Trần Quốc Việt (Danlambao) - Trong phiên tòa chính trị bất công, phần quan trọng nhất đối với bị cáo là "lời nói sau cùng". Đây là cơ hội duy nhất cho họ để bác bỏ toàn bộ cáo buộc phi lý, tái xác lập lập trường hợp pháp và chính nghĩa của mình. Vì Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tòa cắt ngang không cho nói xong lời tuyên bố cuối cùng được qui định trong bộ luật tố tụng hình sự, tôi mạo muội xin phép Quỳnh và gia đình cho phép tôi hoàn tất lời nói dang dở của Quỳnh- "Nếu được làm lại từ đầu, tôi vẫn chọn con đường này. Một xã hội phát triển thì phải lắng nghe tiếng nói đa chiều..."
Tôi sống trong xã hội một chiều về chính trị. Nếu tôi không được thực thi quyền tự do ngôn luận được ghi trong hiến pháp để chỉ trích nhà nước thì tôi được thực thi tự do ngôn luận chỉ để khen nhà nước thôi. Tương tự như thế, tôi được xuống đường chỉ trong những cuộc biểu tình do nhà nước tổ chức. Hay tôi được bầu chỉ những ai nhà nước, mà thực chất là Đảng, đã chọn. Nhà nước một chiều như thế là nhà nước phản động, thoái hóa và trên đà tiêu vong. Nếu công dân không làm gì khác hơn những gi nhà nước muốn họ làm thì những công dân ấy chỉ là nô lệ.
Vì mục đích chính của tự do ngôn luận là phê phán chính quyền chứ không phải khen ngợi chính quyền. Tôi chỉ trích chính quyền khi cho phép Formosa gây ra thảm họa môi trường. Tôi chỉ trích chính quyền khi làm ngơ cho công an đánh chết người trong đồn công an. Tôi đồng hành với dân oan là một cách chỉ trích gián tiếp rằng chính quyền đã hành xử bất công với họ... Đó chính là ý nghĩa đích thực của tự do ngôn luận mà cả thế giới văn minh thực thi và theo đuổi từ xưa đến nay.
Khi tòa án chỉ tay nói tôi phạm tội thì thực tế nhân dân bên ngoài chỉ tay ngược lại nói nhà nước có tội. Nếu không tin tòa mở cửa ra để nghe họ nói. Đó chính là tự do ngôn luận. Nhà nước sợ điều này nên ngăn cản không cho mọi người đến phiên tòa "công khai" này.
Tôi không có trách nhiệm đánh giá về pháp lý tôi có tội hay tôi không có tội. Trách nhiệm ấy thuộc về nhà nước mà tòa án ở đây đại diện. Tôi chỉ nghĩ rằng tất cả những gì tôi làm trong nhiều năm qua không phải là tội. Tôi chỉ có tội trong xã hội một chiều về chính trị mà tòa án ở đây là biểu tượng.
Tôi, công dân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, không có tội trước thế giới văn mình đa chiều, trước lương tâm, trước đạo lý và trước lịch sử muôn đời.
3/12/2017