Dân Đọc Báo (Danlambao) - "...Tôi viết những dòng chữ trên để nhắn gởi đến mọi tầng lớp của những người Việt Nam yêu nước. Nhất là giới trẻ và những thành phần mà xã hội cho là ít học, làm việc tay chân. Xin đừng xem làm chính trị là một công việc xấu xa hay vượt quá khả năng của mình. Làm chính trị trong nền dân chủ cao thượng hơn là người ta tưởng. Cái mà dân chúng cần chỉ là cái tâm. Mà cái tâm thì đâu phải chỉ dành riêng cho những người trí thức, học cao hiểu rộng? Làm đày tớ nhân dân không cầu học vị, bằng cấp để chứng tỏ mình thông minh. Chỉ cần làm nghiêm túc những việc mà nhân dân giao cho là quá đầy đủ..."
*
Thế kỷ 21 đang chứng kiến những xáo trộn vĩ đại nhất thế giới. Con người hết sống trong khuôn khổ trong quốc gia mà sống trên trái đất. Các công ty không chỉ cạnh tranh với những đối thủ trong nước mà còn phải cạnh tranh với những công ty khác từ thế giới đổ vào.
Về kinh tế, hiện tượng toàn cầu hóa là không thể tránh khỏi.
Trong diễn văn của các lãnh đạo độc tài, từ Á sang Phi, từ Nguyễn Phú Trọng đến Tập Cận Bình, Al Assad, Ahmadinejad... đều kêu gọi phòng ngừa các thế lượng thù địch từ nước ngoài.
Các người này nói đúng nhưng chưa rõ ràng.
Các người này nói đúng nhưng chưa rõ ràng.
Qua báo chí, mua bán, giao lưu, du học, tranh chấp... thì nhân dân của các nước độc tài thấy rằng những quốc gia dân chủ hơn họ rất nhiều thứ. Và nền chính trị dân chủ là một câu trả lời phù hợp nhất với nguyện vọng và ước muốn của mình.
Thế lực thù địch mà "các ngài" ám chỉ đây là nền văn hóa, quyền công dân, kinh tế, xã hội, dân trí... của các nước dân chủ.
Về chính trị, phong trào dân chủ lan tỏa khắp thế giới là điều không thể tránh khỏi. Dân chủ hóa khắp nơi, từ Châu Âu đến Châu Á, từ châu Phi đến châu Mỹ.
Độc tài đưa đến độc quyền, độc quyền đưa đến bất công, bất công gây ra phản kháng đòi dân chủ. Bên kia biên giới, có một tỷ mấy trăm triệu người đòi những kiểu hành xử công bằng từ chính quyền. Họ đòi hỏi những "mẩu vụn" dân chủ. Theo thời gian, đảng cộng sản Trung Quốc hết còn có thể là chủ nhân duy nhất của đất nước Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ mất nước.
Phong trào dân chủ ở Việt Nam đã đi xa hơn. Các sử gia thấy có 4 hiện tượng của những triều đại lúc lâm chung:
a) Thối nát, băng hoại đến nỗi mất hết khả năng giải quyết mọi vấn đề khẩn cấp của Quốc gia và bảo đảm những điều kiện sinh hoạt thường nhật của dân chúng.
b) Tâm lý oán ghét chế độ mỗi ngày mỗi tăng cao, quần chúng rộng lớn hầu như tuyệt vọng, họ sẵn sàng hy sinh để thay đổi số phận.
c) Mâu thuẫn, xung đột kịch liệt ngay trong nội bộ hàng ngũ thống trị, phe thống trị mất tin tưởng cả chính mình.
d) Xã hội khao khát một thế lực mới để cứu vãn tình thế.
Hiện nay Việt Nam đã có 4 điều này. Câu hỏi hết còn là có thay đổi chính trị hay không tại vì chuyện này sẽ xảy ra.
Đảng cộng sản run sợ hỏi: Ai nào?
Nhân dân khắc khoải hỏi: Chừng nào?
Những người đấu tranh cho dân chủ đau đáu hỏi: Cách nào?
Mới năm nào, những người đấu tranh còn rời rạc, manh mún. Nhưng hiện nay họ đã đoàn kết. Sự gắn bó đã trở thành những cam kết bởi những kiến nghị 72, bản góp ý kiến của Hội Đồng Giám Mục, của Phật Giáo, Hòa Hảo, Lời Tuyên bố của các Công Dân Tự Do...
Thế lực mới mà nhiều người mong đợi bắt đầu có khả năng cạnh tranh với chế độ cộng sản.
Ở trên mạng, cản trở không cho chúng ta đi tiếp?
Dạ thưa, chẳng có gì cả.
Đảng cộng sản cấm biểu tình ngoài đường thì thế lực mới biểu tình trên mạng. Biểu tình trên mạng nâng cao hiệu quả trong thời gian và không gian, ở mọi nơi và mọi lúc. Biểu tình kiểu này được đọc giả người Việt khắp thế giới xem và ủng hộ.
Đảng cộng sản giam cầm, quản thúc những cá nhân có khả năng trở thành lãnh tụ thì thế lực mới thay thế bằng tập thể lãnh tụ. Những cách thức ứng xử với cộng sản, nhân cách, lối suy nghĩ và lời tuyên bố của họ cũng có tác dụng với đồng đội ngang như những mệnh lệnh, chỉ thị... của đảng cộng sản.
Đảng cộng sản lập ra đội ngũ dư luận viên cũng thất bại. Các công an mạng đấu khẩu trong những tình thế hoàn toàn bất lợi. Họ bảo vệ chính phủ trong những sự kiện không thể bảo vệ, ở những website mà ban điều hành có thể xóa bỏ lý luận của họ. Và cuối cùng, họ cũng không đủ kiến thức để đối chọi với các "còm sĩ". Các còm sĩ vượt xa những CAM về số lượng lẫn sự hiểu biết, thành hẳn một lực lượng đấu tranh cho dân chủ. Lực lượng CAM càng làm cho tâm lý oán ghét trong dân chúng mỗi ngày một dâng cao.
Đảng cộng sản Việt Nam cấm đoán 700 tờ báo đưa ra những thông tin bất lợi cho chính phủ. Nhưng sao là bất lợi? Khi công an đánh đập dân chúng là bất lợi? Khi cưỡng chế đất đai là bất lợi? Khi con ông cháu cha coi mạng người như cỏ rác là bất lợi?
Còn gì là mới mẻ khi đăng tải chuyện gì xảy ra cũng phải đợi chờ tầng tầng lớp lớp kiểm duyệt?
Làm sao có sáng tạo khi ho một tiếng cũng phải xin phép?
Riết rồi báo chí lề đảng chẳng biết viết gì và đăng gì? Quần chúng quay ra tìm tin tức ở báo chí lề dân.
Muốn tìm những tường thuật khít khao với sự thật hay những phân tích sâu xa về chính trị, kinh tế thì cứ nhấn chuột "xề" qua báo lề dân là được giải thích, phản bác rõ ràng. Báo chí lề đảng đã bị á khẩu. Đảng cộng sản mất danh chính ngôn thuận để tiếp tục lãnh đạo đất nước. Đảng cộng sản đã mất nước Việt Nam. Lực lượng đấu tranh cho dân chủ ở trên mạng rùng rùng chuyển động, ngày càng lớn mạnh. Vậy còn thiếu gì để lực lượng này đổ ra lề đường?
Dạ thưa, còn thiếu nhiều thứ.
Xin mổ xẻ chỉ một vấn đề duy nhất mà thôi. Chúng ta còn thiếu đội ngũ chính trị gia đấu tranh cho dân chủ ở tất cả các giai cấp và các nghề nghiệp..
Văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Đạo đức của của một người quân tử cổ điển gồm toàn là những chữ không: không tranh chấp, không tranh giành, không ham muốn, không đảng phái, không được cãi lời bề trên, không được đàm tiếu về nhà cầm quyền, không được vạch những cái xấu xa của kẻ khác, không thế này, không thế nọ... Cho nên bất cứ ai sống theo khuôn khổ đạo lý, tu nhân tích đức này cũng không thể làm chính trị!!!
Điều này rất có lợi cho những chế độ độc tài. Nó biến thành tín điều mà kẻ thống trị muốn nó tồn tại mãi mãi. Nhờ vậy mà con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Vua chúa sinh ra là để tiếp tục làm vua chúa, quý tộc. Các hoàng tử, hoạn quan, ngoại thích tranh giành ngôi báu, lợi lộc. Họ làm chính trị âm mưu mà không làm chính trị đại cục.
Những trí thức nghiền ngẫm triết lý thánh hiền, văn chương từ phú rồi thi cử làm quan. Họ thay vua mà cai trị dân chúng. Họ chỉ làm kẻ điều hành, phân phát mệnh lệnh của bề trên. Họ cũng không làm chính trị.
Còn dân chúng là thành phần đám đông câm lặng. Họ không được phát biểu, đòi hỏi gì. Cái gì cũng thông qua cầu xin, lạy lục. Giai cấp trí thức muốn canh tân xứ sở mà không xin xỏ bề trên được cũng chỉ biết ngồi khóc!
Tuy có sửa đổi đôi chút, cộng sản Việt Nam cũng áp dụng hình thức phong kiến này. Thay cho một vua thì 14 vua. Thay cho triết lý Nho Giáo là triết lý Mác Lê –Nin. Thay cho quan lại là quan chức. Chỉ có dân chúng câm lặng thì phải tiếp tục câm lặng. Cái gì cũng thông qua đút lót, bôi trơn. Trí thức có khuyên ngăn gì thì cũng nghe phán: Đây là nguyện vọng lớn của đảng và nhà nhà nước!
Trong khuôn khổ trật tự giai cấp và đạo đức do những kẻ cầm quyền sắp đặt, danh từ làm chính trị đi sâu vào quần chúng như một danh từ xấu xa và nguy hiểm. Người làm chính trị là người có tham vọng cá nhân, đáng khinh nhờn. Những người bất đồng ý kiến bị chụp mũ là làm chính trị và có thể bị bắt bớ, bỏ tù bất cứ lúc nào.
Vậy làm chính trị là gì?
Khi loài người sống chung với nhau thì sẽ sinh ra những mâu thuẫn về thực phẩm, đất đai, phong tục, lãnh thổ, dân tộc... Làm chính trị là giải quyết những vấn đề vốn có trong xã hội cho êm thắm. Khi kỹ thuật, kinh tế phát triển thì những sự mâu thuẫn này càng phức tạp. Muốn giải quyết bằng chính trị thì phải luôn luôn xem xét lại cách điều hành trong quá khứ rồi bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với tình thế hiện tại và tương lai.
Những chế độ dân chủ luôn luôn có sự thay đổi. Nhờ thể chế đa nguyên, đa đảng, không những chính quyền thay đổi nhân vật chủ chốt mà còn thay đổi luôn về những quốc sách, luật lệ... Quốc gia ứng phó kịp những tình huống bất ngờ, bắt kịp những kỹ thuật hiện đại và phát triển.
Không như ở Việt Nam, những người tham gia vào chính trị ở các nước dân chủ không bị xem như là những thành phần xấu xa, xảo quyệt. Họ là những người có hoài bão đấu tranh cho một xã hội hoàn thiện hơn. Có thể chia các chính trị gia này thành ba thành phần.
a) Chính quyền địa phương.
b) Các bộ phận chuyên môn của chính phủ như bộ kinh tế, bộ giáo dục, các đảng phái, quốc hội…
c) Thành phần lãnh đạo đại diện cho quốc gia như thủ tướng, tổng thống.
Mỗi thành phần có trách nhiệm và bổn phận riêng nhưng đều có khả năng thay thế lẫn nhau.
Dân chúng của một nước dân chủ cần gì từ chính quyền?
Cần lắng nghe và giải quyết những vấn đề thường ngày, bảo vệ những quyền lợi mà công dân nào cũng có theo luật pháp.
Ở các quốc gia dân chủ khác, bất kể ai cũng có thể là cố vấn, quận trưởng, thị trưởng, bộ trưởng hay thủ tướng... nếu người đó muốn và tranh đấu bằng cách hợp pháp. Hợp pháp chỉ vỏn vẹn là ghi tên ứng cử. Nếu có thể thì gia nhập vào một đảng phái có quan điểm chính trị giống mình để được thêm giúp đỡ. Dân chúng sẽ lựa chọn, bỏ phiếu.
Người không đủ phiếu ủng hộ thì không được đại diện ai hết. Sự nghiệp chính trị của họ chấm dứt hoặc phải đợi đến lần ứng cử tiếp theo. Người có nhiều phiếu hơn thì được vào những vai trò phụ như cố vấn, phó phòng... Người nào có nhiều phiếu ủng hộ hơn hết thì sẽ được làm chức vụ chủ chốt.
Làm chính trị có nghĩa là đưa ra một đường lối, những dự tính để giải quyết những khó khăn vốn có trong xã hội. Và sẽ được thực thi nếu những nhóm người này được dân chúng ủng hộ. Thất bại chưa chắc là sự buồn phiền, thắng lợi cũng chưa hẳn là được lợi lộc.
Trong một vài thành phố của thế giới, mọi chi tiêu của chánh quyền đều được kê khai rõ ràng trên internet. Người công dân có thể kiểm tra bất cứ gì và bất cứ lúc nào. Xa hơn bước nữa, họ cũng biết rõ ràng số lượng và danh tính của những từng người bỏ phiếu chống, thuận hay phiếu trắng. Mọi sự lường gạt, lừa đảo gần như là không có.
Làm chính trị theo đúng nghĩa của nó: Hy sinh và phụng sự.
Tôi viết những dòng chữ trên để nhắn gởi đến mọi tầng lớp của những người Việt Nam yêu nước. Nhất là giới trẻ và những thành phần mà xã hội cho là ít học, làm việc tay chân. Xin đừng xem làm chính trị là một công việc xấu xa hay vượt quá khả năng của mình. Làm chính trị trong nền dân chủ cao thượng hơn là người ta tưởng. Cái mà dân chúng cần chỉ là cái tâm. Mà cái tâm thì đâu phải chỉ dành riêng cho những người trí thức, học cao hiểu rộng? Làm đày tớ nhân dân không cầu học vị, bằng cấp để chứng tỏ mình thông minh. Chỉ cần làm nghiêm túc những việc mà nhân dân giao cho là quá đầy đủ.
Muốn làm chức vụ cao hơn trong bộ máy chính quyền thì ngoài cái tâm ra còn phải có thêm sự hiểu biết về chuyên môn có khả năng nhìn xa, cái tâm và cái tầm. Nhờ vậy mới có những cách giải quyết hoàn mỹ hơn. Sự hiểu biết đây cũng không hẳn là bằng cấp. Trên nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều nông dân đã làm bộ trưởng bộ nông nghiệp. Sự hiểu biết đây là hiểu biết nắng mưa, được mùa, thất giá... Bộ trưởng được lựa chọn một nhóm người cộng tác với mình, có thể hỏi ý kiến của những chuyên gia. Rốt cuộc làm bộ trưởng vỏn vẹn tạo được niềm tin ở dân chúng và biết giải quyết được những vấn đề ở trong bổn phận của mình. Khi giải quyết những vấn đề chính trị ở cấp cao thì không tránh khỏi đụng chạm đến quyền lợi của một nhóm người khác. Làm chính trị không dễ dàng như ngắm cảnh xem hoa nữa mà phải cần quyền lực, đấu tranh, liên kết...
Sự đạo đức của một nền chính trị dân chủ là các phần tử quyền lực đấu tranh bằng lý lẽ. Lời nói thay cho súng đạn. Chính sách thay cho âm mưu.
Trong những bàn luận, comment ở trên mạng, thường có những lời yêu cầu những cá nhân đấu tranh cho dân chủ đứng lên làm lãnh tụ. Thái độ này còn mang nặng khuyết điểm tâm lý: Bị ràng buộc về văn hóa, giáo dục nên không thể tự đứng lên mà muốn người khác làm chính trị thay cho mình.
Nhưng cuộc cách mạng hôm nay đã khác xa với những cuộc cách mạng trong quá khứ. Vì bị cộng sản chống phá, mọi đấu tranh bằng cách tìm ra lãnh tụ, lãnh tụ tổ chức ra đảng phái, đảng phái điều hành và kết nạp thành viên... đều bị dập tắt.
Thay vào đó là một quần thể lãnh đạo.
Mỗi người đấu tranh là một người thủ lãnh của chính mình. Những Nguyễn Đan Quế, Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Thục Vy, Điếu Cày... không cần được tôn vinh họ làm thủ lãnh. Họ mong muốn chúng ta đậu vai sát cánh đấu tranh cùng với họ.
Nhiều người còn chưa dám làm chính trị vì cho rằng Việt Nam còn thiếu giáo dục, ngôn ngữ, văn hoá... để trở thành một đất nước có dân chủ.
Không sao. Nhờ internet, những người đấu tranh có thể học hỏi lẫn nhau, tạo ra một sự hiểu biết tập thể. Cộng sản chân chính là gì?
Xem bài của Hà Sĩ Phu sẽ giải mã được cộng sản chân chính là gì!
Dân chủ để được gì?
Xin vào xem Lời Tuyên bố của các Công Dân Tự Do.
Thắc mắc về nguồn cội, người Việt trong nước hay nước ngoài?
Cũng không sao, Huỳnh Ngọc Chênh đã trả lời rằng không phân biệt trong hay ngoài. Những câu nói cứ tưởng như tầm thường mà lại ảnh hưởng lớn lao cho những người lập pháp tương lai.
Không phân biệt nên thứ gì cũng dễ. Dễ mua nhà, dễ sinh sống, dễ đóng thuế, dễ tham gia vào chính trị... Người Việt ở nước ngoài về quê hương định cư không được ưu đãi nào hơn người ở trong nước. Và khi họ phạm tội ở Việt Nam, họ cũng phải bị xử tội theo luật pháp của Việt Nam.
Đấu tranh bằng tính cách đoàn thể gặt được những thành quả không ngờ. Nhìn theo khía cạnh đấu tranh thì lời tuyên bố của Nguyễn Đức Kiên là một chuyện để đời: trả lời đúng nhất đối với phát biểu của Trọng Lú, là những lời muốn nói đúng nhất của những người đấu tranh, là sự mong đợi đúng nhất của quần chúng. Tóm lại là đúng đủ thứ.
Nhưng Nguyễn Đức Kiên khó lập lại một hành động gây ảnh hưởng lớn lao như vậy nữa. Những hành động chính trị gây dấu ấn kế tiếp phải trông cậy vào những người đấu tranh khác, những Nguyễn Văn A, Trần Thị B... đang tiềm ẩn trong quần chúng.
Điều này cũng dễ hiểu thôi vì ngay những chính khách lỗi lạc cũng không thể đúng ở mỗi quyết định và ở mỗi câu nói. Winston Churchill chỉ là anh hùng trong thế chiến thứ hai, ngoài mốc thời gian này ra, những gì ông làm đều tầm thường, thậm chỉ đã từng mất chức.
Làm chính trị cần có gì?
Cần có lập trường rõ ràng. Mandela Nelson từ chối cam kết rằng sẽ không đấu tranh bằng bạo động. Và ông đã chấp nhận 27 năm tù tội. Ông trở thành tổng thống vì nhờ có một lập trường vững vàng.
Ngược lại, bà Aung San Suu Kyi không đấu tranh bằng bạo động. Theo bà, nếu bạo động thì sẽ chẳng khác gì những kẻ thù của bà. Dù có lần bị ám sát hụt và cam chịu mười mấy năm quản thúc mà bà chẳng hề thay đổi ý kiến. Đó cũng là một lập trường vững vàng.
Hành động của cựu trưởng đoàn kiến nghị 72 Nguyễn Đình Lộc có thể xem là thiếu lập trường. Dù ông bị đài truyền hình của cộng sản cắt xén lời nói thì ông vẫn có thể đính chính qua mạng internet. Ông đã không làm như vậy. Sự nghiệp chính trị của ông bị dính một vết nhơ.
Trong chính trị, im lặng cũng có nghĩa là thất bại.
Cộng sản muốn nhờ sự cố này để lung lạc những kẻ đấu tranh thì lầm to. Khi tôi ký vào Lời tuyên bố của những công dân tự do thì những lời viết của Nguyễn Đức Kiên đã không còn là của anh Kiên nữa. Nó đã thành lời của chính tôi. Cũng như kiến nghị 72 vẫn là còn của những người ký tên khác.
Một người làm chính trị có khả năng cũng là người có thể dẹp bỏ những hỉ nộ, ái ố bình thường mà tìm nguồn gốc của sự việc.
Với sự kiện Hồ Tập Chương là Hồ Chí Minh đăng tải trên báo chí Trung Quốc. Đúng hay sai thì chưa biết nhưng nhiều người kết luận là đã bị mất nước từ năm 1945 theo ông Hồ. Vì đã mất nước nên họ thấy việc đấu tranh là quá to tát, cực khổ nên chẳng muốn làm gì nữa. Nhưng Hồ Chí Minh chẳng còn quyền hành gì hết ở lúc cuối đời. Nếu bị mất nước từ năm 1945 thì sao có chiến tranh biên giới Việt-Trung?
Soi xét với gốc độ chính trị thì dù được thần phục, ôm chân nhưng Trung Quốc cũng chẳng từ bỏ hành động nào để hạ bệ uy tín của đảng cộng sản Việt Nam. Kẻ hủy diệt cộng sản Việt Nam là phong trào dân chủ nhưng kẻ làm cộng sản Việt Nam suy yếu là Trung Quốc. Đảng cộng sản đang níu cánh bèo mà cứ ngỡ là cái phao, ôm con cọp rằn mà tưởng là con bò sữa!
Theo hội nghị Thành Đô, chánh quyền cộng sản cam nguyện lệ thuộc Trung Quốc. Những người không đấu tranh thì than vãn và khóc lóc. Nhưng đã là một người đấu tranh thực thụ thì không thể xem sự việc trong tương lai như một chuyện đã an bài. Nó nung nấu những người đấu tranh càng quyết liệt hơn nữa. Chúng ta còn nhiều thời gian để rốt ráo làm đủ thứ chuyện.
Trong tương lai, ở một đất nước Việt Nam dân chủ, ai có thể tham gia vào chính trường?
Xin thưa, trên lý thuyết thì bất cứ ai nếu người đó muốn.
Kỹ sư, bác sĩ, luật sư, thầy giáo, nhà báo, nhà văn...?
Dạ được. Song song với sự học hành, các chế độ độc tài còn lồng thêm cái đạo đức chỉ đẹp và chỉ thực hiện được trong trí tưởng tượng. Cái đạo đức mà không ai áp dụng để làm chính trị được.
Không tham gia vào chính trị là câu nói thường ngày của giới trí thức để chứng tỏ mình trong sạch. Dù không phải là trí thức, cách đây vài tháng tôi cũng suy nghĩ như vậy. Nhưng khi đọc bài Đảng cộng sản Việt Nam đã chết, trong đó có câu làm chính trị là hy sinh và phụng sự. Tôi bừng tỉnh. Từ vai vế của một con cừu, tôi trở thành một người đấu tranh. Thà chết mà tự hào rằng mình đã sống. Còn hơn sống mà thực ra đang chết.
Nông dân, về hưu, chạy xe ôm, làm nội trợ...?
Cũng được luôn.
Xin lấy một thí dụ của lịch sử. Ngày xưa trước khi theo phò Hán Cao Tổ rồi làm đến chức thừa tướng, Trần Bình là một gã bán thịt heo. Vì khéo chia phần mà được người khác khen ngợi. Trần Bình tuyên bố nếu làm thừa tướng thì cũng biết phân chia mọi việc đều như vậy.
Làm chính trị thì cũng nôm na như quán xuyến một gia đình. Bà nội trợ là nội tướng thành công nếu ngoài thời gian đi học, đi làm ra, những phần tử trong gia đình ham muốn về nhà, quây quần với nhau trong bữa cơm ấm cúng, vui vẻ chia sẻ những chuyện bình thường, bàn luận nghiêm túc những kế hoạch hằng ngày... Quốc gia có thể xem như là một gia đình nhân rộng.
Trong một nền dân chủ trực tiếp hay bán trực tiếp, ai ai cũng có thể tham gia cầm quyền chính trị. Ngay cả người chỉ học hết lớp 7. Không biết phải làm gì thì xã trưởng, thị trưởng học hết lớp 7 này làm sao?
Hỏi ý kiến của người khác.
Thắc mắc chuyện chi thì cứ hỏi dân. Họ biết lo cho họ hay hơn là những tiến sĩ, thạc sĩ mua bằng cấp với giá vài trăm triệu. Có điều tất khuất trong chi tiêu, cách bổ nhiệm người, những nguy hiểm họa sắp đến.... Dân sẽ lên tiếng cho anh. Anh theo ý dân là anh thành công.
Nhưng trong những quốc gia có dân chủ thực sự thì vẫn có những loại người không được tham gia vào chính trị. Tham gia vào chính trị dành cho những người chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Do vậy nên trẻ em, người bị bệnh tâm thần, người đang bị tù tội... không được tham gia vào chính trị.
Vì chính sách tam quyền phân lập, những công an, thẩm phán cũng không thể đứng ra ứng cử được. Nếu không thì chế độ dân chủ dễ trở thành một chế độ công an trị. Chính quyền và công an toa rập với tòa án như ở Việt Nam. Các quân nhân trong quân đội cũng không thể tham gia chính trị, vì vậy cũng sẽ dễ trở thành một chế độ quân phiệt như Miến Điện. Nhiều quốc gia cũng chẳng cho phép những quân nhân thuần túy lên làm bộ trưởng bộ quốc phòng. Những vị tướng này thường kiếm cớ để khiêu khích chiến tranh, lưu danh trong lịch sử!
Muốn tham gia vào chính trị thì họ phải từ chức cảnh sát, thẩm phán trước đã.
Vậy đảng viên cộng sản Việt Nam có thể tham gia vào chính trị hay không?
Cái đó còn tùy. Tùy theo sự lật đổ cộng sản là do dân chúng hay đảng cộng sản tự thay đổi. Nếu dân chúng lật đổ chế độ bằng máu thì tính mạng của các đảng viên cộng sản chưa biết có còn hay không? Nói gì đến chính trị chính em.
Đừng nghĩ là những đảng viên cộng sản có thể chạy trốn. Chạy đi đâu? Chạy qua Tàu trong khi những người cộng sản Tàu đang chạy đi xứ khác. Trung Quốc sẽ bỏ đồng minh cũ để bang giao, thương lượng với chính quyền Việt Nam mới. Mạng sống của mấy vị “đỉnh cao trí tuệ” không nặng hơn mấy hợp đồng còn dang dở. Chạy qua Tàu là một suy nghĩ không có căn cứ. Xin đừng ngộ nhận.
Chạy qua xứ khác? Các nước mới dành được dân chủ rất khó lấy lại tài sản của những nhà độc tài. Nhưng việc bắt giữ những nhà độc tài lẫn thân nhân lại cực kỳ dễ dàng. Cũng dễ hiểu thôi vì không thể đem chân và tay dấu ở quốc gia này, lấy lưng hay bụng ém ở nhà băng khác, đầu ở Ngô, thân ở Sở. Cũng như Kadafi, Al Assad sẽ bị sát hại ở quê hương của mình.
Nếu chế độ cộng sản tự thay đổi hay có một lực lượng trong đảng cộng sản làm cuộc chính biến, thì dân chúng không bị đổ máu nên không đòi hỏi trả thù. Có thể một vài phần tử bị hạ bệ, lôi ra tòa án nhưng phần đông đảng viên vẫn có quyền đòi hỏi tham gia vào một trong những đảng phái của nền dân chủ mới.
Vì lợi ích của dân tộc, chính phủ mới không thể ban thưởng những người đã đấu tranh dân chủ Việt Nam đã bị áp bức, cầm tù bằng chức vị. Đại loại kiểu ông này ở tù bao nhiêu năm thì được thưởng chức vụ này, chị kia ở khám bao nhiêu tháng thì được ân huệ kia. Một nhà cách mạng rất can trường có thể là một chính khách rất dở. Vì làm chính trị trong một nền dân chủ đòi hỏi những tài năng mà họ chưa chắc có. Vậy thì làm sao?
Khi Thế chiến thứ hai chấm dứt, các nước Âu Châu đặc biệt ưu đãi những công dân đã bị Đức Quốc Xã cầm tù với cách ưu tiên kiếm công ăn việc làm và mọi phương tiện khác. Nếu họ muốn tham gia vào chính quyền thì quá khứ của họ là vốn liếng chính trị quý báu. Đến cuối đời, những người này cũng được hưởng bậc lương hưu cao nhất. Tôi đề nghị chính phủ Việt Nam tương lai áp dụng hình thức này.
Xin đừng bắt chước cộng sản, ban chức tước cho những kẻ theo cách mạng từ 11, 12 tuổi, mà khả năng đọc và viết còn lọng cọng. Nếu vậy thì chúng ta chỉ đập đổ chế độ độc tài này để xây dựng chế độ độc tài khác, đánh đuổi những kẻ ngu si này để vâng lệnh những kẻ ngu si khác. Cũng may, phần đông những người bị đàn áp, cầm tù, quản chế... là những người tài giỏi. Do đó chính phủ tương lai trả lại sự công bằng cho họ dễ dàng hơn.
Sẽ có một số nhà đấu tranh cho dân chủ sẽ dừng cuộc khi cộng sản bị lật đổ vì họ xem vậy là đủ rồi. Vì tương lai của dân tộc, tôi xin các người đang đấu tranh hãy đấu tranh tiếp tục bằng cách ứng cử vào guồng máy của chính phủ mới. Lật đổ cộng sản chỉ là bước đầu của nền dân chủ. Lật đổ đã khó, nhưng xây dựng một chế độ dân chủ công bằng cũng khó khăn không kém. Điều quan trọng không phải là bắt đầu mà là làm đến cùng. Các vị đã kiên cường trước kẻ thù, xin hãy phấn đấu cho một Việt Nam tươi đẹp bằng cách ôn hòa hơn. Các vị nên ứng cử, dân chúng sẽ quyết định. Một dân tộc sẽ kiêu hùng nếu được quản trị bởi những nhân vật kiêu hùng.
Trong những người đấu tranh đang bị quản chế, cầm tù tại ngoại hay trong dân chúng sẽ nổi bật một vài cá nhân có khả năng cầm đầu chính phủ. Hiện nay, không có lãnh tụ cũng có cái lợi ích của nó. Quốc hội và nhân dân có thể bàn thảo mà hạn chế quyền hạn, lợi lộc và thời gian cầm quyền của người đứng đầu chính phủ.
Ông George Washington đã cứu nước Mỹ hai lần. Lần thứ nhất là đánh bại quân lính của đế quốc Anh. Lần thứ hai là từ chức về vườn sau 2 nhiệm kỳ làm tổng thống. Một tiền lệ rất tốt đối với những tổng thống Hoa Kỳ khác. Họ không thể tạo dựng bè phái để kéo dài sự cai trị của mình. Và phải cố gắng những gì phải làm trong một thời gian ngắn. Nhờ vậy mà Hoa Kỳ mãi là một quốc gia trẻ trung và đầy sinh lực.
Xin đừng xem việc tham gia chính trị như là một hành vi thiếu đạo đức. Vì “đạo đức” của Khổng Tử, Lão Tử, Hồ Chí Minh... mà chính quyền Việt Nam ca tụng là một trong những hình thức đè bẹp khả năng phản kháng của con người. Với khẩu hiệu để đảng và nhà nước lo, quần chúng bị tước đoạt khái niệm con người là một động vật chính trị. Trong một quốc gia lấy nền dân chủ làm nền tảng, làm chính trị cũng cao cả như những người cầm súng bảo vệ quê hương. Cũng như làm lính, làm chính trị cũng đòi hỏi sự hy sinh, gian lao, nghị lực dồi dào.
Để kết luận, xin trả lời cho ba câu hỏi.
Ai nào?
Rất đông nếu mỗi người mở được gông cùm tâm lý trong đầu óc mình. Những người đấu tranh cho dân chủ không còn đếm bằng hàng trăm, hàng ngàn mà phải đếm bằng con số hàng triệu trở lên.
Chừng nào?
Rất mau. Đừng tưởng là cộng sản mạnh. Vài tháng trước khi bị dân quân nổi dậy lôi ra từ ống cống, Kadafi cũng huênh hoang tuyên bố những lời giống như đảng cộng sản hôm nay.
Cách nào?
Xin những người đấu tranh cho dân chủ đừng lo lắng, hãy làm những gì mà mình cho là cấp bách và cần thiết. Những gì phải đến sẽ đến. Quần thể lãnh đạo sẽ có những quyết định đúng đắn để đi đến thành công. Xin nhắc lại là phong trào dân chủ là một hiện tượng toàn cầu hóa. Không một quốc gia độc tài nào cản được sự toàn cầu hóa chính trị này.
Hẹn gặp nhau ở Sài Gòn.