Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Sau đây là học thuyết mới của Đảng CSTQ được Tập Cận Bình đúc kết sau 5 năm cầm quyền. Học thuyết này đã được Đại Hội 19 đưa vào điều lệ Đảng khi đại hội này nhóm họp từ ngày 18/10/2017 tại Bắc Kinh. Nội hàm của học thuyết được trình bày trong những dòng viết tiếp theo.
Nội hàm của tư tưởng Tập Cận Bình
Nội hàm của tư tưởng Tập Cận Bình gồm hai mục tiêu 100 năm, 4 con đường để thực hiện mục tiêu và một quyết tâm xây dựng quân đội hùng mạnh để bảo vệ việc xây dựng mục tiêu và đối phó với sự chống đối các cường quốc khác.
Hai mục tiêu 100 năm gồm có: thứ nhất, xây đựng một xã hội khá giả vào năm 2020 (tức là 100 năm sau ngày thành lập Đảng CSTQ); thứ hai, cải tạo Trung Quốc thành một siêu cường xã hội chủ nghĩa vào năm 2049 (tức là đúng 100 năm sau khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời).
Con đường để thực hiện 2 mục tiêu 100 năm là thông qua nguyên tắc “bốn toàn diện”: thứ nhất là xây dựng xã hội khá giả toàn diện; thứ hai là cải cách kinh tế xã hội sâu sắc toàn diện; thứ ba là xây dựng một nền pháp trị toàn diện; thứ tư là quản lý đảng bằng kỷ luật một cách toàn diện.
Xây dựng một quân đội tiên tiến và hùng mạnh là một quyết tâm mà Đảng phải thực hiện cho bằng được. Phải có một quân đội hùng mạnh để đối phó hữu hiệu với mọi sự chống đối của các cường quốc khác, mặc dù Trung Quốc vẫn chủ trương trung thành với nguyên tắc tạo môi trường hòa bình để phát triển.
Tiểu sử của Tập Cận Bình
Tư tưởng của một chính khách thường phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó hai yếu tố chính yếu thường được coi trọng là yếu tố gia đình và yếu tố môi trường sinh sống lúc tuổi trẻ. Ta thử duyệt lại xem, đối với Tập Cận Bình, hai yếu tố đó đã tác động ra sao.
Tập Cận Bình sinh năm 1953 tức năm nay (2017) đã được 64 tuổi. Ông là con trai của Tập Trọng Huân, một người theo Mao Trạch Đông rất sớm nhưng cũng là người bị Mao thanh trừng đầu tiên trong cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa và gia đình ông bị sỉ nhục.
Trong gia đình, Tập là em một người chị lớn, không rõ vì lý do gì đã tự vẫn chết từ khi còn ít tuổi. Khi Tập đi vào tuổi 13 thì việc học hành của ông chính thức bị kết thúc vì các lớp học trên toàn vùng Bắc Kinh bị gián đoạn. Cuộc sống trở nên khó khăn, Tập Cận Bình phải sống trong hang đá và ông phải lao động chân tay. Có thể nói trong tuổi khôn lớn, Tập không được giao du với đám thanh niên nào cả và cũng không được tìm bạn gái.
Cứ như thế, mãi đến năm 18 tuổi, nhờ có tư cách là “thái tử đỏ” ông mới bước vào sự nghiệp chính trị. Ông gia nhập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản ở tuổi 21 và cũng được chấp nhận vào Đảng Cộng Sản cùng thời gian đó.
Khi Tập 25 tuổi, người cha được phục hồi sự nghiệp và điều đi lãnh đạo Quảng Đông. Tại đây, Tập được học hành nhanh chóng và đỗ đạt cao. Mặc dầu vậy, Tập vẫn mang nặng những vết thương đầu đời khi phải sống trong hang núi. Cái đau thương nhất là ông đã mất người vợ đầu tiên, con gái một nhà ngoại giao cao cấp. Sau vết thương đau đớn này ông đã trở nên kín đáo trong sự nghiệp chính trị của mình.
Lần thứ nhất ông được nhiều người chú ý tới là khi ông kết hôn với người vợ hiện nay, một ca sĩ nổi tiếng. Bình thường tên Tập Cận Bình không ai biết đến, nhưng nếu nói là chồng của Bành Lệ Viện thì ai cũng biết ngay. Việc cha ông là một nạn nhân của Mao đã khiến ông kín đáo và không bao giờ phô trương. Khi ông trở thành lãnh đạo Đảng CSTQ vào năm 2012 không mấy ai ở ngoài nước đoán được những gì sẽ diễn ra.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” long trời lở đất
Lên cầm quyền Tập đã cam kết với nhân dân là sẽ tiến hành chiến dịch chống tham nhũng một cách triệt để và Tập đã giữ lời hứa. Không bao lâu sau khi củng cố địa vị một cách vững chắc, Tập đã tung ra một chiến dịch thanh trừng tham nhũng long trời lở đất mang tên “đả hổ diệt ruồi”mà tới nay ai cũng biết.
Con hổ lớn nhất là Chu Vĩnh Khang. Con hổ thứ hai là Bạc Hy Lai. Hai con hổ nổi tiếng này đã được xét xử nghiêm minh trong những phiên tòa cao cấp mở rộng cửa cho quần chúng tham dự. Trong dịp này Tập cũng đưa ra một thông điệp rõ ràng là “Đừng vào Đảng nếu như quý vị muốn kiếm tiền”. Mặc dầu rất khắc nghiệt với những thành phần lãnh đạo hư đốn, để tạo sự yêu mến của người dân Tập vẫn hay trở về thăm cái hang cư ngụ khi xưa để khoác vai những người nông dân bình dị.
Khi cánh cửa thông thương với phương Tây được mở ra thì một số “Thái Tử Đỏ” cùng thế hệ với ông đã chớp cơ hội để ra đi nhưng riêng Tập đã chọn cho ông một hướng đi khác vì ông biết ông sẽ chẳng làm gì được đặc biệt cho Trung Quốc nếu ông chọn ra đi sinh sống ở nước ngoài. Mỗi khi gặp một người nước ngoài muốn giảng giải cho ông về vấn đề “nhân quyền” ông chỉ mỉm cười. Ông cho là những người đó “ăn no rồi chẳng biết làm gì khi chỉ trích người khác”.
Tập nghĩ rằng: thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng, thứ hai không xuất khẩu nghèo đói, thứ ba không gây đau đầu cho ai. Ông cho như thế là đủ và không còn gì để nói nữa. Tập tin rằng Trung Quốc mà ông được thừa hưởng sẽ mang lại cho nhân loại nhiều điều tốt và ông sẽ thực thi những điều đó.
Tham vọng Tập Cận Bình
Năm 2012 Tập được bầu làm Tổng Bí Thư rồi ít lâu sau lên làm chủ tịch Quân Ủy. Ngày 13/3/2013 Tập được bầu làm chủ tịch nước. Gần đây Tập lại nắm thêm chức Tổng Tư Lệnh Liên Quân. Kể từ thời Mao đến nay chưa có một cá nhân lãnh đạo nào lại thâu tóm quyền lực vào trong tay một cách tham lam và nhanh chóng như vậy. Chưa có một lãnh đạo nào lại phục hồi các giá trị cũ bằng sức mạnh thô bạo như Tập đang làm.
Tập xóa bỏ mô hình lãnh đạo tập thể của Đặng Tiểu Bình. Sáu cơ quan cao nhất trong Bộ Chính Trị được tái cơ cấu trong năm 2012 và được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tập. Đường Lưỡi Bò được công khai hóa và chiến dịch “Đả Hổ Diệt Ruồi” thành công. Tập muốn cùng Mao và Đặng họp thành bộ ba lãnh tụ vĩ đại để được nhân dân Trung Quốc và thế giới lưu danh thiên cổ.
Điểm qua lịch sử Trung Quốc ta thấy tham vọng Tập Cận Bình chỉ là một tam vọng hồ đồ. Tham vọng này xuất phát từ tính kiêu ngạo Hán tộc cộng thêm tính kiêu ngạo cộng sản. Căn bệnh này là một cố tật đã kìm hãm dân tộc Trung Hoa không cho họ phát triển thành một siêu cường của thế giới. Kiêu ngạo này cũng là nguồn gốc của chiến tranh liên tục không cho kinh tế phát triển và làm cho đất nước nghèo đói và lạc hậu lâu dài.
Phê phán "tư tưởng Tập Cận Bình"
Công khai đường Lưỡi Bò, bành trướng tại Biển Đông, bóp nghẹt dân chủ trong nước bằng bao lực, tất cả những thứ đó chỉ có giá trị nhất thời, không thể mang lại sức sống và sức mạnh cho dân tộc và đất nước.
Muốn lưu danh thiên cổ Tập Cận Bình và người Trung Hoa phải tìm cách từ bỏ Đảng cộng sản ngay lập tức. Làm được việc này, danh tiếng của Tập Cận Bình sẽ nổi như cồn và lưu truyền nhân thế. Tập Cận Bình và con cháu ông sẽ sống đẹp môn đời.
Ngày nay khi nhân loại đã bước sang thiên niên kỷ mới, ai cũng biết rằng con đường đi tới tương lai tươi sáng không thể là con đường bạo lực mà phải là con đường phát triển bằng sức mạnh của tri thức và tự do của con người.
Những dòng viết nêu ở đầu bài tham luận không thể được gọi là tư tưởng mà chỉ là sách lược, một sách lược hão huyền và nguy hiểm. Tập Cận Bình muốn khích lệ dân Tàu đứng đằng sau ông ta và không tính toán gì đến những khó khăn kinh tế mà nước Tàu sẽ phải đối mặt trong thời gian trước mắt.
Trong tâm tư Đại Hán, Tập nghĩ rằng cứ thế này trong hai hay ba mươi năm nữa Trung Quốc sẽ làm bá chủ thế giới và sẽ chiếm lại toàn bộ biển đảo và đất liền có tranh chấp với bất cứ nước nào. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng chỉ có “dân chủ” mới có thể làm được việc đó.
07.11.2017