Thấy công bị vặt lông chết mà nghĩ tới dân tộc Việt - Dân Làm Báo

Thấy công bị vặt lông chết mà nghĩ tới dân tộc Việt

Thục Quyên (Danlambao) - Hôm 30/04/2018 tờ South China Morning Post phát hành tại Hongkong đưa tin (1) khách du lịch Trung hoa đã bắt bốn con công trong sở thú Liwan tại Yangzhou (Dương Châu) để nhổ lông đuôi của chúng. Nhân viên sở thú đã phát giác sự việc khi thấy có nhiều vết máu loang lỗ trên đất đá. Bản tin không cho biết tình trạng thương tích của những con công, nhưng nhấn mạnh đây là lần thứ hai sự kiện xảy ra tại vườn thú này, cũng trong cùng năm 2018.

Năm 2017 du khách Trung hoa đã làm như vậy trong một công viên động vật hoang dã gần Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, và năm 2016, hai con công của sở thú Yunnan (Vân Nam) đã chết sau khi bị du khách Trung hoa bắt để chụp hình chung rồi nhổ lông (làm kỷ niệm hay đem bán?)

Chỉ một tuần trước sự kiện xảy ra tại sở thú Liwan, tại công viên động vật hoang dã Fujian (Phúc Kiến) một con kăng-gu-ru bị ném đá chết và một con khác bị thương nặng vì du khách Trung hoa có thói quen ném đá vào những con vật này để... xem chúng nhảy. 

Sự tàn bạo và mức độ nhận thức.

Chuyện lập đi lập lại từ nhiều năm nhưng những vườn thú Trung hoa không có biện pháp ngăn ngừa, cho thấy họ không có khả năng vật chất để làm điều này (tuy có đưa tin và kết tội những kẻ tàn ác) nhưng cũng cho thấy mức độ nhận thức của người dân và nhà cầm quyền Trung hoa về sự tàn bạo cũng như mức độ họ đánh giá những tàn bạo nào không cần bị ngăn cấm và những nạn nhân nào không cần phải bảo vệ.

Chống Trung Cộng nhưng không chống người Trung hoa.

Những nhà tôn giáo, những nhà đạo đức thường hay dạy không chống CON NGƯỜI. Đồng ý rằng ta không thể chống lại cái ÁC bằng cách thù oán mù quáng, biến chính bản thân mình thành cái ÁC: lo lắng bị Trung Cộng cướp nước rồi gặp bất cứ người Trung hoa nào tại Việt Nam cũng tìm cách đánh giết.

Nhưng chúng ta phải có quyền và có bổn phận lo tự bảo vệ, nhìn thấy hiểm nguy trước khi hiểm nguy đến, vì khi hiểm nguy đã tới rồi thì qúa trễ, trở tay không kịp.

Nhưng muốn thấy hiểm nguy thì phải đầu tư thời gian quan sát, phân tích, tìm hiểu, để thông tin chính xác cho đám đông những người cùng cảnh ngộ, thì mới có hy vọng cùng nhau tìm cách đối phó.

Ai cũng biết...

Một ý thức và câu nói sai lầm của nhiều người Việt Nam. 

Mỗi lần gặp một người Việt đi du lịch tôi đều hỏi thăm họ có gặp, có thấy người Trung hoa tràn qua sống tại Việt nam không và họ có lo ngại không, thì đại đa số lắc đầu, không thấy. Năm thì mười họa có người trả lời có nghe nói, nhưng chẳng thấy bằng chứng. Ngay cả những người Việt ở hải ngoại về thăm nhà cũng nói không thấy, hình ảnh họ chụp thì toàn danh lam thắng cảnh, (thấy còn không thấy thì làm sao chụp hình?). Gần đây mới có vài người than là du khách Trung hoa đông. Nhưng du khách Trung hoa bình thường như những du khách khác hay có những điều gì bất thường? Câu trả lời luôn luôn là không có thì giờ để quan sát!

Vậy thì qúa dễ cắt nghĩa tại sao những người bạn ngoại quốc của tôi qua thăm Việt Nam không thể hiểu được tại sao có những người bế con thơ dại đi biểu tình chống Trung Cộng làm gì để bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt bỏ tù? 

Bằng chứng, bằng chứng, và bằng chứng.

Nói chuyện đạo đức, kể lể, nguyền rủa, không thể mang tới sự thay đổi trong xã hội.

Đọc thoáng qua chuyện con công hay con Kăng-gu-ru chết không làm người ta suy nghĩ như hình ảnh những bộ mặt nham nhở cười của những kẻ nắm chặt con vật đang dãy dụa cho đứa khác vặt lông sống, hoặc so sánh hình ảnh con kăng-gu-ru nằm chết trong sở thú Trung hoa với con kăng-gu-ru bao quanh bởi ánh mắt thân thiện của những đứa trẻ con trong một sở thú Âu Mỹ.

Cũng như trên một diễn đàn những bạn học cũ, bài nghiên cứu cả tháng trời về tình trạng thảm họa Formosa của tôi (để gửi cho những tổ chức quốc tế bảo vệ môi sinh) được đáp lại bởi tấm hình của một người bạn từ Mỹ về chơi Đà Nẵng chụp đĩa hải sản đầy ắp anh đang thưởng thức.

Đau xé ruột!

Nhưng không phải là lý do để nguyền rủa, mà là một bài học để suy nghĩ khi muốn đóng góp làm việc khai dân trí. Chính người dân phải trực diện với tình trạng thực, thì họ mới có thể phản ứng. Qúa nhanh chóng buộc tội "vô cảm" cho những người thật ra là thiếu hiểu biết, sẽ không giải quyết được vấn đề.

Dân trí người Trung hoa như vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra khi Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay Trung Cộng?

Nếu biết những gì đang xảy ra thì sẽ biết những gì sẽ xảy ra.

Bao nhiêu người Trung hoa đang có mặt tại Việt Nam? Thái độ và cách sống của họ trên đất nước chúng ta như thế nào?

Chuyện gì đang xảy ra hàng ngày ở những hãng xưởng Trung hoa tại Việt Nam?

Chuyện gì đang xảy ra hàng ngày cho những người dân ở những xóm làng chung quanh những hãng xưởng đó?

Andrew Sheng, một người chuyên viết về những vấn đề toàn cầu dưới góc nhìn Á đông, đã nhận xét trong bài "Trật tự và hỗn loạn dưới bầu trời" của ông(2):

Giới tinh hoa giờ đây ngày càng mất liên lạc với những gì quần chúng đang suy nghĩ. 

Có lẽ những người hoạt động khai dân trí không được chỉ cơ bản vẽ ra hình ảnh lý tưởng của họ cho đất nước, mà phải thấm vào dân để thấu rõ những chi tiết khó khăn người dân phải trực diện và giải quyết hàng ngày. 

Gom góp tài liệu, lập hồ sơ, gạt cảm tính ra để phân tách tình hình. Đó là những việc làm cần thiết có thể làm một cách kín đáo, không nguy hiểm.




________________________________








Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo