CTV Danlambao - Ngày 11/1/2018, một nam thanh niên đã tử vong sau khi bị “mời” về trụ sở công an xã Trường An (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) để làm việc.
Hiện tại danh tính của nam thanh niên này vẫn chưa được công an công bố. Công an tỉnh Vĩnh Long chỉ nhanh chóng khẳng định: “Đối tượng này đã treo cổ tự tử bằng dây thắt lưng” và chỉ cung cấp thông tin “người tử vong là một đối tượng nghiện ma túy, có hành vi gây rối trật tự công cộng nên công an xã Trường An đã mời về trụ sở làm việc.”
Trong những năm qua, tình trạng công dân bị chết tại đồn công an khi bị “mời” hoặc đến làm việc theo giấy triệu tập đang gia tăng rất nhiều. Điều này khiến cho người dân nhìn trụ sở công an như là một địa chỉ đen, là nơi mà xác suất vào sống ra chết cao hơn tai nạn giao thông trên... đường làng.
Có thể kể đến vài trường hợp được công luận biết đến trong năm 2017 vừa qua như:
- Tháng 5/2017, anh Nguyễn Hữu Tấn (38 tuổi, ngụ ở Vĩnh Long) tử vong tại trại tạm giam với nhiều vết cắt sâu ở cổ. Anh qua đời trong vòng tay công an sau một ngày bị bắt giữ khẩn cấp với cáo buộc "tán phát tài liệu chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Công an kết luận anh Tấn “tự tử”.
- Đêm 13/6/2017, anh Ngô Chí Tâm (40 tuổi ngụ ở Thủ Đức) được công an dán lên xác của anh kết luận “tự tử bằng dây thun quần" tại đồn công an P. Tam Bình, Q. Thủ Đức, Sài Gòn). Anh chết chỉ sau vài giờ lên “làm việc” theo giấy mời miệng của công an.
- Ngày 8/7/2017, anh Nguyễn Hồng Đê (25 tuổi, ngụ tại Ninh Thuận) tử vong tại Nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Công an giải trình cái chết của anh là: "trong khi ngồi viết bản tự khai tại phòng làm việc của điều tra viên, anh Đê đã dùng áo của mình làm dây treo vào cửa sổ để tự tử."
Đó chỉ là một vài trường hợp. Các bạn có thể tham khảo thêm từ tài liệu tổng kết những trường hợp người dân chết trong đồn công an do Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) thực hiện:
Việc công dân tử vong tại đồn công an được nhà cầm quyền - bao gồm công an, hệ thống truyền thông và các quan chức ra sức bao che, bưng bít. Việc tổng hợp, công khai thông tin về những trường hợp công dân bị chết đã bị nhà cầm quyền coi đó là một bằng chứng buộc tội. Cụ thể là việc blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những thành viên sáng lập của MLBVN đã bị nhà cầm quyền sử cáo buộc cô "xúc phạm, hạ uy tín" lực lượng công an vì tài liệu tổng kết do thực hiện.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án 10 năm tù. Những điều cô tranh đấu cho sinh mạng của người dân khi vào đồn công an vẫn còn dang dở. 10 năm tù chế độ công an trị đặt lên đầu cô xem vậy mà vẫn còn... "may mắn". Nhiều người dân đã bị kết án tử hình, không cần quan tòa mà chỉ cần một cái dây thắt lưng hay dây thun quần.
13.01.2018