Người mà các tổ chức nhân quyền gọi là tù chính trị mới chết trong tù ở Việt Nam, ông Trương Văn Sương, tử vong vì "bệnh nặng" trong trại giam, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ông Sương "đã chết do một chứng bệnh nặng mặc dù đã được sự chăm sóc của các bác sỹ tại một bệnh viện," theo lời của ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn mới của Bộ Ngoại giao, được hãng tin AP trích lời nói.
Ông Nghị, nguyên Giám đốc Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao, được hãng tin AP trích lời nói ông Sương đã có "sức khỏe ổn định" khi trở lại trại giam tiếp tục thi hành án.
Là người vừa được bổ nhiệm vào chức vụ mới, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Báo Chí, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cũng cho biết, ông Trương Văn Sương, năm nay 68 tuổi, đã được "ra tù" để hoãn thi hành án, chữa bệnh trong một năm từ tháng Bảy năm ngoái.
Hôm 13/9, Human Rights Watch, Tổ chức quốc tế theo dõi nhân quyền có trụ sở tại New York đưa tin và báo động về việc ông Sương chết trong tù một hôm trước đó, như một "tù nhân chính trị bị giam cầm với tổng thời gian hơn ba thập niên."
Ông Trương Văn Sương, cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, qua đời ngày 12/09 ở trại giam Nam Hà sau thời gian được cho là bị bệnh tim và huyết áp cao.
Ông từng thụ án tù sáu năm ở một trại cải tạo ở Quảng Bình sau năm 1975.
Sau khi được thả, ông trốn sang Thái Lan, đi theo nhóm ông Trần Văn Bá, Việt Kiều Pháp, tổ chức kế hoạch 'đưa người và vũ khí đột nhập' vào Việt Nam.
Ông Trần Văn Bá sau đó bị kết án tử hình năm 1985, còn ông Sương bị tuyên án chung thân.
Tổ chức này cũng cho biết đây là trường hợp 'tù nhân chính trị thứ hai' được phát hiện thiệt mạng trong tù, tính từ tháng Bảy năm nay.
Chính phủ Việt Nam luôn nói họ không giam giữ 't̀u chính trị' mà thường dùng Bộ Luật hình sự để xử tất cả những ai có hoạt động chính trị chống lại Đảng Cộng sản.
'Lên tiếng quan ngại'
Trước đó, một tù nhân khác là ông Nguyễn Văn Trại, 74 tuổi, đã qua đời trong tù hôm 11 tháng Bảy vì bệnh ung thư tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai, chỉ vài ngày sau khi gia đình xin cho ông 'về nhà chờ chết,' nhưng không được trại giải quyết nguyện vọng.
Ông Trại, người bị bắt năm 1996 và kết án tù 15 năm với tội danh “đi ra nước ngoài chống chính quyền,” lẽ ra chỉ còn 5 tháng nữa là mãn án.
Gần đây, nhiều quốc gia và các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế tiếp tục lên tiếng quan ngại về việc Chính quyền Việt Nam được cho là có xu hướng 'nặng tay hơn' với giới bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ, tôn giáo, nhân quyền ôn hòa, cũng như về đối xử với nhiều tù nhân và cựu tù nhân chính trị, lương tâm.
Hai trong số các trường hợp đang được các tổ chức nhân quyền quan tâm là việc linh mục Nguyễn Văn Lý được đưa lại nhà tù sau một năm hoãn thi hành án chữa bệnh, mặc dù ông vẫn chưa khỏi bệnh.
Trường hợp khác là tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải, hay blogger Điếu Cày, người đã được công an thông báo với gia đình là bị "mất tay" sau khi tiếp tục bị giam giữ nhiều tháng liền dù đã mãn hạn tù, mà không được xét xử.
Người thân của ông Hải cũng lên tiếng cho hay gia đình không hề được nhà chức trách cho biết rõ ràng ông đang được giam giữ ở đâu cũng như sinh mạng hay sức khỏe của ông hiện ra sao.