Bùi Văn Phú (danlambao) - Vụ việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang được truyền thông trong nước thổi lên mây để lừa dân qua mấy trò trích dịch “báo chí nước ngoài” mà tác giả Nguyễn Tôn Hiệt [tienve.org 13.01.2011] đã khám phá ra và đang làm trò cười cho những ai có hiểu biết về lãnh đạo Việt Nam.
Con gái của ông Dũng học ở Âu châu, hiện cùng chồng là một Việt kiều Mỹ từng học Đại học Harvard, đang nắm giữ chức vụ chủ chốt trong các công ti đầu tư mà lại để cho truyền thông lăng xê ông bố mình như thế thì thật là điều chẳng vinh dự gì, trái lại còn làm hổ thẹn cho gia đình, cho đất nước.
Cách đây khoảng hai thập niên, có một Việt kiều Mỹ vì muốn làm ăn ở Việt Nam đã đề nghị một việc để nâng một lãnh đạo Việt Nam lên, đó là vận động một đại học loại hàm thụ ở Mỹ – nơi ai cũng có thể được cấp bằng tiến sĩ với giá vài trăm đô la – trao bằng tiến sĩ danh dự cho Thủ tướng Đỗ Mười. Rất may ông Đỗ Mười dù ít học nhưng nhờ đám đàn em có chút hiểu biết nên ông đã từ chối nhận.
Nhân đây, gửi đến bạn đọc một bài tôi viết vào tháng 9.2007 cũng về cách Việt Nam cứ tự khen mình để lừa dân.
*
KHÔNG CẦN TỰ KHEN, CẦN ĐỔI HƯỚNG
Bùi Văn Phú
Ở Hoa Kỳ, nhật báo có đông độc giả nhất là tờ Wall Street Journal, WSJ, phát hành năm ngày trong tuần. Đây là tờ báo chuyên về kinh tế tài chánh Hoa Kỳ và toàn cầu.
Liên quan đến Việt Nam, ít khi báo này có tin vì nhiều công ti Mỹ chưa đổ nhiều vốn vào đầu tư. Nhận ra số lượng đông độc giả của WSJ là những nhà tư bản, Việt Nam đã bỏ tiền ra đăng 4 trang quảng cáo, Special Advertising Section, để quảng bá những thành quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đoàn Việt Nam sang dự kì họp thường niên của đại hội đồng Liên hiệp quốc mà Việt Nam sẽ được bầu chọn là quốc gia đại diện vùng, với tư cách hội viên không thường trực hai năm trong hội đồng bảo an, đóng vai trò gìn giữ hoà bình cho thế giới.
Những trang quảng cáo trên WSJ ngày thứ Hai 24.09.2007, từ trang A13 đến A16, đưa lên chủ đề “Vietnam Today” gồm những bài viết của Darrell Delamaide, một phóng viên tự do, không phải của tờ WSJ.
Nội dung các trang quảng cáo như sau:
Trang A13 với hai bài: “Playing a greater role on a global stage” và “Beginning of a new era for Vietnamese Diplomacy”.
Trang A14 với hai bài: “Vietnam enters the satellite age” và “Energy industry supports economy”.
Trang A15 với hai bài: “Sizzling stock market gets much-needed correction” và “Coastline attracts Luxury resort (Halong Bay)”.
Trang A16 có bài: “Contract manufacturing gains momentum”.
Xen trong các trang này là quảng cáo của một đại công ti ở Việt Nam, tập đoàn CT Group Vietnam.
Những bài viết này đưa đến cho độc giả hình ảnh một đất nước đang phát triển với mức tăng trưởng kinh tế bình quân 8% trong thập niên qua và nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong 8 tháng của năm 2007 là hơn 8 tỉ Mỹ kim, nhiều nhất là từ Nam Hàn (24.4%), Singapore (18.7%), British Virgin Island (12.1%) và Đài Loan (8.4%). Hoa Kỳ vẫn còn đứng sau.
Trong lãnh vực sản xuất linh kiện công nghệ thông tin, nhiều công ti cũng đã đổ vốn vào Việt Nam như Intel của Hoa Kỳ và Hon Hai của Đài Loan. Lãnh vực dầu khí, năng lượng, viễn thông và du lịch cũng là những thị trường nhiều tiềm năng phát triển.
Với một sàn chứng khoán non trẻ, VNIndex trong năm qua tăng 144% là quá nóng. Trong năm nay thị trường đang có những điều chỉnh, tăng khoảng 20% từ đầu năm, và nhiều công ti đã hoãn lại việc bán cổ phiếu ra công chúng.
Tất cả đều là những hứa hẹn hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam đương thời.
Có điều muốn nêu ra là những trang quảng cáo là do phiá Việt Nam trả tiền để được đăng, không phải những bài viết của WSJ như Thông tấn xã Việt Nam và báo chí trong nước đưa tin: “The Wall Street Journal, một trong những tờ báo hàng đầu ở Mỹ số ra ngày 24-9 đã dành 4 phụ trang đặc biệt giới thiệu thành tựu các mặt, kèm theo ảnh về các hoạt động sinh hoạt sản xuất ở Việt Nam”. [Tuổi Trẻ Online ngày 25.09, đăng lại bản tin của TTXVN].
Trang A14 có ghi rõ: “This special advertising section was coordinated by D.C. Group and Partner Concepts and sponsored by CT Group Vietnam.” [Phần quảng cáo đặc biệt này được điều phối bởi D.C. Group và Partner Concepts và được bảo trợ bởi CT Group Vietnam]. Ở đầu mỗi trang đều có hàng chữ Special Advertising Section.
CT Group Vietnam là một tập đoàn kinh tế quốc doanh, được quảng bá trên những trang báo WSJ như là “móng vuốt của con rồng Việt Nam” – the claws of the Vietnamese Dragon – đang nắm giữ rất nhiều công trình đầu tư lớn trong nước từ khách sạn, trung tâm thương mại, trường quốc tế, đến việc độc quyền phân phối nhiều sản phẩm tiêu dùng.
Phóng viên WSJ ít khi có bài viết về Việt Nam vì kinh tế nước này chưa có vị trí trong chỗ đứng toàn cầu, nhưng khi có bài thường không tích cực. Năm ngoái, trước việc Việt Nam có qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ và chuẩn bị gia nhập WTO, tờ báo đã viết về việc một nhân viên ngân hàng nước ngoài đã bị công an bắt giữ làm con tin và đòi phải bồi thường cho một ngân hàng do nhà nước làm chủ hơn 5 triệu Mỹ kim cho những thua lỗ vì những dự báo trong việc trao đổi ngoại tệ.
Ngoài việc phê bình những chính sách kinh tế không cởi mở của Việt Nam, trên WSJ đã có nhiều bài quan điểm hay chính luận về tình trạng người dân Việt còn thiếu tự do căn bản như trường hợp của giáo sư Đoàn Viết Hoạt hay bác sĩ Nguyễn Đan Quế.
Hè vừa qua, nhân dịp Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ, nhà nước Việt Nam cũng đã đăng mấy trang quảng cáo trên một nhật báo lớn khác, tờ New York Times – giá quảng cáo một trang là vài vạn Mỹ kim – và báo chí trong nước cũng đều tường thuật đó là những bài viết ca ngợi sự phát triển tại Việt Nam của nhật báo này, trong khi không nhắc gì đến bài chính luận của bác sĩ Nguyễn Đan Quế về tình trạng thiếu nhân quyền ở Việt Nam, được chọn đăng cùng ngày trên mục diễn đàn của tờ báo.
Trong phần quảng cáo “Vietnam Today” trên WSJ ngày 24.09 có bài viết tựa “Beginning of a new era for Vietnamese diplomacy”, nhưng không ghi tên tác giả, trong đó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được ca ngợi là một người dám làm, một nhà cải cách sau hơn một năm giữ chức vụ. [More than one year, Nguyen Tan Dung has proven to be a man of action. Internationally Nguyen Tan Dung has been known as a reformer]. Nhưng truyền thông trong nước khi lược dịch đã bỏ đi phần nhận xét trên về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Hoa Kỳ dự họp đại hội đồng Liên hiệp quốc, WSJ chỉ có một bài viết gọn, chỉ hơn 400 từ, trên trang A10 ngày 25.9, ghi một số ý chính mà lãnh đạo Việt Nam đã trả lời bằng văn bản những câu hỏi của phóng viên James Hookway và Nguyen Anh Thu. Thủ tướng Việt Nam hứa sẽ đẩy mạnh đổi mới, giảm bớt vai trò doanh nghiệp nhà nước, nâng cao vai trò của các công ti tư và cải tổ luật pháp để bớt những can thiệp của nhà nước vào chính sách kinh tế. Bài báo nhấn mạnh đến việc Việt Nam đã gia nhập WTO có nghĩa là phải theo luật chơi quốc tế.
Nhưng Việt Nam đã sẵn sàng chưa khi mà lãnh đạo như thủ tướng chưa trực tiếp tiếp xúc với giới truyền thông nước ngoài, cũng như trong nước; khi mà nhà nước bỏ tiền tự quảng cáo để rồi truyền thông trong nước trích dẫn như là những khen ngợi từ nước ngoài để lừa dân, thì chẳng khác nào mẹ hát mà con khen hay. Việt Nam ngày nay không cần những Trần Dân Tiên của thời đại.
Phát triển kinh tế quốc gia thời đại toàn cầu hoá thì như đua thuyền trên giòng nước chảy ngược, không tiến ắt phải lùi. Để con thuyền kinh tế Việt Nam có tiến tốc nhanh, bắt kịp mức phát triển của những quốc gia khác trong vùng như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan thì trước hết thuyền trưởng phải định hướng đúng. Không thể tiếp tục định hướng xã hội chủ nghĩa được nữa.
[30.09.2007]
© 2011, 2007 Buivanphu
Gửi Dân Làm Báo