Cát tặc & cộng phỉ - Dân Làm Báo

Cát tặc & cộng phỉ

Hoàng Tất Thắng (Danlambao) - Khoảng 9 giờ 30 sáng ngày 22/4/2017, một đoạn sông Vàm Nao – một con sông nhỏ trong địa phận hai huyện Chợ Mới và Phú Tân thuộc tỉnh An Giang, nối liền hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang của sông Cửu Long – xảy ra một vụ sạt lở bờ sông trầm trọng, hơn 70m chiều dài bờ sông, lấn sâu vào đất liền hơn 35m bất ngờ đổ sụp xuống lòng sông, nhấn chìm theo đó một lượt 16 căn nhà của người dân và uy hiếp đến sự an toàn 92 căn nhà khác của dân trong khu vực.

Đây chỉ là một vụ, trong nhiều vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, đã và đang liên tục xảy ra nhiều nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Báo cáo số 3655/BNN/TCTL, ngày 3/5/2017, của tổng cục thủy lợi, bộ nông nghiệp chính phủ Hà Nội, cho biết toàn vùng đồng bằng đã có 265 điểm xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài hơn 450km. Trong đó, tỉnh An Giang trong hai năm 2012 và 2017, có 4 khu vực sạt lở bờ sông dài 422m, cuốn xuống sông 35 căn nhà, uy hiếp an toàn cho 273 căn nhà khác. Tỉnh Đồng Tháp hiện tượng sạt lở ven sông Tiền trong vùng Hồng Ngự xuất hiện từ năm 2011, qua các năm 2014 và 2015, có 2 khu vực sạt lở nghiêm trọng kéo dài 800m theo bờ sông, đã nhấn chìm xuống nước một số nhà và uy hiếp an toàn 500 căn nhà khác của dân. Tại tỉnh Bạc Liêu, năm 2016 có 2 khu vực sạt lở ven bờ biển, phá hủy 71m dầm chắn sóng và 390m2 mái kè bêtông. 

Sơ kết khảo sát của National Geographic tính đến cuối năm 2017, cho thấy toàn vùng châu thổ có hàng ngàn ha ruộng lúa biến mất dưới nước, ít nhất 1.200 gia đình phải di tản vì đất lở và trong tương lai gần sẽ có thêm 500.000 người dân trong vùng đồng bằng cần phải được di tản khỏi nơi cư trú. Vùng bờ biển cũng bị sạt lở tới mức báo động, trung bình mỗi năm đã có 5km2 đất liền bị biến mất?!! 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần nhỏ so với toàn quốc, đâu đâu cũng có xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, bởi đại nạn khai thác cát tràn lan, vô tội vạ gây ra. Cũng theo báo cáo trên của tổng cục thủy lợi, trên toàn quốc đã có 737 điểm sạt lở, với tổng chiều dài đến 1.257km, riêng về các tuyến sông có đê điều, cũng đã có tới 93 khu vực lòng sông và bãi sông thuộc 118km đê đang bị hút cát. 

Sau các đại hậu quả rừng đã hết, biển đã chết, thì đến lượt đất đai, ruộng vườn, thổ cư của dân chúng (nói trong phạm vi nhỏ), đến cả lãnh thổ quốc gia của tổ quốc (đặt trong tổng thể lớn), chẳng biết lúc nào, nhưng rất dễ trở thành đất đai của hà bá, thủy thần chỉ trong phút chốc, do sự tàn phá đất nước Việt Nam đã lên tới mức toàn diện và triệt để dưới chế độ cộng sản Hà Nội. 

Lenin – ông tổ của các quốc gia cộng sản có nói nhiệt tình cộng sản, cộng với ngu dốt là bằng sự phá hoại. Trên đất nước Việt Nam ngày nay, nhiệt tình cộng sản đã cáo chung, thoái trào thành lòng tham tư bản đỏ, trong khi đầu óc bã đậu của giới đảng viên cộng sản chóp bu vẫn giữ y nguyên, nên sự phá hoại đất nước dưới chế độ cộng sản Hà Nội còn kinh khủng gấp bội, bởi sự hội tụ, cộng hưởng của tất cả mọi điều tệ hại, đều được quy về một mối dưới lá cờ quang vinh của đảng. Đây là một chế độ vừa tàn bạo, dốt nát, vừa tham lam, nhũng lạm, cấu kết với các phe nhóm lợi ích của đủ hạng cán bộ lảnh đạo, có quyền và bọn đại gia tư sản đỏ, có tiền, sẵn sàng bán rẻ danh dự, chủ quyền đất nước cho Trung cộng chỉ để giữ ghế, quyền lực cai trị và quyền lợi cá nhân, đồng thời thông đồng với đủ hạng thương nhân cá mập quốc tế để trục lợi làm giàu, bất kể tương lai, tiền đồ của dân tộc và quê hương đất nước. 

Rừng đã hết. Từ khoảng 14,5 triệu ha rừng nguyên thủy trong năm 1943, với độ che phủ khoảng 45% tổng diện tích đất toàn quốc, đến năm 1995 chỉ còn dưới 9 triệu ha, với độ che phủ dưới 28% và hiện nay tổng diện tích rừng nguyên sinh ở Việt Nam chỉ còn khoảng 80.000 ha, với độ che phủ 0,6%. Báo cáo của chính phủ cộng sản cho biết năm 2015 toàn quốc có 14,1 triệu ha rừng, với độ che phủ 39,7%, chỉ là một sự đánh lận lưu manh, gian trá so với sự thật, khi tường trình mập mờ tỷ lệ 1% rừng nguyên sinh, 74% rừng tái tạo tự nhiên và 25% rừng trồng, trong khi nói thẳng toạt ra 74% rừng tái tạo tự nhiên, chỉ là cách dùng chử để mô tả loại rừng thứ cấp, rừng chồi, rừng cây tạp sót lại trên đất rừng sau khi đã khai thác hết gỗ. 

Biển đã chết. Từ sau năm 1949 chính quyền Trung cộng công bố lần lượt nhiều loại bản đồ biển Đông có hình lưỡi bò từ 11 đoạn, 9 đoạn, rồi 10 đoạn, đến năm 1992 thì chính thức đưa vào luật lãnh hải, cũng như ra tuyên bố ngoại giao khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi trên vùng biển bên trong đường vẽ đó, chiếm 75% vùng nước của biển Đông, bởi đó là vùng biển lịch sử do tổ tiên người Hoa đã từng giong buồm và đánh cá từ hàng ngàn năm trước??? để ra sức ngăn cấm, bắt bớ, đánh đập, giết chóc ngư phủ người Việt trên các ngư trường truyền thống của họ, trước sự câm nín đến vô luân của cả giới lãnh đạo Việt Nam.

Tháng 4/2016 lại xảy ra thảm họa Formosa, do Hà Nội cấu kết với Hoa lục dùng hóa chất giết chết vùng biển duyên hải miền trung dài 250km từ Hà Tỉnh vào tới Đà Nẵng, khiến hàng trăm ngàn ngư dân và cả hàng triệu người ăn theo lâm vào cảnh khốn cùng. Cá không còn, quyền đánh bắt trên quê hương cũng bị tướt đoạt, ngư dân Việt Nam vô hình chung phải trở thành kẻ lén lút đánh bắt cá lậu (?), nếu không chịu mua vé thông hành hải của hải cảnh Trung cộng, với giá 2.000USD, để được phép đánh bắt trên vùng biển của mình, hoặc lưu lạc qua tới các vùng biển xa ở Philippines, Malaysia, Indonesia, Papua New Guinea, Vanatu, Úc… để nhiều người phải lảnh án tù, bị phạt vạ, hay bị tịch thu tài sản trong sự thờ ơ, sống chết mặc bây của cộng sản Hà Nội và cái thể chế gọi là nhà nước CHXHCNVN. 

Đất đai, ruộng vườn, thổ cư, một sớm, một chiều dễ dàng trở thành lảnh địa của thủy thần, hà bá, do lảnh thổ đất nước đang bị giới lãnh đạo Hà Nội tùng xẻo, thông qua hành vi móc ngoặc, ăn chia với các tập đoàn tư bản đỏ moi sông, móc biển, bán cát cho các quốc gia láng giềng mở rộng lảnh thổ của họ và tệ hại hơn còn bán luôn cát cho Trung cộng đắp đảo, lấn biển trong âm mưu độc chiếm lâu dài biển Đông. 

Cát là một dạng khoáng sản chủ yếu trong hệ thống sông, biển tự nhiên ở trái đất và là thứ vật liệu không thể thiếu trong ngành xây cất đương thời, nhưng cao hơn cả cát cũng đồng thời là thành tố quan trọng không kém gì đất trong việc kiến tạo ra địa hình, diện mạo lảnh thổ cho một quốc gia. 

