ Vương Lập Quân, đặc trách về công an, tình báo ở thành phố Trùng Khánh, mà họ Bạc là xếp. Họ Vương đã chạy trốn vào Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, xin tỵ nạn chính trị, nói rằng người ta muốn giết ông. Sau một gian ở tòa Tổng Lanh sự, chính Trung ương Bắc kinh, gửi người xuống để đưa về Trung Ương. Từ đó vụ Bạc Hy Lai mới nổ ra. Lý Khắc Cường là tay em của Hồ Cẩm Đào, lúc đầu ủng hộ Tập Cận Bình hết mình. Nhưng sau đó, chiến dịch đả hổ của họ Tập dính dáng đến cả tay em của họ Hồ là Lệnh kế hoạch, Đổng lý văn phòng của ông này. Nên Lý Khắc Cường đi từ ủng hộ, đến trung lập, rồi chống lại Tập Cận Bình.

Hiện nay người ta có thể nói 2 phe chống đối nhau mạnh mẽ nhất là phe thái tử đảng của Tập Cận Bình và phe trường đảng của Hồ Cẩm Đào. Phe này cũng ngang cơ với phe kia, hơn nữa nhiều người của cả hai phe, vì quyền lợi cấu kết với nhau, gió ngả chiều nào theo chiều nấy rất khó phân biệt.

Lịch sử nước Tàu, theo một sử gia, thì là một chuỗi dài tranh quyền, cướp nước, giữ ngôi báu, tự giết hại lẫn nhau, dù là người Hán, người Mãn, người Mông v.v… Theo như Fukuyama, trong quyển Sự bắt đầu của lịch sử (Le Début de l’Histoire), thì chỉ thời Xuân thu Chiến quốc ( -770 _ -221), nước Tàu có đến hơn 1679 cuộc chiến tranh, riêng thời Xuân thu ( -770 _ -481) có 1211 cuộc chiến, thời Chiến quốc – 481 _ -221) có hớn 468 cuộc chiến. Trong khi đó ở Âu châu hay ở Trung Đông, những cuộc chiến chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, những cuộc chiến ở 2 vùng này chỉ huy động vào khoảng 5,2% nhân lực và vật lực, như ở La mã.

Theo Tite-Live, sử gia La mã vào cuối kỷ nguyên thứ nhất, đầu kỷ nguyên thứ hai, thì trận đánh đẫm máu nhất là trận đánh ở Trasimène va Cannes, Cộng hòa La mã mất vào khoảng 50 000 người. 

Trong khi đó, ở Tàu, ở nước Tần thời Đông châu Liệt quốc, có những cuộc chiến huy động từ 8 đến 20% dân chúng. Vào năm -260, giữa thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, cuộc chiến giữa nước Tần và nước Triệu. Nước Triệu thua. Chỉ 1 đêm, tướng Tần là Bạch Khởi ra lệnh giết hơn 450 000 tù binh nước Triệu với mục đích duy nhất là triệt hạ quân Triệu và nước Triệu.

Nước Tần, từ năm 356 đến nâm 236 trước Tây lịch, đã giết khoảng 1,5 triệu lính bên địch.

Những con số này cũng cần phải kiểm chứng lại. Tuy nhiên một cách tương đối, người ta có thể nói tình trạng bạo động chém giết lẫn nhau, trong lịch sử nước Tàu, nhất là thời Xuân thu Chiến quốc, rất là khủng khiếp, cao rất nhiều so với phần còn lại của thế giới.

Không nói đâu xa, thời Mao, Bước tiến nhảy vọt, vào năm 1958-1960, rồi Cách mạng Hồng vệ binh năm 1966-1976, vào khoảng 75 triệu dân Tầu đã bỏ mạng. Thời Đặng Tiểu Bình, giới lãnh đạo đã không ngần ngại dùng xe tăng cán dân và dùng súng bắn vào dân trong vụ thảm sát Thiên An Môn.

Thời xưa, các vua chúa, hoàng tử, quí tộc đánh giết nhau để giữ ngôi báu, ngày hôm nay các Tổng bí thư, tân hay cựu, người trong Bộ Chính trị, các hoàng tử Đảng, các Đại gia đánh nhau để giữ đặc quyền đặc lợi.

Điều này trái hẳn với những lời của Marx.

Thật vậy, Karl Marx ( 1818 -1883), lúc chưa đầy 30, viết Tuyên Ngôn thư Cộng sản năm 1847, có câu: "Lịch sử nhân loại cho tới ngày hôm nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp."

Không biết Marx có đọc lịch sử Tàu hay chưa, nhưng đây chỉ là chuỗi dài tranh đấu có thể nói là của một giai cấp, là giai cấp quí tộc hay thống trị, từ ngày lập quốc cho tới ngày hôm nay. 

Thời Xuân thu Chiến quốc có thể nói là thời huy hoàng nhất của lịch sử nước Tầu, nhất là trong lãnh vực tư tưởng, triết học, chiến lược, chiến thuật, với Lão tử, Khổng tử, Tôn tử, Mạc tử, Trang tử v.v…

Văn minh nước Tàu đến rất sớm, với nhiều phát minh sang kiến, từ lụa, thuốc súng, địa bàn, trong thời kỳ văn minh định cư nông nghiệp, mà mô hình tổ chức nhân xã tương xứng là chế độ quân chủ.

Chế độ này đi từ thời nhà Chu ( -1134 _ -770) và kéo dài cho mãi tới ngày hôm nay với chế độ cộng sản, vì chế độ này chỉ là mặt trái hay mặt phải của chế độ quân chủ.

Trở về với hiện tình nước Tàu:

Gần đây, có cuộc họp trung ương Đảng vào ngày 20/6, đây có thể là cuộc họp cuối cùng của đại hội thứ 18, để sửa soạn bước sang Đại hội thứ 19, người ta ít biết tin tức về cuộc họp này, ngoài thông báo một ủy ban được mệnh danh là Ủy ban Hòa hợp Dân quân, theo đó Tập Cận Bình làm Chủ tịch Ủy Ban, tiếp theo là 3 người Phó Trưởng Ban, theo thứ tự, Lý Khắc Cường, ủy viên thường trực Bộ Chính trị, đương kim Thủ tướng; Lưu Văn Sơn, ủy viên thường trực Bộ Chính trị, đương kim đặc trách về ý thức hệ, Hiệu trưởng trường huấn luyện cao cấp của Đảng; Trương Cao Lệ, cũng là ủy viên thường trực Bộ Chính trị, đương kim đặc trách về nhân sự của chính quyền, nay được trao thêm đặc trách về việc điều hành ủy ban mới thành lập.

Với Ủy ban Hòa hợp Dân và Quân này, nhiều người cho rằng Tập Cận Bình lại thêm một bước nữa trong việc thâu tóm quyến lực, vì ông là Chủ tịch ủy ban.

Tuy nhiên có người nghĩ ngược lại, vì trong Ủy ban, người ta không thấy có người nào thân tín của ông như Vương Kỳ Sơn, đặc trách về Chiến dịch Đả hổ đập ruồi, Lưu Hạc, đặc trách về kinh tế, Lật chiến Thư, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, người bạn nhậu và thân tín nhất của họ Tập; mà người ta chỉ thấy những thành phần có khuynh hướng chống ông, như Lý Khắc Cường, ngoài chức Thủ tướng, ông được cho là Đại diện Nhóm Trường Đảng, nhóm của Hồ Diệu Bang xưa kia và của Hồ Cẩm Đào hiện nay. Người kế tiếp trong nhóm là Lưu Văn Sơn, được coi là con hổ lớn nhất, vì là người giầu nhất, gia tài có đến cả chục tỷ $, được coi là người đại diện cho cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân; người sau cùng là Trương Cao Lệ, được coi là người đại diện cho Gia đình Đặng Tiểu Bình, hơn thế nữa ông này còn được trao cho nhiệm vụ điều hành thực tế Ủy Ban Hòa Hợp Dân Quân này.

Từ đó, có người cho rằng Đại Hội 19 sắp diễn ra vào mùa thu 2017, sẽ trở về thời kỳ của Đặng Tiểu Bình, không có tính cách quyền hành cá nhân, chỉ trong tay một người như thời Mao, không có tính cách tôn thờ cá nhân. Điều nhận xét này không phải là không có lý.

Hiện nay nước Tàu có 4 trung tâm quyền lực. Ngoài Bắc Kinh, người ta phải kể đến tỉnh Quảng Đông, nơi lui tới của Đặng Tiểu Bình, mỗi khi ông bị thất sủng dưới thời Mao, cũng là nơi đầu tiên thử nghiệm chính sách mở cửa của họ Đặng. Đây còn là cứ điểm của gia đình họ Diệp. Ngoài ra phải kể đến Thượng Hải, trong thời Giang Trạch Dân, và Trùng Khánh, trước khi Bạc Hy Lai bị đưa ra tòa. 

Bốn cứ điểm này là nơi tập sự của những người sắp vào Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, và hơn thế nữa kế vị Tổng bí thư.

Chính vì lẽ đó mà ngày hôm nay người ta nói đến 2 người, ông Hồ Xuân Hoa, đương kim Đảng Ủy Quảng Đông và ông Tôn Khánh Tài, đương kim Đảng ủy Trùng Khánh. Tuy nhiên tình thế chính trị nội bộ nước Tàu thay đổi từng ngày từng giờ, nhất là trước Đại hội Đảng. Mới đầu tháng bảy, nhiều nhà bình luận cho rằng Tôn Khánh Tài chắc chắn sẽ được vào Ban Thường vụ Bộ chính trị trong Đại hội tới, nay mới giữa tháng bảy, họ Tôn đã bị đưa ra tòa vì tội tham nhũng, mất chức Thành Ủy Trùng khánh, thay thế bằng ông Trần Mẫn Nhĩ.

Hơn thế nữa còn một người được Tập cận Bình thổi lên như bong bóng, tiến thân như hỏa tiễn, đó là ông Thái Kỳ, Bí thư thành ủy Bắc Kinh.

Tuy nhiên theo nhiều nhà quan sát, thì cuộc tranh giành quyền hành hiện nay vẫn còn xảy ra ác liệt, phe thắng thế có vẻ như phe Trường Đảng, qua nhân vật Hồ Xuân Hoa, đương kim Bí thư thành Ủy Quảng Đông.

Trong một bài viết trước đây, về tương lai chính trị của Tập Cận Bình, vào lúc chiến dịch đả hổ đập ruồi lên cao, nhắm vào Giang Trạch Dân, cùng những tay em của ông này, như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Bạc Hy Lai v.v…, và đã có nhiều vụ ám sát hụt họ Tập, tác giả bài này có đưa ra 3 giả thuyết: 1) Tập Cận Bình bị loại hoàn toàn, 2) Tập Cận Bình toàn thắng, 3) Không có bên thắng bên thua rõ rệt, phải đi đến một giải pháp dung hòa.

Giải pháp thứ ba này có lẽ là giải pháp của Đại hội Đảng Trung Cộng, qua kỳ họp Trung Ương Đảng quan trọng vào ngày 20/06/2017 vừa qua, tuyên bố thành lập Ủy Ban Hòa hợp Quân Dân, trong đó nếu người ta quan sát kỹ, thì có đại diện ít nhất 5 thành phần, đại diện 5 thế hệ, qua 5 vị Tổng Bí thư, từ Tập Cận Bình, qua Hồ Cẩm Đào, tới Giang Trạch Dân và Đặng Tiểu Bình.(1)

Thời Tập Cận Bình múa gậy vườn hoang, một mình một chợ không còn nữa, mặc dầu ông vẫn là "Hạt nhân chính của Trung Ương Đảng", như Diệp Tuyển Ninh nói, trước khi ông này chết vào năm 2016 vừa qua. 

Trở về gia đình Diệp Kiếm Anh, một thế lực lớn ở Quảng Đông, mà nhiều người cho rằng đã có nhiều hậu thuẫn cho Tập Cận Bình lên ngôi, và còn sẽ có nhiều ảnh hưởng cho đời sống chính trị tương lai của họ Tập. Năm 2016, Diệp Tuyển Ninh mất, con của Diệp Kiếm Anh, người được ngay cả Tập Cận Bình, Lưu Nguyễn, Lưu Á Châu v.v… coi như anh cả. Đám tang ông này có cả em trai Tập Cận Bình tham dự, và bà mẹ còn sống có gửi vòng hoa phúng điếu. Sự kiện gần nhất đó là kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Diệp Kiếm Anh. Người đứng ra tổ chức kỷ niệm và đọc diễn văn chính là Hồ Xuân Hoa. Tập Cận Bình có lời khen Hồ Xuân Hoa, một sự kiện hiếm có trong lịch sử Đảng Cộng sản Tàu.

Vì vậy có người tiên đoán Hồ Xuân Hoa chắc chắn sẽ vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị và có thể kế nghiệp Tập Cận Bình. 

Dù sao đây cũng chỉ là những tiên đoán tương lai. Cần quan sát thêm và chờ xem. Vì ở một nước độc tài, dù là độc tài quân chủ hay độc tài quân phiệt, đảng đoàn cộng sản, tất cả đều có thể xảy ra trong một thời gian rất ngắn, dù chỉ là mấy tháng, từ giờ đến Đại hội Đảng thứ 19, được dự trù vào mùa thu năm nay.

Paris ngày 27/07/2017



(1) Xin xem thêm bài về Tập Cận Bình, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo