Tôi cùng ông Nguyễn Ngọc Cường tại DCTT - Sài Gòn |
Huỳnh Anh Tú (Danlambao) - Sau Thánh Lễ Bí Tích Thanh Tẩy và Thêm Sức cho 6 chú TPB VNCH vào ngày 25/8/2017 tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc DCCT - Sài Gòn, tôi có dịp trò chuyện cùng ông Nguyễn Ngọc Cường, người mới ra tù hôm 1/8/2017. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi biết về những thăng trầm mà người TNLT này đã trải qua.
Nguyễn Ngọc Cường sinh ngày 4/7/1956 tại Gia Lai.
Năm 1973, ông gia nhập Liên Đoàn 22 - Biệt Động Quân (Quân lực VNCH), đóng quân tại B15, Kon Tum.
Sau ngày 30/4/1975, mặc dù Sài Gòn thất thủ, nhưng ông Cường và nhiều đồng đội của mình không chấp nhận buông súng đầu hàng mà quyết chiến đấu đến cùng. Ngày 24/12/1975, ông và những người đồng đội ngoan cường này bị nhà cầm quyền cộng sản bắt giam. Họ bị gán ghép tội danh “Nhen nhóm tổ chức chống phá chính quyền cách mạng”. Mặc dù là một cựu tù nhân chính trị, nhưng tôi phải thừa nhận đây là lần đầu tiên tôi biết tới một loại “tội danh” nực cười trong nhiều thứ tội vô lý khác mà cộng sản nghĩ ra nhằm bách hại những người dân yêu nước chống lại họ. Thứ tội danh có tên là “nhen nhóm”.
Ông Nguyễn Ngọc Cường bị cầm tù 3 năm tại trại tù T15, Blei Bong.
Ra tù, ông vẫn giữ vững tinh thần và khí chất của một người lính VNCH “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm”. Ông tham gia vào tổ chức “Thanh Niên Phục Quốc” để tiếp tục theo đuổi lý tưởng tự do của mình.
Tháng 4/1979, ông bị bắt lần thứ hai và bị cầm tù 4 năm tại Trại giam Gia Trung.
Sau lần ra tù này, tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Ngọc Cường trở nên tồi tệ, hoàn cảnh gia đình khốn khó hơn lúc nào hết. Ông quyết định đưa gia đình vào Sài Gòn để tìm kế mưu sinh.
Cuộc sống chật vật nơi đất khách quê người không làm nguội lạnh ý chí của một người con trung kiên, nặng lòng với tổ quốc. Ông tìm đến với những người chung chí hướng để chống lại bạo quyền, cổ suý cho tự do, dân chủ.
Và một lần nữa ông Nguyễn Ngọc Cường lại phải trả giá cho lý tưởng của mình. Tháng 8/1985, ông bị bắt lần thứ 3 và bị cầm tù 3 năm với tội danh “Phản động”.
Trong thời gian ở tù, ông nhận được tin vui, vợ ông đã hạ sinh cho ông một bé trai. Nguyễn Ngọc Cường đặt tên cho con là Nguyễn Ngọc Trường Thi, người sau này đã trở thành người chung chí hướng với ông.
Ông Nguyễn Ngọc Cường cùng con trai Nguyễn Ngọc Tường Thi
Ra tù, ông tự nhủ sẽ tạm gác lại những trăn trở với vận mệnh đất nước để dồn tâm sức lo cho gia đình bé nhỏ của mình. Nhưng trái tim Nguyễn Ngọc Cường không bao giờ nguội lạnh với lý tưởng của mình. Ông không thể bàng quan trước những bất công, những cảnh đời thống khổ, nhất là khi chứng kiến cuộc sống của những người Dân mất nhà, mất đất, phải lang thang cơ hàn trong cảnh bị bách hại. Và Nguyễn Ngọc Cường lại đồng hành với những con người cơ cực ấy.
Trên các diễn đàn tự do, ông mạnh mẽ lên án, tố cáo những chính sách bất công, vô nhân đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Ông thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa của dân oan, hỗ trợ họ đòi lại quyền lợi chính đáng đã bị tước đoạt.
Việc làm đầy nghĩa khí của ông đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nguyễn Ngọc Tường Thi, người con trai ra đời khi ông còn đang trong tù. Đáng quý hơn, người bạn đời của Thi cũng hết lòng ủng hộ chồng và cha chồng. Ông Cường từng cùng con trai và con dâu đi dọc theo quốc lộ 1A, từ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ đến phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để phát tán 1200 tờ truyền đơn với nội dung kêu gọi Dân chủ cho Việt Nam.
Vào tháng 4/2011, Nguyễn Ngọc Cường cùng con trai Nguyễn Ngọc Tường Thi và con dâu Phạm Thị Bích Chi bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88 BLHS).
Cáo trạng buộc tội ông đã cùng người con dâu làm ra hơn 3 ngàn tờ truyền đơn có nội dung chống Nhà nước XHCN VN.
Ngày 21/10/2011, tòa án Đồng Nai trong phiên sơ thẩm đã kết án ông Cường 7 năm tù giam, con trai ông Nguyễn Ngọc Tường Thi 2 năm tù giam và con dâu Phạm Thị Bích Chi bị tuyên 18 tháng tù treo vì đang mang thai.
Ngày 4/5/2011, trong phiên phúc thẩm, tòa án tối cao thành phố HCM kết tội ông Nguyễn Ngọc Cường và con dâu Phạm Thị Bích Chi y án. Con trai ông Nguyễn Ngọc Tường Thi 18 tháng tù giam.
Giống như ba lần tù trước, lần tù thứ tư này ông Nguyễn Ngọc Cường vẫn rất can trường, luôn giữ khí phách của một anh hùng hiếm thấy.
Và những gì Nguyễn Ngọc Cường đã thể hiện trong lần tù thứ 4 này khiến công luận không thể không thán phục.
Nguồn hình: Facebook Nguyễn Ngọc Cường
Ngày 30/6/2013 tại nhà tù Xuân Lộc, Nguyễn Ngọc Cường đã cùng nhiều người khác trong đó có các TNLT Huỳnh Anh Trí, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Hoàng Giang, Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đồng loạt đứng lên chống lại sự đàn áp, ngược đãi của cai ngục, phản đối chế độ nhà tù cộng sản phi nhân tính. Cuộc nổi dậy trong nhà tù Z30A được xem là sự kiện “chưa từng thấy” trong suốt nhiều năm trở lại đây tại nhà tù cộng sản Việt Nam, do các tù nhân chính trị tiến hành.
Sự kiện chấn động này, em trai tôi là Huỳnh Anh Trí khi ra tù cũng có kể lại:
“Khoảng 8 giờ sáng ngày 30/6/2013, khi ông Giám thị Hồ Phi Thắng vừa bước vào bên trong khu vực phân trại 1, trại giam Xuân Lộc, thì bất ngờ các tù nhân đóng cánh cổng lại và khống chế và buộc ông Thắng phải ngồi yên một chỗ.
Sau đó ông Nguyễn Ngọc Cường và Trần Huỳnh Duy Thức đại diện anh em tù nhân ra nói chuyện và yêu cầu viên Giám thị Hồ Phi Thắng phải gọi điện mời phóng viên nhà báo hoặc đại diện cấp cao hơn đến hiện trường, để lắng nghe ý kiến phản ảnh về sự bất công mà tù nhân đã chịu đựng từ trước đến giờ; về sinh hoạt đời sống cũng như quyền sống của họ đã bị cai ngục ngang nhiên chà đạp.
Hồ Phi Thắng lúc đầu tỏ vẻ thành khẩn nhận lời, nhưng sau đó ông ta tráo trở, không những không giữ lời hứa mà còn kêu gọi tập trung thêm lực lượng cơ động vũ trang từ bên ngoài vào, để đàn áp những tù nhân nổi dậy”.
Ông Cường cho biết thêm:
“Bọn họ đem một lực lượng rất đông có trang bị đầy đủ áo giáp, dùi cui, thậm chí có cả súng ống và lựu đạn cai.
Vào khoảng 16 giờ, cả khu vực Phân trại số 1 trại giam Xuân Lộc trở nên hỗn loạn, khói cay ngây ngút và tiếng súng rền trời… cùng một lực lượng vũ trang rất đông xông vào, đánh đập tù nhân rất dã man.
Ngay chiều tối hôm ấy, cai ngục đã chuyển một số tù nhân sang nhà tù khác.
Trên chuyến xe áp tải tôi cùng Huỳnh Anh Trí và Phan Ngọc Tuấn từ trại tù Xuân Lộc đến trại tù Xuyên Mộc. Tôi nhìn thấy hình ảnh của Huỳnh Anh Trí mà tôi không cầm được nước mắt. Trí rất yếu, hơi thở như muốn tắt. Trí nói: “tụi nó muốn đánh chết em, anh Cường ơi”. Tôi nghẹn lòng và xót xa, không biết nói gì thêm. Tôi với tay vỗ nhẹ lên vai Trí, rồi ngước mắt nhìn lên trên mà khóc.
Đến trại giam Xuyên Mộc, bọn họ đã cùm, biệt giam ba anh em chúng tôi. Vì không chấp nhận hình thức “kỷ luật” phi lý này, một lần nữa chúng tôi đã phản đối bằng cách tuyệt thực. Đến ngày thứ 4 bọn họ phải nhượng bộ, xả cùm cho chúng tôi”.
Nguyễn Ngọc Cường bùi ngùi, rơm rớm nước mắt nói với tôi:
“Thật không ngờ, lần Trí mãn án ra tù, là lần tôi chia tay vĩnh viễn đối với người em, người đồng đội mà tôi yêu quý và kính trọng nhất”.
Chúng tôi lặng đi. Câu chuyện của người bạn tù kể về đứa em xấu số Huỳnh Anh Trí của tôi, làm tôi xót xa.
Mặc dù sức khoẻ của ông Cường còn yếu sau hơn một tháng ra tù, nhưng ở ông vẫn toát lên vẻ mạnh mẽ, tự tin và một sự lạc quan đáng ngạc nhiên. Tôi không thể tin nổi người đàn ông đang ngồi trước mặt tôi đây đã trải qua bốn lần tù với tổng cộng 17 năm và chịu đựng bao nhiêu sự bách hại trong suốt cuộc đời mình.
Chúng tôi hỏi han nhau về cuộc sống mưu sinh. Khác với những sôi nổi khi bàn chuyện tranh đấu, cả hai đều lặng đi, nén tiếng thở dài.
Trước khi tạm biệt nhau, Nguyễn Ngọc Cường còn an ủi tôi cần phải lạc quan lên. Và nói, anh đã sẵn sàng cho cuộc đi tù lần thứ năm nếu điều ấy là cần thiết. Bởi vì “chừng nào còn sống, chừng nào đất nước chưa có tự do, chừng ấy anh còn chiến đấu”, anh đã tâm sự với tôi như thế.
7/9/2017