Nguyễn Thị Cỏ May (Danlambao) - Hôm nay, Cỏ May tôi muốn viết thêm một bài nữa liên quan đến Hồ Chí Minh, thần tượng của những người cộng sản ở Hà Nội, vì tình hình Việt Nam hãy còn sôi động mãnh liệt, toàn dân vẫn nổi lên chống đảng cộng sản bán nước cho Tàu mà nguyên nhân bắt nguồn từ ông ấy, đồng thời, để tưởng nhớ ngày 9 tháng 7 năm 1953 là ngày đau thương của người phụ nữ ái quốc và của gia đình bà. Cách nay đúng 65 năm, người phụ nữ ái quốc đó là Bà Nguyễn Thị Năm, có thương hiệu Cát Hanh Long, đã bị Hồ Chí Minh giết trong Cải cánh Ruộng đất, theo chỉ đạo của Tàu cộng. Đó là một trong những "kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học" của Hồ Chí Minh.
Nói Hồ Chí Minh giết vì chính Hồ Chí Minh ký ban hành lệnh Cải cách Ruộng đất. Cái chết của Bà Nguyễn Thị Năm là phát súng lệnh tiến hành cuộc chém giết long trời lở đất ở Miền Bắc. Học kinh nghiệm Trung Quốc, Hồ Chí Minh, cũng vâng lệnh Mao Trạch Đông, làm Cải cách Ruộng đất rập khuôn theo Trung Quốc, chọn đảng viên cộng sản cốt cán gởi qua Trung quốc thụ huấn, rước cán bộ Trung quốc qua Việt Nam chỉ đạo thực hiện Cải cách Ruộng đất cho đúng theo Trung quốc, mặc dầu hoàn cảnh lịch sử xã hội Việt Nam hoàn toàn không giống Trung quốc. Cụ thể Việt Nam có chế độ quân chủ nhưng tuyệt đối không có phong kiến. Đảng phái ở Việt Nam như Việt Nam Quốc dân đảng cũng không giống như Trung quốc Quốc dân đảng. Riêng trường hợp xử lý Bà Năm, Hồ Chí Minh có than "…tại sao một người phụ nữ…?" nhưng Hồ vẫn chấp hành lệnh của cố vấn Trung quốc "hổ đực, hổ cái gì cũng đều ăn thịt người cả"!
Than, làm như ông đau lòng lắm vậy. Thế mà chính ông sau đó liền viết bài "Địa chủ ác ghê" đăng trên nhật báo Nhân Dân, Cơ quan của đảng Cộng sản (ngày 21/7/1953), ký tên CB, kể tội bà Nguyễn Thị Năm đã "Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người... Giết chết 14 nông dân. Tra tấn đánh đập hàng chục nông dân...". Bà Nguyễn Thị Năm đã "thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến" và sau cùng thì Bà Nguyễn Thị Năm đã "không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác". Tức ý của Hồ Chí Minh hay CB muốn nói việc đội Cải cách Ruộng đất giết Bà Năm là đúng. Đúng đối tượng, không có gì oan ức hết cả.
Dĩ nhiên đây hoàn toàn chỉ là sự qui chụp trắng trợn đầy gian ác của Hồ Chí Minh để giáo dục cán bộ đảng lòng câm thù giai cấp, thi hành nghiêm túc chiến dịch cải cách ruộng đất đúng theo Trung quốc dạy. Giết Bà Năm, người phụ nữ ái quốc, người ơn lớn của kháng chiến, từ năm 1945, đóng góp cho Việt Minh 20 000 đồng bạc Đông Dương, 100 lượng vàng, nhà cửa, cơm gạo nuôi cán bộ, cả cấp lãnh đạo đảng cộng sản (như Trường Chinh, Trưởng ban Cải cách Ruộng đất), Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng,...) là mới thể hiện tinh thần cách mạnh cộng sản, dứt khoát với thứ tình cảm ủy mị tiểu tư sản như trọng người ơn nghĩa, thương cảm tình ruột thịt máu mủ,... Người cộng sản là chỉ biết mục tiêu, lập trường giai cấp (Giáo lý người cách mạng – Catéchisme du révolutionnaire de Serge Netchaiev, sách khai tâm của Karl Marx) . Theo chỉ đạo của cố vần Trung quốc, hành động biểu lộ lòng yêu nước, đóng góp tài sản cho cách mạng của Bà Năm chỉ là "giả dối nhằm chui sâu, trèo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại" vì bà thuộc giai cấp địa chủ, tư sản thì không thể nào là người yêu nước, yêu cách mạng được.
Chỉ mới bài học Cải cách Ruộng đất học theo Trung quốc, Hồ Chí Minh đã giết hại hơn nửa triệu nông dân vô tội Miền Bắc, trong đó có hằng ngàn người tiểu tư sản trí thức yêu nước.
Theo sử gia pháp, François Furet (Le passé d’une illusion, Robert Laffontalmann-Levy, Paris, 1995), tư tưởng căn bản chỉ đạo hành động của cộng sản xưa nay không gì khác hơn là "dối trá và bạo lực". Dối trá để che dấu bạo lực. Còn bạo lực để làm cho dối trá có hiệu lực. Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại một trường hợp dối trá cũng của tác giả CB, tức Hồ Chí Minh, vừa được An Ninh Thế giới online đăng lại (Bảo Giang, Dân Làm Báo, 6/7/18) để phơi bày thêm con người thật của Hồ Chí Minh mà đảng cộng sản ở Hà Nội đang kêu gọi hãy sống và học tập theo tư tưởng và tác phong của ông.
Câu chuyện này, sau 30/75, dân Miền Nam được Việt cộng kể nhiều lần trong các buổi "học tập chính trị" từ phường khóm tới các lớp dành cho công chức, quân nhân của Chính phủ Sài Sòn. Người nghe, ai cũng cười trong bụng và có dịp là lập lại để chế giễu. Nhưng ai cũng chỉ nghĩ đám cán bộ ngáo được dạy nói lấy được để tuyên truyền đề cao kẻ thắng trận mà không ai có thể nghĩ đó lại là một đoạn trong bài viết của chính Hồ Chí Minh (ký CB) phổ biến đề cao khả năng chiến đấu của không quân nhân dân nhằm trấn an mọi người đừng sợ sức mạnh của giặc mỹ. Tác giả CB viết:
"Máy bay Mig 21 của Không quân Nhân dân ta rất tài giỏi, đã hạ hàng ngàn máy bay Con Quỷ, Thần Sấm… kể cả B 52 của Đế Quốc Mỹ! Bọn giặc lái Mỹ không ngờ máy bay ta bay núp trong mây, tắt máy chờ máy bay Mỹ bay ngang liền nổ máy lại, bay chặn đầu máy bay Mỹ và phóng tên lửa hạ gục chúng!. Nhân dân hoan hô, vỗ tay dậy trời sau khi nghe lời kể thành tích hạ máy bay đế quốc Mỹ theo kiểu không chiến có một không hai trên thế giới của Không quân Nhân dân ta!"
Qua Hồ Chí Minh, thấy rõ bản chất cộng sản luôn luôn là dối trá và bạo lực. Ở Việt Nam hiện nay, chắc chắn cộng sản, với bản chất đó, sẽ tìm cách đàn áp khốc liệt để dẹp mọi cơ hội biểu tình chống nhà cầm quyền và chống Tàu. Trong lúc đó, chúng sẽ bảo vệ cho Tàu khởi công xây cất Đặc khu. Vốn đầu tư đã bỏ ra, dân Tàu làm việc tại công trường, chắc chắn Tàu sẽ gởi an ninh võ trang qua bảo vệ các nơi đó. Và nhiều nơi khác có dân Tàu ở và làm ăn.
Thế là hết.
Kinh nghiệm Trung quốc nên học
Cái tựa của quyển sách do Hồ Chí Minh viết, dưới tên Trần Lực, nhà Sự Thật ở Hà Nội xuất bản năm 1958 có tựa đầy đủ là "Vài kinh nghiệm Trung quốc mà chúng ta nên học".
Đọc cái tựa, người đọc sẽ ngạc nhiên vì Hồ Chí Minh không viết như sau này người cộng sản nói "… TA nên học", chớ không phải "Chúng ta nên học".
"Chúng ta và TA" là một hiện tượng của ngôn ngữ cộng sản rất đáng để ý khi hiểu cộng sản. Nhưng nếu nói về chuyện này, sẽ một dịp khác.
Quyển "Vài kinh nghiệm Trung quốc mà chúng ta nên học" có 139 trang, gồm 10 bài kinh nghiệm Trung quốc về Nông nghiệp, Công nghiệp, Quân đội và nhiệm vụ kinh tế,…Cán bộ trí thức tham gia lao động chân tay,…
Ở đây, xin chỉ trích thuật tóm lược kinh nghiệm về "Nông nghiệp" và "Công nghiệp" vì kết quả phát triển kinh tế bằng những bước nhảy vọt của Mao đã một thời vang dội khắp thế giới. Ở Sài Gòn lúc đó cũng có không ít người biết sự thật như thế nào nhờ đã theo dõi báo chí. Và cũng chỉ cần chừng đó đã quá đủ để thấy Hồ Chí Minh trước sau vẫn dốc lòng chết sống theo Mao vì ông chắc chắn phải biết cách làm nghề nông, lập trường Đại học đào tạo nhân sự canh nông, cách làm nhà máy,…không thể như Hồ Chí Minh báo cáo trong sách đó được. Nhưng Hồ vẫn đem về cho dân Miền Bắc học theo.
Về nông nghiệp
Tiêu tưới ruộng lúa, nông dân vẫn mong đợi ở mưa thuận gió hòa. Nay dưới sự lãnh đạo của đảng, nông dân chỉ việc hăng hái mà tiến lên:
"…Bắt sông phải chảy ngược miền,
Bắt núi quì gối cho nguồn nước qua.
Không mưa thì mặc không mưa,
Thủy nông làm tốt được mùa muôn năm".
Tác giả Trần Lực báo cáo thành tích nông dân tỉnh Hồ Nam thu hoạch được năm đầu tiên sau khi ruộng tránh được hạn hán nhờ thủy nông là 5 500 000 tấn lương thực. Năm 1910, toàn tỉnh chỉ thu được 2 300 000 tấn. Vẫn theo tác giả, cũng nhờ thủy nông nhỏ, địa phương thực hiện, tỉnh Giang Tây, năm 1957, tăng 1 250 000 tấn lương thực so với năm 1952.
Tiếp theo, đảng cộng sản Trung quốc đào tạo chuyên viên nông nghiệp để giúp nông dân tăng mạnh thêm năng suất. Vẫn theo nguyên tắc nhiều, nhanh, tốt, rẻ, các xã, huyện mở trường Đại học canh nông. Như ở Hương Hòa Bình (Hương gồm nhiều xã, nhỏ hơn Huyện), dưới sự lãnh đạo của đảng ủy, việc mở trường Đại học chỉ trù bị hai hôm là xong và không tốn một đồng bạc. Trường sở là lấy nhà làm việc của đoàn thể, Hiệu trưởng do Bí thư đảng đảm nhiệm. Dạy nông nghiệp thì có anh hùng và chiến sĩ nông nghiệp, thêm vài học sinh Đại học nông nghiệp có sẵn phụ trách.
Có ngay 200 sinh viên, có cả cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, ghi tên theo học. Chương trình gồm triết học và kỹ thuật nông nghiệp. Mỗi tuần học 3 tối.
Về công nghiệp
Công nhân các xí nghiệp Trung quốc hiện nay (thập niên 50) là 12 triệu. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (tức sau khi Mao nắm quyền) mới được 4 năm đã hoàn thành. Thí dụ:
Mỏ sắt Từ Châu định sản xuất 30 vạn tấn, công nhân tự đề nghị sản xuất 50 vạn tấn. Nhờ công nhân thu lượm những vật liệu cũ đã bỏ làm thành những máy móc mới, giúp gia tăng năng suất. Thời gian làm việc, họ làm cả ngày, cả đêm, quên ăn, quên ngủ. Cán bộ khuyên nghỉ, họ bảo "Chịu khó nhọc vài hôm, sẽ sung sướng muôn đời"!
Xưởng xe hơi Trường Xuân đưa ra kế hoạch sản xuất 30 vạn chiếc. Công nhân thảo luận, đồng ý nhau sản xuất 70 vạn chiếc.
Về đạo đức cách mạng, công nhân Trung quốc tiến bộ đạt tới tinh thần "chí công vô tư". Họ đặt quyền lợi đất nước trên quyền lợi bản thân và gia đình. Họ đề nghị hoàn trả lại nhà nước những phụ cấp như tiền giữ trẻ, tiền hớt tóc, than củi, phụ cấp giờ phụ trội,…mà họ được hưởng (?)
Ở Trung quốc về, Hồ Chí Minh liền kêu gọi dân Miền Bắc phải học một cách sáng tạo những kinh nghiệm tốt của Trung quốc anh em.
Nhưng thế giới vẫn chưa quên những kinh nghiệm sáng tạo đó đã cướp đi hơn 30 triệu nhân mạng của nước Tàu.
Ngoài ra, Việt Nam còn học thêm theo Trung quốc lý thuyết về công bằng xã hội chủ nghĩa "Lao động tùy sức, hưởng thụ tùy khả năng nên cụ già phải lội ruộng cấy lúa dưới Trời lạnh cóng:
"Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run(1)
…Con ngồi máy lạnh còn run hơn bầm(2)…"
Dân chúng Miền Bắc học tập, nằm lòng "Bác Hồ chính là Bác Mao". Nên đảng của Bác Hồ cũng là đảng của Bác Mao, đất nước của Bác Hồ chính là đất nước của Bác Mao.
Vậy nghĩ coi Việt Nam còn gì nữa?
Chú thích:
(1) Bầm ơi, thơ của Tố Hữu
(2) Viết nhái thêm.