Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Hà Nội đang lâm vào đường cùng: Ngân sách luôn thâm thủng trầm trọng vì đảng viên tham ô, phung phí; vay mượn khắp nơi rất khó khăn. Các đinh chế tài chánh và ngân hàng nước ngoài đang rút vốn khỏi thị trường tài chánh ngân hàng trong nước. Mối nguy này sẽ buộc Hà Nội lệ thuộc thêm nữa vào Bắc Kinh về kinh tế, tài chánh và cả chính trị. Ghép các thông tin về chuyển biến ngoại giao từ tháng 10 năm ngoái đến nay, thấy mọi chuyện đang dần ló dạng: Hà Nội toan sự “vuột” khỏi vòng tay Phương Bắc, khiến Bắc Kinh mới đây đùng đùng nổi giận, vì họ muốn làm cho “ra lẽ” việc Hà Nội “gả bán chưa ngã giá” hải cảng Cam Ranh cho Hoa Kỳ [1]. Muốn có ngay tiền mặt, Hà Nội lại một lần nữa tung tin thăm dò dư luận về chiến dịch “huy động vàng” trong dân chúng - một cách “vay nóng” không bao giờ trả lại.
Không phải vô cớ mà Thượng tướng Trung cộng Phạm Trường Long, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương, nhân vật chỉ đứng sau ông Tập cận Bình, đột ngột xuất hiện tại Hà Nội rồi bỏ về nửa chừng hôm 18-06, sau khi gặp những tay đầu sỏ ở Ba Đình. Về mặt công khai thì nói rằng, Trung cộng phật ý vì Hà Nội thăm dò dầu khí ở mỏ dầu Cá Voi Xanh của ExxonMobil trong lô 118 ngoài khơi Đà Nẵng, và dự án Cá Rồng Đỏ ở lô 136-03 hợp tác với Talisman. Hà Nội vội ngưng thăm dò tại lô 136-03, vì sợ Trung cộng dùng biện pháp quân sự. Còn trong “bí mật” có phải Hà Nội lo tương lai sẽ thất thu khi không thể khai thác khí đốt thiên nhiên ở lô 136-03, nên chuyện “gả” Cam Ranh để có tiền cứu chế độ là giải pháp Hà Nội đang bàn thảo(?)
Cam Ranh nằm cặp bờ biển theo trục Bắc Nam, sát Quốc lộ 1A, có diện tích 60 cây số vuông, cùng lúc đậu được 40 chiến hạm kể cả tầu sân bay, nước sâu trung bình 16-25m, có khu sâu tới 32m. Cửa vào Cam Ranh thênh thang, rộng đến 4 cây số, sâu hơn 30m. Cam Ranh được nhiều ngọn núi cao hơn 400m vây kín gió, dễ phòng thủ.
Dù mưa sa gió bão, mọi động tĩnh khắp Biển Đông, bao gồm cả Trường Sa, Hoàng Sa và tới tận eo biển Mallaca và Philippines sẽ được quét gọn vào trung tâm phân tích để nếu cần dàn hỏa tiễn gắn trên các đỉnh núi bao quanh sẽ bay đến mục tiêu do bộ óc điện toán “đưa lối” được lập trình sẵn.
Trung cộng chiếm các vùng nước sâu, bồi đắp đảo nhân tạo trong vùng Hoàng Sa, Trường sa làm căn cứ ẩn nấp tầu ngầm sẽ trở thành “dã tràng se cát Biển Đông” khi “mắt thần” điện tử được đặt tại các đỉnh núi cao bao quanh Cam Ranh dễ dàng phát hiện.
Hà Nội từng bán Cam Ranh cho Liên Xô 24 năm từ 1978 cho mục tiêu quân sự, tình báo. Khi Liên Xô tan rã, Nga nối tiếp hợp đồng này từ năm 1993 – 2002. Hà Nội đòi Nga nếu muốn thuê thêm, phải trả 200 triệu Mỹ Kim mỗi năm. Chuyện không thành, Nga cuốn cờ ra đi ngày 02-05-2002 [2].
