Nước mắt, tự do và hoa - Dân Làm Báo

Nước mắt, tự do và hoa

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Họ là những nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền. Họ là những nhà văn nhà thơ đấu tranh cho sự thật và tự do tư tưởng. Đối đầu với họ là đế quốc ác, là quần đảo ngục tù, lưu đày, và cái chết. Sức mạnh duy nhất và mạnh nhất của họ là tinh thần. Họ là những người Nga sống dưới bóng chế độ gần như nghiền nát tất cả mọi người thành nô lệ. Nhưng họ vượt lên đau khổ, tù đày, định mệnh để sống và hành xử như những công dân tự do về tinh thần. Câu chuyện người Việt chúng ta đấu tranh với chế độ cộng sản, xét cho cùng, còn bi tráng hơn rất nhiều. Nhưng câu chuyện của họ cũng khích lệ chúng ta trong cuộc đấu tranh trường kỳ và gian nan hiện nay để giành lại tự do và nhân quyền đã bị chế độ cướp đoạt.

Andrei Amalrik là một trong những nhà hoạt động nhân quyền đầu tiên ở Liên Xô. Ông trở thành biểu tượng của Phong trào Dân chủ từ lâu trước những nhân vật như Andrei Sakharov và Alexander Solzhenitsyn. Sau khi tác phẩm nổi tiếng của ông Liệu Liên Xô có tồn tại đến năm 1984? xuất bản ở Tây Phương vào năm 1970, ông bị bắt, bị kết tội "ăn bám xã hội" vì không có công việc lâu dài, rồi bị kết án ba năm tù ở trại lao động ở Siberia. 

Vào cuối hạn tù, ông được thả ra nhưng rồi lại ra tòa tiếp về "tội nói xấu chế độ Xô viết." Ở phiên tòa thứ hai này ông từ chối tham gia vào thủ tục tố tụng của tòa án và ông không nhận tội trong bản tuyên bố ghi rằng: "Tôi nghĩ vấn đề đúng sai của những quan điểm được diễn đạt công khai chỉ có thể được khẳng định qua cuộc thảo luận tự do và công khai, không phải qua cuộc điều tra của tư pháp. Không có tòa án hình sự nào có quyền đạo đức để xét xử bất kỳ ai về những quan điểm họ diễn đạt. Kết án tư tưởng hình phạt hình sự, dù tư tưởng ấy đúng hay sai, theo tôi tự thân việc kết án ấy là tội ác." 

Ông bị kết án thêm ba năm tù nhưng vì lý do sức khỏe và trước sự lên án của Tây Phương, thay vì ở tù ông chỉ bị lưu đày đến một làng xa xôi ở Siberia. Đến năm 1976, KGB ra tối hậu thư cho ông: lưu vong hay tù đày. Ông cùng với vợ tên Gusel chọn lưu vong. Ông kể ngày ông rời Liên Xô như sau: 

"Vào sáng sớm ngày 15 tháng Bảy, 1976, bạn chúng tôi Dick Coombs ở Tòa Đại sứ Mỹ đến đón chúng tôi... Khi tôi nhìn vào mặt những người bạn ra tiễn chúng tôi ở phi trường Sheremetevo, tôi cảm thấy hổ thẹn: tôi bỏ họ đi trong lúc khó khăn... Gusel tựa đầu lên vai tôi ngủ thiếp đi, con mèo Disa lặng lẽ bò vào lòng tôi. Tôi không nghĩ gì lúc máy bay bay qua biên giới. Tất cả những gì tôi có thể thấy qua ô cửa sổ là lớp mây trắng bên dưới. Rồi tôi ngạc nhiên thấy bỗng dưng tôi bắt đầu khóc, mặc dù tôi vẫn im lặng khi nước mắt chảy xuống má. Chúng tôi đã rời xa một đất nước lớn mà cả hai chúng tôi đều vừa thương vừa ghét. Liệu chúng tôi thật sự không bao giờ trở lại quê hương?" 

Ông luôn luôn tâm niệm rằng điều ta làm quan trọng hơn nơi ta ở. Cho nên theo ông phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền có ba tuyến phòng thủ hay tấn công: (1) Những người tiếp tục cuộc đấu tranh ở trong tù hay trại; (2) những người tự do ở trong nhà tù lớn bên ngoài xã hội; (3) những người đã ra đi và đang tiếp tục đấu tranh từ nước ngoài. 

Từ nước ngoài ông vẫn không ngừng đấu tranh cho nhân quyền ở Liên Xô. Ông qua đời lúc mới 42 tuổi trong một vụ tai nạn xe hơi khi ông trên đường đi tham dự hội nghị của những nhà hoạt động nhân quyền Xô viết ở thủ đô Tây Ban Nha vào ngày 12 tháng 11 năm 1980. 

Vào tháng Hai năm 1964 nhà thơ Nga Joseph Brodsky lúc ấy 23 tuổi ra tòa vì tội làm thơ lậu. Sau đây là trích đoạn cuộc đối thoại giữa chánh án và nhà thơ trẻ giữa tòa: 

Chánh án: Bị cáo làm nghề gì? 

Brodsky: Dịch giả và nhà thơ. 

Chánh án: Ai công nhận bị cáo là nhà thơ? Ai ghi danh bị cáo vào hàng ngũ nhà thơ? 

Brodsky: Chẳng có ai cả. Ai ghi danh tôi vào hàng ngũ con người? 

Ông bị kết tội "ăn bám xã hội" và bị kết án 5 năm lao động khổ sai ở vùng Bắc Cực. Ban ngày ông chẻ củi, kéo phân, đập đá. Tối về ông đọc thơ Anh và Mỹ. Trước sự phản đối của các nhà văn ở trong và ngoài nước nhà cầm quyền Liên Xô giảm án ông xuống còn 18 tháng. 

Ra tù ông vẫn sáng tác nhưng tác phẩm của ông chỉ xuất bản ở Tây Phương. Ông không được phép dự hội nghị nhà văn ở nước ngoài. Cuối cùng vào năm 1972 ông bị cơ quan thị thực mời đến và hỏi tại sao ông không nhận lời mời đến Do Thái. Khi ông đáp rằng ông đã không được phép đi Châu Âu vài lần rồi, một viên chức ra lệnh cho ông phải điền đơn để ra đi, nếu không "trong khoảng 10 hay 20 ngày tới cuộc sống ông sẽ trở nên rất khó khăn." 

Brodsky nhớ lại lúc ấy "tôi nhìn qua cửa sổ và hiểu ra mọi thứ. Tôi đã đi tù ba lần và hai lần bị giam trong nhà thương điên... Tôi nói:'Được, đưa tôi tờ đơn.'" 

Ông được cấp thị thực rồi bị giải ra phi trường và bị trục xuất. Ông đi để cha mẹ ở lại. Lúc ông đến phi trường để vĩnh viễn rời xa quê hương, nhân viên hải quan tháo tung chiếc máy đánh chữ xách tay của ông ra "từng con ốc một...,"Brodsky nói. " Về sau ở Vienna, tôi ngồi trong khách sạn ráp nó lại. Đó là cách họ nói lời chia tay." 

Ngay từ lúc nhỏ ông đã ghét chế độ cộng sản. Ông kể "tôi bắt đầu khinh bỉ Lenin ngay khi tôi còn học lớp một, không hẳn vì triết học hay thực tiễn chính trị của ông ta...mà vì ảnh của ông ta ở khắp mọi nơi." 

Ông được trao giải thưởng Nobel văn chương năm ông 47 tuổi. 

Trong một bài thơ Brodsky mơ ước được trở về thành phố St. Petersburg, nơi ông chào đời, "để chết trên Đảo Vasilievsky." Nhưng ông không bao giờ trở lại nơi chốn xưa ngay cả sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ. Ông nói "nếu ta về, ta phải ở lại. Nhưng thời điểm ấy đã qua rồi." 

Ông trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1977 và qua đời ở New York vào năm 1996. 

Trong một bài thơ tiếng Anh ông viết như sau về tự do: 

"Tự do 
Là khi ta quên tên của bạo chúa 
Và nước miếng trong miệng ta ngọt hơn bánh, 
Và mặc dù não ta bị siết rất chặt 
Nhưng không có gì rớt ra từ mắt xanh nhạt của ta." 

Alexander Solzhenitsyn bị KGB giải từ nhà tù lên máy bay để trục xuất ông ra khỏi Liên Xô. Trước khi bị giải đi ra phi trường ông kể "tôi đã nhét khoanh bánh mỳ vào túi áo vét. Biết đâu tôi có thể cần đến khoanh bánh mỳ khác trước khi tôi đến chân trời Tây Phương xa xăm ấy." Từ ấy miếng bánh mỳ của nhà tù Lefortovo theo nhà văn sang Tây Đức. Ông là hành khách duy nhất trên chuyến bay toàn là nhân viên an ninh ngồi quanh ông và theo ông mỗi khi ông đi vệ sinh. Khi ông ra khỏi máy bay ông bất ngờ thấy hàng trăm phóng viên vỗ tay và chụp hình và quay phim ông. Rồi đại diện bộ ngoại giao Tây Đức đến tận cầu thang máy bay chào đón ông. Một phụ nữ bước đến tặng hoa ông. Ông kể tiếp: 

"Tôi được xe cảnh sát đưa ra khỏi phi trường theo ngã đi ra khẩn cấp. Những người đi chung với tôi gợi ý chúng tôi đi đến chỗ nhà văn Böll, và ngay lập tức chúng tôi phóng nhanh trên xa lộ, và nói về cuộc sống mới của tôi mà thực sự đã bắt đầu. 

"Chúng tôi lái xe với tốc độ 75 dặm một giờ thì một chiếc xe cảnh sát khác phóng còn nhanh hơn đuổi kịp chúng tôi và ra lệnh chúng tôi tấp vào bên đường. Một thanh niên tóc đỏ vội vàng xuống xe tặng tôi một bó hoa rất lớn và giải thích rằng đấy là "hoa của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiểu bang Nordrhein-Westfalen. Bộ trưởng tin rằng đây là lần đầu tiên ông được một Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng hoa." 

"...Thật đúng như vây! Bộ trưởng của chúng tôi chỉ có thể tặng tôi cái còng tay thôi. Họ thậm chí không cho phép tôi sống với gia đình tôi." 

20.10.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo