Blogger Huỳnh Công Thuận kể chuyện bị tấn công - Dân Làm Báo

Blogger Huỳnh Công Thuận kể chuyện bị tấn công

DCVOnline - Hôm 08/09 vừa qua, một vụ tấn công gây thương tích cho anh Huỳnh Công Thuận, một blogger “lề trái” được nhiều người biết đến, đã xảy ra tại bến Chương Dương, Sài Gòn.

Sớm trở thành “dân oan” tại tỉnh Vĩnh Long từ những năm 1979, anh Huỳnh Công Thuận đã bền bỉ đi tìm công lý trong suốt hơn 30 năm cho đến hôm nay.

Năm 2005 anh Thuận đã tìm đến với môi trường blog để truyền tải thông tin một cách hữu hiệu hơn. Trong môi trường này, anh đã quen biết và bắt tay với nhiều anh chị em “lề trái” cùng nhau tham gia những hoạt động yêu nước tại Sài Gòn.

Từ đó, Huỳnh Công Thuận thường xuyên bị xách nhiễu trong công ăn việc làm, nhất là vào những ngày mà nhà cầm quyền xem là có “các sự kiện quan trọng”.

Anh Huỳnh Công Thuận, sinh năm 1952, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.


Vết thương của anh Huỳnh Công Thuận sau khi bị hành hung

DCVOnline: Xin chào anh, tình hình sức khỏe hiện nay của anh ra sao?

Huỳnh Công Thuận: Cảm ơn bạn, sức khỏe không bình thường nhưng cũng tạm được.

DCVOnline: Cụ thể là thế nào, anh vẫn phải dùng thuốc và tiếp tục dưới sự theo dõi của bác sĩ chứ?

Huỳnh Công Thuận: Sau khi bị đánh, tôi mất nhiều máu phải vào cấp cứu tại bệnh viện 5 ngày, truyền dịch 5 chai cộng với thuốc uống và thuốc chích ngày 2 lần, ngày thứ 6 tôi xin xuất viện về, được bác sĩ cho toa mua 5 ngày thuốc về uống, mỗi ngày ra trạm y tế phường thay băng và giấy ra viện hẹn 5 ngày sau trở lại tái khám.

Hôm nay thứ bảy tôi vừa uống hết 5 ngày thuốc, mai là Chủ nhật, tôi có hẹn tái khám nhưng nhưng không biết có bác sĩ khám không nữa.

DCVOnline: Anh bị hành hung vào lúc nào và sự việc diễn tiến ra sao?

Huỳnh Công Thuận: Vào khoảng 9g30 sáng hôm 08/09/2011, trong khi tôi ngồi chờ rút tiền tại một quán café ngay trước ngân hàng Vietcombank Tp.HCM (bến Chương Dương, Quận 1) thì có người đến gây sự, vợ chồng chủ quán can ngăn (gọi tên anh ta là Tâm). Lúc đó chỉ có một mình tôi là khách, sau khi anh ta bỏ đi bà chủ quán nói với tôi anh ta là “Tâm công an”.

Tưởng mọi việc không có gì nhưng xui là vì chờ rút tiền lâu, khoảng 30 phút sau anh ta dẫn theo 2 tên côn đồ đến, trong khi anh ta chỉ vào mặt tôi nói chưa hết câu thì một tên dùng chai đập đầu tôi máu tuôn xối xả từ đầu xuống mặt, ướt cả áo quần, bàn ghế.

Cả bọn bỏ đi trong khi bà chủ quán vừa lấy nước rửa bàn ghế dính đầy máu miệng thì la lên “tôi không thấy gì hết nghe”. Có người gọi taxi chở đi cấp cứu nhưng thấy tôi đầy máu, họ sợ dơ xe không chịu chở, cũng không xe ôm nào chịu chở. May mắn có một người tốt bụng chạy loại xe xịn (SH hay BCX gì không nhớ rõ) ghé sát vào bảo tôi lên xe chạy một mạch đến cửa trung tâm cấp cứu và bảo vệ tại đấy dìu tôi vào. Tôi chỉ kịp nói cám ơn là người đó bỏ đi ngay với chiếc xe dính đầy máu. Lúc bảo vệ dìu vào đến nơi thì mặt tay chân tôi đầy máu …

Sau khi may mấy chục mũi từ đầu, trán đến tay và chụp hình cắt lớp bác sĩ nói rất may mắn đến cấp cứu kịp lúc nhưng mất máu quá nhiều.

DCVOnline: Sau đấy anh có yêu cầu bệnh viện cấp giấy chứng thương không?

Huỳnh Công Thuận: Ngay sau khi may vá xong bác sĩ cho biết trường hợp này cần phải đưa ra pháp luật nên lập hồ sơ bệnh án rất kỹ, nhưng theo đúng thủ tục phải có giấy giới thiệu của công an thì bệnh viện mới cấp giấy chứng thương. Tôi gọi tổng đài hỏi khu vực ngân hàng Vietcombank thuộc phường nào thì được cho biết thuộc phường Nguyễn Thái Bình, quận 1.

Tôi liền xin số điện thoại gọi đến công an phường Nguyễn Thái Bình thì được trả lời là phải đích thân đến trình báo chứ không nhận qua điện thoại.

Sáng hôm sau khi bác sĩ khám tôi xin phép đến công an thì bác sĩ bảo phải theo dõi và tình trạng sức khỏe không bảo đảm nên dứt khoát không cho rời bệnh viện. Lúc 7g50 tôi gọi đến công an phường Nguyễn Thái Bình một lần nữa. Sau đó vào khoảng 9g có người đến nhưng chỉ hỏi và hứa miệng là sẽ giải quyết đến nơi đến chốn và điều tra “Tâm công an” là ai.

Ngày 13/09 tôi ra viện, sau đấy tôi đến trụ sở công an và được cấp giấy giới thiệu đến bệnh viện xin giấy chứng thương. Bệnh viện hẹn thứ ba, sau khi lấy giấy chứng thương tôi phải nộp cho công an.

DCVOnline: Người mà sau này anh biết có tên là “Tâm công an” đấy đến nói với anh những gì và anh đã phản ứng ra sao?

Huỳnh Công Thuận: Thật ra việc lời qua tiếng lại này một việc hoàn toàn không liên quan đến tôi, nói chính xác tôi là người thứ 4, còn người được bà chủ quán cafe gọi là “Tâm công an” đó là người thứ 3, nghĩa là một việc xảy ra giữa 2 người khác là tài xế 2 xe ôtô. Ông Tâm này nhảy vào cự cãi đe dọa một bên, nhưng vì tôi ngồi đó từ đầu tôi thấy mọi việc nên can gián giãi bày cho ông Tâm đó biết người mà ông cự cãi đó họ đúng chứ không phải sai.

DCVOnline: Từ sự việc như anh vừa kể dẫn đến chuyện anh trở thành đối tượng bị hành hung, anh thấy việc này có gì “kỳ lạ” không?

Huỳnh Công Thuận: Mới đầu tôi không thấy lạ nhưng sau đó lại xảy ra nhiều hiện tượng lạ. Cụ thể là mới đầu tôi nghĩ đây là một việc thường xảy ra nhưng khi tôi gọi báo đến công an ngày đầu rồi ngày sau lần thứ 2, đến khi có người (công an) đến hỏi vào 9g sáng thứ sáu 9/9/2011 rồi bỏ đi biệt từ thứ bảy, chủ nhật cho đến sáng thứ hai tôi phải làm đơn tố cáo đề nghị khởi tố (theo đúng pháp luật) gởi đi 3 nơi công an phường NguyễnThái Bình, công an quận 1 và viện kiểm sát nhân dân quận 1.

DCVOnline: Anh đã có đủ thông tin về nhân thân của người tên là “Tâm công an” để tố cáo chưa?

Huỳnh Công Thuận: Tôi là người lạ nên không biết gì về người này, cái tên “Tâm công an” là do bà chủ quán nói với tôi.

Thực ra, sau khi ra viện qua 2 lần làm việc với công an phường NguyễnThái Bình tôi vô tình có được một ít thông tin nhưng chưa công bố được. Hãy xem đây là cuộc đánh cờ, mỗi bên đi một nước, bên này đi xong đến bên kia.

DCVOnline: Theo phán đoán của anh thì lý do dẫn đến việc hành hung gây thương tích cho anh là gì?

Huỳnh Công Thuận: Câu này đã có nhiều người hỏi và như tôi đã nói ngay từ đầu mình không thể phán đoán rồi kết luận một cách chủ quan hàm hồ. Việc kết luận do công an điều tra đưa ra, nhưng theo tôi có thể là một trong những lý do sau:

1. Cái người có tên là “Tâm công an” đó vì tự ái khi tôi chỉ ra cái sai của anh ta nên ra oai dạy tôi. (tôi mong là lý do này)
2. Cũng có thể nằm trong âm mưu cướp vì khu bến chương dương đó toàn là ngân hàng.
3. Và cũng có thể là do một thế lực nào đó đứng phía sau giựt dây.

Tôi cũng có nói rõ với công an những nhận xét này.

DCVOnline: Hai khả năng đầu thì mang tính chất rõ ràng, tuy nhiên lý do cuối cùng dường như có nhiều chuyện khuất tất ở phía sau?

Huỳnh Công Thuận: Vì bản thân tôi nhiều năm qua phải chịu đựng nhiều việc khuất tất, có khuất tất thêm nữa cũng bình thường và cũng vì vậy nên tôi chưa công bố những điều mình biết hết được. Dục tốc bất đạt, như tôi đã nói, mỗi bên đi một nước cờ, giờ chưa đến phiên tôi nếu tôi đưa ra lời nói hay hành động gì làm lộ nước cờ sớm sẽ có hại hơn nhiều.

DCVOnline: Từ hôm bị hành hung đến nay đã có những nhân vật “đặc biệt” nào quan tâm đến anh chưa?

Huỳnh Công Thuận: Tôi chưa thấy và tôi đang chờ xem những nhân vật “đặc biệt” có xuất hiện không và họ sẽ làm gì, cũng nhờ tôi giữ bình tĩnh không hấp tấp nóng vội nên biết được một số thông tin.

Có thể họ quan tâm theo dõi nhưng tôi chưa phát hiện được, chỉ nghi ngờ thôi nên không thể khẳng định.

Tạ Phong Tần, Điếu Cày, Huỳnh Công Thuận. Ảnh chụp năm 2007
DCVOnline: Vụ tấn công gây thương tích lần này có làm cho anh phải nghĩ lại về việc đấu tranh mà anh đã chọn không? (Không biết chữ “đấu tranh” được sử dụng ở đây có vấn đề gì không nhỉ?)

Huỳnh Công Thuận: Dùng chữ “đấu tranh” đối với tôi là chính xác, riêng việc tôi được quan tâm theo dõi là việc bình thường, không bị theo dõi mới lạ.

Nói về việc “nghĩ lại” đối với tôi hình như không có, vì slogan của tôi là “Quyết tâm phải đi đến tận cùng sự thật”, cũng như avatar của tôi ghi rõ “Huỳnh Công Thuận thề không khuất phục”. Tôi quan niệm rằng “con người sống không có lý tường thì lấy gì phân biệt với cây cỏ.”

DCVOnline: Nhưng đã bị tấn công một lần như thế rồi, anh có nghĩ rằng anh sẽ có những kinh nghiệm thiết thực để tự bảo vệ mình tốt hơn trong tương lai không?

Huỳnh Công Thuận: Theo tôi, nếu nói tự bảo vệ mình thì một người dân như tôi chỉ biết tin vào lẽ phải, tin vào công lý, tôi luôn nghĩ rằng rồi ra cái lẽ phải phải thắng cái áp bức bất công. Còn như cá nhân không thắng được thì cũng là một bước hay một viên gạch cho người khác tiếp bước. Chứ kiểu tham lam quá: vừa muốn những điều tốt đẹp hơn, tự do hơn, dân chủ hơn lại vừa muốn yên lành, an toàn theo kiểu nằm ngửa há mồm chờ sung rụng thì không thể. Freedom is not free!

DCVOnline: Nghe rất thú vị, vậy anh bước chân vào “đường cách mạng” từ khi nào?

Huỳnh Công Thuận: Nếu tính từ sau 1975 thì nói chính xác là 1979, còn tính từ khi mới ra đời thì chính xác hơn là 1970.

DCVOnline: Những “câu chuyện” nào đã dẫn dắt anh vào con đường đấu tranh này?

Huỳnh Công Thuận: “Số mệnh đã chọn tôi”

Các bạn hãy đọc bài viết đó của tôi, nó là sự thật 100%. Nhiều người nghe tôi nói thì nghi ngờ tôi xạo, công an càng nghi hơn, chắc người phỏng vấn cũng nghi thì phải?

DCVOnline: Một câu hỏi về sự kiện được nhiều người quan tâm, là người đang sống ở Saigon anh có nhận định gì về việc Saigon ít có những cuộc biểu tình vào các ngày chủ nhật hơn so với Hà Nội?

Huỳnh Công Thuận: Sài Gòn bị chính quyền chặn từ xa, thứ bảy những người thuộc diện bị lưu ý được chăm sóc kỹ. Chủ nhật thoát được lú ra gần gần khu quận 1 là gặp mấy vòng an ninh, vượt được vòng ngoài cũng bị dính chấu ở vòng trong, đó là đối với những người có thể gây làn sóng. Còn đối với những người chờ tham gia thì cứ (biểu tình ngồi) mòn mỏi đợi chờ.

Các nhân sĩ trí thức Sài Gòn trong đó nhiều cựu quan chức chính quyền có cố gắng lắm cũng chỉ xuất hiện được một lần, còn những người dân thường thì làm được gì?

Tọa đàm, hội thảo về biển đông, về lịch sử nam tiến của dân tộc Việt Nam còn bị dẹp nói gì biểu tình.

DCVOnline: Thế thì theo anh, cũng là một người tham gia biểu tình, những cuộc biểu tình như thế có tác dụng gì?

Huỳnh Công Thuận: Theo tôi rất có tác dụng, thứ nhất về phía người dân nhất là giới trẻ (tương lai của đất nước) rõ ràng là tự phát từ lòng yêu nước. Hơn nữa, việc người dân tự biểu lộ lòng yêu nước qua việc biểu tình chống ngoại xâm, rồi bị đàn áp đe dọa thậm chí bắt bớ giam cầm nó giống như những bài học thực hành về quyền công dân. Nếu nghĩ theo một nghĩa thoáng thì đó là những khóa huấn luyện về lòng yêu nước rất tốt.

Thứ hai đối với chính quyền thì trái lại họ làm theo lệnh trên thấy tội nghiệp cho họ.

Hơn nữa theo hiến pháp và pháp luật thì biểu tình là hoàn toàn hợp pháp (không bị cấm), trái lại cấm biểu tình, đàn áp bắt bớ hay gây khó dễ đối với người dân biểu tình là việc làm sai trái. Vừa sai trái với hiến pháp lại vừa sai trái với lương tâm làm người. Vì vậy họ chỉ dùng những biện pháp ném đá giấu tay, hành động lén lút mờ ám bất minh, không dám công khai làm việc quang minh chính đại.

DCVOnline: Cứ lấy mốc là từ năm 1979 đến nay đi, đã hơn 30 năm, có khi nào anh thấy mệt mỏi hay nản lòng không?

Huỳnh Công Thuận: Kể từ khi tôi bị đẩy vào con đường phải đấu tranh dai dẳng và không cân sức đã có lần tôi quyết định bỏ tất cả nhưng tôi không thể thoát khỏi số mệnh vì vậy tôi buộc phải tiếp tục đấu tranh.

Tôi nghĩ ở vào hoàn cảnh của tôi, nếu là con người có lý trí có lương tâm thì chắc ai cũng phải làm như tôi.

Quý vị có bao giờ nghĩ rằng ở vào thế kỷ 21 mà ở trong một đất nước được gọi là độc lập tự do hạnh phúc lại có việc “cướp nhà cướp mộ”, chẳng những người sống đã không nơi cư trú mà thậm chí đến người chết cũng không được yên mồ mả.

Nhất là những việc vô lý bất công liên tục tiếp diễn đến với tôi, đây chính là những động cơ thúc đẩy, là những lời nhắc nhở động viên tôi luôn nhớ là mình phải đấu tranh.

DCVOnline: Cảm ơn anh Huỳnh Công Thuận đã trả lời DCVOnline, mong anh chóng bình phục để tiếp tục đi trên con đường đã chọn.

Nguồn : © DCVOnline




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo