Khi chân lý đặt lên bàn cân - Dân Làm Báo

Khi chân lý đặt lên bàn cân

Hoàng Thanh Trúc (danlambao)
Sự thật là chân lý của mọi chân lý

Trước hình ảnh hai đám tang rất tương phản của hai phận người cùng chủng tộc Việt Nam mà thuở thiếu thời cũng có cùng lý tưởng tốt đẹp cho quê hương, nhưng ngược chiều nhau trong nhận thức, bởi sự nghiệt ngã từ định mệnh lịch sử – Chúng ta, những trái tim Việt vẫn thường rung lên vì nhân nghĩa, nặng lòng với nhân ái và bao dung, liệu có đọng lại trong tâm hồn một chút nào đó, từ sâu lắng của nỗi xót xa ?

Một người nằm xuống được đãi ngộ với tất cả vinh dự tột bực để vinh danh – Một người cũng nằm xuống, nhưng trong thân phận “tử tù” mà chút nguyện vọng nhỏ nhoi duy nhất của người con, tha thiết xin mang xác thân cha về nằm cạnh mẹ mình nơi quê nhà nhưng... hoài công ! 

Người ta đọc thấy đâu đó trong sách của Mac hay Ăngel ?? một lời rất tha thiết nhưng nhói đau “chỉ có loài cầm thú mới mãi chăm lo bộ lông của chính mình mà không đoái hoài đến tiếng kêu đau thương của đồng loại”. Vậy thì chúng ta cũng nên lắm, ngược giòng, để thấy được đục trong trên một khúc sông đời mang hai phận người vẩy vùng trong ấy nhưng có kẻ lên được bờ, có người bị nhấn chìm trong tức tưởi đau thương. 

Ông Võ Chí Công: Năm 1935, ông gia nhập Đảng Cộng sản chống thực dân Pháp tháng 10 năm 1943, bị chính quyền tay sai bắt, kết án 25 năm tù giam ở nhà lao Hội An. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Quân đội Nhật cho thả nhiều tù chính trị (ông may mắn chỉ ngồi tù 2 năm ). Sau khi được trả tự do, ông về Quảng Nam. Năm 1960 tập kết ra Bắc và là thành viên của Đoàn ủy ban “cải cách ruộng đất” ở Việt Bắc. Ông kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, sau đó làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (Thủ Tướng ) từ năm 1987 đến năm 1992. Ông được tuyên xưng:“ Nguời con ưu tú của quê hương Quảng Nam. 

Tất nhiên ông Võ Chí Công yêu nước nên mới dấn thân làm người trong cuộc, trong tư cách một người cộng sản ông vừa trực tiếp tham dự và chứng nhân của một thời kỳ gọi là cuộc cách mạng long trời lở đất trên toàn miền Bắc. Chắc chắn ông cũng chung lòng với ông CT Hồ chí Minh và đảng CSVN mang cái chủ nghĩa xả hội của quốc tế CS về áp dụng trên một nửa đất nước Việt Nam và hơn ai hết ông là ủy viên đoàn CCRĐ/TW thực hiện xuyên suốt chủ trương “thu” hết ruộng đồng và “gom” hết nông dân vào HTX cho nhà nước quản lý. 

Tiếp sau 1975 đến 1978 ông là Bộ trưởng Nông Nghiệp kiêm trưởng ban cải tạo nông nghiệp miền nam, cũng áp dụng chính sách này, suýt chút nữa đưa cả dân tộc tới bên bờ của chết vì đói và vì vậy bất ngờ ngày lịch sử 13-1-1981 cũng chính ông, Võ Chí Công đứng bênh cạnh TBT Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị và Hoàng Tùng công bố nghị quyết của BCT/TW triển khai chỉ thị 100 Khoán hộ, gọi tắt là khoán 10 sau này (sáng kiến của Bí thư Tỉnh Ủy Kim Ngọc ) lạnh lùng giũ bỏ thành quả của hơn 10 năm Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu và nước mắt với hơn 170.000 nông dân lìa đời oan uổng trong đấu tố, tù đày trên toàn miền bắc. 

Năm 1987 ông là Chủ tịch HĐBT (Thủ Tướng) cũng là bộ trưởng Quốc Phòng vài tháng sau thì một nữa Trường Sa mất về tay Trung Quốc. Dĩ nhiên không phải lỗi tất cả nơi ông mà lỗi từ cái lý tưởng mà ông theo đuổi và người ta không biết hôm nay, từ trong cổ áo quan lộng lẫy ấy linh hồn ông có tiếc nuối hay ray rức gì không ? Nếu biết rằng: 4 triệu đồng bào nằm xuống, một thế hệ thanh niên hai miền Nam Bắc nồi da xáo thịt, hơn nửa thế kỷ chỉ duy nhất nỗi lo đừng đói để thực hiện chiến tranh, sự hy sinh quá lớn,vô tiền khoán hậu ấy để hôm nay từ hai miền bờ cõi xa gần nguyên vẹn, gầy dựng từ xương máu của tiền nhân, những đồng chí của ông đã đổi lấy một tổ quốc mà đất trời biển đảo hao hụt không còn như xưa ? Quan trọng hơn là cái lý tưởng cộng sản mà ông từng bỏ cả cuộc đời hy sinh vì nó thì giờ đây cả thế giới đang nguyền rũa vì ghê tởm và những “minh chúa” một thời được “thờ phụng” giờ đây được mang một tên mới: Những “đại đồ tể” Mao, Stalin, Lenin, Polpot,và cả ông Hồ Chí Minh có mặt trên Đài Kỷ Niệm: Tội Ác Cộng Sản Chống Nhân Loại giữa Washington DC. 

Khiêm nhường, nhỏ bé hơn: Ông Trương Văn Sương, Trung úy sĩ quan quân đội Việt nam Cộng Hòa khi miền Nam sụp đổ, ông bị bắt đi tù "tập trung cải tạo" đến năm 1982, vượt biên sang Thái Lan, năm 1983 từ Thái Lan quay về Việt Nam chống lại chế độ CSVN. Bị nhà cầm quyền CS bắt giữ kết án tù chung thân vì tội phản động, chống phá chính quyền cách mạng, âm mưu lật đổ nhà nước nhân dân. 

Một chân lý mộc mạc rất Việt Nam: “ Khôn ngoan đối đáp người ngoài – gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” – Trung úy Trương văn Sương không chống lại những người anh em đồng chủng. Ông thét vang trong ngục tù: “Đả đảo cộng sản, Trương Văn sương này nguyện suốt đời vì Tự Do cho Việt Nam”, ông chống lại cái chủ nghĩa cộng sản đã tước đoạt tự do của nhân dân trên quê hương mình – Coi đó là sứ mạng là Trách Nhiệm của một “Quân Nhân” – Suốt 34 năm lao tù ông chưa một lần viết đơn xin khoan hồng, đó là sự Bất Khuất vì “Danh Dự”, là lời thề xả thân vì “Tổ quốc - Danh Dự -Trách Nhiệm” của mọi sĩ quan QLVNCH dưới quân và quốc kỳ. Đây là phẩm chất cao đẹp tất yếu của mọi quân nhân, dũng khí người lính, dưới bất cứ chế độ và quốc gia nào, cho dù đứng khác chiến tuyến - nó cần nhân lên chứ không trừ đi bao giờ. 

Và khi, như trên đã biện minh – Chế độ Chủ nghĩa xã hội cộng sản cáo chung trên toàn thế giới, phơi bày tất cả những mặt trái khủng khiếp của nó thì ông Sương không thể là tù nhân với cái tội chống lại nhà nước nhân dân này được, ông chỉ đương đầu trực diện với CNCS – Hai lần năm là mười, không thể khác hơn, tám mươi bảy triệu tư duy trong trái tim Việt ai cũng có thể hiểu được điều này –Trừ một số người (ít thôi ) có trách nhiệm và quyền lực không muốn hiểu điều đó !! 

Ông Sương đấu tranh vì lý tưởng Tự Do không cho riêng mình vì nếu riêng mình, thì ông đâu cần phải xả thân để bị ở tù và đâu cần phải cương quyết để không được khoan hồng. Tâm nguyện trong trái tim của ông là Tự Do cho nhân dân, tổ quốc VN và vì vậy sự phán xét đối với ông phải xuất phát từ chân lý nhân bản của cộng đồng dân tộc VN, một nhân bản cao thượng có từ tấm gương của tiền nhân: “vua Trần Nhân Tông lấy áo ngự bào phủ lên thủ cấp của nguyên soái, quân Nguyên Mông, Toa Đô ( bị quân nhà Trần chém – trận Tay Kết ) như tôn trọng một tấm lòng trung, đợi qua xuân ấp áp cấp lương thảo cho hàng ngàn tù binh quân Nguyên xâm lược, đưa đến tận ải Nam Quan về quê nhà …” rồi so với hành vi nhà cầm quyền VN truy bức tù đày cho tới cùng một quân nhân miền nam Việt Nam bất khuất vì chính nghĩa tự do cho quê hương khiến cho bất cứ ai cũng phải tự hỏi: “Đại nghĩa nào để thắng hung tàn ? Trí nhân nào thay cho cường bạo ? ” Gần 70 tuổi, 34 năm trong lao tù khổ nhục, đau tim nặng vẫn chưa thỏa mãn cho sự thù hằn của Pháp Quyền CSXHCN ! Từ quê nhà miền Nam ông bị áp giải ra Bắc để tiếp tục thụ án chung thân, một tháng sau ông hắt những hơi thở tàn tạ cuối đời như tù nhân Do Thái trong lò hơi ngạt Auschwitz của Adolf Hitler, thân xác không đựơc phép qui hồi cố hương cho gần mộ phần vợ con mà phải vùi chôn nơi bìa rừng lạnh lẽo cùng cỏ cây. 

Hai đám tang – Hai phận người – Hai lý tưởng – Hai mặt phải trái, đục trong trên hai đầu của cán cân Chân Lý – Tám mươi bảy triệu lương tri, tâm hồn Việt – Những người cầm cân – Mới cảm nhận được nặng nhẹ hay thấp cao !! – Trương Văn Sương hình như không muốn là “là người con ưu tú” chỉ muốn là sợi tơ mong manh nhỏ lắm góp thêm vào kết nên linh hồn “Bất Khuất”của Dân Tộc Việt !! và LỊCH SỬ KHÔNG CÓ TRÁI TIM VÌ VẬY SẼ RẤT VÔ TƯ VÀ CÔNG BẰNG MAI HẬU.. 



(Tâm tình tản mạn này không nhằm đã kích hay tâng bốc một ai ) 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo