Nguyễn Vạn Phú - Giả thử, người đứng đầu một địa phương một hôm đẹp trời đi vi hành khắp các quán cà phê. Ông nổi giận khi thấy thanh niên không chịu đi làm việc mà cứ mải mê trong khói thuốc bên ly cà phê; bèn ra về và ban lệnh cấm khách ngồi uống cà phê quá hai tiếng! Xin nói ngay đây là một chuyện giả tưởng để bàn chuyện khác chứ không có địa phương nào ra lệnh kỳ quái như thế.
Cách “trị dân” của ông này chính là hình ảnh trái ngược của khái niệm Nhà nước pháp quyền và gọi cho đúng bản chất sự việc thì đây là “độc tài”, “độc đoán” dù thiện ý của nhà lãnh đạo này cũng đã rõ.
Một xã hội dân chủ sẽ giải quyết lợi ích cá nhân trong tương quan với lợi ích xã hội bằng một dạng hợp đồng, trong đó cá nhân chịu hy sinh một số quyền tự do nhất định, chịu bị ràng buộc bởi các quy ước chung để mọi người có thể chia sẻ nguồn lực xã hội một cách công bằng nhất.
Nếu thay cà phê trong ví dụ trên bằng ma túy chẳng hạn, rất dễ thấy mọi người trong cộng đồng sẽ đồng tình với điều luật cấm mua bán, sử dụng ma túy, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt đích đáng. Nhưng tất cả phải được thể hiện trước tiên bằng ý muốn của cả cộng đồng thông qua các điều luật làm nền tảng cho việc điều hành của cơ quan công quyền. Lúc đó, luật pháp đứng trên tất cả, kể cả ông lãnh đạo địa phương vì nếu con ông vi phạm, cũng sẽ bị trừng phạt như một người dân thường.
Phần ở trên là trích từ một bài tôi viết và đã đăng trên TBKTSG từ năm ngoái (nhưng không đưa lên blog). Tình huống tưởng như giả tưởng nói trên nay đang diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau và sự suy xét đúng sai cũng không hề đơn giản như tôi từng lập luận. Điều đáng ngạc nhiên là, nói một cách ví von, trước những tình huống như thế, dường như đa số ý kiến muốn có lệnh cấm uống café quá hai tiếng ngay chứ không cần đợi có luật lệ gì cả. Chắc mọi người nhớ ngay đến những ví dụ thời sự trong mấy tuần gần đây (từ việc cấm chơi golf, phân biệt sinh viên dân lập đến việc thu hồi sách thành ngữ kiểu mới).
Sự đồng tình đó nói lên cái gì?
Thứ nhất, nó cho thấy hệ thống luật pháp ở nước ta hầu như đã mất tác dụng, người tôn trọng pháp luật một cách ngây thơ sẽ chịu thiệt thòi so với người lách luật. Người ta không còn tin vào sự công minh của pháp luật, sự tuân thủ luật lệ của giới có quyền hay có tiền. Chẳng hạn chuyện tuyển dụng công chức sẽ trở nên bình thường nếu việc thi tuyển thật sự công bằng, dựa vào năng lực của người dự tuyển, chứ không cần dựa vào loại trường tốt nghiệp. Nhưng thực tế đâu có như vậy, việc chạy chọt để kiếm một chân làm việc ở cơ quan nhà nước hầu như đã trở thành chuyện bình thường. Vì vậy, trong tâm lý con người, thôi thì nơi nào tạo dựng được sự công bằng tương đối nào đó cũng tốt hơn là không có, nơi nào tạo ra những rào cản để bớt kẻ chạy chọt cũng là chuyện đáng chấp nhận.
Thứ hai, người dân đang phẫn nộ trước những bất công trong xã hội và ai, điều gì giảm được chút bất công đó, dù bằng con đường không chính thống, đều đáng được hoan nghênh. Sự phẫn nộ của xã hội tạo ra những làn sóng dư luận và các quan chức, các cơ quan công quyền đôi lúc ứng xử dựa vào làn sóng dư luận này, chứ không hẳn dựa vào luật lệ. Người ta cố ý nhầm lẫn giữa nguyên tắc và sự việc cụ thể. Một số tờ báo cũng ứng xử theo cách đó.
Thứ ba, tình hình như thế là một điều đáng buồn chứ không có gì đáng “phấn khởi” cả. Như thể chúng ta tự đánh tụt hạng mình trên con đường xây dựng một xã hội văn minh. Chuyện truy bắt phù thủy chỉ xảy ra từ thời Trung Cổ và từ đó đến nay thế giới đã tiến những bước rất xa. Nếu đồng tình với cách ứng xử như thế, đồng nghĩa với một sự thụt lùi rất xa về nhận thức về một nhà nước pháp quyền, một sự chấp nhận giải quyết mọi việc dựa vào cảm tính và sức mạnh của đám đông.
Thứ tư, hậu quả của nó, nếu nhà nước không nhảy vào để giải quyết một cách dứt khoát chứ không phải là những phát biểu chung chung là rất lớn. Như con đường phát triển của hệ thống đại học ngoài công lập trong tương lai sẽ như thế nào đây khi xã hội, dưới sự “đầu têu” của một số cơ quan chính quyền, từ bỏ nó ngay trong trứng nước?