Hương Khê (Danlambao) - Báo Tuổi Trẻ số ra hôm nay (30/8/2017) đăng bài: "Thu phí sân bay căn cứ vào đâu, thu tới chừng nào"?
Báo nay viết tiếp: “Từ nhiều năm nay, không biết sân bay Tân Sơn Nhất đã thu phí ra vào sân bay vì mục đích gì”. “Việc thu phí này không minh bạch vì đơn vị thu phí không công bố vốn đầu tư xây dựng đường trong sân bay là bao nhiêu và đến bao giờ mới hết thu phí”?
Báo này còn đặt ra những câu hỏi không đúng quy trình như:
Sân bay tự đặt mức phí?; Thu đến chừng nào? Vô thời hạn?
Sân bay Tân Sơn Nhất: thu, dừng… rồi thu tiếp.
Báo này lại còn thống kê mỗi ngày trung bình có khoảng 22.400 lượt xe vào ra, mức thu thấp nhất là 10.000 đồng/lượt xe. Tính ra mỗi ngày thu được hơn 220 triệu đồng, hơn 80 tỉ đồng/năm. Việc thu phí này diễn ra liên tục từ năm 2002 đến nay (1).
Hỏi như vậy là mất quan điểm, mất lập trường, mất tính đảng?
Nói cho báo Tuổi Trẻ biết nhé: Việc sân bay TSN thu phí ở đây là trong khu vực sân bay thôi nhé, là rất đúng… quy trình. Còn các loại xe cộ khi ra ngoài, đã có các trạm BOT bủa vây khắp mọi nơi như kiểu chọn chỗ yết hầy để đơm đó vậy, với chủ trương là “không cho chúng nó thoát”. Nhờ chủ trương linh hoạt và sáng tạo này mà hàng năm, TP.HCM có số thu các loại thuế-phí luôn luôn dẫn đầu cả nước đấy.
Có như vậy thì ông Thủ tướng Cờ Lờ Mờ Vờ mới dám tự hào và quyết tâm xây dựng thành phố này không những là “hòn ngọc Viễn Đông”, mà phải là “Hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”.
Trong một cuộc họp với dàn lãnh đạo TP.HCM thời ông Đinh La Thăng còn làm Bí thư, khi ông Thăng nói: “Đầu tàu này không thể chạy mãi bằng than đá hay dầu diesel mà phải chạy bằng năng lượng nguyên tử”. Ông TT Nguyễn Xuân Phúc phán: “TP.HCM phải phát huy được vai trò đầu tàu. Là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường"(2).
Nếu xét về độ sáng tạo, thì có lẽ nhân dân Việt Nam phải làm vinh dự và tự hào vì có ông Thủ tướng Ma dê in Việt Nam chắc không hề thua kém nhà khoa học vĩ đại, Thomas Alva Edison (11 tháng 2 năm 1847 – 18 tháng 10 năm 1931) là mấy.
Bởi vì hòn ngọc, bản thân nó chỉ là một loại đá. Tự nó không thể phát ra ánh sáng như ngọn đèn, cây đuốc được, thì lấy gì mà “chiếu sáng” ai? Nó chỉ làm nhiệm vụ phản xạ ánh sáng của kẻ khác mà thôi. Vì vậy khi cầm hòn ngọc đứng dưới ánh mặt trời, ta thấy nó long lanh nhiều màu sắc sặc sỡ là vì nó khúc xạ và phản chiếu ánh sáng 7 màu của mặt trời.
Về danh từ “Viễn Đông” là của người Pháp dùng thời họ còn cai trị nước ta. Khi đó họ ở bên châu Âu, họ gọi vùng đất xa xôi về phía Đông của chúng ta đối với họ là “Viễn Đông”. Còn người VN khi đứng trên mảnh đất Sài Gòn, thì tại sao lại gọi là “Viễn Đông”?
Đấy. Cái “sáng tạo vĩ đại” của ông Phúc là đã bắt một hòn đá vô tri vô giác, khi cần phải phát ra những vòng hào quang lung linh để trang trí và làm đẹp cho đảng, cho nhà nước! Khi cần thì đang đứng trên mảnh đất của tổ quốc thân yêu này cũng làm cho ra… “Viễn”.
Tháng 7 năm 2017 vừa qua, trong chuyến thăm nước Đức, trong buổi trò chuyện với 600 bà con Việt kiều, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cao hứng đọc thơ:
"Nhà thơ Giang Nam quê Khánh Hoà có 4 câu thơ ai cũng biết:
“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”,
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi”.
Ông Phúc đã nhầm tên tác giả và đọc lộn ngược 2 câu sau đổi ra trước, 2 câu trước ra sau.
Đúng nguyên tác của tác giả Đỗ Trung Quân là:
"Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi.
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”,
Nhà thơ Đỗ Trung Quân nói, với tôi thoạt đầu chỉ là câu chuyện hài, chuyện nhầm lẫn tên một tác giả do trí nhớ, tuổi tác là chuyện thường… Trường hợp này nếu là học sinh đi thi văn thì: rớt! Nếu là ông già thì là Alzheimer, chuyện bình thường!
Nhưng với một nguyên thủ mang chuông ra xứ người lại là câu chuyện khác (3).
Nghe nói nhà thờ Đỗ Trung Quân khi trả lời bạn bè, đã nói ông TT Phúc ăn cắp thơ tôi!
Đặc biệt ông Phúc còn say sưa nói “trong lịch sử có câu ca dao rất nổi tiếng:
"Dù cho sông cạn đá mòn
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ" .
Và nhiệt tình bình thơ rằng: “thác” là chết đấy, “cái tơ đó là quê hương đất nước đấy”.
Thực ra đó là hai câu thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông còn đọc sai hai chữ đầu nữa.
"Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ"..
Chuyện về ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhiều lắm.
Ngày 2/12/2016, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) (19/12/1966 - 19/12/2016) và 20 năm thành lập Cơ quan đại diện ADB tại Việt Nam.
Khi TT Nguyễn Xuân Phúc nói về tác dụng của vốn ADB trong việc phát triển kinh tế, kết nối hạ tầng giao thông của 4 khu vực gồm: tiểu vùng Sông Mê Công, ACMECS, CLMV, CLV.
Vì không hiểu hai cụm từ viết tắt “ CLMV, CLV” là gì, nói gì nên Thủ tướng Phúc đọc là "cờ lờ mờ vờ", và "cờ lờ vờ".
Nếu nắm vững nội dung mình đang phát biểu, TT Phúc sẽ biết 2 nhóm cụm từ viết tắt đó là: "Campuchia, Lào, Mianma, Việt Nam", và "Campuchia, Lào, Việt Nam"(4).
Lần khác, phát biểu tại hội nghị "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước" hôm 29/4/2016 ở Sài Gòn, ông Phúc nói:
“Đặc biệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập để không những phát triển kinh tế trong nước mà còn có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở nước ngoài, mang thương hiệu mà ta hay gọi là “Ma dzê in Việt Nam”
Đất nước mình anh hùng như vậy, giải phóng dân tộc như vậy, tại sao không thể xuất khẩu lớn được?” (5).
Từ đó, cái biệt danh Thủ tướng Ma de in đã gắn chặt với tên ông.
Nếu chỉ là anh cán bộ phường xã, vẫn phải có trách nhiệm nói và đọc cho đúng để người dân hiểu.
Bây giờ nói chuyện tiếp về báo Tuổi Trẻ:
Trước đây báo Tuổi Trẻ cũng đã từng bị đảng “dạy cho một bài học”. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, bà Vũ Kim Hạnh, TBT báo Tuổi Trẻ, vì cho đăng một số tư liệu về người vợ Trung Quốc của Hồ Chí Minh, bà đã bị cách chức TBT. Thành đoàn TPHCM nhận xét bà là "non kém về chính trị." (6).
Chắc ý của Thành đoàn nói bà Hạnh không biết áp dụng câu cha ông đã dạy: "Cái đẹp thì khoe ra, xấu xa thì đậy lại", mà lại đi nói “toạc móng heo” ra như vậy?
Bà Kim Hạnh đúng là "To gan" thật. Việc Bác nhà ta có mấy vợ, là vợ Tây là bà Marie Bière, vợ Tàu là Tăng Tuyết Minh, hay vợ Việt là Nguyễn Thị Minh Khai hay Nông Thị Xuân v.v... Thì đó là việc riêng của Bác. Cái mà đảng cần là giữ gìn sự trong sạch của Bác “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Di chúc Bác đã dạy thế (7).
Ngay cái việc Bác có được U-NET-CÔ công nhận là Danh Nhân Văn Hóa Thế giới (DNVHTG) hay không, cũng là việc riêng của đảng. Dù Bác không được U-NET-CÔ vinh danh là DNVHTT, nhưng đảng cần như thế, thì dân VN phải công nhận như thế. Cũng vì cái tật hay nói sự thật việc Bác nhà ta chưa được U-NET-CÔ công nhận là DNVHTG, nên cái ông Linh Mục Nguyễn Duy Tân ở giáo xứ Thọ Hòa nào đó, đã bị các đồng chí CA Đồng Nai mời lên mời xuống 22 lần, phạt ông này 20 triệu đồng, và buộc ông phải công nhận Bác ta là DNVHTG. Và ông Linh mục “cứng đầu cứng cổ” này đã hứa với CA Đồng Nai, là ông ấy sẽ làm cho mỗi gia đình trong giáo xứ một tờ giấy, và ông ấy ký xác nhận và đóng mộc của giáo xứ Thọ Hòa đàng hoàng, xác nhận Bác ta là DNVHTT, mặc dù cái U-NET-CÔ mắc dịch nào đó không chịu ký xác nhận, thì ông LM này sẽ ký thay U-NET-CÔ để xác nhận việc này. Vậy là sau khi được uống tô nước đường, các đồng chí CA Đồng Nai sướng rơn người và cho ông về (8).
Nay báo Tuổi Trẻ dám đặt ra những câu hỏi: "Từ nhiều năm nay, không biết sân bay Tân Sơn Nhất đã thu phí ra vào sân bay vì mục đích gì"?.
Ai đời một tờ báo có số lượng người đọc vào loại lớn nhất nước như tờ Tuổi Trẻ mà lại dám đặt một câu hỏi rất chi là… vớ vẩn như vậy, thì đúng là rỗi hơi, không nhớ đến bài học đắt giá của bà TBT Vũ Kim Hạnh trước đây hay sao?
Tờ báo của Thành đoàn của một thành phố lớn nhất nước mà thiếu gương mẫu. Không xứng đáng là cánh tay đắc lực, là đội hậu bị tin tưởng nhất của đảng.
Có thể kết luận rằng, Báo Tuổi Trẻ đặt những câu hỏi rất không đúng quy trình.
30/8/2017
_________________________________
Chú thích:
(2) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thu-tuong-tp-hcm-phai-la-hon-ngoc-chieu-sang-vien-dong-312539.htm).l