Chính sách "Cai trị" và Quản lý Giáo dục XHCN - Dân Làm Báo

Chính sách "Cai trị" và Quản lý Giáo dục XHCN

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Ngay sau khi chiếm đóng miền Nam ngày 30/4/1975, đảng CSVN thực thi ngay tức khắc chính sách quân quản và tiếp theo đó, dần dần cho cán bộ dân sự từ miền Bắc vào để quản lý các cơ sở đã chiếm được. Phạm vi bài viết này trình bày hai giai đoạn trên trong trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Phần sự kiện do người viết đã sống trong giai đoạn đó và ghi lại qua trí nhớ. Do đó, có thể có sai sót; mong các bạn đồng nghiệp giúp điều chỉnh cho. Một điều chắc chắn là người viết hoàn toàn ghi lại và không thêm bớt một hình ảnh hay giai thoại nào, đúng với lương tâm là nói lên Sự Thật, dù có phũ phàng.

1. Những ngày đầu tiên

Về phía Giáo sư: Ngay từ ngày đầu tiên, ngày 1/5/75, Hà Nội đã thiết lập một hệ thống kiểm soát mới tại trường bằng cách tạm thời thu dụng một số nhân viên, giáo sư của trường vì không đủ nhân sự và cũng vì chưa “kiểm soát” được thành phần ban giảng huấn và nhân viên của trường. Tuy không cần kể tên ra đây, ngoài GS Khoa trưởng Trần Văn Tấn (mất ngày 1/10/2013 tại Saigon) nhưng chúng ta cũng nhận diện rõ được là bên Ban Khoa học do GS Lý Công Cẩn (đã qua đời ngày 20/6/2016 tại Pháp), Phó Khoa trưởng đảm nhiệm, gồm Ban Toán, Lý, Hóa và Vạn Vật đều có "đại diện" tham gia vào "đạo quân 30/4". Hầu hết đạo quân nầy thuộc thành phần giảng huấn nằm trong ngạch Giảng nghiệm viên. Tuy nhiên có hai Giảng nghiệm trưởng, một ở ban Lý và một ban Hóa, và hai Giảng sư ban Hóa và Toán là thành phần nồng cốt bên Ban Khoa học. Hai Giảng sư nầy được nâng lên làm Tổ trưởng học tập trong những ngày sau đó.

Còn Ban Văn Chương do GS Lê Văn (đã qua đời ngày 31/12/2009 tại Nam CA) phụ trách, cũng có một số Giảng nghiệm viên và hai Giảng sư tham gia vào "cách mạng", trong đó có một Giảng sư nổi tiếng sau này, được cân nhắc làm Bí thư riêng cho Thủ tướng CS Phạm Văn Đồng, rồi Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, rồi Dân biểu Quốc hội, và nhiều chức vụ khác. Để rồi, sau năm 2011... trở về nhiệm vụ "phó thường dân" (ở Việt Nam) giống như hầu hết những người kháng chiến cũ gặm nhấm "một mối căm hờn trong cũi sắt"... vì bị vắt chanh bỏ vỏ! Còn một Giảng sư thứ hai (vừa qua đời cách đây vài tháng 2017), cố gắng đặt một bản nhạc... mừng "giải phóng" và "bắt" hầu hết các "học tập viên" của trường phải tập hát để mừng "giải phỏng", giống như bài hát suy tôn Ngô tổng thống mà ông ta đã "lập sớ dâng công" năm 1953 khi còn giảng dạy ở Đại học Huế.

Ngoài ra, còn một số nòng cốt "hạng hai" được giao phó làm Tổ Phó, có nhiệm vụ canh chừng và theo dõi các tổ viên, từng là đồng nghiệp hoặc "xếp" của mình chỉ một ngày trước đó.

Về phía sinh viên của trường: Chỉ nói riêng bên ban Khoa học gồm một Trưởng lớp LH2, một Trưởng ban sinh viên Khoa học cũng đã tích cực tham gia vào đội quân "cai trị" thành phần giáo chức, nhân viên, và sinh viên cũ của trường. Cho đến hôm nay, một Trưởng ban trên được giữ chức vụ Chánh sở Giáo dục tại một miền duyên hải cạnh Sài Gòn, và một, vượt biên cùng thời với người viết đầu năm 1983 tại Sungai Busi (Mã Lai). Anh nầy đến gặp người viết, lúc đó làm Trưởng trại nơi đây, và xin được "bỏ qua" nhưng hành động cũ vì sợ người viết tố cáo lên Cao ủy LHQ. Trò có thể hại Thầy, chứ Thầy làm sao nhẫn tâm hại Trò được! Anh nầy hiện đang định cư ở Canada.

Về thành phần sinh viên của trường đã "chạy vào bưng" một vài năm trước đó... vì học kém, hay vì theo tiếng gọi của "ma vương" (?) đã trở lại trường ngày 1/5. Cần phải kể đến Mai Hồng Thu và Ngô Phàn ban Lý Hóa, là hai thành viên "sắt máu" nhứt trong việc kiểm soát sinh viên và ban giảng huấn bên ban Khoa học và toàn trường. Chính Ngô Phàn đã chạm mặt với người viết trước của văn phòng GS Phó Khoa trưởng và hỏi một cách hách dịch rằng:"Anh có biết ông Cẩn ở đâu không?" sau khi khám phá một khẩu súng lục nhỏ trong ngăn kéo của ông.

Cũng cần nói thêm một trường hợp đặc biệt nữa là "sinh viên" Phạm Trúc L., học lớp Lý Hóa 1 Ban Đệ nhất cấp (hai năm). Anh sinh viên nầy đích thực là Thiếu tá cảnh sát đặc biệt và học lớp nầy suốt ba năm liền cho đến khi bị CS Bắc Việt chiếm đóng. Chính "anh sinh viên đặc biệt" nầy đòi bắt anh Trưởng lớp LH2 trong đêm Tất niên của trường đầu năm 1975 sau bản đồng ca "Dậy mà đi" do lớp nầy trình bày. Và thêm một lần nữa, người viết đã can thiệp và bảo lãnh cho sinh viên trên; vì vậy mà anh ta khỏi bị bắt. Anh "sinh viên" nầy đã biến mất ngay sau ngày 30/4.

Về thành phần "cách mạng": Hoàn toàn không thấy bóng dáng một bộ đội hay một cán bộ dân sự nào từ miền Bắc vào, ngoài vài ba chị nhà quê như chị Năm, chị Bảy vắt khăn rằn trên cổ... đi tới đi lui chỉ chõ, ra lệnh. Tuy chỉ có thế mà đội quân 30/4 của trường răm rắp tuân theo tuyệt đối. Thật là một phỉ nhổ cho một số thành phần giảng huấn của trường lúc bấy giờ.

Viết đến đây, bạn đọc sẽ thắc mắc là thành phần nầy hiện giờ ở đâu? Được đãi ngộ như thế nào? Và đang làm gì?

Xin thưa rằng:

- Một tổ trưởng ban Hóa, sau một thời gian phấn đấu, vỡ mộng và xin qua Pháp vì có quốc tịch Pháp. Hiện Bà ta đã từng tiếng Việt ở Rennes (Pháp) và bây giờ đã về hưu.

- Một tổ trưởng ban Toán, hiện đang làm Giám đốc Ban Ngoại ngữ của trường và đã về hưu.

- Một tổ phó ban Hóa, mặc dù chỉ có Cử nhân mà sau đó vẫn được cân nhắc làm Trưởng ban Hóa, "quản lý" trên 30 "cán bộ giảng dạy" của trường.

- Phần còn lại của đội quân 30/4 lúc xưa, rồi cũng vượt biên và hiện tại đang sống lây lất ở Pháp, Canada, Úc, và Hoa kỳ…

2. Thời kỳ quân quản

Chỉ một thời gian ngắn độ một tuần lễ sau đó, hình ảnh các "anh bộ đội" với quân phục và quân hàm cùng với cái túi vải đeo trên lưng hiện diện khắp nơi, và chiếm cứ tất cả văn phòng của trường. Thêm vào đó, có độ 10 cán bộ "giảng dạy" xuất phát từ Đại học Sư phạm Vinh vào và bắt đầu chính sách quân quản và quản lý trường ốc và nhân sự.

Dẫn đầu là "đồng chí" Trần Thanh Đạm, một "cháu ngoan Bác Hồ", mà sau này được cân nhắc lên làm Hiệu trưởng Trường Sư Phạm trong suốt 20 năm sau đó. Còn các cán bộ giảng dạy và nhân viên các phòng ốc lần lượt được điền khuyết và bổ túc như các chị Yến, Hội của ban Hóa. Họ là những Phó tiến sĩ từ Liên Sô (nhưng trình độ chuyên môn cần phải xét lại sau hơn một năm "trao đổi" trong thời gian người viết đang "còn bị treo giò" ở Sư Phạm.

Giai đoạn quân quản kéo dài khoảng nửa năm, cho đến khi thành phần các bộ giảng dạy và nhân viên từ Bắc vào đông đủ, cũng như sự phân công, chia chác quyền hành trong các ban bệ chấm dứt. Trong giai đoạn nầy, quân đội và công an chỉ tập trung vào việc kiểm kê, phân loại thành phần, truy tìm phản động, và các thành phần có thể tạo ra nguy hiểm cho chế độ.

3. Thời kỳ quản lý ban đầu

Đa số cán bộ giảng dạy chuyển về trường Sư phạm từ Đại học Sư phạm Vinh, do đó, thành phần người Thanh-Nghệ-Tỉnh chiếm đa số. Tuy nhiên, cũng có vài cán bộ gốc miền Nam đi tập kết về. Cũng cần phải nói cho rạch ròi là, các cán bộ miền Nam tập kết không được nắm giữ một vai trò chính yếu nào trong các ban học tập, nếu có chỉ là... Phó ban mà thôi, mặc dù điều kiện bằng cấp đôi khi cao hơn vị Trưởng ban. Điều nầy cũng đã soi rọi rõ ràng là người miền Nam khó có thể chen chân vào "hệ thống" cộng sản.

Ban lãnh đạo của trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn (xin lỗi tôi không thể nào viết được chữ Tp HCM ở đây được) bây giờ là: Hiệu trưởng Trần Thanh Đạm, hai Hiệu phó là Nguyễn Văn Châu và Cao Minh Thì, Tổ chức cán bộ, Nguyễn Được (bên công an, tên Được có thể tôi nhớ sai, xin các bạn chỉ giáo). Tiếp theo đó là hệ thống quản lý nhân viên hành chánh và đông đảo nhứt là Ban phân phối nhu yếu phẩm…

Sau khi nắm vững lý lịch các giáo sư của "chế độ cũ" do tự khai báo hay do "điềm chỉ viên" của đội quân 30/4, Ban giám hiệu bắt đầu cho niêm yết danh sách cán bộ giảng dạy "lưu dung" (xin thưa đây là "lưu dung" chứ không phải "lưu dụng", nghĩa là đảng và nhà nước CS "dung thứ" cho giảng dạy lại chứ không phải được giảng dạy lại vì chuyên môn hay đã là giao chức cũ!)

Đó là vào giữa năm 1976.

Trong danh sách niêm yết, hầu hết nhân sự cũ đều được lưu (dung lại)…có lẽ (nói có lẽ cho lịch sự, thật ra Ban Giam hiệu và Ban Giảng huấn của CS chưa đủ trình độ chuyên môn để giảng dạy vì người viết đã quan sát suốt một “năm trời ngồi không xơi nước” cũng như được một số đồng nghiệp trẻ “phản động” và học trò cũ... kể lại!) vì Ban Giám hiệu mới không đủ nhân sự chuyên môn cũng như chưa nắm rõ lề lối giảng dạy trong Nam. Giáo sư Trần Văn Tấn, Quyền Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, Khoa trưởng Sư Phạm và GS Nguyễn Văn Trường, chấp chánh hai lần Bộ trưởng Giáo dục của VNCH (nếu kể luôn chánh phủ cuối cùng, ông đã đảm nhiệm chức vụ nầy lần thứ ba) vẫn được giữ lại và dạy cho ban Toán. GS Lý Công Cẩn, một hung thần đối với các sinh viên thân Cộng cũng được phân công phụ trách phòng thí nghiệm Vật lý.

4. Số phận người viết

Riêng người viết bài này, chỉ giữ chức vụ Trưởng ban Hóa chưa đầy 2 năm của trường, không có tên được "lưu dung" trong danh sách (may mắn và hãnh diện thay!). Và lý do đã được chính Trần Thanh Đạm giải thích như sau:"Vì lý do cách mạng, chúng tôi tạm ngưng công tác giảng dạy của anh trong thời kỳ quá độ nầy". Điều nầy sau đó, qua sự "rò rỉ" của đám 30/4, được biết lý do rõ ràng là tôi đã nhiều lần hướng dẫn sinh viên tham dự thể thao cấp toàn quốc dành cho sinh viên, hội họp sinh viên Đại học tư lập ờ An Giang, Hòa Hảo, sinh hoạt phối hợp sinh viên Sư phạm và Cao Đài, cùng ủy lạo học sinh bị Việt Cộng pháo kích ở Cao Lậy và Tân Phú.

Tại trường, văn phòng tôi luôn rộng mở và tiếp sinh viên bất cứ giờ phút nào. Vì vậy, theo báo cáo ngầm... là tôi có tính "quần chúng". Và tính quần chúng chỉ dành độc quyền cho cán bộ của đảng CS mà thôi. Do đó, tôi cần phải bị triệt hạ. Ngày hôm nay, còn sống để viết lên những điều nầy, quả thật là một may mắn lớn, vì chuyên chính vô sản không thể từ chối một hành động sắt máu nào để tẩy trừ tôi trong trường hợp tranh tối tranh sáng của giai đoạn "tiền thời kỳ quá độ" trên.

5. Đi vào "nề nếp"

Thời điểm cuối năm 1976.

Sau khi ổn định việc kiểm soát giáo chức và nhân viên của “chế độ cũ” của Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn - như cách phân chia và hoán chuyển vào các ban bệ cho giáo chức và nhân viên “lưu dung” - việc phân loại dựa theo “tinh thần cách mạng” và quan điểm chính trị của từng cá nhân đã được công an, dưới hình thức Ban Tổ chức của trường cân nhắc kỹ lưỡng.

Về phía sinh viên, việc thanh lọc còn được siết chặt hơn nữa. Thành phần có liên quan đến cách mạng được chiếu cố nhiều nhứt, và được xem là lực lượng nồng cốt để “quản lý” và kiểm soát sinh viên. Đa số trong thành phần nầy đều được kết nạp vào cảm tình viên hay đoàn viên của Thành đoàn Thanh niên CS. Những sinh viên cố gắng phấn đấu thì sẽ được xếp vào tiêu chuẩn đoàn viên dự khuyết. Thành phần sinh viên thứ ba chiếm đa số là con cái của người dân thường, không có thành tích cách mạng cũng không nằm trong “gia đình có nợ máu với nhân dân”.

Tệ hại hơn cả, các sinh viên có gia đình nằm trong danh sách “ngụy quân ngụy quyền” được “chiếu cố ” đặc biệt. Chiếu cố qua Ban Tổ chức của trường, mà còn được chiếu cố thêm mấy tầng áp bức nữa do đám sinh viên phấn đấu và cao điểm nhứt là sự chiếu cố của đám “đoàn viên”. Vì vậy, bất kỳ một câu nói nào, một cử chỉ nào hay một hành động nào của một sinh viên... được xem là phản động, đều được báo cáo lên lớp qua lớp trưởng (là đoàn viên chính thức) và qua sự phấn đấu theo dõi của các sinh viên “chuẩn” đoàn viên. Nếu mức độ “phản động” được đánh giá trầm trọng, sự việc có thể lên đến Ban Tổ chức và Thành đoàn Thanh niên CS... và sinh viên bị nghi là phản động có thể bị đuổi học hay bị bắt vào tù.

Quả thật đây là một lối áp dụng chuyên chính vô sản một cách triệt để trong hệ thống giáo dục của CS, mặc dù nơi trường ốc hoàn toàn không có gì có thể gây ra nguy hiểm cho an ninh quốc phòng hay lật đổ chế độ...

6. Cuộc thi tuyển đầu tiên dưới chế độ mới

Vì đây là một cuộc thi tuyển đầu tiên, một thách thức quan trọng cho chế độ mới, do đó Ban lãnh đạo trường đã mất nhiều tháng trường để chuẩn bị cho cuộc thi. Dĩ nhiên thành phần cốt cán của Ban tổ chức vẫn là cán bộ của trường xuất thân từ miền Bắc. “Đội quân 30 tháng 4”, ngay cả cán bộ tập kết cũ cũng chỉ giữ vai trò phụ hợ mà thôi.

Ban chuẩn bị đề thi: Có lẽ vì không có đủ khả năng để chuẩn bị đề bài thi, do đó, các giáo sư trước 1975 được trưng dụng để cho ra đề, trong đó có tôi. Có một điều, vì biết chắc rằng đề thi của mình sẽ không bao giờ được chọn lựa... vì lý lịch phản động của tôi (?) cho nên, tôi chỉ làm cho có lệ mà thôi. Và đề thi Hóa được GS Nguyễn Thị Phương (là Phó Ban Hóa trước 1975), một Tổ trưởng của binh đoàn 30/4, lúc nào cũng mặc áo bà ba và mang khăn rằn khi đến trường làm việc, đã được chọn đúng như đã tiên đoán.

Đây là một cuộc thi tuyển áp dụng cho cả hai hệ thống học sinh trung học ở miền Nam và miền Bắc. Miền Nam với hệ thống 12 năm và miền Bắc, 10 năm. Không cần phải kiểm chứng, chúng ta cũng đủ biết là khả năng của học sinh miền Bắc không thể nào tranh đua so với học sinh miền Nam được. Do đó, để thâu ngắn khoảng cách biệt về trình độ trên, học sinh miền Bắc được những điểm ưu tiên cộng thêm vào với điểm của bài làm. Ngoài ra, con cái gia đình liệt sĩ và cán bộ sẽ có thêm điểm ưu tiên ngoại hạng khác nữa. Và cũng cần kể thêm là còn có những điểm ngoại lệ nữa do... nạn móc ngoặc, gửi gấm, và tệ trạng hối lộ...

Giai đoạn thu đơn dự thi: Vì không quen cung cách thâu nhận đơn cho nên trong giai đoạn nầy, nhân viên ban giảng huấn cũ được tận dụng tối đa. Cũng cần ghi nhận là trong thành phần sinh viên "ngụy" có ca sĩ Thanh Lan và người em làm đơn xin dự thi vào Ban Pháp văn, và hai chị em con của ĐT Lý Bá Phẩm xin thi vào Ban Lý hóa. Nhưng cho đến ngày thi, chúng tôi không thấy mặt các thí sinh kể trên.

Giai đoạn thi tuyển: Rồi ngày N đã đến. Địa điểm thi gồm các trường Sư Phạm và Quốc gia Sư Phạm, cùng trường tiểu học Chợ Quán ở đường Trần Hưng Đạo cũng được trưng dụng cho thí sinh dự thi Ban Khoa học. Và Đại học Vạn Hạnh cũ, đã được sáp nhập vào Đại học Sư phạm ngay sau 30/4, được dùng cho thí sinh Ban Nhân văn và Sinh ngữ.

Nói riêng về đề thi Hóa do TS Nguyễn Thị Phương biên soạn. Vào sáng ngày thứ hai của cuộc thi tuyển, đề thi Hóa học được bốc ra. Trong thời gian nầy tôi được cử làm Giám thị ở trường Chợ Quán. Vừa liếc xong đề thi, tôi thấy có gì không ổn trong các câu hỏi của bài toán vì giả thiết của bài không cung cấp đủ dữ kiện để truy tìm giải đáp cho câu hỏi; do đó cần phải có thêm giả thiết tùy theo điều kiện 1, hoặc 2... Vì vậy sẽ có nhiều đáp số cho một câu hỏi. Việc đầu tiên tôi làm sau đó là “báo cáo” lên Ban Tổ chức cuộc thi, GS Nguyễn Văn Châu, Phó Ban Tuyển sinh. Sau hơn một giờ đồng hồ trao đổi với nhau, Ban Lãnh đạo cuộc thi quyết định xóa bỏ câu hỏi trên. Và cuộc thi vẫn tiếp tục sau đó.

Sau vài ngày tiếp theo, tôi khám phá ra đề thi mà GS TS Phương biên soạn là một phần của bài toán trong cuốn sách Vật lý lớp Terminale của George Ève. Vì bài toán quá dài, mà GS Phương chỉ trích một vài câu hỏi ngắn cho nên GS không cung cấp đủ giả thiết làm cho câu hỏi thành ra “mù mờ” đi. Đây, thể hiện một hành động vừa thiếu khả năng, vừa bị mặc cảm cho nên không dám trao đổi với người có khả năng để giúp điều chỉnh và hoàn tất đề thi. Đó là Ông Cựu Trưởng ban Hóa, xếp trực tiếp cũ của GS Phương.

Ban chấm thi: Sau khi thi xong, cần phải chấm thi. Thành phần ban chấm thi cũng gồm các giáo sư Sư phạm cũ. Tuy nhiên bài giải cũng như thang tiêu chuẩn chấm điểm đều được chỉ định do Ban Lãnh đạo. Tất cả cho thấy, tính triệt để cách mạng và chuyên chính vô sản luôn được người CS đề cao cảnh giác và áp dụng trong bất cứ trường hợp nào.

Tôi cũng “được” phân công chấm thi bài Hóa học. Nhìn vào các bài giải của thi sinh, tôi phân biệt được ngay bài thi nào là của thí sinh miền Bắc và miền Nam. Sự khác biệt căn bản đập vào mắt người chấm thi là chữ biết “không đẹp đẽ” (nếu không nói là nguệch ngoạc) và cấu trúc câu văn đặc sệt (hay đặc thù, hay một khuôn đúc) của thí sinh miền Bắc. Có thể nói mà không bị lầm lẫn là, cách hành văn của thí sinh miền Bắc tương đối rất giống nhau và do đó, những lỗi phạm phải cũng giống nhau. Đó là do thí sinh miền Bắc cùng chịu sự “chỉ đạo” của một hệ thống giáo dục từ chương và một chiều, làm sao có được tinh thần độc lập và khai phóng như thí sinh ở miền Nam.

Một thí dụ cụ thể để chứng minh các nhận định trên là, trong một câu hỏi Hóa học, hầu hết nếu không nói là 100% thí sinh miền Bắc đều gọi nhà hóa học Mendeleef là “sinh viên” đã thiết lập ra Bảng Phân loại Tuần hoàn. Xin thưa, ông Mendeleef sinh năm 1834, và khi viết ra Bảng Phân loại Tuần hoàn đầu tiên với 60 nguyên tố (ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra trên 110 nguyên tố) năm 1869, khi đó, ông đã là một nhà hóa học nổi tiếng có tầm vóc thế giới. Nói ông là sinh viên để chỉ tính siêu việt của người cộng sản chăng? Điều nầy, thêm một lần nữa chứng tỏ tinh thần lệ thuộc hay nô lệ vào “đàn anh Sô Viết” vĩ đại. Ngày nay (2017), một giả thuyết có thể được nêu ra là, nếu câu hỏi về Hóa học trên được đặt ra, có lẽ thí sinh xã hội chủ nghĩa năm 2011 sẽ trả lời ông tổ của Bảng Phân loại Tuần hoàn là Mao Trạch Đông hay Hồ Cẩm Đào, vì "đảng ta" đang đi vào vòng ảnh hưởng và lệ thuộc của "16 chữ vàng" rực rỡ!

Kết quả cuộc thi: Đây là một giai đoạn cam go nhứt của cuộc thi. Dĩ nhiên là những thành phần “ngụy” như chúng tôi đều không được tham dự vào kết quả của “trò chơi tuyển sinh” nầy. Đây cũng là một “bí mật quốc gia”, chỉ có Ban Lãnh đạo cuộc thi biết và quyết định mà thôi. Điểm cho thêm vì là con cháu cách mạng hay liệt sĩ, điểm trừ bớt vì là con cháu “ngụy” đã được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi niêm yết kết qua cuộc thi tuyển.

Nhưng ngay sau khi niêm yết kết quả xong, câu chuyện “tuyển sinh” vẫn chưa được kết thúc tại đây vì sau đó, vẫn còn những thêm thắt vào danh sách trúng tuyển bằng chữ viết tay... do yêu cầu (hay ra lệnh) của một số “anh Nhớn”.

7. Đôi lời nhắn gửi

Giáo dục là một yếu tố quan trọng nhứt quyết định cho tương lai của một dân tộc.

Bốn mươi hai năm qua, đường lối và chính sách giáo dục của CSVN vẫn không thay đổi. Vì vậy, kết qua tất nhiên là ngày hôm nay, sự xuống dốc và đi thụt lùi của giáo dục Việt Nam so với các quốc gia láng giềng là điều không tránh khỏi. Phẩm chất giáo dục hầu như biến mất, đạo lý và văn hóa truyền thống của dân tộc bị băng hoại. Có thể nói, con người mới xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay có thể được xem như là một quái thai trong xã hội, trong đó mọi tệ nạn tệ hại nhất có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Chính sách giáo dục của miền Nam trước năm 1975 gồm: Dân Tộc, Nhân Bản, Khai Phóng và Khoa Học. Chính sách giáo dục, tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng đã đào tạo một tầng lớp công dân có kỷ cương, có đạo lý và đạo đức, tạo dựng một xã hội tương đối ổn định cùng đồng tâm hiệp lực tham gia và đóng góp vào việc phát triển quốc gia chung.

Ngược lại, giáo dục xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay đã mang lại được gì cho Đất Nước?

Về mặt Dân Tộc, chỉ là một hình thức dân tộc nằm trong tiêu chuẩn của Dân tộc Đàn Anh Nước Lớn, chấp nhận làm nô lệ và tuân thủ mọi quyết định lên vận mạng nước non của dòng Hán tộc.

Tinh thần Quốc gia Tự quyết không còn nằm trong não trạng của những người điều hành đất nước hiện tại.

Về mặt Khai Phóng, giáo dục hiện tại ở Việt Nam đã biến mọi tầng lớp chuẩn bị cho thế hệ tương lai thành những con cừu Panurge... đi theo “bảng chỉ đường” theo lề phải của một đảng đang trên đường tự đào thải.

Về mặt Nhân Bản, chúng ta thấy rõ ràng là tình người hầu như biến mất ở xã hội Việt Nam hiện tại. Tất cả đều chạy theo mãnh lực của đồng tiền đánh mất mọi giá trị đạo đức căn bản và cần thiết của con người trong thế giới văn minh.

Và về mặt khoa học, với dân số gần 96 triệu dân mà các ấn bản khoa học (publications) có uy tín trên thế giới không bằng 1/100 của Thái Lan và 1/500 của Nhật Bản tuy CSVN hiện tại có hơn 30.000 tiến sĩ… đủ loại!

Vì vậy, mỗi người trong chúng ta, nếu còn nhận là một người con Việt, dù ở quốc nội hay hải ngoại đều có cùng chung trách nhiệm trước nỗi can qua của Đất Nước ngày hôm nay.

Đã có cùng một trách nhiệm, chúng ta cần phải có cùng một bổn phận là cùng nhau thúc đẩy tiến trình tự do và dân chủ cho Việt Nam.

Bằng cách nào?

Đó là câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta cần phải động não để tìm một giải đáp!

8. Thay lời kết

Qua các sự kiện và phân tích vừa nêu trên và nếu đem so sánh với hiện tình Đất Nước ngày hôm nay, quả thật chúng ta có thể kết luận ngắn gọn rằng chính sách cai trị và quản lý giáo dục của CSVN có tính xuyên suốt từ ngày đầu tiên 1/5/1975 cho đến ngày 2/9/2017 nầy. "Tính xuyên suốt" đó gồm cơ chế "chuyên chính vô sản" và "ba dòng thác cách mạng". Và trong suốt 42 năm qua, chính sách và thành quả của việc xây dựng xã hội chủ nghĩa vẫn là "Vũ Nhu Cẩn" (*) giống như vừa mới xảy ra trong năm 1975, 1976…

Với kinh nghiệm trong quá khứ, sau hơn một năm "học tập tại chỗ" áp dụng cho giáo chức đại học ngay từ đầu, cá nhân tôi, khi viết những dòng chữ nầy cũng vẫn không thể nào chiêm nghiệm được… giai đoạn "quá độ" tiến lên chủ nghĩa xã hội hiện nay đang ở giai đoạn nào của ba dòng thác cách mạng?

Mà nếu có cắc cớ hỏi 17 ủy viên Bộ chính trị của đảng CSVN, tôi tin chắc và khẳng quyết rằng chẳng có ông bà (?) nào có khả năng giải thích được "khâu" nầy.

Tuy nhiên, riêng về chuyên chính vô sản, chắc chắn tôi đã thuộc lòng và hiểu được là chính sách nầy đã, đang, và sẽ được đảng CSVN áp dụng triệt cho đến ngày cáo chung của đảng mà thôi!

Đó là: Giết! Giết! Giết!

Đó là: Thà Giết Lầm Hơn Tha Lầm! 

Ngay ngày đầu tiên khi tiếp thu Hà Nội, trước quảng trường Ba Đình ngày 3/9/1945, Hồ Chí Minh đã công bố: "Từ giờ phút nầy, các em đón nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập." Thế mà, 72 năm qua, trên con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa, giáo dục hiện tại mang lại cho Việt Nam một xã hội hoàn toàn bị băng hoại, trong đó, Thầy hiếp trò, Cô ngủ với nam sinh… qua những cuộc buôn bán bằng điểm thi, bằng bằng cấp… Học sinh lớp 7, 8, hay 9… vẫn có đủ khả năng và điềm tỉnh để… giết người, hãm hiếp hay cướp của!

Trẻ em lớp một, trước khi vào trường phải qua một màn thi tuyển, đóng lệ phí nhập học và hàng tháng cho trường và quà cáp hối lộ!

Những điều trên, lại "hoàn toàn" đi ngược với những Điều lệ ghi trong Hiến pháp CSVN là giáo dục cưỡng bách và hoàn toàn miễn phí!

Một công thần của chế độ trong giai đoạn quân quản, tướng CS Trần Văn Trà, sau khi bị "vắt chanh bỏ vỏ" đã viết một cuốn sách tựa đề "Kết thúc cuộc chiến 30 năm" chê Trung ương "thiếu hiểu biết thực tế sau khi chiếm miền Nam". Cuốn sách đã bị cấm xuất bản. Sau đó, năm 1982, Ông và Nguyễn Hộ cùng đứng ra thành lập Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ… Nhưng Câu lạc bộ nầy đã bị giải tán năm 1989. Tuy nhiên, Câu lạc bộ vẫn còn hoạt động bí mật cho đến hôm nay (2017) và "nghe đâu" trụ sở đã di chuyển về Long Xuyên, quy tụ thêm nhiều "cựu" kháng chiến cũ khác nữa cùng nhiều thành phần trẻ trong và ngoài nước, trong sạch và còn ưu tư với vận mệnh của đất nước.

Hy vọng những đóm lửa… tàn hơi trên có thể góp phần cùng nhân dân khơi động được làn gió cách mạng Tunisia, Egypt, Libya… và thổi về những cánh sen Đồng Tháp Mười, rải rác trên 700 ngàn mẫu đất, sớt chia sáu tỉnh miền Nam, trung tâm của công cuộc kháng chiến vào những năm 1945.

Và cuốc cách mạng ngày hôm nay, phải chăng là một cuộc cách mạng Hoa Sen, cách mạng Bất Tuân Dân Sự.

Mong lắm thay!

Viết trong niềm HY VỌNG trong Mùa Giáng Sinh 2017

Tưởng niệm GS Trần Văn Tấn, GS Lê Văn, GS Lý Công Cẩn 

Phụ chú:

Việt Nam Tương Lai

Này người Việt Nam ơi
Hãy đáp lời sông núi
Vận nước đang nổi trôi
Chờ ta lên tiếng nói

Những tù nhân lương tâm
Thẳng thắn không ngại ngần
Đứng lên vì chánh nghĩa
Đấu tranh cho toàn dân

Tuổi trẻ của Việt Nam
Đang sống trong hoang mang
Trong trăm bề thiếu thốn
Một viễn tượng suy tàn

Giáo dục và y tế
Ta hãy cùng nhau về
Dựng nhà thương trường học
Từ thành đến thôn quê

Này người Việt Nam ơi
Nợ nước đừng buông trôi
Quê hương đang mong mỏi
Ngày được mặc áo mới

Cùng xây dựng ngày mai
Đất nước cần nhân tài
Hãy chung lưng góp sức
Xây Việt Nam tương lai

Hãy ngồi lại gần nhau
Cùng nối kết trước sau
Khi chúng ta hợp nhất
Sức mạnh sẽ nhiệm mầu

Này người Việt Nam ơi
Quê hương đang hấp hối
Một chế độ suy đồi
Cơ hội đang đưa lối

Hãy bảo vệ quê hương
Sông lạch và môi trường
Bao máu xương đã đổ
Cho Việt Nam yêu thương

Này người Việt Nam ơi
Hãy thức tỉnh kịp thời
Vì tương lai đất nước
Hãy cùng nhau đáp lời!


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo