Ngàn Hương (Danlambao) - Lâu nay, dư luận cả nước rất phẫn nộ về việc những dự án, những gói thầu hàng ngàn tỷ, do đảng ưu ái phân công những kẻ bất tài vô dụng điều hành, nên làm ăn thua lỗ. Do đó, những khối tiền khổng lồ này, là mồ hôi nước mắt của nhân dân, nay coi như đổ sông đổ biển.
Những nhà máy xây dựng dở dang, phải đắp chiếu, chờ ngày khai tử bám sắt vụn. Như nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Đạm DAP 1 Lào Cai, Nhà máy Đạm DAP 2 Hải Phòng, Dự án Ethanol Bình Phước, Dự án Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Dự án Liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai v.v...(1).
Những “quả đấm thép” như Vinashin, Vinalines v.v... trở thành quả đấm bông. Làm cho nền kinh tế nước nhà bị kiệt quệ Làm cho nợ công chất chồng như núi. Đến nay “mỗi đứa trẻ sinh ra đã phải gánh nợ nần ông cha để lại” (thơ cô giáo Trần Thị Lam). Vậy mà chẳng mấy khi đảng đưa được những kẻ phải chịu trách nhiệm chính ra tòa để trả lời về những sai phạm của mình.
Cứ tưởng đó là do những kẻ tham lam, tìm cách vơ vét để “hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Hoặc là vì “con cha cháu ông”do đảng ưu tiên đưa vào “ngồi nhầm ghế”, nên làm thất thoát lỗ lã nặng nề như thế.
Cũng có những dự án đầu tư nhanh gọn, không thua lỗ, mà lại lời kinh khủng. Như chủ trương bán những khu đất vàng, đất kim cương nơi đô thị với giá rẻ mạt. Để khi vào tay các đại gia, chỉ vài ba tháng sau, họ bán lại thu lời hàng trăm tỷ ngon ơ.
Nhưng những đồng tiền lời ấy lại không đưa vào ngân sách làm ích quốc lợi dân. Không góp phần cải thiện cuộc sống cực khổ bần hàn cho người dân ở những vùng sâu vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi những trẻ em đi học phải ăn thịt chuột, không có tấm áo ấm mặc trong mùa rét lạnh thấu xương. Hay hỗ trợ cho đồng bào trắng tay do thiên tai và nhân tai gây nên bởi những trận lụt kinh hoàng.
Thế nhưng, những món lợi nhuận to lớn ấy lại chui vào túi của một nhóm người đầy thế lực nào đó.
Ngay như hàng trăm trạm BOT rải rác trong cả nước hiện nay, là một hình thức ăn cướp có môn bài, là “sân sau” của những nhóm lợi ích, đã lợi dụng chủ trương đầu tư BOT để hút máu dân một cách trắng trợn, để làm giàu bất chính cho một nhóm người.
Ai cũng tưởng đó là kết quả của sự giành giật của các phe nhóm, của các thế lực vùng miền, các địa phương với nhau tranh nhau về “miếng ăn giữa làng” mà thôi.
Một con người như Đinh La Thăng, được đảng giáo dục và dạy dỗ mấy chục năm nay, lớn lên dưới mái trường XHCN, bao nhiêu năm được đảng dạy dỗ, rèn luyện trong phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách HCM”, với bằng cấp và học vị đỏ chót. Thế mà khi đứng trên đỉnh cao quyền lực và cả núi tiền, thi lại tha hóa đến tột cùng như vậy.
Thì nay, qua vụ án “Đinh La Thăng và đồng bọn” làm thất thoát hàng mấy ngàn tỷ trong nhiều dự án, mà dư luận hết sức bất bình lâu nay, qua phần khai báo của ông Đinh La Thăng trước tòa hôm 09/1/2018, đã làm cho nhiều người choáng váng, không tin vào tai mình.
Hóa ra là… “Cháy nhà mới ra mặt chuột”. Quả không sai.
“Hội đồng xét xử (HĐXX) đã xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng về việc chỉ định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC, khi năng lực của doanh nghiệp này rất yếu kém. Trả lời câu hỏi có nắm được năng lực tài chính và kinh nghiệm của PVC không mà lại chỉ định thầu cho đơn vị này, ông Đinh La Thăng khẳng định việc chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên của PVN là "do chủ trương của Bộ Chính trị”!
Nói rõ về việc này, ông Thăng khẳng định trong kết luận của Bộ Chính trị về tiến độ phát triển của PVN, với mong muốn phát triển PVN thành tập đoàn kinh tế mạnh. Bởi vậy, việc triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị là để phát triển kinh tế, Chính phủ cho phép PVN chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên.
Từ chủ trương này, tập đoàn phát triển xuống các công ty con, trong đó có PVC để xây dựng thành 1 đơn vị xây lắp dầu khí mạnh. Sau đó có sự đồng ý của Chính phủ thì PVN cho PVC làm tổng thầu” (2).
Vậy thì trong vụ án nay, Bộ Chính trị ĐCSVN chính là thủ phạm, với vai trò là kẻ chủ mưu gây nên.
Quá trình thăng tiến của ông Đinh La Thăng:
Sau khi tốt nghiệp đại học từ trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội, năm 1983, ông Thăng về làm việc tại Công ty Cung ứng Vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà (sau này gọi là thủy điện Hòa Bình) với vị trí vị Kế toán viên. Năm 1988, ông lên chức Kế toán trưởng và Bí thư Đoàn thanh niên của công ty này.
Năm 2003, ông Thăng làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thủy điện Sông Đà. Tiếp đó, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên-Huế (2003-2005). Năm 2005, làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Năm 2011, làm Bộ trưởng Bộ GTVT. Tháng 1 năm 2016 tại Đại hội XII của Đảng CSVN, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban Chấp hành TƯ, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, về làm Bí thư TP.HCM.
Thời kỳ ông Thăng thênh thang trên đường quan lộ của mình, cũng là thời kỳ ông Ngô Xuân Lộc, cùng là đồng hương Nam Định, làm Tổng Giám đốc công trình Thủy điện Hòa Bình. Sau đó ông Lộc lên làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, rồi làm Phó Thủ tướng.
Dư luận cho rằng, nếu không có sự “ấp ủ, che chở và nâng đỡ” (không biết quá trình nâng đỡ có trong sáng hay không) của ông Ngô Xuân Lộc, thì làm sao từ một anh kế toán viên, mà từng bước leo lên đến đỉnh cao quyền lực như thế.
Câu hỏi đặt ra là, từ trước đến nay, có bao nhiêu chủ trương của Bộ Chính trị, đã khuynh đảo và làm cho nền kinh tế nhà nước này kiệt quệ như ngày nay?
Hãy nhớ lại “những chủ trương lớn của đảng” trong mấy chục năm qua, đã được thực hiện trên đất nước Việt Nam, và đã gây ra những tai họa như thế nào?
Trước hết là chủ trương khai thác Bô xít ở Tây Nguyên.
“Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên là một loạt các dự án khai thác mỏ bô xít ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Dự án này đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau trong dư luận, báo chí, Quốc hội. Các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh, quốc phòng, hiệu quả kinh tế, hậu quả xã hội, tác động đối với môi trường sinh thái, công nghệ Trung Quốc lạc hậu, việc sử dụng lao động phổ thông Trung Quốc tại khu vực Tây Nguyên trái với Luật lao động Việt Nam. Từ năm 2001, trong Ðại hội IX, dự án này đã được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua: "Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán từ Ðại hội IX và Ðại hội X của Ðảng đến nay”.
Ngày 1 tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít từ giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.
Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ Việt Nam đã "lách luật" khi tách cụm dự án thành nhiều dự án nhỏ để Chính phủ phê duyệt, vì theo quy định của Luật xây dựng, đối với những dự án có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được Quốc hội chấp thuận”(3).
