Vài suy nghĩ về phong trào Con Đường Việt Nam - Dân Làm Báo

Vài suy nghĩ về phong trào Con Đường Việt Nam

Khanh Sơn (Danlambao) - Có lẽ chưa một sự kiện chính trị nào không phải do ĐCSVN tạo ra lại gây nên sự chú ý và lan tỏa nhanh chóng như Phong trào Con Đường Việt Nam (CĐVN) cách nay chưa đến một tuần. Đặc biệt là nó đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều từ giới trí thức, những người vốn biết hoài nghi và lật đi lật lại vấn đề. Ủng hộ có, chê bai đả phá cũng có, nghi ngại và ngờ vực cũng có. Nhưng luồng dư luận lớn nhất mà tôi cho là đã thành công trong mấy ngày đầu ngắn ngủi là nó đã làm cho rất nhiều người dân biết đến và phải tìm hiểu nó. Kết quả của sự tìm hiểu này còn phải chờ thêm một thời gian nữa. Nhưng tôi lại tin là chính những tài liệu mà nó đã kịp thời phát ra sẽ tạo nên một kết quả tích cực.

Các ý kiến ngờ vực phản đối hầu hết đều là những phản ứng ngay ban đầu khi tiếp nhận một điều quá mới lạ ở trên đất nước mà nỗi sợ luôn kiểm soát vô thức của nhiều người. Họ chưa kịp tỉnh táo để đọc kỹ và phân tích để nhìn thấy được sâu xa của vấn đề thì đã phải vội vàng lên tiếng để phòng thủ cho mình. Nghiêm túc mà nhìn nhận sẽ thấy rằng chưa có một hoạt động chính trị nào từ trước đến giờ trên đất nước do ĐCS chi phối này lại hướng vận động đến các tầng lớp dân chúng như PTCĐVN. Mà lại vận động cụ thể đến rất nhiều đối tượng từ công nhân đến nông dân, tôn giáo đến đất đai, kinh tế đến chính trị, văn hóa đến đạo đức, sinh viên đến doanh nhân, lão thành CM đến nhà báo...

Các hoạt động chính trị của ĐCS rất rầm rộ và luôn tìm cách tác động đến tư tưởng người dân nhưng đó chỉ là sự mị dân mà ai cũng biết là làm ngu muội họ. Còn các hoạt động của nhiều đảng phái tổ chức chính trị khác ngoài ĐCS thì cố gắng tuyên truyền cho những mô hình dân chủ, những quan điểm chính trị riêng của mình và phần nhiều là đả phá cộng sản. Rất ít thấy vai trò của người dân trong đó và chỉ dẫn vận động cho họ biết phải làm gì. Đây là nguyên nhân sâu xa làm người dân thờ ơ với các hoạt động chính trị của các tổ chức này.

À, tôi biết CS xấu, không chỉ biết mà còn phải chứng kiến và chịu đựng nó, điều đó có nói nữa cũng chỉ thế thôi. Nhưng tôi cũng không chắc rằng anh sẽ làm được gì đó tốt hơn, có khi lại tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa mà bao đời nay tôi đã thấy thế. Anh nào cũng nói tốt nói hay nhưng khi cầm nắm được quyền lực rồi thì "vũ như cẫn". Thôi cứ thà để cho thằng chủ tịch xã cũ nó tiếp tục còn hơn vì dù sao nó cũng no đủ rồi, có ăn thì cũng vừa phải hơn thằng mới. Những người muốn làm đât nước này thay đổi mà không hiểu được thực trạng của lòng dân như thế thì chỉ làm chính trị salon uổng công sức. Một điều mà quý vị cũng nên biết là đối với người dân, họ oán thán với cái xấu xa tởm lợm của chế độ hiện nay, nhưng họ chẳng có dị ứng mấy với hai từ CS và XHCN. Tên gì cũng được, miễn là cuộc sống của họ tốt đẹp. Dân Việt không có bản sắc hóa theo kiểu ý thức hệ, cái gì cũng được miễn là tốt cho mình và con cháu. Tây Tàu, Phật Chúa gì cũng chấp nhận được hết. Do vậy những nỗ lực tập trung đả phá CS là việc làm tốn công sức nhưng không đạt được kết quả gì từ người dân mà còn thu hút sự chống phá từ phía ĐCS mạnh hơn. Tôi cho rằng làm như vậy là chỉ thỏa mãn mình vì bế tắc chiến lược.

Nên nhớ, ĐCS dù rất mị dân và lừa bịp nhưng họ đã thành công vì họ đã đi từ quần chúng, vận động hứa hẹn quần chúng. Nói chung là họ biết dựa vào dân để tạo sức mạnh cho mình. Nhưng quyền lực đã tha hóa họ theo qui luật nên đã dẫn đến sự tàn độc với dân chúng như hiện nay. Nhưng suy cho cùng lý do là tại người dân chúng ta. Tại chúng ta kém hiểu biết nên chỉ thích nghe lời ngon tiếng ngọt mà bị lừa để phục vụ cho quyền lợi của họ chứ không thực sự đấu tranh cho quyền lợi của mình. Chính PTCĐVN đã nhìn ra vấn đề và vận động người dân hãy đấu tranh cho quyền lợi của chính mình, đừng chạy theo bất kỳ chủ thuyết, tư tưởng chủ nghĩa nào.

Điều làm tôi lý thú nhất khi đọc các tài liệu của phong trào này là nó đã chỉ ra một điểm chung cho tất cả mọi người dân đó là quyền con người. Cái này không mới nhưng cái hay của PTCĐVN là nó đã phân tích rất đơn giản và dễ hiểu để cho ai đọc cũng hiểu được là khi các quyền con người được bảo vệ bình đẳng thì xã hội mới có được một nền tảng công bằng tuyệt đối vì ai cũng có quyền như nhau giống như ai cũng có 24 tiếng 1 ngày bằng nhau. Chỉ nhờ cái nền tảng này mà xây dựng được một xã hội công bằng mà ai nỗ lực hơn thì được hơn. Đồng thời cho phép việc tái phân phối thu nhập theo quan điểm của số đông.

Tôi đã đọc rất nhiều các tài liệu trong và ngoài nước. Tôi chưa bao giờ thấy được sự phân tích cốt lõi nào lại dễ hiểu và tác động đến nhận thức công bằng của người dân như vậy cả. Đứa con gái tôi mới 18 tuổi, khi tôi đưa nó đọc bài Quyền con người trong nhà nước pháp quyền và tôi hỏi có hiểu không. Nó trả lời rằng vậy lâu nay chúng ta bị tước đoạt sự công bằng từ gốc rồi mà mình cứ muốn có công bằng trên ngọn sao được.

Càng đọc tài liệu của PT CĐVN tôi càng ngạc nhiên. Tôi thấy là chưa bao giờ có môt chiến lược và cương lĩnh chính trị nào được chuẩn bị kỹ càng như vậy cả. Nó khẳng định không phải là một đảng chính trị nhằm tìm kiếm sự cầm quyền ở VN nhưng là một tổ chức chính trị vận động quần chúng hành động để đạt được mục tiêu là quyền con người phải được bảo vệ tối thượng và bình đẳng tại VN.

Trong các tài liệu vận động các tầng lớp nhân dân nó lập đi lập lại là người dân phải đấu tranh cho chính mình, quyền con người của mình và chỉ ra những cơ sở pháp lý trong nước và quốc tế để người dân dựa theo đó mà đấu tranh. Điều này khiến tôi nghĩ đến các phong trào Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Nelson Mandela, phong trào Quyền Công dân của Martin Luther King. Đây là những cuộc đấu tranh công khai mà kết quả cuối cùng đã tạo ra những thành tựu bền vững cho người da đen ở các nước này. PTCĐVN khẳng định muốn tạo ra một nền tảng lấy dân làm gốc dựa trên ý thức làm chủ của người dân môt cách thực chất chứ không phải thông qua việc áp dụng hoặc áp đặt các mô hình từ trên xuống. Tôi tin vào điều này vì đơn giản là nó quá rõ ràng: người dân không có ý thức làm chủ thì làm gì có dân chủ.

Các bạn thử trong gia đình mình mà xem, các bạn muốn con cái chủ động quyết định quản lý gia đình nhưng chúng không có ý thức, không muốn không biết thì chúng có làm chủ được không?

Điều này cũng khiến tôi tôi nghĩ đến kế sách Đoài đánh Đoài mà ông Trần Huỳnh Duy Thức đã đưa ra. Nó được báo chí phổ biến rộng khắp vào giữa năm 2009 khi "vụ án lật đổ chính quyền nhân dân" xảy ra lúc đó. Điều này có nghĩa là dùng CS để thay đổi CS mà bây giờ chúng ta thấy ĐCS đang sợ khủng khiếp qua cái họ gọi là "tự diễn biến, tự chuyển hóa".

Nhiều người nhận thức sai lầm nên đánh đồng những người CS vào làm một. Thực ra họ có nhiều phe phái và trong đó không ít những người và phái tốt muốn thực sự tốt đẹp cho đất nước. Nhưng cái xấu đang hoành hành vì những người và các phe nhóm cơ hội, bảo thủ đang thắng thế. Ngay cả BCT cũng tồn tại như vậy. Nhưng vì ĐCS có nguyên tắc là khi đã thành chủ trương được bỏ phiếu thông qua thì những người có ý kiến đường lối khác cũng phải theo nên chúng ta chỉ nhìn thấy bên ngoài và tưởng rằng mọi cái mọi người đều như nhau. Tôi nghĩ rằng ông Thức đã rất sáng suốt khi nhìn ra điều này và muốn thúc đẩy xu hướng cấp tiến mạnh lên để xoay chuyển tình thế của đất nước. Song song đó là phải tạo ra sự chuyển biến về nhận thức của người dân về quyền làm chủ của mình, từ đó sẽ tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ mà không quay trở lại cái xấu được nữa.

ĐCSVN đang trong giai đoạn đấu nhau quyết liệt. Cái tốt vẫn chưa vươn ra được vì còn thiếu yếu tố quần chúng. Có lẽ PTCĐVN sẽ làm điều này. Vào năm 2009 và 2010 khi diễn ra vụ án lật đổ chính quyền nhân dân chấn động thì cũng là lúc BCT chia rẽ sâu sắc về vụ án này. Chưa bao giờ BCT lại kém đồng thuận trong các vấn đề an ninh quốc gia đến như vậy. Dù cuối cùng BCT vẫn thông qua việc truy tố vụ án nhưng những người không đồng tình trong BCT cũng chiếm con số sít sao.

Các vụ án an ninh lớn thì các ông to của ngành an ninh luôn trực tiếp tham gia vào quá trình điều tra là việc bình thường. Do vậy có người đề cập đến chuyện ông Lê Thăng Long gặp ông Hưởng trong quá trình điều tra là một nghi vấn thì quả là chuyện bé xé to. Hơn nữa với một vụ án mà BCT gây chia rẽ như vậy thì ông Hưởng đứng đầu ngành an ninh lúc đó phải gặp các bị can cũng là chuyện phải làm để có báo cáo trực tiếp quan điểm của mính cho BCT.

Tôi thì cho rằng ông Long đã tính toán và chuẩn bị quá xuất sắc khi phát động PTCĐVN. Ông đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng khi RFA phỏng vấn lúc mới ra tù được 2, 3 ngày. Điều này rõ ràng là ông muốn tạo yếu tố bất ngờ. Trong thời điểm đó ông âm thầm chuẩn bị cho việc công bố mấy chục bài viết, lời kêu gọi. Nếu ông nói gì với RFA về PTCĐVN thì chắc chắn nó sẽ bị ngăn chặn trước khi ông làm được việc đưa hết các bài lên mạng. Rồi mấy ngày sau đó ông đồng loạt phổ biến PTCĐVN đến rất nhiều nơi và xuất hiện trả lời BBC ngay sau đó để khẳng định việc làm này của mình. Tạo ra thế đã rồi. Nếu ông bị bắt thì sự lan tỏa của PT sẽ từ đó mà loang rất nhanh một cách khủng khiếp. Mà ông đã sẵn sàng cho tình huống này như ông viết trong lời kêu gọi của mình. Nhưng viêc bắt ông tiếp tục không còn là việc dễ dàng nữa rồi vì mục đích và phương thức hoạt động của PTCĐVN không tạo ra cái cớ gì để an ninh làm được điều này. Trước đây an ninh làm được vì họ chưa kịp công khai các tài liệu của mình, an ninh lập lờ và chế biến lời khai để quy chụp họ. Còn mọi cái bây giờ là công khai cho mọi người trên cả thế giới đọc được, có cả tiếng Anh. Việc bắt giữ ông sẽ gây ra một làn sóng. Điều này chắc chắn sẽ làm chính quyền không kiểm soát nỗi trong tình hình hiện nay. Nhưng không bắt ông thì người dân sẽ dần tự tin và tìm hiểu PTCĐVN, càng tìm hiểu họ càng hiểu, càng ngấm vào ý thức của họ. Giống như hạt giống gieo đúng thời tiết. Mà đây chính mục tiêu mà PT này nhắm đến.

Nói thật là tôi nghiêng mình bái phục ông Lê Thăng Long, cả về sự dũng cảm lẫn mưu trí. Tôi cũng muốn có đôi lời nhắn gửi đến những người đang hoạt động chính trị ngoài ĐCS rằng: trong khi PTCĐVN và ông Long đang cố gắng làm cho người dân tự tin thì một số người trong các ông đang vô tình càng làm cho người dân sợ hãi.


Khanh Sơn
danlambaovn.blogspot.com

*

Bài liên quan đã đăng:


Những điều lạ về Lê Thăng Long

Phan Nguyễn Việt Đăng - Sự kiện phong trào “Con đường Việt Nam” được khởi phát từ nhân vật Lê Thăng Long, đã làm bật lên nhiều ý kiến - đặc biệt cho thấy bức tranh tối sáng khó lường của nền chính trị dưới triều đại Cộng sản Việt Nam lúc này...


*

Ngây thơ và cạm bẫy



Hà Sĩ Phu (pro&contra) - Ra đời một cuộc vận động chính trị lớn, kèm theo đó là một tổ chức chính trị lớn, nằm ngoài tay của Đảng Cộng sản là một việc động trời. Người ta chỉ tham gia khi có SỰ TIN CẬY được hợp thành bởi 4 yếu tố...



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo