Dân Làm Báo - Năm 1958, Phạm Văn Đồng đại diện cho nhà cầm quyền cộng sản tại miền Bắc đã ký Công hàm bán nước, dâng nhượng Trường Sa-Hoàng Sa cho Trung cộng. Vào thời điểm lịch sử đó, hai quần đảo này thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong suốt giai đoạn cầm quyền, chính quyền VNCH luôn coi việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả và sống còn của mình. Tháng 1/1974, Trung cộng cho quân đổ bộ đến Hoàng Sa để cưỡng chiếm quần đảo này. Mặc dù Hải quân VNCH đã chiến đấu anh dũng nhưng vì quân Trung cộng mạnh hơn nhiều lần nên giặc Tàu đã chiếm được Hoàng Sa.
Thời điểm lịch sử ấy, CS Bắc Việt đã từ chối đề nghị của chính quyền VNCH là phải gác lại mọi thù hận anh em để bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Không những thế, CSVN còn gia tăng liên kết với quân xâm lược Trung cộng, điên cuồng chống lại chính quyền VNCH và gây nên những tội ác mà loài người không thể tưởng tượng được.
Trận Hải chiến Hoàng Sa là một trong những sự thực lịch sử mà nhà cầm quyền CS muốn xóa bỏ. Nhưng sự hy sinh anh dũng của 74 chiến sĩ VNCH năm 1974 không chỉ nằm trong ký ức của những người dân miền Nam trước 1975, mà ngày một nhiều hơn những người dân cả nước, đủ mọi lứa tuổi biết đến trận Hải chiến lịch sử này.
Vào những ngày tháng giêng của hơn 40 năm về trước, Biển Đông đã dậy sóng trong một biến cố giữa quan hệ Việt Nam - Trung cộng, mà không một người Việt yêu nước nào có thể quên.
Đó là trận hải chiến Hoàng Sa, kéo dài từ ngày 17 đến ngày 19/1/1974, cũng là những ngày sát Tết Nguyên Đán Giáp Dần.
Tư tưởng Đại Hán, đầu óc tham lam khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh dòm ngó biển đảo của nước láng giềng từ rất lâu. Lịch sử còn ghi lại, ngay cả khi còn các cố vấn Trung cộng còn đang sát cánh bên “đàn em” Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chỉ đạo cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất”, thì Trung cộng đã có dã tâm xâm chiếm Hoàng Sa và đã cướp được một phần Hoàng Sa, tranh thủ khi quân đội thực dân Pháp rút khỏi quần đảo này (năm 1956).
Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung cộng ra tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của họ và tố cáo Việt Nam Cộng Hòa chiếm đóng lãnh thổ Trung Hoa. Sau đó, Việt Nam Cộng Hòa ra tuyên bố bác bỏ những cáo buộc đó, đồng khởi khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Để củng cố và bảo vệ chủ quyền, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa quyết định thiết lập một sân bay trên quần đảo Hoàng Sa.
Nhưng ngày 16/1/1974, khi một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thăm dò một số đảo của Hoàng Sa, thì khám phá ra sự hiện diện của Hải quân Trung cộng.
Giao tranh khốc liệt nổ ra vào buổi sáng và trưa ngày 19/1. Bầu trời Sài Gòn u ám chiều 19 và những ngày sau đó khi hay tin Hoàng Sa thất thủ, 74 người lính Việt Nam Cộng Hòa hy sinh vì chủ quyền đất nước.
Đó đã là cuộc chiến không cân sức của Việt Nam Cộng Hòa trước một kẻ thù hung bạo, với một đồng minh Hoa Kỳ quay lưng, ngoảnh mặt, và một nửa đất nước khi ấy - tức là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - im lặng, không phản ứng. Họ đã chiến đấu trong cô đơn.
Sự cô đơn sẽ tiếp tục và còn nặng nề hơn trong những năm sau ngày 30/4/1975, khi hai miền thống nhất và Việt Nam Cộng Hòa được gắn nhãn “ngụy quyền”. Lịch sử bị viết lại hoặc bị tẩy xóa. Tên tuổi những người từng chiến đấu và hy sinh cho chủ quyền đất nước bị cố tình đẩy vào lãng quên, bởi lẽ họ thuộc về “phía bên kia”.
Và cũng chẳng phải chỉ riêng họ. Cùng với việc Việt Nam-Trung cộng bình thường hóa quan hệ và đảng cộng sản Việt Nam chọn con đường dựa dẫm vào “bạn vàng” phương Bắc để “gìn giữ chủ nghĩa xã hội” hay là lợi ích của đảng, đến cả chiến tranh biên giới 1979, rồi hải chiến Trường Sa 1988 cũng có nguy cơ bị xóa nhòa.
Tấm màn bưng bít, cuối cùng, chỉ bị xé bỏ nhờ Internet, lòng yêu nước và sự hy sinh để phục hồi chủ quyền và lãnh thổ quốc gia.