Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Mới đó mà ghi dấu thêm 4 năm từ ngày thủ đô Washington D.C kỷ niệm 50 năm của cuộc tuần hành hơn 200.000 người dân Hoa Kỳ đứng lên vì quyền con người bình đẳng, và rúng động tâm can nhân loại bởi bài diễn văn xuất thần bóng bẩy văn chương của Dr. Luther King “I have a dream”. Còn nhớ ở Sài Gòn cũng đã mọc lên con đường mang tên vị thủ lãnh cảm tử vì nhân quyền này, và hôm nay 28-8-2017 những người Việt chúng tôi cũng muốn ký thác hồn thiêng sông núi đến con người vĩ đại gây nhiều cảm hứng khơi dậy này. Giấc mơ quyết liệt tự do của vị thánh tử đạo xung phong cho phong trào BBĐ đã làm thế giới động lòng, ngưỡng phục. Cho dẫu sự bạo liệt, bạo lực của “người đối với người như chó sói” đã ám sát Ngài, thì 60 năm sau nước Mỹ cũng đã giành được câu trả lời có một tổng thống da màu đầu tiên. Thôi thì cũng nhân ngày này được gợi lại, cho tôi được một lần ứa lệ xin cho giấc mơ của dân tộc mình thành hiện thực. Nhưng mà bạn có muốn biết giấc mơ mà tôi và nhiều người trong chúng ta ấp ủ là gì không.
Vâng, là một con dân Việt nhỏ bé nhược tiểu, tôi đớn hèn thú nhận rằng mình đã không có được cái dũng cảm quyết tâm đòi quyền làm người, như trên chuyến xe buýt muốn phục hồi nhân phẩm bình đẳng của bà Rosa Parks.
Lẽ nào vì thế, nên giờ này chúng tôi còn ngồi đây để gióng cùng thế giới giấc mơ rất đỗi bình thường của con người trong thiên niên kỷ hôm nay.
Hiển nhiên đã mơ thì mơ cho tới bến, nhưng liệu nếu chỉ mơ thôi thì ai sẽ cầm tay chúng ta để đến… bờ đây.
Có điều không thể chối cãi là hiện thực cũng phải được dẫn dắt, bắt đầu từ một giấc mơ. Hôm nay, về qua thôn Danlambao để chia sẻ với bạn giấc mơ ấp ủ riêng tư, chắc chắn sẽ dễ dàng hơn là vác loa ra trước quãng trường Ba Đình hò hét, cho dẫu có “rinh” được cả phương tiện truyền thông quốc tế chứng kiến chuyển tải, thì có mà ăn dùi cui, súng đạn và tù mục gông.
Vậy thì trong hoàn cảnh đen tối như đêm 30 không trăng không sao của VN bây giờ, không lẽ 7 năm nay buồn buồn chúng ta lại vào đây “chiến đấu” ngoạn mục bằng ngòi bút, đấu tranh phản biện bằng lời nói, âu cũng là mở đường cho những dự phóng giấc mơ chăng. Xin chúc mừng Đệ Thất Chu Niên muộn của Danlambao, với 7 năm đã lãnh nhận chu toàn công việc truyền thông tin học này đến nhộn nhịp xuất sắc, và cái độc đáo nhất là chiếc nơ đẹp của phong trào XHDS đính thêm trên cổ áo, và điều làm nhiều người thấy mình bị mắc nợ diễn đàn này là đa phần những cộng tác viên chủ chốt, đắc lực đều đang bị nhận lại thứ “phần thưởng” ghẻ lạnh của những chấn song tù. Hãy thả những TNLT vô điều kiện, phải nói chúng ta không chỉ mơ mà là muốn.
Do đó, nếu tôi nói với bạn về giấc mơ tự do báo chí, tự do ngôn luận cho Việt Nam liệu có là điều hoang tưởng, chỉ-là-mơ-thôi hay không.
Phải rồi, giá gì tôi có thể mừng chảy nước mắt khi quê nhà là nơi tôi được trở về những lúc lòng mình muốn, hoặc chỉ để quỳ xuống thắp lên mộ mẹ mình rất vội một nén nhang tạ lỗi, mà không bị suồng sã đuổi đi bằng câu mắng mỏ phi lý: “Chúng tôi không hoan nghênh sự trở về cua anh/chị nữa, hãy đi ngay bằng chuyến bay sớm nhất trong ngày.”
Giấc mơ của tôi là không phải bị làm người con Việt Nam vô Tổ Quốc đất mẹ.
Nhất là ước mơ giản dị của nhạc sĩ Nguyệt Ánh “Em Muốn Mơ Một Ngày Về” sẽ không bị chính quê hương mình ruồng bỏ và đã có hơn một lần bạn tôi bị họ ví von như đứa-con-hoang-lầm-lỗi trở về trong thánh kinh. Lẽ nào tôi phải mơ nếu có một chuyến trở về thăm lại quê hương, tôi sẽ không bị trục xuất, tống khứ… bất đắc chí (ngoại trừ tháng 10 này thì dường như Hội Nhà Văn Việt Nam đang có nhã ý mời mọc, giao lưu với đám văn nhân thi sĩ “đổi mới” ngoài luồng).
Mà như thế, bạn sẽ nói với tôi rằng hãy mơ ngày chế độ tàn độc CSVN này chấm dứt.
Và tôi cũng sẽ nói với bạn rằng tôi mơ một giấc mơ sáng ngời dân chủ cho người dân VN mình.
Chính vị trí thức đáng kính nhất là LS Nguyễn Mạnh Tường đã dõng dạc phát biểu “giấc mơ” ấy của mình trước Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội năm nào, bằng những xác quyết sắc sảo: “Một chế độ dân chủ thực sự trong đó người dân được làm chủ trên đất nước không những trong hiến pháp mà cả trong thực tế nữa. Lịch sử các phong trào cách mạng trong hơn một thế kỷ nay chưa bao giờ, chưa ai có thể ngăn cản được một phong trào quần chúng đòi tự do dân chủ.”
Ôi chao, sao tôi mơ vào thời điểm này, đất nước mình có được những luật sư chân chính có tầm và có tâm như vị luật sư này. Một người đã có rất nhiều cơ hội “chia tay” với đất nước mình, để ra nước ngoài vinh thân phì gia, nhưng đã vì lòng yêu nước cao độ đã chọn trở về sống đạm bạc cùng tổ quốc, dù chỉ như một “kẻ khai trừ.” Hay tự nguyện khai trừ bên lề XHCN thì đúng hơn.
Vâng, cách gì đi nữa thì chúng ta phải “sống đẹp” bằng cách tạo dựng và thực thi giấc mơ… thầm kín cho đất nước mình.
Dường như chúng ta đã ôm giấc mơ dân chủ tự do thực sự cho đồng bào quốc nội hơn 42 năm rồi thì phải. Chúng ta cũng đã từng mơ được sống trong một đất nước không phải lo sợ làm những tù nhân dự bị, và trường lớp giáo dục sẽ mọc lên nhiều hơn nhà tù, chỉ vì nếu phải thể hiện khác đi với quan điểm của nhà cầm quyền là sẵn sàng bị gán ghép cho tội phản động, phản quốc…
Tỷ như những nhà trí thức đúng nghĩa của XHCN chịu khó đứng về phía nhân dân, thì có lẽ động lực thúc đẩy để giấc mơ Việt Nam được hiện hình sẽ trong tầm tay với.
Nhiều bạn bè nói với tôi về giấc mơ một đời của họ. Bạn có thể nghe văng vẳng lời phát biểu như sấm sét của Tổng Thống Roosevelt: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ hãi, đó là sợ hãi chính mình.” Như thế, có lẽ bạn và tôi cũng nên mơ ít là một lần được vượt thoát chính mình từ chiếc lồng bưng bít thông tin và những bủa vây hệ lụy giam kín đời nhau trong một chiếc lồng thông trị của đất nước.
Chúng ta mơ là đã đến lúc toàn dân VN phải cùng nhau đoàn kết và đồng lòng lên tiếng. Mọi chuyện đều có thể xảy ra dưới ánh mặt trời, và hơn bao giờ hết, giữa những bão bùng không người lèo lái của đất nước, chúng ta vẫn mơ được gởi đến LHQ và lực lượng Bảo Vệ Hòa Bình của họ thông điệp mạnh mẽ của 90 triệu công dân Việt Nam. Đó là “mời” TBT già nua hết thời này “về vườn vui thú điền viên”, và để đất nước tiến hành tổ chức bầu cử tự do, hay chấp nhận một hình thức trưng cầu dân ý dưới sự giám sát của LHQ, như đã diễn ra cho những quốc gia khác.
Dĩ nhiên không ai có khả năng tiên tri cho những giấc mơ của mình. Khả năng duy nhất mà chúng ta có được vẫn là “đừng mơ nữa, hãy bắt tay hành động!” Việc gì đến sẽ phải đến. Tôi tin vào luật nhân quả và thuyết luân hồi, cũng như những tất yếu và quy luật tiến hóa của lịch sử giống nòi.
Bão đang bạo liệt trên những nóc nhà ở Houston, Hoa Kỳ. Giấc mơ của bạn cho VN ra sao, liệu có muốn thổi bay những nóc nhà của lũ tham nhũng tham quan bán nước?
29/8/2017