“Mua nợ xấu” ai là người hưởng lợi? - Dân Làm Báo

“Mua nợ xấu” ai là người hưởng lợi?

Mặc Lâm (RFA) - Mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đăng đàn trước Quốc hội cho biết là NHNN đang phối hợp với các bộ ngành để thành lập một công ty mua bán nợ quốc gia, trước mắt là xử lý hơn 100 ngàn tỷ nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Mặc Lâm có thêm chi tiết sau đây.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết kế hoạch mua nợ xấu có mục đích lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại và từ đó giúp cho ngân hàng yếu kém có thêm vốn để tháo gỡ sự ngưng trệ lưu chuyển giòng vốn hiện nay.

Sự thúc bách của viễn cảnh phá sản

* RFA file - Ông Nguyễn Văn Bình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thực ra những trình bày của Thống đốc Nguyễn Văn Bình có thể hiểu sâu hơn nếu nhìn lại tình trạng phá sản của hơn 73 ngàn doanh nghiệp và hàng chục ngàn doanh nghiệp khác đang có nguy cơ. Mặc dù cho tới lúc này chưa có ngân hàng nào chính thức tuyên bố phá sản khi tình trạng suy nhược của rất nhiều ngân hàng thương mại đã được báo động.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) cho biết thì tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng thương mại cao gấp 3 tới 4 lần số liệu mà ngân hàng nhà nước công bố.

Tỷ lệ phần trăm số nợ xấu mà VEPR đưa ra giao động từ 8,25 cho tới 14% trong khi đó Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết tính tới cuối năm thì số nợ xấu là 3,6%. Con số chênh lệch quá lớn này gây lo ngại cho giới đầu tư vì nợ xấu phản ảnh thực tình trạng tài chánh của một quốc gia.

* Dưới sự lãnh đạo của ông Phạm Thanh Bình, tập đoàn Vinashin đã sụp đổ năm 2010 với số tiền thất thoát khổng lồ 84.000 tỷ đồng tương đương 4,2 tỷ USD. File phototrung 

VEPR cho biết tính toán vừa nêu dựa trên 41 ngân hàng thương mại và không tính tới hai con nợ lớn hiện đang thoi thóp là Vinashin và Vinalines cũng như hàng chục doanh nghiệp nhà nước khác có tình trạng tài chánh yếu kém tương tự.

Kế hoạch mua nợ xấu là cách ngăn chặn sự phá sản hàng loạt của ngân hàng và sự phá sản đó chắc chắn sẽ kéo theo khủng hoảng tài chánh vốn là con dao bén có thể hạ gục một nền kinh tế bất kể nó lớn cỡ nào. Hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán được đánh giá là đang có những món nợ xấu chiếm tỷ trọng rất lớn trong tình hình hiện nay và những di hại của chúng đang đè trên vai nhiều ngân hàng do trước đây chạy theo lợi nhuận đã tung tiền cho vay bất kể giá trị các món thế chấp có bền vững hay không.

Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đang làm việc tại Hoa kỳ cho biết thêm về mục đích của các cuộc mua nợ xấu của nhiều nước trên thế giới trong đó Việt Nam đang dự định theo đuổi:

Mục đích của việc mua nợ là nhằm giúp cho những con nợ thoát khỏi sự vỡ nợ vì khi chúng vỡ nợ sẽ kéo theo những người khách của nó cũng sẽ chết. Thí dụ như ngân hàng đem tiền cho vay nhưng bị sập tiệm thì bao nhiêu khách hàng của nó do sợ sập tiệm đến rút tiền ra một lúc thì việc sập tiệm còn nhanh hơn nữa.

Ngân hàng nó bảo tôi cho ông Vinashin, ông Vinalines vay, cho vay 100 đồng nhưng bây giờ coi như tôi mất 70 đồng, bây giờ tôi còn chỉ có 30 đồng. Nếu bây giờ tôi sập tiệm hay người ta biết tin tôi sập tiệm người ta rút tiền ra thì tôi sẽ sập tiệm nhanh hơn nữa. Lúc bấy giờ khi tôi bị vỡ nợ thì những doanh nghiệp vay tiền của tôi cũng sẽ không hoạt động được nữa vì không còn vốn luân lưu. Hậu quả của những cơ sở bị vỡ nợ từ một câu chuyện kinh tế nó sẽ gieo họa cho các sinh hoạt khác của xã hội.

Câu hỏi đầu tiên: tiền đâu?

