* Đăng ở báo chống Bolshevik tiếng Nga Svobodnyia Mysli (Tư tưởng tự do) ở Paris số ra ngày 15 tháng Mười Một, 1920. Tác giả của tiểu phẩm này là nhà văn châm biếm người Nga lớn nhất. Ông đào thoát khỏi nước Nga Xô-viết và hiện đang ở Paris.
Phải chăng nó chẳng thay đổi gì nhiều cho dù đấy là tương lai, hiện tại, hay quá khứ? Trong cơn giông tố của bao cuộc cách mạng điên cuồng của mình, Bánh xe của Quỷ hòa tan tất cả thời gian thành một khoảnh khắc: tương lai tức thì trở thành hiện tại, còn hiện tại biến mất vào trong đống đổ nát hoang tàn có tên là quá khứ.
Khi tôi nghĩ về điều này, tôi cố gắng mơ tưởng chúng ta đã chiếm Petrograd. Tưởng đến điều này thì máu trong người tôi sôi sục trong niềm vui sướng điên cuồng và những làn sóng hân hoan ấy bắt đầu tràn ngập tâm can khô héo của tôi.
Chúng ta đang có mặt ở Petrograd!
Thế rồi hèn nhát thay tôi lại đâm ra rất hoảng sợ. Người tôi trở nên tái mét, và tự dưng như một kẻ tội lỗi hèn nhát tôi bắt đầu cầu nguyện:
"Hoãn ngay tất cả chuyện này lại! Tôi e rằng chuyện này phải hoãn lại rất lâu!"
Nói chung, tôi gan dạ. Nói chung, tất cả chúng ta đã trở nên chai lì và dữ tợn; chúng ta sẵn sàng tay không đánh lại súng máy. Nhưng...
Tôi sợ Petrograd.
Hai ý nghĩ xung đột trong lòng tôi, giống như hai con rồng cuồng nộ:
"Sung sướng biết bao! Chúng ta sẽ chiếm Petrograd!"
"Tôi sợ. Không chiếm Petrograd!"
"Anh sợ gì chứ? Petrograd là mục đích thiết tha nhất của chúng ta, ao ước mãnh liệt nhất của chúng ta. Anh sợ gì chứ?"
"Tôi sợ đến khi chúng ta sẽ chiếm được Petrograd thì đã quá muộn cho những người hiện đang ở đấy."
Đây là điều tôi sợ-biết đâu có cái cảnh như sau:
Ở ngoại ô Petrograd, Hồng quân tháo lui vẫn bắn vào quân đội Nga, nhưng trung tâm thành phố đã hoàn toàn tự do. Một người mặc áo quần thường dân, không thể nào đè nén niềm hạnh phúc trong lòng, đã tách ra khỏi phân đội đang tiến tới và chạy vào một con đường nhỏ trong thành phố đang hấp hối. Ở cuối đường anh thấy người ta xếp hàng nhận bánh mì.
Độ bảy mươi người cả nam lẫn nữ đứng xếp hàng trước cánh cửa có treo bảng, "Xuất trình thẻ lao động để nhận bánh mì".
Giống như bom nổ giữa đồng lầy, người thanh niên chiến thắng này lao vào đám đông.
"Các đồng chí. Không, quỷ tha ma bắt bọn đồng chí ấy đi! Các bạn ơi, anh chị em ơi, mọi người được tự do rồi. Cộng sản ghê tởm không còn nữa. Từ giờ trở đi mỗi người chúng ta là công dân tự do của nước Nga hùng cường."
"Hắn nói gì thế?" một ông già giọng run sợ quay sang cô gái có sắc mặt xanh xao hỏi. "Chuyện gì xảy ra với hắn vậy?"
"Ông ta nói chúng ta được tự do, cộng sản sụp đổ rồi."
Ông già mấp máy môi một lát rồi gật đầu:
"Có lẽ như thế cũng tốt. Có lẽ thôi. Như thế có nghĩa là họ sẽ cho con trai tôi ra khỏi Uỷ ban Đặc biệt nếu con tôi còn sống."
Một phụ nữ gãi hông và hỏi, "thế còn ngày mốt thì sao? Họ đã hứa cho chúng tôi xà phòng và muối. Như vậy có nghĩa chúng tôi sẽ không nhận được gì. Như thế là không được."
"Còn xà phòng gì ở đây? Muối gì ở đây?" người thanh niên say mê hừng hực như bó đuốc. "Từ bây giờ trở đi mọi người sẽ sống như con người. Mọi thứ ta cần, ta có thể mua tự do, bao nhiêu cũng có."
"Nghe thì hay lắm," ông già thờ ơ nói, rồi bắt đầu nhìn chăm chú cái gáy của người đàn ông đứng ngay trước mặt.
Rồi dòng người xếp hàng trở lại thái độ chờ đợi bình thản.
"Các bạn ơi, anh chị em ơi!" người thanh niên la to và vội vàng chạy từ người này đến người khác, nắm lấy bàn tay họ và lúc lắc cánh tay họ giống như những tay vặn của những chiếc máy bơm nước đã hỏng. "Tại sao mọi người còn đứng ở đây? Hãy chạy về nhà và la to, hoan hô!"
"Hoan hô," một người đàn ông trong hàng nói vọng ra yếu ớt, khi ông bước từ chân này sang chân kia.
"Mày là thằng láu cá nhé," ông già vừa nói vừa nhìn đăm đăm người thanh niên chiến thắng này với vẻ mặt giận dữ và sợ hãi.
"Mày muốn tao chạy về nhà để mày chiếm chỗ của tao ở trong hàng."
"Ông điên chắc, hay có chuyện gì xảy ra với ông vậy? Tại sao tôi cần quái gì cái nhúm bột mà ông gọi là bánh mì ấy? Tôi chẳng nói với ông bằng tiếng Nga dễ hiểu là Petrograd hiện ở trong tay quân đội Nga sao?"
"Vậy họ sẽ cho loại hai bao nhiêu bánh mì?" một người thợ có vẻ mặt màu vàng và mệt mỏi hỏi.
"Sẽ không còn bất kỳ loại gì nữa. Ông cần bao nhiêu thì có bấy nhiêu".
"Hắn nói láo đấy," người may mắn đứng đầu tiên trong hàng, gần nhất với cánh cửa mà bao nhiêu người ao ước, nói.
"Đúng thôi, làm gì lại có chuyện không có phân loại ở đây?"
"Tại sao mày không đi lo chuyện của mày đi, gã trai trẻ kia?" Lão già nói, "Lợi lộc gì mà cứ la cà ở đây như thế này. Hay mày muốn vào xếp hàng, thì chỗ của mày ở đằng sau kia kìa; chẳng ai giành đâu."
"Nhưng chả lẽ ông không hiểu: ông bây giờ là người tự do?" người thanh niên nói tiếp. "Thử nghĩ xem, ông muốn đi đâu tùy ý mà chẳng cần bất kỳ 'sổ lao động'. hay giấy phép, hay ủy ban đặc biệt nào cả. Chỉ lên xe lửa đi đến Odessa, hay Sebastopol, hay Kursk, đến bất kỳ nơi nào ông muốn."
"Nhưng còn tôi đến đấy để làm gì chứ?" người phụ nữ đứng gãi hông cười nhạo. "Nhưng nếu anh giúp tôi xin được mấy cái đế giày cho giày tôi ở đằng ủy ban mậu dịch, thì tôi biết ơn anh vô cùng. À, có lẽ, xin thêm ít dầu để thắp đèn..."
Người thanh niên thử đủ mọi cách anh biết để khích lệ đám đông ấy, nhưng dòng người xếp hàng, cứ kéo dài ra như con rắn màu xám dài, chậm chạp và buồn ngủ vì đói, vẫn trơ trơ, vẫn kiên nhẫn chờ đợi những lát bánh mỳ; chỉ người đứng ở đầu hàng thỉnh thoảng rụt rè gõ nhẹ vào cửa, còn ở cuối hàng dòng người càng lúc càng dài thêm.
Người thanh niên, sau khi cố gắng hết mình cuối cùng đã trở nên chán nản, bật khóc rồi bỏ đi.
Trời đã tối. Từ đằng xa vọng đến tiếng chân của đoàn quân đi, và nghe tiếng súng nổ. Dòng người xếp hàng trở nên hơi lo âu.
"Tại sao họ đánh nhau?"
"Hãy cứ lắng nghe tiếng súng bắn nhau đi."
"Họ nói quân Bạch vệ đã vào thành phố."
"Chắc anh muốn nói đến Kolchak? Kệ, tôi chỉ hy vọng vào ngày mai họ sẽ phát những gì họ đã hứa trên tem phiếu tháng Mười Một."
Hàng người xao động một lát và rồi mọi thứ trở lại yên ắng.
...
Tất nhiên, chúng ta sẽ chiếm Petrograd.
Nhưng nếu nó sẽ giống như tôi tả thì có đủ khiến cho anh có sợ phát điên lên không chứ?
*
Nguồn: Dịch từ tạp chí Mỹ The Lving Age số ra ngày 15 tháng Một, 1921, trang 146-147.
Người dịch: