Mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản của cuộc đấu tranh của chúng ta hiện nay - Dân Làm Báo

Mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản của cuộc đấu tranh của chúng ta hiện nay

Phạm Văn (Danlambao) - Mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản của cuộc đấu tranh của chúng ta, của toàn thể nhân dân Việt Nam hướng đến kiến tạo một cuộc sống mới đang được thể hiện ngày một rõ ràng. Những cuộc biểu tình-xuống đường của nhân dân trong những ngày tháng 6 năm 2018 oi bức vừa qua đã thể hiện rất rõ điều này. Tuy vậy, để cho cuộc đấu tranh không ngừng lớn lên đủ sức biến thành ngọn lửa thiêu rụi tất cả những gì cũ nát, dối trá, đớn hèn, trờ thành bàn tay có sức mạnh lớn lao có thể kiến tạo cuộc sống mới, rất cần phải nhận thức, làm rõ hơn mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của nó. Nói cách khác đơn giản hơn, chúng ta, toàn thể nhân dân cần phải biết rốt cuộc chúng ta được gì và mất gì trong cuộc đấu tranh mang nội dung và ý nghĩa hết sức lớn lao, chưa từng có, liên quan đến tiền đồ, vận mệnh của mỗi con người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam lúc này.

1. Tự do – Sáng tạo – Phát triển

Có lẽ chẳng cần phải chứng minh thì mọi người cũng thấy rõ rằng con người, nhân loại sẽ không thể tồn tại, nếu không có Tiến bộ-Phát triển. Nhưng không thể có tiến bộ-phát triển nếu không có Sáng tạo và không thể sáng tạo nếu không có Tự do. Một nhà triết học Ấn Độ trong thế kỷ XX, Osho (trong cuốn sách Sáng tạo. Bừng cháy sức mạnh bên trong), đã xem sáng tạo như một thứ “hương thơm của tự do”. Tự do chính là ngọn nguồn, động lực cơ bản của Sáng tạo, nhờ có những sáng tạo không ngừng mà con người đã có một lịch sử hàng ngàn năm nay, đó là sự tiến bộ-phát triển không ngừng. Mặc dù, ở mọi nơi, lúc này hay lúc khác, con người vẫn còn là kẻ thù của chính mình với những tội lỗi, cái ác, thậm chí khủng khiếp hơn, nhưng không thể phủ nhận một sự thực là con người ngày một văn minh hơn, con người hơn, yêu mình và yêu người hơn, có trách nhiệm với chính mình và đồng loại nhiều hơn. Tất cả những điều này đều gắn với Tự do và Sáng tạo. Tự do chính là giá trị cơ bản, phổ quát nhất của con người. 

Vậy cần hiểu như thế nào là Tự do và Sáng tạo? Trước hết nói về Sáng tạo. Cần phải hiểu Sáng tạo không phải là làm ra những cái gì hoàn toàn khác, mới so với tự nhiên, so với những gì đã và đang có. Có thể hiểu một cách vắn tắt, Sáng tạo có nghĩa là có khả năng, năng lực kết nối những gì còn dưới dạng khả năng để làm cho chúng trở thành hiện thực, tức là tạo ra những tư tưởng, quan niệm và những sự vật mới. Như thế, Sáng tạo luôn dựa trên, căn cứ vào những gì đã có, vấn đề là ở chỗ tìm ra, khám phá ra những khả năng của chúng để kết nối chúng thành cái mới, tức là biến chúng thành hiện thực. Nhưng để có thể sáng tạo, con người phải Tự do, phải có Tự do. Tự do là việc con người tự mình ý thức, lựa chọn, quyết định những hành động, việc làm hoặc bày tỏ thái độ, tình cảm của mình, không ý thức, lựa chọn, quyết định việc làm hoặc bày tỏ thái độ, tình cảm theo sự thúc đẩy, yêu cầu của người khác hoặc của những điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài. Tự do trước hết phải dựa trên việc tự ý thức, nhận thức được (những gì là đúng-sai, tốt-xấu), sau đó mới có thể tự lựa chọn và tự quyết định. Sự tự mình này liên quan, dựa trên những đòi hỏi, thúc đẩy bên trong (nội tâm), đặc biệt là lương tâm: tôi tự biết, tự thấy điều tôi làm là đúng, là tốt, nên tôi phải làm và do đó, tôi không thấy hổ thẹn, ân hận, trái lại thấy tự tin, yên tâm, tự hào, thanh thản, thậm chí rất tự hào, thanh thản với điều tôi làm. Tự do của con người tồn tại dưới nhiều hình thức, nhiều mặt: tự do thân thể, tự do đi lại, tự do hành động, hoạt động, tự do đạo đức, tự do bày tỏ ý kiến, tự do biểu tình, hội họp, tự do tư tưởng v.v.. 

Vậy, trong những hình thức, những yếu tố khác nhau ấy của tự do, thì tự do nào có ý nghĩa nhất đối với Sáng tạo? Đó là tự do tư tưởng, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, nhận thức của mình, gọi chung là tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng là một biểu hiện quan trọng chứng tỏ rằng con người đã tự thấy mình tồn tại với tư cách con người, với tư cách một cá nhân, một nhân cách và vì thế nó thấy mình bình đẳng với cá nhân khác, nó thấy ra trách nhiệm của mình trong quan hệ với các cá nhân khác và xã hội. Tự do tư tưởng là tự do đầu tiên của con người, là tự do đầu tiên chứng tỏ sự trưởng thành của con người về văn hóa. Nhưng cái quan trọng của tự do tư tưởng trước hết là ở chỗ nó đòi hỏi con người phải tự mình tôn trọng sự thật, chân lý, vì chỉ có như thế mới có thể tạo ra tiền đề, thúc đẩy sáng tạo. Vì sáng tạo phải dựa trên những hiểu biết mang tính chân lý, tức là những hiểu biết đúng, không thể sáng tạo nếu không có những hiểu biết đúng. Hiểu biết đúng là hiểu được, nắm được sự thật, là những hiểu biết được xem là chân lý. Mọi con người dù ở bất cứ lĩnh vực hoạt động nào, nếu không có tự do tư tưởng thì họ sẽ không thể tiếp cận, nắm bắt sự thật, chân lý và do đó không thể nói đến sáng tạo, chứ chưa nói gì đến việc hình thành khả năng sáng tạo trong thực tế. Nếu không có tự do tư tưởng người ta sẽ rơi vào sự ngộ nhận, chủ quan trong nắm bắt sự thật, chân lý, có thể xuyên tạc, bóp méo hoặc bị xuyên tạc, bị bópchân lý, sự thật, nhất là khi người ta bị áp đặt tư tưởng, hay bị tước đoạt tự do tư tưởng. Tất nhiên, chúng ta hiểu tự do tư tưởng là tôn trọng sự thật, chân lý không mang tính tuyệt đối, cái quan trọng ở đây là mọi phát biểu, bày tỏ, nhận thức hay ý thức nói chung của chúng ta là nhằm đến sự thật, chân lý. Như vậy, có thể thấy tự do tư tưởng là tiền đề, cơ sở cho mọi tự do của con người. 

2. Mục tiêu cơ bản, lâu dài của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam hiện nay là xác lập Quyền Tự do

Có thể nói một cách tổng quát, mục tiêu của cuộc đấu tranh của nhân dân ta lúc này là giành lấy-xác lập quyền làm người của mình. Nhưng từ đây cần phải thấy rõ trong những quyền làm người ấy cái quyền nào là cơ bản, mang nội dung, ý nghĩa làm cơ sở hay quyết định những quyền khác. Và khi xác định được cái quyền cơ bản nhất ấy, có thể xem đấy là mục tiêu cơ bản, cuối cùng của toàn bộ cuộc đấu tranh. Từ quan niệm về nội dung, ý nghĩa của Tự do như đã thấy, cho phép ta khẳng định Quyền Tự do, trong đó là trước hết là Quyền Tự do tư tưởng, là quyền cơ bản nhất của con người. Quyền tự do, trước hết quyền tự do tư tưởng chính là tiền đề, là cơ sở của mọi quyền con người. 

Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần hiểu thế nào là Quyền Tự do để phân biệt với Tự do. Chúng ta hiểu quyền tự do được nói đến ở đây là quyền pháp lý, tức là khi tự do được đảm bảo bằng luật, hệ thống luật của một chế độ nhà nước nhất định. Trong đời sống hàng ngày con người có thể tự do suy nghĩ, tình cảm, đi lại hoặc làm việc này, việc kia. Nhưng muốn cho những tự do ấy trở thành, mang nội dung, ý nghĩa của quyền (có quyền hoặc không có quyền tự do) thì chúng phải được đảm bảo bằng các điều luật hay những quy tắc, quy định nào đó giữa người ta với nhau. Nhưng những điều luật hay những quy định này chỉ mang tính chất hay ý nghĩa pháp lý khi chúng được ban bố bởi một thể chế nhà nước nhất định. Cho đến nay, trên thực tế quyền tự do (cũng như rất nhiều quyền khác của con người) với tư cách là một quyền pháp lý, nói chung chỉ được xác lập trong thể chế dân chủ với tư cách một chế độ chính trị xã hội. Khi nhân dân tự do đấu tranh vì mục tiêu là giành quyền tự do (và những quyền khác) thì có nghĩa là họ “chỉ mới có” tự do trong đấu tranh, là thứ tự do mà họ phải tự thiết lập cho mình, còn tự do trong các sinh hoạt và hoạt động khác cùng với những quyền lợi, giá trị khác, có thể là những cái hoặc họ chưa có, hoặc bị tước đoạt. Vì thế, cuộc đấu tranh của họ là tạo ra những cái mà mình cần, là giành lấy những gì đã bị tước đoạt. Nhưng muốn giữ được, thực hiện những cái được tạo ra ấy, những cái giành được ấy, người ta phải làm cho chúng được đảm bảo bằng hệ thống pháp luật của nhà nước, tức là làm cho chúng trở thành các quyền, căn cứ vào đó người dân có thể (có quyền) rèn dưỡng, sử dụng, thực hiện đối với tự do của mình. Vì vậy, việc giành lấy và xác lập quyền làm người, nhất là quyền tự do, trong đó trước hết là quyền tự do tư tưởng, là mục tiêu cơ bản, cuối cùng của nhân dân. Đây là mục tiêu, những mục tiêu sẽ dẫn đường cho cuộc đấu tranh mới, lớn lao, bền bỉ, kiên cường, ngày càng mạnh mẽ nhằm đi đến thắng lợi cuối cùng của con người, của nhân dân Việt Nam. 

3. Tự do đấu tranh xóa bỏ chế độ độc tài-toàn trị, tức Chế độ Đảng “cộng sản” trị để xây dựng Chế độ Dân chủ

Mục tiêu giành và xác lập quyền tự do, trước hết là quyền tự do tư tưởng nói trên sẽ chỉ là lý thuyết hoặc sự tưởng tượng, nếu như không tiến hành một cuộc đấu tranh kiên cường để đạt được mục tiêu ấy, cuộc đấu tranh với hai nội dung hay hai nhiệm vụ cơ bản liên quan mật thiết với nhau, đó là đấu tranh xóa bỏ chế độ độc tài-toàn trị, Chế độ Đảng “cộng sản” trị để xây dựng Chế độ Dân chủ. 

Trước đây cuộc đấu tranh chống thực dân-đế quốc và phong kiến của nhân dân Việt Nam được định hướng là nhằm đến mục tiêu cuối cùng, lâu dài là xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, là hướng đến những xã hội được coi là thiên đường hạnh phúc của mọi con người. Con đường hay phương thức thực hiện được vạch ra là trước hết phải tiến hành cách mạng vô sản xóa bỏ chính quyền thực dân-phong kiến để thiết lập nền chuyên chính vô sản – chính quyền của công nông làm điều kiện cho xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng cả mục tiêu và phương thức tiến hành cuộc đấu tranh như đã nói, là dựa trên một lý thuyết, tức học thuyết Marx-Lenin, khiếm khuyết, sai lầm từ căn bản, từ nguyên lý của nó. Vì vậy, mục tiêu của cuộc đấu tranh được vạch ra là lệch lạc, thậm chí là không có thực, là hư ảo, còn phương thức tiến hành cuộc đấu tranh mang tính chất áp đặt-bạo lực, trong đó có cả sự “tuyên truyền dối trá”. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới trên thực tế đã sụp đổ không thể cứu vãn. Các nước xã hội chủ nghĩa trước đây ở châu Âu đã chuyển sang kiến tạo thể chế chính trị dân chủ, hội nhập với thế giới văn minh nhằm đem lại-thực hiện những quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền Tự do. Tiếc thay, trong bối cảnh ấy ở Việt Nam dưới sự cầm quyền của Đảng “cộng sản” các “ní nuận gia” của Đảng vẫn khẳng định con đường của “chúng ta”, của “nhân dân Việt Nam” là đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, mặc dù không biết “đến cuối thế kỷ XXI này thiên đường xã hội chủ nghĩa đã có ở Việt Nam hay chưa”. Nhưng đừng có tin các “ní nuận gia” ấy mà hãy nhìn vào thực tế. 

Thứ nhất, các “ní nuận gia” cùng với những kẻ ăn theo họ chỉ là những kẻ bưng bô cho Đảng “cộng sản”, cho chế độ mà Đảng “cộng sản” đang đứng trên đầu nhân dân. Nhìn chung, bọn họ như những kẻ KHÔNG ĐẦU, chỉ có những cái LƯỠI dài ngắn khác nhau gắn vào những cái LOA với khả năng phát ra các âm thanh với những tần xuất khác nhau. Nói một cách văn minh: họ không có tự do hiểu theo nghĩa họ “tự nguyện” làm nô lệ cho Đảng “cộng sản”, cho chế độ để kiếm miếng ăn, để “vinh thân phì gia”, chứ không phải Đảng tước quyền tự do của họ, vì họ có tự do đâu mà tước! Thứ hai, “cộng sản” nhất là “cộng sản” có quyền chức trên thực tế là những tên “tư bản đỏ” (Red Capitalist…) [bọn này ở Trung Quốc được gọi là “tư bản thân hữu” (Crony Capitalist)], nói chung đó là tư bản hình thành từ hệ thống quyền lực, hay cũng có thể gọi là “tư bản con ông cháu cha”. “Tư bản đỏ” hay “tư bản thân hữu” là những loại tư bản được sản sinh ra một cách không bình thường, không tự nhiên. Đó là những kẻ lợi dụng quyền lực do chiếm được-cướp được từ cuộc “cách mạng vô sản” hoặc “cách mạng giải phóng dân tộc” dưới sự lãnh đạo của Đảng “cộng sản”, để chiếm đoạt-ăn cướp tài sản của nhân dân-đất nước cho thỏa lòng tham vô độ của chúng, chứ không phải tư bản hình thành từ, bằng con đường tự mình tích lũy dựa trên lao động, tổ chức lao động, giao thương v.v.. Đây là loại tư bản không có tính người, ngoài việc vục mặt vào những “giá trị” vật chất-kinh tế ra, bọn chúng không còn biết đến những giá trị nào khác nữa, nếu có cũng chỉ là giả tạo, hình thức hoặc vô cùng hẹp hòi. Chúng hoàn toàn, hay về cơ bản, không biết gì về Tự do – một giá trị lớn lao, phổ biến của con người, của nhân loại. Vì thế, nền kinh tế ở Việt Nam cho đến nay vẫn không được thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường, vì nó thiếu một yếu tố rất cơ bản là Tự do. Cựu Tổng thống Mỹ B. Obama từng nói: “Prosperity without freedom is a form of poverty” (Sự thịnh vượng mà không có tự do thì cũng chỉ là một hình thức của sự khốn cùng). Thứ ba, do đó trong toàn bộ hệ thống từ việc học tập của trẻ em, thanh thiếu niên trong các nhà trường, đến các lĩnh vực hoạt động-lao động khác nhau, cho đến mọi ngõ ngách của đời sống, hay nói chung, toàn thể nhân dân, đất nước bị áp đặt về tư tưởng và giá trị bởi một nhóm người, một tổ chức, thậm chí một cá nhân bất kỳ. Thật tàn bạo, ác độc khi chế độ còn xua công an ra tay bắt bớ, đàn áp dã man những người biểu tình, ngay cả khi họ đứng lên phản đối Trung Cộng xâm lược, phản đối nhà máy Formosa xả thải chất độc làm “biển chết” và quy kết họ vào những tội mà họ không hề có để rồi phạt tù họ rất nặng, thậm chí có những người bị chết ngay khi mới bị tạm giam với những giải thích đáng ngờ của chế độ về nguyên nhân. Không những thế, người ta-công an còn tự cho mình cái quyền đột nhập nhà riêng bất cứ khi nào cần để theo dõi, ăn cắp thông tin, dữ liệu, thậm chí còn trơ trẽn “tín hiệu” lại là đã nắm được những thông tin, dữ liệu ấy, liều lĩnh-lì lợm đem sự dã man vào thế giới văn minh khi cả gan sang bắt cóc người ở nước khác, bất chấp hậu quả để lại cho đất nước, nhân dân v.v.. 

Có thể thấy, tính chất độc tài-toàn trị thực sự choán ngợp mọi sinh hoạt xã hội, nhất là đời sống tinh thần, khiến cho người dân khi chợt nhận ra mình đang bị chặn đứng các khao khát về những giá trị con người, đã phải thốt lên ngao ngán, mỉa mai, thậm chí trong đó có cả sự bất lực, rằng “đất nước mình ngộ quá…”. Nhưng mỉa mai thay, khi chính những tên tư bản này, những kẻ đại diện cho chúng về quyền lực, phát ngôn cho chúng về tư tưởng, vẫn tự cho mình là những người “cộng sản” lãnh sứ mệnh dẫn đường cho nhân dân, đất nước, dân tộc ở nơi mình được sinh ra, tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, tức là tiến đến những cái xã hội mà ở đó chính chúng sẽ bị tiêu diệt! Khốn thay, cái thể chế mang tên “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam được thao túng bởi Đảng “cộng sản” ở Việt Nam, được gọi là chế độ Đảng “cộng sản” trị, đang bảo vệ-bảo kê chúng vì được chúng dung dưỡng, nuôi nấng. Đây là một hình thức khác-mới của chế độ độc tài, một chế độ toàn trị, một chế độ “quân chủ” trong đó vua là “kẻ giấu mặt” hoặc là “vua ảo” (không phải “vua tập thể”), một chế độ hoàn toàn lỗi thời mà đứng đầu là những kẻ vừa ngu dốt, vừa tham lam, hèn hạ và dối trá (trí trá, biến báo). Vậy, nhân dân Việt Nam hãy tự hỏi mình đã được gì trong chế độ này? Không, trong chế độ Đảng “cộng sản” trị này người dân đã và đang mất, mất rất nhiều. Những tiếng hô, những tiếng hát vang lên trong các cuộc biểu tình của hàng vạn người hôm 10 tháng 6: “Trả lại đây, trả lại cho dân tôi: quyền tự do, quyền con người, quyền phúc quyết...”, đã nói lên tất cả. Một cách tóm quát, nhân dân không có, đúng hơn đã mất quyền làm người, đó là cái mất lớn lao, căn bản nhất. Vậy, khi quyền làm người của người dân đã mất thì làm sao dân có thể giàu, nước có thể mạnh, làm sao có xã hội công bằng, dân chủ và văn minh! Không chỉ có thế, trong chế độ độc tài - Đảng “cộng sản” trị hiện nay nguy cơ mất nước đã hiển hiện hết sức rõ ràng. Trung Cộng đang âm mưu xâm chiếm và trên thực tế đang xâm chiếm Việt Nam bằng “phương thức xâm lược mềm”, bằng “sức mạnh mềm”, bằng một cuộc chiến không có tiếng súng, cuộc chiến “kinh tế-pháp lý” cụ thể là thông qua các đầu tư để chiếm đất, chiếm những vị trí then chốt và chiến lược về kinh tế-quốc phòng và được “đảm bảo” về mặt pháp lý (như yêu cầu ban hành “luật đặc khu” chẳng hạn) và bằng cả sự mua chuộc, đe dọa, sự độc ác ngấm ngầm hoặc công khai. Vào lúc này mà không thấy rõ âm mưu và tiến trình xâm lược như đã nói của Trung Cộng thì hoặc là quá ngu muội, hoặc đã và đang trực tiếp hoặc gián tiếp, công khai hoặc giấu mặt tiếp tay cho kẻ xâm lược. Cần hiểu rằng một khi nước đã mất thì sẽ mất tất cả! 

Như thế, cái thứ nhà nước vốn sinh ra từ xã hội, nhân dân, nhưng lại trở thành vật đứng trên, đối lập với nhân dân, “ngày càng xa lạ với nhân dân”, một chế độ được sản sinh ra một cách trái mùa, trái thời, đã hết sức lỗi thời, không bao giờ là của nhân dân nữa, chỉ tồn tại bằng sự dối trá, đã và đang tước đi những quyền cơ bản của nhân dân, chế độ độc tài-toàn trị ấy phải bị xóa bỏ. Con đường của chúng ta, của toàn thể nhân dân Việt Nam hiện giờ là rất rõ ràng: phế truất, xóa bỏ chế độ độc tài-toàn trị, chế độ Đảng “cộng sản” trị, để xây dựng Chế độ Dân chủ. Chỉ có Chế Dân chủ là lựa chọn tối ưu, duy nhất của nhân dân. Một chính trị gia từng nói, đại ý: nền dân chủ cũng chẳng hoàn hảo, nhưng cũng chẳng có thể chế nào hơn nó. Chế độ dân chủ, như đúng tên gọi của nó, là chế độ thực sự của dân, do dân và vì dân. Với chế độ này nhân dân sẽ xác lập quyền tự do, trước hết là quyền tự do tư tưởng làm cơ sở cho mọi quyền con người của mình. Trong thể chế dân chủ nhân dân sẽ tự thiết lập hệ thống luật pháp của mình và sẽ sống, hoạt động theo nền luật pháp ấy, vì thế được tự do, có quyền tự do thực sự. 

Trong cuộc đấu tranh này nhân dân cũng cần đến một yếu tố quan trọng là Tự do – Tự do đấu tranh. Bởi vì, chúng ta không thể cậy nhờ, không thể chờ đợi ai đó đem cho chúng ta cái quyền đứng lên đấu tranh. Chỉ có tự do đấu tranh chúng ta mới có đủ tự tin vào chính mình, mới có thể tự mình tạo nên sức mạnh, nghị lực, tinh thần quyết tâm để giành thắng lợi cuối cùng. Bởi vì tự do đấu tranh là nhằm đến những mục tiêu do chính chúng ta đề ra, để giành lấy quyền lợi của chính chúng ta chứ không phải cho ai khác. Cái được của chúng ta, của nhân dân trong cuộc đấu tranh này thật lớn lao, đó là quyền làm người, quyền tự do, trước hết là quyền tự do tư tưởng. Hơn ai hết, chúng ta, nhân dân hãy vượt lên những đòi hỏi về những quyền lợi vật chất-kinh tế và những quyền lợi trực tiếp khác trong cuộc đấu tranh này, hướng đến mục tiêu lớn lao, căn bản là đòi quyền tự do, vì điều đó biểu hiện sự trưởng thành của chúng ta, của con người Việt Nam. Vì chính điều đó xây dựng niềm tin, sự bền bỉ, kiên cường và sức mạnh thật sự của nhân dân. Còn cái mất của nhân dân, cái mất chẳng có gì phải tiếc nuối, ân hận, đó là mất đi xiềng xích là chế độ độc tài-toàn trị lâu nay đã giam hãm nhân dân trong vòng nô lệ khốn cùng, là mất đi cái thể chế đã tước đoạt của nhân dân quyền làm người. Trong cái được, cái mất ấy chúng ta chia sẻ với những người “có công” với chế độ cũ, những đảng viên cộng sản. Đối với họ, có thể có những đau đớn, xót xa, thậm chí có cả sự uất hận, khủng hoảng, nhưng các “đồng chí” cần hiểu rằng chẳng có cuộc mổ xẻ-phủ định nào mà không mất mát, đớn đau. Rồi sẽ có một ngày, những ngày các “đồng chí” sẽ nhìn lại, nhận ra và thấy rùng mình trước những sự ngộ nhận, dối trá mà mình đã rơi vào, đã từng chịu đựng, thậm chí còn tìm cách biện minh, bảo vệ chúng. Đó là khi những quyền cơ bản của con người, quyền làm người, nhất là Quyền Tự do của con người được xác lập, do đó, là khi cả dân tộc sẽ hòa hợp lại, không còn hận thù, không còn những giới tuyến-chiến tuyến ngăn cách tình cảm và tư tưởng, là khi cả dân tộc được trở về, được sống trong một mái nhà chung và ngẩng đầu đi lên hội nhập với sự tiến bộ, phát triển - văn minh chung của loài người, lúc đó mọi đau đớn, khủng hoảng sẽ qua đi, những vết thương lòng sẽ lành lại. 

Hiện giờ những kẻ độc tài-toàn trị ngu xuẩn và tàn bạo nghĩ đơn giản rằng chỉ cần giam cầm, thậm chí tiêu diệt được thân xác những người đấu tranh cho lẽ phải, tìm cách ngăn chặn những phương thức, phương tiện hùng mạnh-văn minh của loài người vốn được sinh ra từ nhu cầu tự do tư tưởng, là tiêu diệt được tư tưởng của nhân dân . Họ đã nhầm, họ ngây thơ và ngu xuẩn hơn cả những hiệp sĩ “chiến đấu” với những chiếc cối xay gió trong thời đại phong kiến, họ cần phải biết rằng chỉ có thể tiêu diệt được tư tưởng khi giết hết nhân dân và đó là điều không thể và là điên rồ ngay trong ý nghĩ. Bởi vì, tư tưởng, tư tưởng tự do sống trong nhân dân và sống trong những tiến bộ không ngừng của nền văn minh con người. 

Ngày 1 tháng 7 năm 2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo