Phan An - Kính thưa làng!
Như vậy là một năm nữa đã trôi qua. Năm vừa rồi là (rút lịch từ túi quần ra xem) vâng năm rồi là hai nghìn mười hai. Thế nên chúng ta đang bước vào năm (rút bàn tính ra gẩy) à năm hai nghìn mười ba. Nhìn vào mắt làng tôi cũng thấy, tất thảy chúng ta đều rất là một sự ngạc nhiên đúng không ạ? Tại vì, nhờ vào cái phép mầu nào mà chúng ta còn sống sót đến giờ này, có phải không ạ? Thế thì (bỗng dưng cao giọng) anh nào ở gốc cây kia, trưởng thôn đang phát biểu trên này mà anh ngồi chơi tò he thế à, thật vô lễ! Muốn cắt sổ hưu không? Anh bảo gì, anh bảo anh có quyền tự do chơi tò he à? Tự do cái cục cứt! Cái dân không giáo dục được! (Hạ giọng) À tôi nói đến đâu rồi ấy nhỉ… à hôm nay nhân cái dịp là cuối năm, tôi xin đại diện làng nhìn lại năm rồi (rút lịch túi quần ra xem) tức là hai nghìn mười hai, đặng còn vạch ra hướng đi cho năm tới(rút bàn tính ra gẩy) chính là hai nghìn mười ba. Vâng năm rồi cái làng Vãi Chưởng… ủa quên cái làng Vững Chãi chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, có những thành tựu lớn, lại có những thành tựu vĩ đại, những sự kiện á là sáng ngời, tuy rằng có thể làng không được biết, vì nó thuộc về cái chủ trương, cái đường lối chính sách từ trên.
Tôi nói xí dụ như là phong trào xóa đói giảm nghèo. Làng ta năm rồi được bằng khen về xóa đói giảm nghèo, là tại vì sao? Vì sự linh động trong chính sách! Tôi đơn cử, Bốn Cụt trước đây là hộ đói vĩnh cửu, đói ngoan cố, vừa rồi cũng đã bỏ làng lên thành phố làm một cái nghề chân chính là nghề ăn mày, nghe nói một ngày y bò được hai mươi cây số đường nhựa. Bốn Cụt bỏ làng, thế thì làng ngại gì mà không bỏ Bốn Cụt? Tôi gạch tên Bốn Cụt ra khỏi danh sách hộ đói. Nên chi là năm rồi số lượng hộ đói của làng ta giảm triệt để. Xong rồi mới đây thôi thì tôi cũng tăng giá bán đèn cầy lên năm phần trăm. Là tại tôi biết làng ta đã hết nghèo đói, tăng như thế để lấy tiền xây cái nhà chồ mười một ngàn tỉ. Mụ vợ tôi rằng tăng giá đèn cầy trong khi đèn đóm như con cầy thế là không hợp lí. Thế thì tôi bèn bóp miệng mụ, tôi bảo cả cái làng này tao còn bóp hầu bóp họng được, mụ coi chừng đấy. Mụ im, còn chúng ta thì được thêm bảy ngàn tỉ đồng, phen này nhà chồ của chúng ta sẽ thành nhà chồ đẹp nhất huyện (phía dưới rộ lên tràng pháo tay, văng vẳng tiếng ú ớ của trưởng thôn phu nhân).
Vừa rồi tôi cũng có nghe làng ta than phiền là có mấy khoanh đất ruộng, đất vườn, để đấy mãi mà không bán được. Đứa thối mồm còn bảo là đất đóng băng. Xin thưa ngay với làng, đó chỉ là luận điệu thù địch của bọn ba que… ờ ba que xỏ lá. Vì trước hết là đất làng ta không thể đóng băng được. Ngay đầu làng có một cái đập nước, tôi đã cho đào tới đào lui, lại thuê xe ben về húc thử, thành ra đất rất uyển chuyển mềm dẻo, tối nào cũng rung với lắc, chỉ có sụt lún chứ đóng băng là đóng băng thế nào, có phải không ạ? Thứ hai nữa là, nói xí dụ làng ta có trăm mẫu đất đi, thì tôi đã hai mươi mẫu rồi, vợ tôi hai mươi mẫu nữa, con gái tôi hai mươi mẫu, xin nói thêm là cháu mặc váy hồng đi giày cao gót rất đẹp, con trai tôi lại hai mươi mẫu, cháu vừa được đưa đi dự đại hội thanh niên chậm tiến đấy ạ, thế và các bên nội ngoại chia nhau cũng được mười bảy, mười tám mẫu. Còn phần làng chỉ hai ba mẫu thôi. Nên nói về lo thì tôi phải no hơn làng chứ, có phải không ạ? Chúng tôi rất no khi làng đói, làng càng đói thì chúng tôi càng no (nói đến đây thì rút khăn mùi xoa ra hỉ mũi rõ mạnh).
Thế cho nên cái chuyện cậu gì đấy vì giữ miếng đất có một thẻo mà cố thủ trong nhà, lấy đá chọi ra là tôi không thể hiểu được, mà cũng khó lòng thông cảm cho được. Ngày tư ngày tết, không ngồi chổng khu gói bánh chưng mà lại lôi con kéo em đi liệng đá là thế nào, có phải không ạ? Mà miếng đất thì tôi nhắc lại là có một thẻo, móc đâu ra đá mà liệng cho nhiều, có phải không ạ? Đã cạn suy lại làm ảnh hưởng đến đội dân phòng của làng ta, ngày tư ngày tết không được ngồi chổng khu gói bánh chưng mà phải dắt chó xông phi dầm mưa dãi nắng như vậy. Ấy là rất ích kỉ, tôi phải nói thẳng thế. Nhân đây tôi cũng tuyên dương đội dân phòng làng ta đã tổ chức phòng dân rất có chiến thuật, dưới sông bơi ghe trên bờ cưỡi chó, dùng chùy vồ lại dùng dùi cui vố, lại đeo lá trên lưng leo lên nóc nhà, tức là đánh đường thủy đường bộ đường không, đánh tập kích, đánh nghi binh, thập bát ban võ nghệ thảy đều hay cả, tôi bảo có thể viết thành sách Binh pháp Vãi Chưởng, đem đi tranh giải Nô-bên bảo đảm thắng ngay chí ít là một nửa giải chứ không đùa đâu (bên dưới vỗ tay râm ran, xem chừng hoan hỉ).
Nãy nói chuyện cái nhà chồ mười một ngàn tỉ, tôi nghe làng bàn ra tán vào là mắc quá mắc quá. Xin thưa, làng nghĩ thế là thiển cận. Vì rằng đó không phải chỉ là nhà chồ, nó là cái giao thoa văn hóa! Là cái giao lưu lịch sử! (Bên dưới có tiếng xì xào) Làng không hiểu giao thoa văn hóa với giao lưu lịch sử ư? Làng dốt quá! Thế tôi lại xí dụ, vừa rồi làng bên cạnh có cử đội văn công qua làng ta, gọi là cái đội Đùi Dài Hát Một Bài. Thế thì các em thiếu nhi ở làng ta ra đến đầu làng chỗ có cây đa giếng nước, em thì đu trên ngọn cây, em thì ôm gốc cây, em lại bò bò trên thành giếng, vừa gào lên “Ối Đùi ơi!” vừa khóc nức nở. Có cái anh giáo làng trông thế ngứa mắt, mới lên cái mạng gì mà Phết Búc chấm Vững Chãi đấy, đăng bài thơ chửi. Các em không vừa, cũng làm thơ chửi lại. Đấy, cái sự làng bạn hát cho làng ta nghe, gọi là giao thoa văn hóa. Cái chuyện các thế hệ của làng ta vì bọn Đùi Dài mà chửi nhau tàn mạt, gọi là giao lưu lịch sử. Còn cái câu thơ “Làng ngu rất đỗi tự hào, đói cơm rách áo mà thằng nào cũng làm thơ” thì lại là tuyên truyền thôi, tôi nhắc lại là bọn ấy nó thù địch, nó ghen ghét với làng ta nên nó mới làm ra như thế, tội ác của bọn nó là trời không dung đất không tha.
Còn như thế nào là trời dung đất tha ấy à? Là cái chuyện làng ta vốn làm nghề chài lưới đã bao năm nay. Tôi nghe làng nói lại là gần đây làng ra sông đánh cá thì hay bị làng bên cắt đứt lưới cá. Ấy là tôi nghe nói lại thế, chứ tôi thì tôi không tin, vì làng bên với làng ta cũng như là anh em kết nghĩa chó ỉa ba cục. Thứ nữa là muốn cắt đứt lưới cá phải tốn nhiều công sức lắm, những là kìm cộng lực, những là dùi đục mắm cái, biết bao nhiêu mà kể. Cho nên tôi nghĩ là chỉ vô tình chạy ngang gây rách lưới thôi. Tôi đã nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về vấn đề này, và cuối cùng tôi đã nghĩ ra được một cái gọi là diệu ác kế. Bớ làng! (Làng nháo nhác chạy) Ủa quên! Thưa làng! Để tránh gây vô tình một sự lưới rách như thế nữa, với lại dù sao thì thế hệ tôi đi trước cũng đã vơ hết cá vét hết tôm rồi, tôi nghĩ làng ta nên chuyển sang đánh giậm, mò cua bắt ốc trên bờ sông thôi. Các em nhỏ cũng nên tắm ở mấy cái vũng trâu đầm gần bờ, như thế tức là an toàn đường thủy, chỉ có tốt chứ không có hại. Vì đá banh xong thì người các em nóng, lỗ chân lông nở to, mồ hôi ra nhiều, tắm ở ngoài xa lỡ bị cảm không bơi vào bờ kịp thì biết làm thế nào, tôi nói thế làng nghe có phải không ạ?
Còn cái chuyện đá banh đá bóng ấy, thì năm rồi chúng ta có cử đội bóng tinh nhuệ tham dự giải Bốn Ao Làng, và chúng ta xếp thứ bốn (làng ồ lên thất vọng). Tất nhiên… vâng tất nhiên là tôi cũng như làng, chúng ta rất buồn lòng với kết quả này, vì năm trước nữa thì chúng ta được giải Tư kia mà, đúng không ạ. Nhưng sau khi nói chuyện với đội trưởng thì tôi mới vỡ ra cái nhẽ, rằng chúng ta thua không phải tại chúng ta kém, cũng không phải tại chúng ta quản lí ngu dốt gì cả. Mà là… (hạ giọng thì thầm) cái này tôi nói với làng nghe, làng đừng đi kể với ai kẻo chúng nó không tin lại bảo mình đặt điều. Là đội bóng chúng ta bị… bị… bị ma ám ạ, thưa làng. Vâng cái đêm hôm ấy đêm gì, các cầu thủ của chúng ta giăng mùng đắp chiếu chuẩn bị ngủ thì thấy bóng người đứng bên cạnh, áo rách vai, quần có vài mảnh vá, miệng cười buốt giá chân không giày, nói là “Tao ám chết mẹ mày đây.” (Phía dưới lặng ngắt) Thế thì còn đá với đấm cái điếu gì nữa, có đúng không ạ? Nhân đây, đội bóng làng ta thua, làng có đòi tôi phải từ chức trưởng thôn, nhưng tôi xin thưa luôn thế này. Tôi ờ… được làng tin tưởng giao chức trưởng thôn đến nay đã ba mươi hai năm, nhiệm vụ ờ… làng giao cho tôi chưa hề từ khước, tôi không chạy, không xin, cũng không hề thoái thác, cho dù có đứa bẩn mồm bảo ờ… tôi chưa hề làm tốt. Nên tôi xin nói luôn, ờ… hễ còn sống là tôi còn làm trưởng thôn, làng nói gì kệ làng.
Kính thưa làng!
Còn một số thành tựu tôi chưa kể ra đây, như chuyện thu phí trâu không chính chủ, rồi vụ lực lượng điều phối trâu của ta bị tố là ăn tham như lợn vân vân, nhưng tôi xin khẳng định một điều rằng làng ta đã đang và sẽ đi đúng hướng, xây dựng một nền kinh tế làng vững mạnh có định hướng. Tất cả những cái xấu là do đặt điều mà ra. Tất cả những cái tốt đều là chưa miêu tả được đúng mức sự thật. Năm cũ đã qua năm mới sắp đến, làng ta hãy đồng sức đồng lòng cùng tiến lên. Tôi đã chuẩn bị một bài thơ chúc Tết rất hay, lời lẽ cao siêu mọi nhẽ, do nửa đêm nằm mộng được thần phật mớm lời cho, nhưng xui cho làng là tôi để quên ở nhà rồi. Nên chỉ xin đọc cho làng nghe mấy câu thơ tôi vừa tức cảnh sinh tình (rút tờ giấy trong túi quần ra đọc):
Tiến lên bớ làng
Hướng về tương lai tươi sáng
Nhất định chúng ta sẽ thành công
Cho dù hiện giờ hơi quờ quạng
Vì một ngày mai cá chép mọc râu hóa rồng
Hôm nay chúng ta tạm thời ngúc ngoắc trong ao cạn.
(Diễn văn kết thúc. Làng vỗ tay như sấm rồi đứng lên phủi đít đi về.)
Phan An