Chủ trương này đã gây phẫn nộ trong nhân dân. Chỉ nói riêng về an ninh quốc gia thôi, thì việc cho TQ khai thác bô xít tại đây là điều làm cho nhiều người hết sức lo ngại. Ai cũng biết rằng, Tây Nguyên là “nóc nhà của Đông Dương”. Ai chiếm lĩnh được Tây Nguyên là coi như làm chủ Đông Dương. Vậy mà đảng dám cho “ông bạn vàng 4 tốt” luôn có dã tâm xâm lược nước ta, nhảy vào khai thác tại vị trí chiến lược quan trọng này. Và dưới chiêu bài là công nhân lao động, họ đã đưa hàng ngàn người Tàu vào chiếm lĩnh vị trí chiến lược quan trọng này một cách hợp pháp.
Vào đầu năm 2009, khi một số báo lề đảng đăng nhiều bài viết của giới chuyên gia trình bày những lý do không nên tiến hành khai thác quặng bô xít tại Tây Nguyên, thì chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng với báo chí rằng, việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng, và nhà nước sẽ cho tổ chức hội thảo tiếp để lấy ý kiến của các phía.
Giới khoa học trong nước vì tin vào lời ông thủ tướng, đã “dài cổ” mong đợi cuộc hội thảo tổ chức để tiếp tục được đưa ra ý kiến.
Tuy vậy khi hội thảo khoa học như lời của ông thủ tướng hứa hẹn chưa được thực hiện, thì đến trung tuần tháng ba 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại ra thông báo yêu cầu tiếp tục phải tiến hành việc khai thác quặng mỏ đó. Và trong thực tế, việc chuẩn bị mặt bằng xây dựng nhà máy tại Nhân Cơ, tỉnh Dak Nông và Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng đã được triển khai (4).
Đến nay dự án này thua lỗ như thế nào thì mọi người đã rõ.
Chính báo chí lề đảng cũng đã hoảng hốt và kêu ầm lên về việc này.
Báo Tuổi Trẻ hôm 29/3/2015 giật tít: “Dự án bôxit “sập bẫy” nhà thầu Trung Quốc ra sao? Theo đó “Nếu sản xuất đủ 660.000 tấn theo kế hoạch thì tổng lỗ năm 2015 của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ khoảng 37,4 triệu USD”.
Các dự án bôxit hiện đang có nguy cơ rủi ro cao. Đặc biệt, nếu không có những biện pháp giải quyết kịp thời thì mức độ rủi ro này sẽ ngày càng gia tăng.
Nhiều chuyên gia đã nhận định chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đã “sập bẫy” của nhà thầu Trung Quốc.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn - nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng, Luật đấu thầu của VN quy định ngay cả khi chọn thầu, chủ đầu tư phải soạn thảo hồ sơ mời thầu và phải được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ông Sơn cho biết với những dự án lớn như Tân Rai và Nhân Cơ thì thông thường phải thuê tư vấn làm hồ sơ mời thầu, thiết kế kỹ thuật, đánh giá hồ sơ. Tuy nhiên, trường hợp này TKV đã tự mình làm mọi thứ”(5).
Tờ Báo Mới hôm 14/3/2017 viết: “Hai dự án bauxite lỗ nghìn tỉ: Cảnh báo đã thành sự thật”.
Báo này viết tiếp: “Cảnh báo về sự thua lỗ, đội vốn của Tổ hợp Dự án Bauxite - Nhôm Lâm Đồng và Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ nay đã thành sự thật. Theo kết luận thanh tra mới nhất, tính riêng dự án bauxite - nhôm Tân Rai đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng sau 3 năm hoạt động”...
“Điều đáng nói, sự thua lỗ, hiệu quả kinh tế của các dự bán bauxite đã được các chuyên gia cảnh báo và ngăn cản từ trước”(6).
Đến “quả đấm thép” Vinashin, nợ trên 96.000 tỷ đồng.
“Kết thúc quá trình thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Thanh tra Chính Phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, sai phạm dẫn đến thua lỗ, thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ nhà nước và mắc nợ trên 96.000 tỷ đồng”(7).
Trong đó, 9 cán bộ đảng viên “ưu tú” của đảng phải đứng trước vành móng ngựa để trả lời về tài vơ vét của mình, gồm Phạm Thanh Bình, Trần Quang Vũ, đều là Tổng giám đốc Vinashin; Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Đỗ Đình Côn, đều là các cán bộ ở Vinashin.
Từ vụ án lịch sử Vinalines.
Vụ án này gắn với nhân vật “lẫy lừng” Dương Chí Dũng. Kèm theo đó là cái chết tức tưởi đầy bí ẩn của Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Qúy Ngọ.
Với cái chết này đã làm nhiều người thoát nạn. Vì vậy, có người làm thơ “phúng điếu” ông này như sau:
“Tin đâu như sét đánh ngang
Thượng tướng đang sống chuyển sang từ trần
Bạn bè, đồng chí mừng thầm
Anh đi như rứa nhiều thằng yên thân”.
Thượng tướng đang sống chuyển sang từ trần
Bạn bè, đồng chí mừng thầm
Anh đi như rứa nhiều thằng yên thân”.
Bởi vì: “Chiều 29-4-2012, ông Dũng cùng vợ đến thăm gia đình ông Phạm Quý Ngọ đang nghỉ mát tại Tuần Châu, Quảng Ninh. Tại đó, tôi đã biếu anh ấy phong bì 10.000 USD. Tối 2-5-2012, ông tiếp tục mang theo túi xách đựng 500.000 USD để biếu ông Phạm Quý Ngọ tại nhà riêng.
Ông Dũng còn khai nhận liên quan đến dự án di dời chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn, ông Dũng đã nhận của bà Trương Thị Mỹ Lan (chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, TP.HCM) 1 triệu USD để chuyển cho ông Phạm Quý Ngọ. Số tiền này sau khi người của bà Lan tại Hà Nội đưa đến, ông Dũng đã chuyển cho ông Ngọ.
Vụ án này khiến 2 người con trai của cựu đại tá, Giám đốc CA Hải Phòng Dương Khắc Thụ phải trả giá. Kẻ mang án từ hình, người mang án 18 năm tù ”(8).
Đến Formosa Hà tĩnh.
Tuy Võ kim Cự là người ký cho Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi là Formosa) đầu tư xây dựng thời hạn 70 năm.
Nhưng một Phó Chủ tịch tỉnh, dù có cho uống mật gấu cũng không dám vượt mặt ký thời hạn cho Formosa đâu tư vượt quá quyền hạn như thế, nếu như Võ Kim Cự không được ai đó “bật đèn xanh”.
“Cấp phép cho Formosa 70 năm: Thủ tướng đồng ý không xét lại”. “Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, cơ quan này đã tham mưu để Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thủ tướng thống nhất với kết luận về sai phạm trong việc cấp phép tới 70 năm cho dự án Formosa, nhưng đồng ý bảo lưu thời hạn đã cấp phép này. Theo thông tin từ tỉnh Hà Tĩnh. Lãnh đạo Hà Tĩnh cũng thông tin là việc này đã báo cáo Chính phủ và được đồng ý. Thủ tướng cũng thống nhất với đề xuất của Bộ KH-ĐT về việc duy trì thời hạn cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án này là 70 năm.”(9).
Khi thảm họa môi trường do Formosa gây ra nơi đây vào đầu tháng 4/2016, ngày 22/4/2016, ông Trọng mò vào Hà Tĩnh với lý do “thăm tiến độ xây dựng nhà máy Formosa”.
Dư luận cho rằng, đây là công trình đầu tư của nhà tư bản nước ngoài. Vậy Tổng Bí thư ĐCSVN sao không quan tâm đến đời sông nhân dân VN đang gặp khốn khổ vì thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, lại đi thăm kẻ đã gây ra thảm họa này. Chẳng khác gì đi thăm tên cướp đã chém con mình bị trọng thương, mà không ngó ngàng gì đến đứa con mình?
Thực chất đó là một tín hiệu cho Formosa biết rằng, đã có đảng CSVN, có Bộ Chính trị đứng sau. Chúng mày cứ yên tâm mà xả. Dù dân ở đây có “điên khùng lộng lộn lên” vì căm tức, thì chúng mày không việc gì phải lo.
Một thảm họa gây ra biết bao hệ lụy như thế, mà ông TBT câm như hến, không hề có một lời động viên an ủi nhân dân. Hơn ba tháng sau, trong Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra ngày 18/7/2016, lần đầu tiên ông ta mới nhắc đến sự vụ đang khiến dư luận sục sôi kia khi phát biểu: “Sự cố cá chết… gây khó khăn cho công tác bầu cử”.
Trên đây mới chỉ là một số sự kiện tiêu biểu, liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách lãnh đạo của ĐCSVN trong hơn chục năm qua. Chưa kể đến những đại án thua lỗ hàng chục ngàn tỷ tại các ngân hàng, tại Tập đoàn Than-Khoáng sản VN (KVN) thua lỗ gần 15.000 tỷ, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thua lỗ 16.000 tỷ, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) thua lỗ gần 4.800 tỷ… đã được báo chí lề đảng “biểu dương” lâu nay.
Chưa nói đến hàng trăm tổng công ty, công ty khác, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của đảng, đã đi từ thua lỗ này đến thua lỗ khác.
Dư luận cho rằng, cần nhìn nhận và đánh giá đúng bản chất vụ việc của vấn đề. Ai là những kẻ đang phá hoại đất nước? Ai là kẻ tiếp tay cho Tàu cộng lấn dần biển đảo và đất liền? Ai làm cho nước Việt Nam bị sa sút và tụt hậu về mọi mặt so với các nước xung quanh. Ai làm cho đời sống nhân dân ngày càng điêu đứng?
Đảng thường xuyên cho rằng, các thế lực thù địch đang tìm cách phá hoại đất nước này. Vậy thử hỏi trong hàng trăm người bị đảng quy kết là “phản động” ấy, đang bị tù đày trong các nhà tù hà khắc và nghiệt ngã. Họ phá hoại cái gì, thiệt hại bao nhiêu, gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào cho nền kinh tế trên đất nước này? Hãy chứng minh đi, hỡi những người cộng sản!
Nay qua lời khai của ông Đinh La Thăng, vậy thì lẽ ra, Chủ tọa phiên tòa phải mời đại diện của Bộ Chính trị ĐCSVN, mà cụ thể là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải có mặt tại tòa với vai trò là nhân chứng, hoặc là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” thì mới đúng chứ?
Qua những sự kiện như trên, chứng tỏ ĐCSVN hiện nay là một đảng bất tài, tha hóa đến cùng cực. Lấy cớ chống tham nhũng để thanh trừng phe phải, tranh giành và cắn xé nhau vì quyền lợi. Đảng đang trong quá trình tan rã, đang trong tình trạng rất hỗn loạn và bát nháo, lộn xộn, đầy rẫy mọi thứ tanh hôi như một đảng cướp, hôi rình như một nồi cám lợn bỏ lâu ngày vậy.
Đúng như nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết:
“Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”.
Xin mượn lời ông TBT Nguyễn Phú Trọng để nói rằng: “Nhìn tổng thể mà nói, có bao giờ lịch sử đảng ta được “vẻ vang” như thế này chăng”?
Hỡi mấy triệu đảng viên ĐCSVN “ăn cơm dân, mặc áo đảng”: Hãy nhìn vào “bộ mặt thật” của đảng, nay các ngươi đã “sáng mắt, sáng lòng” chưa?
11/1/2018
___________________________________
Chú thích: