Hương Khê (Danlambao) - Sau nửa tháng thu phí gây bức xúc cho người dân tại BOT Cai Lậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có buổi làm việc với Tiền Giang để ghi nhận tình hình. Trả lời báo chí, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam... không biết lượng xe qua trạm này mỗi ngày là bao nhiêu(1).
Kỹ sư Huy Đoàn đã đưa ra mười câu hỏi yêu cầu ông Nguyễn Mạnh Thắng trả lời về những điều hết sức vô lý trong việc xây dựng trạm thu phí Cai Lậy - Tiền Giang. Có nguồn tin cho rằng, trạm thu phí này là của con trai ông Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên BCT, nguyên Chủ nhiệm UBKTTƯ ĐCSVN, nên mới được hưởng nhiều ưu đãi.
Lâu nay, những sự bất cập và hết sức vô lý trong nhiều trạm thu phí dưới dạng đầu tư BOT (viết tắt của tiếng Anh: Build - Operate - Transfer, có nghĩa: Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) đã gây nên nhiều bức xúc trong xã hội.
Nguồn cơn sâu xa của sự bức xúc này là thiếu minh bạch trong quá trình hoạch toán, để từ đó đưa ra mức thu phí và thời gian thu phí cho mỗi trạm BOT. Sự mập mờ và thiếu minh bạch này thể hiện trong các báo cáo về lưu lượng phương tiện và doanh thu của nhà đầu tư để làm các tuyến đường. Sự thiếu minh bạch này đã biến đầu tư BOT thành một ngành siêu lợi nhuận, một con gà đẻ trứng vàng.
Điều này đã được chứng minh tại Trạm thu phí BOT tuyến tránh Thị xã Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, được đặt trên Quốc lộ 1, Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong khi tổng mức đầu tư của dự án này cách đây 7 năm là 822 tỷ đồng. Nhưng sau khi quyết toán, tổng mức đầu tư chỉ còn 786 tỷ đồng. Thời gian thu phí ban đầu được xác định là trên 27 năm. Nhưng chỉ sau 7 năm thu phí, dự án này đã hoàn vốn (2).
Một phóng viên của tờ VTC News đi từ Hà Nội đến huyện Tiền Hải (Thái Bình) có khoảng cách 130km, nhưng phải qua 5 trạm thu phí. Cả đi lẫn về mất 350.000đ tiền phí, trong khi tiền xăng chỉ mất 200.000đ. Những điều đó đã gây nên bức xúc cho nhân dân. Chưa kể hàng năm người dân phải đóng hàng triệu tiền phí “bảo trì đường bộ”.
Thời chiến tranh, có người nói “Tại Việt Nam cứ ra ngõ là gặp anh hùng”. Ngày nay có thể nói: “Tại VN, cứ ra đường là gặp trạm thu phí”. Sự bức xúc đó là lý do khiến nhiều lái xe đã có nhiều sáng kiến là dùng tiền lẻ 200đ, 500đ để nộp nhằm gây khó khăn cho nhân viên thu phí. Đặc biệt, tại trạm thu phí Cai Lậy-Tiền Giang, các lái xe còn dùng tiền lẻ nhét vào chai nhựa để nạp. Do đó đã gây kẹt xe tại đây hàng cây số. Đây là cách phản ứng về mức thu phí quá cao và vị trí đặt trạm bất hợp lý. Vì vậy vào đêm 14 và sáng 15/8/2017, trạm này bị thất thủ, phải mở toang các cửa cho xe qua.
Hiện nay các dự án BOT đều có thời gian thu phí trên 20 năm, trong khi nhu cầu đi lại và lượng phương tiện không ngừng tăng lên. Trước đó, hồi tháng 5 năm 2017, Kiểm toán nhà nước cho biết, đã kiến nghị giảm thời gian thu phí của 27 dự án được kiểm toán, với thời gian giảm so với phương án tài chính ban đầu là 127,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là hơn 13 năm (3).
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica chia sẻ về những bất cập của các dự án BOT như sau:
"Nói về việc xây dựng các trạm BOT, khi áp dụng và thực hiện thì đã bị lạm dụng, gây nên nỗi bức xúc cho xã hội từ đầu năm 2016 đến nay. Khi xây dựng các trạm BOT, người ta đã quên mất vai trò của người dân. Đa số các trạm BOT đã không minh bạch ngay từ đầu. Trên nguyên tắc, thời gian thu phí của mỗi trạm BOT được xác định từ lấy tổng mức đầu tư chia cho mức thu phí thì ra thời gian thu phí. Cái gọi là “Tổng mức đầu tư” ấy lẽ ra phải do cơ quan độc lập hoạch toàn làm ra. Nhưng hiện nay đều do các nhà đầu tư làm. Việc điều tra lưu lượng xe cũng do nhà đầu tư làm nốt. Bên cạnh đó, họ không tổ chức đấu thầu rộng rãi mà chỉ định thầu, nên họ “ưu tiên” cho một ai đó, như vậy làm sao tránh khỏi tiêu cực. Do các nhà đầu tư tự làm, nên họ khai khống và tăng mức đầu tư lên nhiều lần. Đồng thờ họ giảm lưu lượng xe qua trạm mỗi ngày. Toàn bộ những việc này không có cơ quan nào kiểm tra giám sát." (4).
Trên nguyên tắc, BOT chỉ đầu tư trên những tuyến đường mới, và cứ 70 km mới đặt một trạm. Nhưng họ vẽ ra nhiều lý do để đặt thêm trạm. Theo quy định thì việc nâng cấp đường cũ lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ.
Nhưng ở Cai Lậy (Tiền giang), họ tự nâng cấp mặt đường cũ 20 km, và từ đó họ đặt trạm thu phí trên đường cũ. Những người không đi vào đường tránh mới làm mà chỉ đi theo đường cũ cũng bị thu phí.
Trở lại mười câu hỏi mà kỹ sư Huy Đoàn đặt ra cho ông Nguyễn Minh Thắng, qua đó cũng đặt ra cho Bộ GTVT là:
1. Tại sao Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang thành lập vào tháng 4-2014 trong khi công trình khởi công vào tháng 2-2014? Công ty này có vốn đối ứng để thi công không hay 100% là vốn đi vay ngân hàng. Như vậy, theo ông Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, công ty trên có đáp ứng đủ các quy định về nhà đầu tư BOT? Có đáp ứng được yêu cầu về vốn tự có theo các quy định của Chính phủ (NĐ 108/2009 và NĐ 15/2015) để thi công không? Có đáp ứng được các yêu cầu về năng lực, trách nhiệm thi công những công trình lớn?
2. Cai Lậy chưa bao giờ là điểm nóng kẹt xe, chưa kể có 2 tuyến huyện lộ có thể đáp ứng giải phóng xe trong trường hợp kẹt xe (nếu có) sao không tận dụng mà cứ nhất thiết phải làm đường tránh rồi thu phí?
3. Gần 400 tỉ đồng là số tiền gia cố tăng cường mặt đường cho 26,5km Quốc lộ 1 và sửa chữa 14 cây cầu, ông có thể cho in cái bảng báo giá đã được duyệt thông qua không? Tôi nhờ bên công ty tư vấn giám sát độc lập làm lại bảng báo giá khả thi cho ông để đối chứng được không?
4. Thưa ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, theo như người dân phản ánh thì trước khi cải tạo 26,5km và sửa chữa 14 cây cầu này vấn đề lưu thông vẫn bình thường, tại sao phải lôi ra sửa chữa, gia cố để đánh thẳng vào túi tiền người dân?
5. Dự án đấu nối và kéo dài cao tốc Trung Lương đã được duyệt và thông qua, tại sao còn cố tình thi công cái dự án này?
6. Theo thông tư mới nhất của Bộ GTVT (TT49/2016/Bộ GTVT) yêu cầu về lắp đặt bảng điện tử công khai các thu chi và thời gian thu phí sao chưa lắp vẫn được phép thu phí?
7. Có báo cáo và số liệu cụ thể nào về số lượng xe đi qua đường tránh khi đã mua vé chưa? Vì theo tôi được biết dù mua vé thì tài xế vẫn chạy xuyên tâm chứ không đi qua đường tránh?
8. Căn cứ vào báo cáo nào về lưu lượng xe cộ qua lại trung bình 1 ngày đêm để áp giá phí và thời gian thu phí?
9. Về nguyên tắc nghiệm thu và bàn giao công trình, khi công trình hoàn thiện thì mới được thu phí. Vậy ông đã xuống kiểm tra lại tuyến đường tránh xem đã hoàn thiện hết các hạng mục như trong báo giá chưa?
10. Tại sao chủ đầu tư chưa phục hồi lại hiện trạng mặt đường 4 tuyến đường đã mượn? Liệu trách nhiệm sau khi thu phí xong cũng giống như 4 con đường này? (5)
Hiến pháp của Nước CHXHCN Việt Nam đã trao cho người dân quyền được giám sát các hoạt động của Nhà nước. Vậy người dân có quyền yêu cầu bộ GTVT kịp thời trả lời những câu hỏi trên của không những cho kỹ sư Huy Đoàn, mà cho cả người dân Việt Nam được biết. Vì nhà nước này được mệnh danh là “của dân, do dân và vì dân”.
Chỉ một trạm BOT ở Thanh Hóa mà đã dư ra 20 năm. Thứ hỏi trong cả nước, hàng trăm trạm BOT khác bủa vây khắp mọi nẻo đường, thì mỗi năm chúng hút hết biết bao nhiêu là mồ hôi nước mắt, là máu của người dân Việt Nam?
Con giun xéo mãi cũng quằn. Thấy “dân hiền thì… xỏ chân vào mũi”. Thế lực nào đã bảo kê, bao che cho những kẻ ngày đêm hút máu dân lành? Một khi người dân đoàn kết, đồng lòng, quyết đứng lên đạp đổ cái xấu, thì trước sau gì nó cũng bị tan tành.
Ngoài sáng kiến của các đồng chí lái xe là đưa tiền lẻ vào chai nhựa để nạp phí, gây mất thời gian cho nhân viên thu phí, thì ở đây cũng cần ghi nhận sự đóng góp to lớn của báo chí, cả lề đảng và lề dân, đặc biệt là VTV, không những đưa tin kịp thời, mà còn có những nhận xét, bình luận sắc sảo, vạch trần sự bất hợp lý của cái trạm thu phí bẩn thỉu này. Cám ơn VTV. Trong trường hợp này, VTV không còn là Vua Tin Vịt nữa.
Hương Khê
danlambaovn.blogspot.com
Hương Khê
danlambaovn.blogspot.com
15/8/2017
Chú thích: (1): http://m.danviet.vn/tin-tuc/tong-cuc-duong-bo-khong-biet-luong-xe-qua-tram-bot-cai-lay-796068.html)