Hoàng Thanh Trúc (danlambao) - Tôi dừng lại bên đường mua hộp bánh Trung Thu, kế bên tôi người phụ nữ lớn tuổi cũng mua bánh như tôi, bác ấy rụt rè hỏi cô bán hàng: Cô ơi bánh này để được bao lâu?
– Ủa! bửa nay mười bốn, mai là trăng tròn rồi, bác mua về cúng rằm rồi ăn luôn thì cần gì lâu mau?
Đưa tay chỉ hướng trại giam người phụ nữ nhỏ nhẹ: Hổng có cúng đâu cô! Tui tính mua chục cái gởi con gái tui trong trại giam, cho nó để dành ăn từ từ với mấy đứa bạn, nó thích bánh trung thu nhân thập cẩm hạt dưa lắm cô ơi!
- Nói nào ngay! cháu cũng muốn bán lắm chớ, nhưng cái gì mình biết thì nói để làm phước, bác nên mua một cái thôi?
- Thưa cô! Bộ mắc lắm sao?
- Không phải mắc hay rẻ, mà chục cái như một, vô tới đó thì công an coi tù họ lấy dao bầu bằm ra tan nát như bằm rau nấu cháo heo để kiểm tra, rốt cục như đống xà bần, chừng hai ngày là mốc meo hết trơn!
Người phụ nữ thương con gái nhưng đành thở dài, mua một cái duy nhất gói cẩn thận, dõi mắt xa xăm lặng lẽ bước đi… Tôi nhìn theo... ngờ ngợ. Sao Bác ấy phản phất giống mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh… trong phiên tòa hôm nào…
Ngày 26 tháng 10 năm 2010 trong một phiên toà vội vã, không luật sư không nhân chứng, toà án CSVN tỉnh Trà Vinh xét xử chớp nhoáng rồi tuyên án 3 thanh niên nam nữ là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh vì đã đứng lên, bên cạnh hàng vạn lao động nhà máy Mỹ Phong – Trà Vinh, những công nhân vinh danh là chủ đất nước, giai cấp công nhân tiên phong mà đảng CS là đại diện. Cả ba đã hướng dẫn anh chị em đình công đấu tranh đúng pháp luật, sau khi một số công nhân nữ bị xúc phạm nhân phẩm và bị bóc lột nặng nề mà Công Đoàn cơ sở thì tê liệt. Tiếp theo sự kiện trên là các cuộc đình công khác lan ra trên khắp các tỉnh thành, kéo dài 7 ngày liên tục. Cả ba bị CA bắt giữ tra tấn thê thảm rồi đưa ra tòa. Kết quả của phiên tòa bỏ túi ấy là Hùng 9 năm tù, Chương 7 năm tù và Đỗ Thị Minh Hạnh 7 năm tù.
Đỗ Thị Minh Hạnh: Thiên thần trong bóng tối
Có điều, sau đó tôi nhớ mãi là lời kể chân thực của bà Ngọc Minh (Mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh) trên đài phát thanh Á Châu Tự do về phiên tòa phúc thẩm ngày 18 tháng 3 năm 2011 tại Trà Vinh. Bà nói: “Mỗi cháu như vậy là có hai CA kèm theo, tay bị còng. Hai đứa kia ( Hùng và Chương ) đi đứng thì cũng bình thường mà cái mặt lầm lì, còn riêng bé Hạnh( Đỗ Thị Minh Hạnh ) thì nghinh cái mặt lên, cái mặt con Hạnh nó nghinh lên trời, nó coi trời bằng vung, nó trề môi, nó bĩu môi, nó khinh bỉ …”
Mẫu tử tình thâm. Ai hiểu tánh nết con hơn đấng sinh thành? Ai thương con gái bằng mẹ? Vậy mà, cũng y hệt như Bà Trần Thị Lệ, mẹ Luật Sư Lê Thị Công Nhân ngày nào, khi con gái bị đàn áp tù đày, thương con và rất can đảm, cả hai người mẹ, dấu kín trong lòng nỗi niềm riêng tư thường tình của phụ nữ, để hãnh diện công khai sự đàn áp và bất công của nhà nước CSVN về con mình như một cách nói: “Lẽ Phải Và Chân Lý Thuộc Về Chúng Tôi – Cường quyền không khuất phục được con trẻ!”. Đúng như thế, không cha mẹ nào muốn giáo dục con trẻ bằng những cái gương xấu xa ngược với đạo lý ở đời, thì bậc “Mẫu nghi thiên hạ” lãnh đạo nhà nước, chính quyền nhân dân còn phải thận trọng hơn thế nữa, chẳng thể nào giáo dục công dân, những sinh viên trẻ bằng những hành vi côn đồ, vũ phu với phụ nữ hạ cấp như thế, hãy nhớ rằng với tội phạm đích thực cái còng sắt như cánh cửa ngục tù giam hãm đời họ, còn người trí thức có học, yêu lẽ phải tự do nhân quyền công lý, cặp còng sắt bập vào cổ tay sẽ để lại một dấu hằn không thể phai mờ trong tiềm thức, khiến sự dấn thân sẽ nhân lên bội phần mà thôi.
Mà thật vậy, dù bị đối xử quá tệ như lời Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang bày tỏ sự phẩn nộ: “… Riêng tôi, tôi chỉ có thể nghiến răng lại cho nước mắt khỏi trào ra khi đọc dòng tin dưới đây:“Ngày 23/01/2009, Minh Hạnh cùng mẹ và chị gái đến trụ sở công an để làm lại giấy chứng minh nhân dân. Khi vừa bước vào trụ sở, Hạnh bị nhiều công an bắt lên lầu đánh đập. Nghe tiếng hét, chị gái Hạnh chạy lên thì thấy khuôn mặt em mình đầy máu. Khi cơ quan công an áp giải Hạnh về nhà lục soát, dù đã bị còng tay, nhưng Minh Hạnh vẫn tiếp tục bị hành hung với những cú đấm vào đầu và mặt”.
Hình như với nhân viên an ninh và CA, Minh Hạnh không phải là con gái, phụ nữ hay con người?
Vậy mà thật ngạc nhiên, nếu bất cứ ai tham dự cả hai phiên tòa Sơ và Phúc thẩm, đều phải tròn xoe mắt trước phong thái của Đỗ Thị Minh Hạnh, như một thiên thần trong bóng tối tù ngục. Trước pháp đình chiếc còng số tám trên tay như là một món “nữ trang” làm Minh Hạnh vô tư tự tin thêm chứ không là vật đánh bại nhân cách của mọi tù nhân! Trong đôi mắt tưởng chừng ngây thơ vô tư ấy nhìn thẳng vào mặt quan tòa khi nghị án như thay cho lời: “Vì công bằng và quyền lợi cho tất cả công nhân,dân oan nghèo, tôi vui lòng trả giá”.
Kể từ ngày ấy bóng dáng Minh Hạnh như thay cho cành hồng trên bàn làm việc của tôi. Tôi muốn lập lại cùng Minh Hạnh lời một bài hát nói về trách nhiệm tuổi trẻ không chỉ dành cho riêng ai của chế độ này và bài thơ nhỏ cho mọi tuổi trẻ và cho riêng “ai đó” tầm tuổi với Đỗ Thị Minh Hạnh hiểu rằng:
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,
Gian khổ sẽ dành phần ai?
Ai cũng một thời trẻ trai
Cũng từng nghĩ về đời mình
Phải đâu may nhờ rủi chịu?
Phải đâu trong đục cũng đành?
Chân lý thuộc về mọi người
Không chịu sống đời nhỏ nhoi”
(Một đời người, một rừng cây: Trần Long Ẩn)
*
“KHÔNG NHỎ NHOI”
Gửi tặng: Mrs Nguyễn Thanh Phượng -- Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty quản lý quỹ đầu tư Bản Việt (Viet Capital Fund Management -VCFM) - con gái thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Không nhỏ nhoi,nghĩa là đã khôn lớn
Cả trái tim và khối óc trên đầu
Biết yêu thương,và cảm nhận nỗi đau
Trong cõi tạm hay giữa lòng dân tộc
Không nhỏ nhoi, là đau, cùng tiếng khóc
Của người dân chợt mất đất mất nhà
Biết đau thương khi đất, biển, đảo ta
Thành bờ cõi của “láng giềng” xâm lược
Không nhỏ nhoi là: đừng xây sự nghiệp
Bằng hào quang hay bóng cả “phụ hoàng”
Hãy lớn lên cùng vạn kiếp dân oan
Tìm công lý cho ngàn đời đang khổ
Không nhỏ nhoi, là san bằng cách trở
Kẻ vinh thân, người oan khuất lao tù
Mọi người biết khi tại ngoại thiên thu
Nhật tại tù là cội nguồn thù hận
Không nhỏ nhoi, là trái tim mang nặng
Là: Ta đây không sống chỉ cho mình
Phải lớn thôi, ngày, là của bình minh
Hãy góp nắng cho huy hoàng dân tộc