Cụ thể và gần Việt Nam nhất là Singapore, trong 55 năm liên tục mua cát với nhịp độ trung bình 5,4 tấn trên một đầu người một năm, đã bồi đắp, mở rộng lảnh thổ từ 582km2 lên 720km2, tức tăng thêm hơn 20% từ 1960 đến năm 2015. Nguy hiểm cho Việt Nam nhất là từ năm 2014 trở đi, Trung cộng cũng khởi sự hút cát và mua cát (?), nhằm bồi đắp các rạng đá mới chiếm cứ trong vùng quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, trong mục tiêu thiết lập các vị trí quân sự khống chế không phận, hải phận vùng biển Đông. Chỉ tính đến giữa tháng 5/2015, bải Mischiefs chìm hoàn toàn dưới mặt biển được bồi thành vùng đảo rộng 0,27km2. Rạng Cuarteron chỉ rộng 0,41km2, được bồi lên 2,46km2. Rạng Johnson South từ 0,41km2, được bồi thành 1,1km2. Bốn rạng đá còn lại gồm Subi, Gaven, Hughes và Scaborough, từ chỉ là các thực thể nổi nhỏ hơn 0,01km2, đều được Trung cộng khoanh vùng, tích cực bồi đắp thành ra các đảo nhân tạo, có quy mô tiêu chuẩn khoảng 1km2. 

Trong khi nhiều quốc gia ở khu vực Đông nam Á đã ngăn cấm hẳn việc khai thác cát, thì Việt Nam vẫn là nơi duy nhất cát được khai thác thoải mái. Các doanh nghiệp khai thác, được chính quyền bảo kê, có ô dù quân đội che chắn lì lợm bám chặt việc hút cát sông, đào cát biển, âm thầm mua bán ăn chia, xuất cảng ồ ạt, kể luôn cả việc buôn lậu. Bọn chúng ngụy biện đổ thừa cho nguyên nhân khách quan trước mọi thảm trạng sạt lở, luồn lách đánh tráo lý do để tiếp tục khai thác cát, lươn lẹo phủ nhận giá trị cảnh báo của các giới chuyên viên thẩm quyền và giả ngơ trước các phản ứng của người dân bị hại, hay đền bù việc di dời chút đỉnh lấy có để rồi đâu lại hoàn đó, tiền cứ tiếp tục làm đầy túi cán bộ, đảng viên, đại gia và mọi thảm họa ngày một lớn dần thì trút hết lên đầu người dân. 

Việc khai thác cát quy mô lớn làm dòng sông ngày một sâu hơn, tạo ra các hố xoáy, nước chảy xiết bên dưới mặt sông và ăn ngầm làm hàm ếch dưới chân bờ sông, dần dà đưa đến sạt lở đất liền trên bờ vì bị trống chân, bị quan chức tổng cục thủy lợi quy trách nhiệm chính cho tỷ lệ lưu lượng nước tại các khu vực hợp lưu đang có xu thế tăng lên (?), tác động mạnh dòng chảy đã đào sâu thêm lòng sông, như hai sông Tiền, sông Hậu, lòng sông sâu thêm trung bình – 1,3m, có nơi có những hố sâu từ - 17m xuống đến – 44m, hay ở các sông Lô, sông Hồng, sông Đuống, lòng sông đều sâu thêm từ - 3m đến – 6m, khiến lưu lượng dòng chảy từ sông Hồng sang sông Đuống, tăng từ 24% lên 39%, nên dễ gây sạt lở bờ. 

Việc sạt lở hơn 1km bờ biển và có khuynh hướng ăn sâu thêm vào đất liền tại khu vực bãi biển vùng 5 hải quân ở An Thới – Phú Quốc, thì bộ tư lệnh vùng 5 hải quân cho rằng do biến đổi khí hậu (?) và tác động mạnh bất thường của dòng chảy gây nên, không phải do việc thực hiện nạo vét luồng tàu vào quân cảng, khai thác "cát nhiễm mặn" bán qua Singapore tạo ra và đe dọa đây là dự án cấp thiết phục vụ cho nhu cầu quân sự, dừng hay tiếp tục dự án là quyền quyết định của hải quân. 

Những yếu tố gây sạt lở bị chính quyền cộng sản kết án còn là địa chất nền móng vùng châu thổ là thành phần sa bồi, phù sa mới, mềm yếu, rời rạc, dễ bị xói trôi, các công trình xây dựng dọc theo sông ngày càng lớn, càng nặng và càng sát bờ làm gia tăng khả năng gây trượt lở, trong khi hoạt động của các phương tiện thủy trên sông cũng ngày càng gia tăng về tần suất di chuyển và trọng tải phương tiện lớn hơn, nên đã làm xói lở bờ sông!!!. Tất cả đều nhắm đến mục đích bao che cho hơn 600 mỏ khai thác cát chính thức trên các tuyến sông ngòi ở Việt Nam, không tính đến hàng trăm dự án hút cát núp dưới danh nghĩa nạo vét, khai thông luồng lạch vận tải thủy và hàng ngàn điểm khai thác cát lậu quy mô nhỏ hơn, do các địa phương bảo kê đôi bên cùng có lợi. Hậu quả nhản tiền và chỉ phơi bày ra mới được một góc nhỏ là đã có hơn 200 triệu tấn cát của sông Tiền và sông Hậu biến mất. 

Từ cuối năm 2009 trở đi, việc khai thác và xuất cảng cát xây dựng bị hạn chế nguồn tài nguyên, do các đập thủy điện Trung cộng, Nam Lào, ngăn chận hơn 50% lượng phù sa về các vùng hạ lưu, khiến hiện tượng sạt lở gia tăng mạnh tại nhiều nơi, dân chúng kêu than và giới chuyên viên trong, ngoài nước chỉ trích dử dội, buộc Hà Nội phải tạm ngưng nguồn lợi xuất cảng cát. 

Năm 2013, bộ xây dựng, bộ giao thông vận tải, bộ quốc phòng, bộ tư lệnh hải quân và các địa phương Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Phú Quốc… tìm được lý do cần khai thông luồng lạch tại các cửa sông, cửa biển, hải cảng, quân cảng, nhằm bảo đảm cho tàu thuyền lưu thông thuận lợi, góp phần tiêu, thoát lũ nhanh chóng, tăng cường khả năng khai thác của các bến cảng, trong đó có nhiều cảng phục vụ cho nhu cầu an ninh, quốc phòng, nên lại cho phép một số doanh nghiệp lập dự án nạo vét, kết hợp tận thu "cát nhiễm mặn" để xuất cảng theo hình thức xã hội hóa, tức doanh nghiệp tư bản đỏ thay chổ cho nhiệm vụ của mọi ban, ngành, cơ quan, lực lượng có liên quan trong chính phủ Hà Nội, đầu tư khai thông, nạo vét luồng lạch, hải cảng, quân cảng, rồi được phép tận thu, xuất cảng cái gọi là cát nhiễm mặn để trang trải chi phí và thu lợi nhuận từ năm 2014. 

Tính đến năm 2017 có 40 dự án loại này được Hà Nội chấp thuận, với mức tận thu 250 triệu m3 "cát nhiểm mặn" xuất cảng sang Singapore. Theo ghi nhận điều tra của báo Tuổi Trẻ, từ ngày 1/1 đến 23/2/2017 đã có 40 tàu vận tải chở cát đi Singapore, với tổng khối lượng lên đến hơn 905.000 m3 cát, giá khai báo chỉ từ 0,8 đến 1,3USD mỗi m3, trong khi giá thực tế là 4,6USD/m3. 

Tương lai bán cát, đất đai lảnh thổ tổ quốc để trục lợi, vinh thân phì gia của cán bộ, đảng viên đảng cộng sản và tầng lớp tư sản đỏ, sản sinh từ quái thai kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, đang còn khá rộng đường. Chính phủ Singapore đã và đang thực hiện kế hoạch bồi đắp mở rộng đảo Tekong từ 657 ha lên 3.310 ha, với tổng chi phí lên gần 6,5 tỷ USD, là miếng mồi đầy cám dổ cho bọn quái thú Hà Nội xông lên tranh giành, xâu xé, chưa tính đến dã tâm đắp đảo, độc chiếm biển Đông của Trung cộng chưa bao giờ được coi là đủ thỏa mãn cho giấc mộng đại bá của Bắc Kinh. 

Các từ điển Hán Việt phổ thông định nghĩa tặc và phỉ đều là phường trộm cướp, bán dân, hại nước, gian trá, xảo quyệt, tinh ranh, nên khi cát tặc và cộng phỉ kết hợp hoạt động thì chuyện đất nước Việt Nam suy vong không phải là điều khó hiểu, hay không thể xảy ra. 

04/2018. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo