Ông Bút (Danlambao) - Trên Dân Làm Báo, có chuyên gia Cao Đắc Tuấn, thường phân tích nhạc, ông ta rành rẽ về nhạc lý, và cả lãnh vực văn, thơ. Do đó bài phân tích của tác giả Cao Đắc Tuấn rất đắc hàng. Từ khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời tới nay, tôi trông hoài không thấy ông hạ bút, nên tôi viết bài này, theo suy nghĩ hạn hẹp của mình, không có trăng, dùng sao, thưa quý vị.
Tạ lỗi với thầy.
A. Thầy dạy vẽ:
Khi lên trung học đệ nhất cấp, lớp đệ thất, tôi may mắn được học vẽ với thầy Trương Đình Quế, một điêu khắc gia nổi tiếng, những tranh vẽ, bức tượng của thầy, không phải lúc tuổi thơ mà cho tới bây giờ, tôi cũng không hiểu được ý nghĩa nói gì! Sau 30/4/1975 chạy loạn, mẹ cha còn lạc, huống gì thầy trò, thế nhưng năm 1998, nhờ gió trời đưa đẩy, thầy về ở xóm tôi, thuộc nông trường Cao Su An Viễng, (*) thầy là nghệ sĩ thứ thiệt, vì thành phố náo nhiệt, thích nơi thôn dã thầy mới tạt về đây, chứ thầy yếu đuối, dễ cuốn theo chiều gió, làm công nhân cao su sao được. Năm 2010 thầy tặng mấy anh em nhà tôi, bức tượng bán thân của mẹ tôi, tôi đem qua Mỹ thờ, nhìn tượng mẹ, nhớ ơn thầy, không quên những yếu kém khả năng học hỏi của mình.
B. Thầy dạy nhạc:
Chương trình hàng tuần có một giờ vẽ, một giờ nhạc, chúng tôi học nhạc với thầy La Gia Ấm, thầy Ấm rất đẹp trai, mái tóc quăn, ép tự nhiên, lúc nào cũng ngôi rẽ, thẳng nếp, thầy hiền từ, thỉnh thoảng thầy kể chuyện vui, cả lớp cười lăn chiên. Thầy dạy rất cặn kẽ, thầy vẽ lên bảng 5 đường thẳng, bên trái ngoài cùng là khóa sol kế tiếp ý nghĩa và công dụng từng nốt nhạc: Đồ, rề, pha, mi... những nốt trên, dưới bên ngoài 5 đường kẽ, những nốt trắng đen, dấu chấm, có trường độ âm thanh thế nào... Nam mô A Di Đà Phật, lạy Chúa ơi, không riêng hai thầy vẽ và nhạc, cho em tạ tội với tất cả quý thầy cô, tất cả các môn học, một đứa học trò vừa dốt vừa lười, lại thêm cái khờ nghe lời Đinh Hùng xúi:
"Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ".
Bởi vậy mấy ngày nay thương tiếc cố nhạc sĩ Chiều Mưa Biên Giới, mà cứ thầm thò, thầm thụt, không biết nói sao!
Thuở nhỏ học vẽ với thầy Quế, thầy chuyên vẽ tranh trừu tượng, tôi thích chân dung, mỗi ngày đi học sớm nửa tiếng, đứng học lóm tiệm vẽ Hồng Hưng, Hội An, tôi cũng sắm đủ dụng cụ, từ giá vẽ, màu, giấy rôki, giấy bóng carô, tôi thích vẽ hình Tổng thống Diệm, Tổng thống Thiệu và các tướng lãnh, một lần tôi đang vẽ hình Trung tá Phạm Phú Quốc, bà nội tôi chăm chú nhìn, nhìn hình ông Phạm Phú Quốc trong sách, nhìn kỹ qua hình đang vẽ, tôi đang chờ một tiếng khen, bà tôi nói:
Chu choa, chớ mi vẽ cái ông mô rứa mi!!
Tôi hát, vợ khen: Anh có giọng hát to hơn ca sĩ! Tôi rất thích hát, thích ngâm thơ, nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, người tôi ngưỡng mộ nhất, hơn thế nữa ông còn là một sĩ quan cao cấp QLVNCH.
Không riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, phần nhiều thi sĩ và nhạc sĩ, kể cả văn sĩ, có một bài nổi tiếng, thì tên tuổi của tác giả cũng đi liền với tác phẩm đó, tên nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, đính kèm với nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới, như hình với bóng. Trong khi đó nhạc sĩ NVĐ có nhiều bút hiệu: Đông Phương Tử, Phượng Linh, Phương Hà, để viết một số nhạc phẩm tình cảm như Khi đã yêu, Thầm kín, Niềm Đau Dĩ vãng, Nhớ Một Chiều Xuân... ngoài ra ông còn viết trên 50 bài nhạc nền cho cải lương.
Nhạc sĩ NVĐ, người Sài Gòn, học trường Thiếu Sinh Quân, ông học nhạc từ ngôi trường này, sau đó học Võ bị Đà Lạt, ông từng làm tiểu đoàn trường lúc mới 24 tuổi. Nhờ bề thế tiểu sử, nhạc phẩm của ông khó bị cộng sản cướp cạn, hoặc đánh tráo như đã từng cướp "Ly Rượu Mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, bài Chiều Mưa Biên Giới, dễ bị cướp hơn Ly Rượu Mừng, nó sẽ viện dẫn:
"Người đi khu chiến, thương về hậu phương" khu chiến, nghĩa là chiến khu, VNCH làm gì có chiến khu, từ đó suy ra bản này của "cách mạng," ai biết được CS là quân cướp, biết "chúng ăn không từ một thứ gì," mình phải cảnh báo trước vẫn hơn.
Chiều Mưa Biên Giới, nhạc và lời nhẹ nhàng lâng lâng, theo kiểu "tình anh như đám mây trôi chiều hoang" nó bềnh bồng, như vừa gần trong tầm tay, vừa xa tít tận chân trời biên giới mù khơi mưa lạnh, tình mặn nồng, nhưng kín đáo của hậu phương dành cho anh lính chiến VNCH, bài tả cảnh đậm hơn tình, tình ẩn trong cảnh, trước tiên có lẽ quái kiệt Trần Văn Trạch, sau đó tới danh ca Hà Thanh, Thanh Tuyền hát bản nhạc CMBG.
Ông đi tù CS 10 năm, sau đó kết duyên cùng cô Nguyệt Thu, phải nói rằng cô này can đảm, sau 30/4/1975 mà dám yêu một sĩ quan cao cấp QLVNCH, khi lòng trần đã đoạn tuyệt, không còn "tơ vương khanh tướng," chẳng có gì thu nhập, chỉ có bịnh thập tử nhất sinh, nghe nói ông không đi Mỹ theo diện HO, cũng bởi "không biết sống chết lúc nào" và ông sống được từ khi ra tù tới nay, là nhờ phép lạ!
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, qua đời hôm 26 tháng 2 năm 2018. Nhạc sĩ và cô Nguyệt Thu không có con, tang lễ không nhiều người thân, (để tang) song dòng người tiễn đưa ông về miền vô ưu, thì đông lắm, rất nhiều người chào tay theo cách quân đội, một cử chỉ đẹp hào hùng của QLVNCH, một hình ảnh thân quen của người Sài Gòn và miền Nam VN, nhưng rất xốn con mắt của bọn CS.
Vô cùng thương tiếc, kính phục nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, một trong những nhạc sĩ tài hoa của VNCH, đã đóng góp vào nền âm nhạc Việt Nam, một trời tự hào, hiển hách.
18.03.2018
________________________________
Chú thích:
(*) An Viễng: danh từ riêng, do CS đặt ra năm 1980 có "g", không phải tôi viết theo kiểu "tiến sĩ" Bùi...