Trụ sở của Vinalines, Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam.Sự yếu kém của ngân hàng hôm nay phát sinh từ các món nợ cho vay bất động sản hay đầu tư chứng khoán. Bất động sản vỡ nợ bởi giá cả không đúng với giá trị thực và khi nhà đất rớt giá thì giá trị thế chấp của chúng cho ngân hàng rớt theo. Trong khi đó các ngân hàng thương mại không chấp nhận phát mãi các tài sản thế chấp để thu hồi vốn dù mức lỗ chỉ tương đương với số tiền mà nhà nước có thể trợ giúp qua việc mua nợ xấu.

Với số tiền 100 ngàn tỷ mà Thống đốc ngân hàng nhà nước đề nghị, có nhiều việc đáng bàn. Câu hỏi đầu tiên lấy đâu ra số tiền này?

Nguồn ngân sách nhà nước, tức từ nguồn thuế của người dân nếu lấy ra mua nợ xấu thì các khoảng khác phải hụt đi. Bội chi ngân sách xảy ra và lạm phát theo sau là quy luật.

Số tiền 100 ngàn tỷ này có thể huy động từ việc bán trái phiếu do chính phủ bảo lãnh nhưng câu hỏi đặt ra sau khi hai con tàu Vinashin và Vinalines đang chìm dần, liệu mức tin tưởng vào trái phiếu còn lại được bao nhiêu và với lãi suất nào thì người mua chấp nhận mà việc mua nợ xấu không bị ảnh hưởng?

Cho tới khi có tiền trong tay thì việc mua của ai và mua như thế nào là hai vấn đề lớn có nhiều khả năng vấp váp xảy ra. Điều khiến các nhà kinh tế lo âu nhất là áp dụng cách tính nào trong việc mua một món nợ xấu.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định:

Trong một nền kinh tế thị trường thì nhà nước hoàn toàn có khả năng mua lại nợ để ngồi vào trong hội đồng quản trị của cái doanh nghiệp, công ty đó rồi tái cơ cấu lại sau đó đăng ký lên thị trường chứng khoán và nếu doanh nghiệp hồi phục thì sau một hai năm nhà nước có thể bán lại nợ mà mình đã mua và như vậy thì có thể còn có lãi.

Điều này đã diễn ra ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác nhưng vấn đề mua bán nợ ở Việt Nam có công khai minh bạch hay không. Nó có tiêu chí rõ ràng hay không. Điều cần tránh là dùng tiền nhà nước để mua nợ lại các công ty sân sau, kém hiệu quả thì việc mua nợ đó chưa chắc đã đem lại cái liều thuốc hồi sinh cho các doanh nghiệp mà chỉ hồi sinh các doanh nghiệp yếu kém thì đấy là điều cần phải tránh.

Định giá: cơ hội cho tham nhũng

Các Tập đoàn cột trụ của kinh tế quốc gia. RFA/internet

Trên nguyên tắc nợ xấu được quy định làm nhiều nhóm tùy theo tính chất của hồ sơ vay và nợ không trả được. Tài sản thế chấp sẽ tùy theo nhóm mà mất đi giá trị. Nợ nhóm 2 là nhóm tương đối tốt sẽ bị mất giá trị 5%. Với nhóm 3 thì giá trị mất đi 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 coi như không còn chút giá trị nào để rao bán.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra, ai là người đủ thẩm quyền và nhất là đủ uy tín để định giá trị nợ của một ngân hàng theo nhóm nợ nào trong 5 nhóm vừa kể. Khả năng mua chuộc, lót tay để nâng giá trị là điều tất yếu nếu không có một cơ chế giám sát đủ mạnh để theo dõi những đánh giá loại này. TS Lê Đăng Doanh chia sẻ sự lo lắng này:

Cái điều mấu chốt là phải định giá các nợ của ngân hàng thì được thế chấp bằng bất động sản, nhà xưởng hay các tài sản có giá khác. Đương nhiên cần phải có một cơ quan độc lập họ đánh giá đúng giá trị của món nợ đó rồi sau đó sẽ có một tỷ lệ nhất định. Nếu không làm rõ giá trị đó một cách độc lập thì rất có thể sẽ mua nợ xấu bằng giá của nợ tốt. Điều này sẽ làm cho hoạt động mua nợ sẽ không có hiệu quả.

Ngay cả khi có được một cơ chế đáng tin cậy lãnh trách nhiệm giám sát và định giá, vấn đề khác sẽ nảy sinh: đơn vị nào trong số hàng trăm doanh nghiệp đang sếp hàng chờ tới lượt mình sẽ được chiếu cố mua nợ xấu? Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận xét:
Nếu không có sự minh bạch trong này thì mọi người có thể đoán ra và tôi nghĩ nó không sai đó là: nếu có quan hệ tốt thì sẽ được cứu nợ. Tức là họ đã dùng tiền đi làm chuyện đầu cơ, đến khi bị sập tiệm thì lại có nhà nước tung tiền ra để cứu mình, cứu những thành phần có quan hệ tốt với nhau. Nếu người ta có nghi như vậy thì tôi nghĩ cũng không sai
TS Lê Đăng Doanh
Một trong những khó khăn của chuyện này là làm sao lượng định những khoảng nợ xấu khó đòi hay sẽ mất. Cái tỷ trọng của chúng là bao nhiêu thực sự không ai biết cả nhất là những tài sản đó được đo bằng bất động sản. Bất động sản tại Việt Nam nhiều khi cũng chỉ là giá ảo, giá trên trời. Hai nữa khi tung tiền cấp cứu như vậy thì câu hỏi là cứu ai, và tại sao lại cứu?

Nếu không có sự minh bạch trong này thì mọi người có thể đoán ra và tôi nghĩ nó không sai đó là: nếu có quan hệ tốt thì sẽ được cứu nợ. Tức là họ đã dùng tiền đi làm chuyện đầu cơ, đến khi bị sập tiệm thì lại có nhà nước tung tiền ra để cứu mình, cứu những thành phần có quan hệ tốt với nhau. Nếu người ta có nghi như vậy thì tôi nghĩ cũng không sai.

Bất động sản: sân sau của ngân hàng

Thực tế cho thấy, đa số cổ đông của các ngân hàng đều có phần trong đầu tư bất động sản vì vậy việc giải cứu nợ xấu có ý nghĩa rất lớn đối với những thành phần này. Số tiền nhà nước bỏ vào sẽ giúp cho cổ đông thoát khỏi cơn khủng hoàng bất động sản và vì vậy khả năng vận dụng mánh khóe, sự quen biết kể cả hối lộ để được chấp thuận là điều không thể tránh. Để tình trạng móc ngoặc, mua chuộc này không xảy ra thì nhà nước phải làm gì?

Theo TS Lê Đăng Doanh Quốc hội nên có vai trò tích cực hơn trong việc giám sát, ông nói:

Tôi nghĩ rằng Quốc hội cần có một nghị quyết rất rõ ràng về việc mua bán nợ này và phải quy định rõ các tiêu chí cơ chế giám sát và bản thân Quốc hội cũng phải thực hiện giám sát. Bởi vì 100 ngàn tỷ là một số tiến rất lớn và lại được chi trong thời điểm hiện nay là một thời điểm hết sức nhạy cảm, tế nhị bởi nền kinh tế đang rất cần vốn. Nếu số vốn đó được bơm vào các doanh nghiệp có hiệu quả thì nền kinh tế có thể có chuyển biến. Tuy nhiên nếu bơm vào những nơi nợ xấu thì nền kinh tế sẽ không hồi phục được bằng phương thuốc mua nợ. Đây cũng là lo ngại của nhiều đại biểu quốc hội cũng như một số chuyên gia trong nước

Điều này đã diễn ra ở rất nhiều nơi, từ Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha hiện nay và đấy là điều mà người ta đang lo ngại. Đây là hình thức lấy tiền thuế của người dân để mua lại nợ của các ngân hàng. Nói ngắn gọn là lấy tiển thuế của người nghèo để cứu người giàu. Điều này có tấm gương rất lớn là cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu và tôi nghĩ rằng bài học đó Việt Nam phải rất coi trọng để tránh đi theo vết xe đổ đó.

Trong khi hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ không xoay sở được vốn và đang đối diện với phá sản do hàng hóa tồn kho quá nhiều mà không thể tiêu thụ thì số tiền 100 ngàn tỷ được đắp vào những lỗ hổng khổng lồ của các ngân hàng thương mại xét trên một mặt nào đó có thể dễ dàng đồng ý với TS Lê Đăng Doanh khi ông nói rằng nhà nước đang lấy tiền đóng thuế của người nghèo đem giúp cho nhà giàu.

Nếu số tiền này được trợ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sự trỗi dậy của nền kinh tế có thể ít thấy hơn nhưng nó cũng đồng nghĩa với ít rủi ro hơn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ biết được cơ hội của họ chỉ đến một lần, vì vậy họ phải cẩn trọng với số nợ mà nhà nước giúp. Ngược lại, các ngân hàng thương mại do đã quen vung tay quá trán và ỷ lại vào trợ giúp của nhà nước sẽ còn nhiều tai biến khác tiếp tục xảy ra sau khi những món nợ xấu được nhà nước che chở không khác gì thời bao cấp

Mặc Lâm


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo