Giang Phúc Đông Sơn (Danlambao) - Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngày 23.07.2017 là đề tài rất nóng, mấy ngày qua nó được bàn tán, tranh luận ồn ào, sôi động, làm tốn nhiều thời gian của nhiều người, nhiều phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp, không những chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở CHLB Đức, nơi Thanh đã có những ngày êm đềm dưới những tàng cây thơ mộng, trên những chiếc băng ghế nghỉ chân, tâm hồn thanh thản, thảnh thơi, thơ thới với những bức tượng của các thi sĩ Đức ở công viên Tiergarten Berlin.
Không bàn đến chuyện những cây viết tầm cỡ ở Việt Nam như nhà báo Huy Đức, hay nhà báo Nguyễn Huy Toàn của truyền hình Công An Nhân Dân đã viết bài bào chữa cho việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức của chế độ CSVN là chấp nhận được, chịu thiệt thòi về đối ngoại "chút đỉnh" nhưng đạt được thành quả to lớn trong chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi".
Trước khi điểm qua một số ý kiến của người Đức đăng trên tờ báo rbb-24 online, cơ quan truyền thông của Berlin và Brandenburg, xem họ nghĩ gì về chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, xin nói sơ qua để độc giả hiểu rằng, trước khi bức tường ô nhục sụp đổ năm 1989, Berlin là một thành phố chia đôi, ngăn cách Đông – Tây giữa hai khối Tư bản – Cộng sản. Sau khi nước Đức thống nhất ngày 03.10.1990, Đông và Tây sát nhập, Berlin trở thành một tiểu bang của Cộng hòa Liên bang Đức. Brandenburg trước đó thuộc về Đông Đức.
Brandenburg cũng như Berlin (phần đất phía Đông) và những tiểu bang miền Đông như Sachsen, Sachen -Anhalt, Thüringen, Mecklenburg-Vorpommern của nước Đức là những nơi có sự kỳ thị người ngoại quốc khá nặng nề. Do đó những ý kiến được ghi nhận trong bài này cũng không ngoại lệ.
Trong những ý kiến này, có 2 ý kiến với tên Hoàng Hà, có lẽ là người Việt Nam đã ở lâu trên nước Đức.
1- Smith tim – Berlin/ Freitag, 04.08.2017 | 07:18 Uhr – Ý kiến này nêu ra 4 điểm quan trọng:
a) Việt Nam nổi tiếng là một đất nước không có luật lệ rõ ràng, minh bạch. Tham nhũng là một bệnh dịch.
b) Việt Nam muốn chống tham nhũng nhưng có thật sự làm mạnh hay không thì mọi việc đã rõ ràng. Trịnh Xuân Thanh đã xin tị nạn. Thanh và công ty đã đốt 125 triệu Euro bằng những việc làm mờ ám với những hợp đồng không rõ ràng trong lúc điều hành Petro Việt Nam. Với tội tham nhũng? Nếu đưa ra tòa chuyện này, việc trao trả Thanh về Đức là bất khả.
c) CHLB Đức – Đất nước của những con khỉ lười biếng dành cho di dân và những người tị nạn dưới mọi hình thức. Cho dù bạn đến từ một quốc gia an toàn, đơn xin tị nạn của bạn vẫn được cứu xét, không cần biết bạn có là tội phạm hình sự trước đây hay không. Ngay cả khi bị từ chối tị nạn, bạn vẫn có quyền thuê luật sư cố vấn, bào chữa cho mình, phí tổn luật sư sẽ do những người dân đóng thuế trả cho bạn. Bạn cũng có thể biến mất hay tìm cho mình một lý lịch mới nào đó, rồi làm đơn lại và tiếp tục như thế…
d) Bắt cóc không phải là một biện pháp hay theo phong thái thanh lịch của người Anh. Người Việt Nam trên nước Đức vốn dĩ đã tạo cho mình một bộ mặt không được vinh dự gì cho lắm. Họ đã trở thành một thương hiệu được chấp nhận nhưng không được hân hạnh chào đón: Persona Non Grata (No Welcome: không được chào đón).
2- F.Steidle Köln Mittwoch, 02.08.2017 | 15:20 Uhr [F.Steidle] vom 02.08.2017 um 15:20
“Có hay không đơn xin dẫn độ công khai? Đây là một trường hợp mờ ám. Tôi không biết Đức là đất nước trú ẩn của những cựu đảng viên cộng sản. Những người tị nạn kinh tế hay chính trị có được chúng ta bảo vệ không? Nếu có, tại sao? Đã có lệnh truy nã quốc tế đối với nhân vật này, tên ông ta nằm trong danh sách truy lùng của Interpol, tại sao ông ta không bị dẫn độ? Ông ta có tìm cách tác động, ảnh hưởng đến một người nào đó trong chính phủ phương Tây không? Chuyện này có nhiều câu hỏi cần phải đặt ra.
Nếu Việt Nam không dẫn độ tôi về Đức trong trường hợp tên tôi nằm trong danh sách truy nã quốc tế của Interpol, tôi sẽ lập tức khai gian thuế”.
3- Hoang Ha Berlin Donnerstag, 03.08.2017 | 16:07 Uhr – Trả lời ý kiến của F Steidle
“Thanh là một tội phạm hình sự nổi tiếng ở Việt Nam, chịu trách nhiệm làm cho nền kinh tế của Việt Nam thua lỗ hàng tỉ euro. Giờ đây ông ta xin tị nạn trên nước Đức. Thật là buồn cười. Vậy thì bất cứ tội phạm hình sự ngoại quốc nào cũng có thể làm đơn xin tị nạn ở Đức và xin trợ cấp xã hội, khi mà số tiền vơ vét được trong nước họ vẫn còn đó?”
4- Andrae Berlin Mittwoch, 02.08.2017 | 15:50 Uhr [andrae] vom 02.08.2017 um 15:50
“Nếu lập luận của phía Việt Nam vững chắc thì ông ta là một nhân tố khá quan trọng. Tuy nhiên không thể chấp nhận việc bắt cóc Thanh. Chuyện đó sẽ khiến chính phủ Đức áp dụng những biện pháp trừng phạt nặng nề về kinh tế và chính trị”.
5- Hoàng Hà Berlin Donnerstag, 03.08.2017 | 16:34 Uhr – Trả lời ý kiến trên của Andrae:
“Haha! Ông ta đã tan biến ở đây rồi thú nhận trước truyền thông rằng đã bay về Việt Nam và đầu thú. Chuyện đó làm nẩy sinh sự nghi ngờ về một vụ bắt cóc”.
6- Zoltan Berlin Donnerstag, 03.08.2017 | 08:02 Uhr. Trả lời ý kiến của F Steidle:
“Hoàn toàn không có lệnh bắt giữ nào đối với Thanh. Ông ta không có tên trong danh sách truy nã của Interpol. Đúng ra là Việt Nam có gửi cho Interpol một đề nghị truy nã Trịnh Xuân Thanh, chính phủ Đức cũng biết chuyện đó và cũng đã nhận được một đơn xin dẫn độ với lý do vi phạm luật pháp của Việt Nam, nhưng vi phạm như thế nào thì không rõ, chỉ nói chung chung. Đơn xin dẫn độ phải do tòa án quyết định, Thanh cũng đã nộp đơn xin tị nạn, được hay không cũng do tòa án. Chính phủ Đức không có quyền chấp thuận cho dẫn độ khi chưa có quyết định của tòa án”.
Kết luận từ những ý kiến trên, có thể thấy, ngay ở Đức cũng có nhiều người không hiểu rõ nội vụ Trịnh Xuân Thanh và luật pháp Đức, huống chi là người ở Việt Nam.
Điều căn bản nhất trong một thể chế dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền là một người chỉ bị coi là tội phạm khi đã có những bằng chứng (forensic) hoặc nhân chứng xác định rõ ràng rằng người đó đã phạm tội. Bằng chứng và nhân chứng chứ không phải lời khai của họ vì lời khai có thể không đúng khi bị ép cung.
Trường hợp Trịnh Xuân Thanh cũng thế. Chế độ CSVN đã gửi đơn tới Interpol, yêu cầu truy nã Thanh nhưng Interpol không thể phát hành lệnh truy nã vì thiếu chứng cớ. Thanh không bị Interpol truy nã, tên Thanh không có trong danh sách tìm kiếm, chính phủ Đức lấy lý do gì bắt giữ Thanh và cho dẫn độ về Việt Nam khi giữa Đức và Việt Nam chưa có hiệp ước dẫn độ tội phạm?
Cho dù Thanh chưa phải là công dân Đức hay là thường trú nhân, nhưng Đức vẫn yêu cầu Việt Nam phải trao trả Trịnh Xuân Thanh. Ngay cả khi Thanh là một tội phạm đang bị lãnh án tù ở Đức vì một tội nào đó thì việc bắt cóc Thanh vẫn là xâm phạm chủ quyền quốc gia của Đức. Đòi Việt Nam phải trao trả Thanh chẳng phải để chứng tỏ uy quyền hay sự nghiêm minh của nền tư pháp Đức. Tất cả chỉ là nguyên tắc tôn trọng công pháp quốc tế trong quan hệ ngoại giao.
5/8/2017