Cũng không phải ngẫu nhiên, lần đầu tiên hải quân Mỹ - VC có cuộc tập trận ngay cảng Cam Ranh, kéo dài 5 ngày từ hôm Chúa Nhật đầu tháng 07. Phía Mỹ đưa hai chiến hạm USS Coronado và USNS Salvor cập cảng Cam Ranh. Chiến đấu cơ B-1B Lancer từ Andersen Air Force Base, tại đảo Guam, bổ sung cho Phi Đoàn Thám Kích 9th Expeditionary Bomb Squadron, nguyên từ căn cứ Dyess Air Force Base, Texas, đã bay chuyến hành quân trên Biển Đông cùng với các chiến đấu cơ Nhật Bản.
Cho đến lúc này, chuyện dạm bán Cam Ranh diễn tiến ra sao vẫn còn là những suy đoán. Nhưng trong tình huống “đối phương” biết chắc Hà Nội ở vào thế “cạn kiệt hầu bao”, đang nóng lòng làm mọi thứ để có tiền cứu nguy chế độ. Chắc chắn Hà Nội phải chịu cảnh “ép giá” trong các cuộc đàm phán. Vào lúc này, thời gian đối với Hà Nội thật là khắc nghiệt, nhưng với đối tác thì chờ đợi là thần tiên, kỳ thú!
Trên bàn cờ thương lượng để tránh bị bắt bí, Hà Nội muốn chứng tỏ với đối phương cũng còn “của ăn, của để” cầm cự được với thời gian. Nhưng thực tế, túi tiền của Hà Nội đã rỗng như sự thể sẽ giãi bày bên dưới:
Hà Nội sau bao lần ngắm nghía không làm được, lần này lại tung tin thăm dò dư luận về chiến dịch huy động 13 triệu lượng vàng (500 tấn), trị giá khoảng 20 tỷ Mỹ Kim, cộng với Mỹ Kim nằm trong túi dân chúng. Nhưng toàn dân có quá nhiều kinh nghiệp trong những lần Hà Nội đánh tư sản mại bản và đổi tiền ở các năm sau 1975, nên việc moi vàng hay Mỹ Kim trong túi dân chắc chắn không hề dễ. Giữa năm ngoái (2016) Hà Nội từng nói đến huy động vàng nhiều lần, nhưng đã không dám làm.
Không cần phải là thầy bói, cũng biết cộng đảng bị sao Thái Bạch và Kế Đô song chiếu đưa đến cảnh “họa vô đơn chí”. Chuyện Cam Ranh còn đang nhì nhằng, chưa ngã ngũ, thì thời gian gần đây, sau hàng chục năm làm ăn tại Việt Nam, khá nhiều ngân hàng lớn trên thế giới quyết định thu hẹp hoạt động, hoặc rút vốn khỏi thị trường tài chánh ngân hàng tại Việt Nam. Mọi nghiệp vụ tài chánh, thu hẹp, rút vốn đợt đầu này sẽ diễn ra trong các tháng còn lại năm 2017:
* Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Quốc tế (VIB) công bố nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh Saigon. CBA có 20% vốn trong ngân hàng VIB, và là nhà kinh doanh tài chánh chiến lược hoạt động ở Sài Gòn từ năm 2008.
* Với trụ sở chính tại Luân Đôn, Tập đoàn HSBC có 7.500 văn phòng tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng sẽ bán lại 19.41% cổ phần cho ngân hàng thương mại Techcombank của Việt Nam, sau 12 năm hoạt động.
* Australia and New Zealand Banking Group Limited (ANZ) Việt Nam ra thông cáo cho biết đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho một đối tác tại VN là ngân hàng Shinhan Việt Nam.
* Trước đó, hồi cuối tháng 3/2016, Standard Chartered cũng đã gây xôn xao thị trường khi bất ngờ rút hai đại diện của mình khỏi ACB. Và xác nhận kế hoạch thoái vốn đang trong tiến trình thảo luận.
Chuyên gia Ngân Hàng, Tiến Sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các ngân hàng quốc tế rút vốn khỏi Việt Nam là đáng lo ngại, cho thấy thị trường tài chính Việt Nam thường quản trị theo kiểu “gia đinh”, tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi nhuận kỳ vọng cho các nhà đầu tư ngoại quốc. Tình trạng các ngân hàng lớn rút vốn khỏi Việt Nam sẽ còn tiếp tục.
Nguyên nhân do nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang ở mức báo động, lên đến 600 ngàn tỷ đồng, nợ công hàng trăm tỷ Mỹ Kim... Đưa đến dự báo nhiều ngân hàng phá sản trong nay mai.
Vào tháng Hai năm nay, Tổ chức Xúc Tiến Thương Mại Nhật Bản (JETRO) công bố bản khảo sát, trong đó có đoạn phàn nàn thủ tục hành chính rườm rà, chính sách pháp luật về đầu tư, kinh doanh chưa rõ ràng, chi phí “bôi trơn” vẫn rất lớn đang làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và niềm tin của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam [3].
Một ngày sau (07-07), bất chấp khuyến cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) Việt Nam đã lội “ngược dòng” tiền tệ, lần đầu tiên trong ba (3) năm nay, đã ban hành thêm một quyết định tài chánh nhằm phục vụ mục tiêu chính trị: đồng loạt giảm các loại lãi suất cơ bản tới 25 điểm, tức là 0,25% [4].
Lý do vì trước đó, cuối tháng 5 vừa qua, nội các đương nhiệm kiên quyết “đạt cho được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% toàn năm”. Sáu tháng đầu năm, mức tăng trưởng GDP chỉ có 5.73%. Nửa năm còn lại, phải đạt mức tăng trưởng 7.7% GDP, một số liệu kinh tế “kỳ tích” trong thực tế hiện nay. Các chuyên gia kinh tế nhận định, một chính phủ chăm lo cho nền kinh tế ổn định, không thể chọn quyết định tăng trưởng kinh tế bằng bất cứ giá nào.
Quyết định giảm lãi suất trong lúc đồng tiền tiếp tục mất giá so với Mỹ Kim có thể gây rủi ro tín dụng sau này vì khoản nợ xấu của toàn nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục quá lớn. Động thái giảm lãi suất của NHNN còn đương nhiên gây “còm cõi” thêm cho những món tiền chắt chiu của người cao niên hay lao động gởi vào nhà băng, nay bị “teo tóp” hơn nữa.
Sáng 20 tháng 7, truyền thông cộng đảng đồng loạt loan tin, “kể từ ngày 5/8/2017 số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi trong ngân hàng theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) cho một cá nhân hay một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. Nghĩa là dù có gửi 100 triệu hay hơn nữa, khi ngân hàng này phá sản, quỹ Bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ trả cho người gửi tiền tối đa 75 triệu đồng [5]. Đây chính là cách Hà Nội chuẩn bị cướp cạn. Và cũng là câu trả lời cho sự xôn xao mấy tuần nay trong dư luận, nhiều người đến rút một số tiền lớn từ ngân hàng ra đều bị khất lần.
Dù Hà Nội chưa bao giờ và sẽ không chịu nhìn nhận, nhưng “bán Cam Ranh hay là chết” như một sự thể, khiến Phong Trào Dân Chủ trong nước sẽ nương vào đó dâng cao, nên Hà Nội ra tay trước trấn áp, bắt bớ như chưa từng thấy. Tất cả chỉ nhằm cứu nguy và duy trì chế độ tàn ngược. Chưa kể những đấu đá tranh ăn trong nội bộ cộng đảng xảy ra trong mọi ngành, tình trạng tài chánh thê thảm song hành cùng quyết định “giật vạt vá vai” của Hà Nội, có vẻ như sẽ đưa đến biến động quy mô nhằm vơ vét tiền, vàng trong dân chúng đã sẵn sàng rồi.
July 29, 2017
_______________________________________
Chú thích: