Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh kinh tế Với Trung Quốc. Thỏa hiệp là vô ích - Dân Làm Báo

Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh kinh tế Với Trung Quốc. Thỏa hiệp là vô ích

Chấn Minh (Danlambao) chuyển ngữ - Lời giới thiệu - Stephen K. Bannon là chiến lược gia trưởng của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald J. Trump từ 1/2017 đến 8/2017. Bối cảnh của bài viết được chuyển ngữ này là việc vào ngày 6 tháng Năm 2019, trong khi thương thảo mậu dịch Hoa Kỳ-Trung Quốc đang tiến hành, ông Trump đột ngột đòi đánh thuế quan từ 10% đến 25% trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Đòi hỏi này làm cho chỉ số Dow rơi trên 350 điểm trước khi sàn chứng khoán mở cửa, và 410 điểm trong ngày thứ Hai trước khi đóng xuống 66 điểm âm vào cuối ngày và làm cho thị trường mất giá 0.2%. Các thị trường chứng khoán lớn khác trên thế giới đều xuống dốc trong cùng một ngày: Thượng Hải xuống 5.6%, Hong Kong xuống 2.9%. Vào thứ Ba 7/5/2019, Trung Quốc phản pháo và nói sẽ không nhượng bộ thêm đồng thời chỉ định ông Lưu Hạc (Liu He), phó thủ tướng, bay sang Mỹ vào ngày thứ Năm tới (8/5/2019) để chỉ đạo các thương thảo về phía Trung Quốc. Đa số các nhà bình luận kinh tế hay chính trị tại Hoa Kỳ xem lời tuyên bố đánh thuế quan thêm của Trump như là một biện pháp thương lượng mậu dịch và do đó không có thực chất. Trong các giới kinh tế tài chính Hoa Kỳ, hầu như không có ai kêu gọi Trump tiến lên và kiên định trong việc đánh thêm thuế quan. Trừ Stephen K. Bannon. Xin mời quý độc giả Dân Làm Báo xem xét các lý luận của ông Bannon.

Stephen K. Bannon - Cứng rắn hơn đối với Trung Quốc để đưa các việc làm trong ngành biến chế về lại Hoa Kỳ là ý niệm chỉ đạo đã giúp Tổng Thống Trump tiến lên và thắng phiếu cử tri đoàn vào năm 2016 tại Vành Đai Rỉ Sét (Chú thích của người chuyển ngữ (CTCNCN): tức là các tiểu bang Michigan, Wisconsin, Indiana, Illinois, Ohio, và Pennsylvania, cái nôi của ngành công nghiệp biến chế Hoa Kỳ). Vào ngày hôm nay, mục tiêu của nhóm cán bộ cực đoan triệt để đang cai trị Trung Quốc - Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - là làm cho Trung Quốc trở thành một nước bá quyền thống trị được toàn thế giới. Nhưng mà vào tháng này khi Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn kết thúc các thương thảo mậu dịch đã kéo dài hàng tháng, bất kỳ kết quả gì đạt được sẽ không phải là một thỏa thuận thương mại. Cái gì đó sẽ chỉ là một cuộc đình chiến tạm thời trong trận chiến kinh tế và chiến lược kéo dài nhiều năm với Trung Quốc.

Có sáu “điều cần hiểu” để làm nổi bật lên sự vô ích của việc thỏa hiệp với chế độ (Trung Quốc) này.

Điều cần hiểu thứ nhất là: ĐCSTQ đã tiến hành chiến tranh kinh tế với các nước công nghiệp dân chủ kể từ ngày Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Organization, WTO) vào năm 2001, và bây giờ thì Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa kinh tế và an ninh quốc phòng lớn nhất mà Hoa Kỳ từng đối mặt. 

Trong khuôn khổ các đàm phán mậu dịch đang diễn ra, Trung Quốc phải đồng ý chấm dứt việc cưỡng bách chuyển giao công nghệ; ăn cắp tài sản trí tuệ; xâm nhập các mạng lưới kinh doanh trên mạng internet; thao túng tiền tệ; các rào cản thuế quan và phi thuế quan; và các trợ cấp bất hợp pháp cho các doanh nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, nếu ĐCSTQ chấp nhận và tuân thủ các đòi hỏi của Hoa Kỳ một cách có thể kiểm chứng được, điều này có nghĩa là sẽ có một sự tháo gỡ hợp pháp và theo các quy định của chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc.

Điều cần hiểu thứ nhì là: thỏa ước mậu dịch đang được thương lượng vào tháng này không phải là một thỏa ước giữa hai hệ thống muốn có những quan hệ gần gũi hơn, như những người đang cổ võ cho thỏa ước này tại phố Wall (Wall Street), các tổ chức truyền thông và các đại học đang tranh cãi. Ngược lại, đây là một cuộc đụng độ cơ bản giữa hai hệ thống kinh tế hoàn toàn khác hẳn nhau. 

Kết quả tốt nhất mà Hoa Kỳ có thể có được là một văn bản theo đó Trung Quốc từ bỏ các phương thức làm ăn có tính cách bóc lột, tịch thu và trọng thương đồng thời cung cấp nhiều phương tiện để giám sát và nhanh chóng thực thi thỏa ước.

Kết quả tốt nhất cho ĐCSTQ là làm Hoa Kỳ rút lại các thuế quan bằng cách nộp vô số văn bản chứa đầy những cam kết giả mạo và không thể nào thực thi được cho đến khi nào chính quyền Trump hết giờ, tức là hết nhiệm kỳ, và hy vọng sẽ có một chính phủ khác của đảng Dân Chủ ít chống lại Trung Quốc hơn.

Điều cần hiểu thứ ba là: chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc rất có lợi cho các chủ nhân của nó, tức là các đảng viên của ĐCSTQ. Các doanh nghiệp nhà nước đang trì trệ có được một lợi thế cạnh tranh thông qua các trợ cấp to lớn từ phía nhà nước, và các tiết kiệm chi phí có được qua việc đánh cắp tài sản trí tuệ, công nghệ và các phát minh mới của người nước ngoài. 

Nếu Trung Quốc chấm dứt việc đánh cắp đại quy mô kể trên, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị các doanh nghiệp đang cạnh tranh với chúng tại Đức, Nam Hàn, Nhật Bản và đặc biệt là Hoa Kỳ, vượt qua ngay. 

Sự kiện này giải thích được phần lớn nội tình chính trị Trung Quốc và lúc này. Tổng Thống tập Cận Bình đang đối đầu với một triều đình đang phân chia rất rõ rệt vào hai phe: phe của những nhà cải cách do trưởng đoàn thương lượng mậu dịch Lưu Hạc (Liu He) lãnh đạo và phe của các đàn diều hâu đã trục lợi và lấy được quyền lực từ hiện trạng của Trung Quốc. Ngay trong Trung Quốc, người ta đánh cuộc như trong một hài kịch trên dàn treo cổ và ra giá bên tám cân bên nửa lạng là không biết Lưu Hạc sẽ được ca ngợi như là một Đặng Tiểu Bình mới, hay rốt ráo sẽ là lọt vào một trại tập trung cải tạo Trung Quốc nào đó.

Điều cần hiểu thứ tư: Lợi dụng việc ông Trump rất tự hào - một cách xứng đáng - về thị trường chứng khoán đang lên và đồng thời âu lo sẽ mất Vòng Đai Nông Trại (CTCNCN - tức là các tiểu bang chuyên về canh nông tại vùng Trung Bắc Hoa Kỳ), một số cố vấn của ông ở trong và ngoài Nhà Trắng đang tìm cách đưa ông ta vào một thỏa thuận yếu kém. Tuy nhiên lý luận theo đó nếu không thương lượng được một thỏa thuận sẽ làm cho thị trường chứng khoán tan chảy và nền kinh tế nổ tung từ phía trong là sai lầm.

Thật ra, không có một lý do nào tốt hơn để Trump tiếp tục đánh mạnh về thuế quan ngoài việc nền kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng ở mức 3.2% mỗi năm trong quý thứ nhất của năm này, theo báo cáo mới nhất.

Nếu không có được một thỏa thuận rất tốt, cánh Charles E. Schumer và Bernie Sanders của đảng Dân Chủ sẽ không bao giờ ngừng phê bình tổng thống. Thêm vào đó, các thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-bang Florida) và Ted Cruz (Cộng Hòa-Bang Texas) sẽ xử dụng việc này để đứng về phía phải của Trump về vấn đề Trung Quốc - và sau đó có thể tranh cử chống lại Trump trong bầu cử sơ cấp. Vì những lý do trên, chọn lựa chính trị tốt nhất cho tổng thống Trump không phải là đầu hàng, mà là đánh tăng gấp đôi trên lá bài thuế quan. Chiêu thức này đã rất hiệu quả khi tạo áp lực trên phía Trung Quốc mà không làm tổn thương nền kinh tế Hoa Kỳ. 

Điều cần hiểu thứ năm: Các thỏa thuận dù cứng rắn nhất vẫn cần có giám sát hữu hiệu, và đây là một yêu cầu rất khó đạt được ngay cả với những đối tác dễ tính và có thể không thể nào có được với Trung Quốc. Điều nguy hiểm là tổng thống có thể ký một thỏa thuận xem ra có vẽ hợp lý để rồi vài năm sau phát hiện ra là Hoa kỳ đã bị xí gạt. 

Hoa Kỳ đã thất bại khi giám sát đúng mức việc Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001. Thay vì tiếp cận được một tỷ người tiêu thụ Trung Quốc, Hoa Kỳ đã mất trên 5 triệu việc làm trong ngành biến chế kể từ năm 2000. 

Điều cần hiểu thứ sáu: cả thế giới vào lúc này đang chứng kiến tận mắt việc một nhà nước toàn trị đang quân sự hóa nhanh ra tay nhốt hàng triệu người vào trong các trại lao cải, bức hại các người Uighur, các tín đồ Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo, và do thám, và nô lệ hóa, các người dân trong nước.

Đây là lịch sử trong thời gian thực; và thế giới là một ngôi nhà đã bị chia làm hai: một nửa nô lệ, một nửa tự do. Trump và Tập đang đối mặt để tìm cách làm lệch cán cân về phía này hay phía kia. Phía bên này sẽ mang lại các lợi ích bắt nguồn từ tự do, dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường-tự do. Phía kia sẽ đưa đến một chế độ toàn trị và trọng thương vận hành trong một chủ nghĩa tư bản nhà nước với đặc sắc Trung Quốc.

Cuộc chiến đấu này của Hoa Kỳ là với ĐCSTQ chứ không phải với người dân Trung Quốc. Người dân Trung Quốc là những nạn nhân đầu tiên và liên tục của chế độ man rợ này.

Các vấn đề trung tâm phải đối đầu là những ý đồ của Trung Quốc trên sân khấu thế giới và ý nghĩa của của các tham vọng đó đối với nền thịnh vượng của Hoa Kỳ. Khi nước Mỹ của chúng ta đang ở trong một ngã tư, hơn bao giờ hết điều quan trọng nhất là Trump phải hành động theo bản năng của mình và không làm dịu lập trường khi đối đầu với một nguy cơ sinh tử lớn nhất và chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

(Bình luận trên nhật Báo The Washington Post)


May 7, 2019

Chấn Minh chuyển ngữ


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo