Ngoại giao của Obama, nhiệm kỳ nhì - Dân Làm Báo

Ngoại giao của Obama, nhiệm kỳ nhì

Chu Chi Nam (Danlambao) - Thường những tổng thống Hoa Kỳ muốn để lại ấn tượng của mình trong lịch sử, nhất là trong lãnh vực ngoại giao và vào nhiệm kỳ nhì: tổng thống Reagan muốn đẩy mạnh tiến trình sụp đổ của thế giới cộng sản, nên đã không ngần ngại đến Berlin, nước Đức, thách thức Gorbachev hãy phá bỏ Bức tường Berlin; Bill Clinton đã cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề giữa Palestine và Do Thái, mặc dầu không thành v.v... Ngày hôm nay với Obama cũng không ngoại lệ. 

Nhưng đâu là chính sách ngoại giao của Obama, nhiệm kỳ nhì? Chú tâm, đặt ưu tiên vào vùng nào? Trong lãnh vực gì?

Phải chăng đặt ưu tiên cho vùng châu Á Thái Bình Dương, mặc dầu chính sách này đã được bắt đầu từ nhiệm kỳ nhất? Phải chăng là những hiệp ước tự do thương mại với Á châu và ngay cả Âu châu? Hay xúc tiến mạnh hơn vấn đề tài giảm binh bị với Nga? Hoặc đẩy mạnh công cuộc chống SIDA và sự hâm nóng của trái đất? 

Tất cả những việc làm đó đều được tiến hành, nhưng đâu là ưu tiên hàng đầu? 

Đấy lại chưa nói có những yếu tố bất ngờ xảy ra làm chính quyền Obama phải thay đổi: Vấn đề Trung Đông. Trung Đông, có thể nói đã là ưu tiên là hàng đầu của những chính quyền Hoa Kỳ từ trước đến nay, vì vấn đề dầu hỏa. Nhưng ngày hôm nay, với vấn đề khai thác dầu hỏa mới trong những tầng phiến thạch (Schiste), theo những ước đoán thì không những trong tương lai, Hoa kỳ không những độc lập về vấn đề này, mà còn có thể xuất cảng dầu hỏa, từ đó có người cho rằng Hoa Kỳ không còn đặt nặng vấn đề Trung Đông. Dù sao đây cũng chỉ là một ước đoán. Vì vấn đề Trung Đông với Hoa Kỳ không chỉ là dầu hỏa, mà còn là chính trị và chiến lược. Tình hình chính trị ở Syrie, tình trạng tranh chấp giữa Do thái và Palestine, và xa hơn nữa là vấn đề Hồi giáo, vẫn là vấn đề nhức nhối, nan giải không những cho Hoa Kỳ và ngay cho cả thế giới. 

Chúng ta hãy cùng nhau xem xét những vấn đề trên: 

Chỉ cần ngược dòng thời gian một tý, xét bài diễn văn của Obama, lúc đó còn là ứng cử viên của đảng Dân chủ, được đọc vào ngày 15/7/2008 tại Hoa Thịnh Đốn, chúng ta cũng đã thấy sơ qua về chiến lược ngoại giao của ông, nếu ông thắng cử: Ưu tiên đầu đó là chấm dứt chiến tranh ở Irak và gửi quân thêm ở A Phú Hãn, để chống khủng bố Al-Qaida. Ông cũng muốn làm thế nào để "Vũ khí hạt nhân ngoài tầm tay của những kẻ khủng bố và những nước khủng bố! (Etats voyous), làm thế nào để đi đến một sự an ninh về năng lượng và tăng cường những liên minh trên thế giới." Ông nói thêm: "Nếu chúng ta quá quan tâm về Irak có nghĩa là chúng ta quên đi những hiểm họa khác... Chiến tranh này! chiến tranh Irak) đã làm yếu đi nền an ninh của chúng ta, địa vị của chúng ta trên thế giới, làm yếu đi quân đội, kinh tế và những phương tiện khác giúp chúng ta đương đầu với thế kỷ 21... Qua mọi cái nhìn, sự tập trung quá độ và không giới hạn vào Irak không phải là chiến lược tốt đẹp để bảo toàn an ninh châu Mỹ." 

Qua bài diễn văn này, người ta đã thấy Obama chỉ trích tổng thống đương thời Georges W. Bush, khiến ông này phải trả lời thẳng với Obama: "Ông! (chỉ Obama) là người thông minh, lanh lợi. Nhưng tôi đợi ông ở mỗi cuối đường." 

Từ đó cho tới nay, người ta thấy Obama đã thắng cử, trải qua nhiệm kỳ nhất và nay đã bắt đầu được 1 năm nhiệm kỳ nhì. Một cách tương đối, về ngoại giao, người ta phải nói Obama đã thực hiện được một phần nào lời ông hứa: Rút quân khỏi Irak, một phần nào làm yếu Al-qaida, qua việc giết Bin Laden. 

Còn những vấn đề khác thì thế nào? 

Những vấn đề còn lại, cái mảng to nhất là chính sách chiến lược và ngoại giao đối với châu Á Thái Bình Dương. 

Vào tháng 11/2011, trong một bài diễn văn đọc tại Quốc hội Úc, ông Obama đã nói đến một ý kiến mới, đó là chính sách hướng về châu Á Thái Bình Dương. Chính sách này sau được Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao, đặc trách về vấn đề Á châu, Kurt Campell soạn thảo. Chính sách này nhằm đưa quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng lên hàng đầu, vào thế kỷ 21. Nhưng mục đích ngầm chứa ở đằng sau đó là nhằm "Be bờ:" Trung cộng, ngăn chặn sự bành trướng của Trung cộng. 

Một bằng chứng: Obama đã quyết định giảm ngân sách quốc phòng nói chung, nhưng lại tăng ngân sách quốc phòng cho vùng châu Á Thái Bình Dương, đã chuyển 60% lực lượng hải quân của Hoa Kỳ tới vùng này. 

Nhiều người cho rằng chính sách ngoại giao của Obama về châu Á là mới lạ. Thực ra thì chẳng mới lạ gì cả. Chỉ là bản cũ soạn lại, nếu chúng ta xét kỹ lịch sử ngoại giao của Hoa Kỳ. 

Thực vậy nếu chúng ta nghiên cứu kỹ Chiến tranh Lạnh từ sau thế Chiến thứ Nhì đến khi đế quốc Liên sô sụp đổ vào đầu năm 1991, thì chúng ta thấy chính sách "bao vây" Trung cộng hiện nay chỉ là bản cũ soạn lại. 

Nói đến Chiến tranh Lạnh, người ta không thể quên Chính sách Be bờ! Containment Policy), soạn thảo bởi 2 ông Paul Nitzé và Georges Kennan, một người là Cố vấn An ninh của tổng thống Truman thời bấy giờ, một người là Thứ Trưởng ngoại giao đặc trách về vấn đề cộng sản Liên sô. Chính sách này đã được gói ghém trong chỉ thị mang tên Chỉ thị số 68 của Hội đồng An ninh quốc gia, mà suốt trong thời gian Chiến tranh Lạnh đã được các nhà ngoại giao Hoa kỳ coi như cẩm nang của mình; theo đó: "Làm thế nào để Liên sô không thể dùng các nước Tây Âu để bắt chẹt thế giới tự do, nhưng đồng thời cũng làm thế nào để đối xử khôn khéo với Liên sô, để từ từ hướng họ trở lại con đường hội nhập với cộng đồng thế giới. Làm thế nào để ngăn chặn cộng sản lan tràn xuống vùng Đông Nam Á." 

Người ta có thể nói Chương trình Marshall, giúp các nước Tây Âu về kinh tế, để tránh sự thâm nhập của cộng sản vào những nghiệp đoàn thợ thuyền, để tránh những cuộc đình công, có lợi cho cộng sản là như vậy. Cũng như Chiến Lược Dominos, rồi sự thành lập Khối Liên phòng Đông Nam Á, là trong tinh thần của chính sách trên. 

Lịch sử nhiều khi lập lại. Hơn nữa Việt Nam ta có câu: "Ăn phải mùi, thì chùi không đi". Với chính sách Be Bờ, Hoa Kỳ đã thắng Chiến tranh Lạnh, làm sụp đổ đế quốc cộng sản Liên sô. 

Tại sao ngày hôm nay Hoa Kỳ không lập lại để làm sụp đổ đế quốc cộng sản còn lại là Trung cộng? 

Không có gì mới lạ là ở chỗ đó. 

Có một điều trái cẳng ngỗng và nực cười, đó là Hoa Kỳ không tự nhận mình là đồ đệ của Marx, nhưng trong chính sách ngoại giao họ lại dùng tư tưởng của Marx hơn cả người cộng sản, kể từ thời Lénine cho tới cộng sản ngày hôm nay, đó là dùng kinh tế để tấn công cộng sản. 

Thực vậy, ngay từ thời chiến tranh Lạnh, họ đã đến Liên sô, lúc đầu là qua cửa ngõ kinh tế, bán quần jeans, Coca Cola, sau đó tới lập các hãng xưởng. 

Đối với Trung cộng trong thời gian qua cũng vậy: 

Phải làm thế nào biến kinh tế quốc doanh thành kinh tế tư doanh, kinh tế tự cung tự cầu thành kinh tế tương thuộc, kinh tế ngân hàng. Từ kinh tế ngân hành mà mặt nổi của nó là thị trường chứng khoán, đợi thời cơ thuận tiện gây ra khủng hoảng chứng khoán, khủng hoảng ngân hàng, kéo đến khủng hoảng kinh tế. Từ khủng hoảng kinh tế sẽ đi đến khủng hoảng xã hội, thợ thuyền đình công, dân không có việc làm, thất nghiệp cao, từ khủng hoảng xã hội sẽ đi đến khủng hoảng chính trị. Lúc đó mới tính đến việc thay đổi chính trị. 

Xét trong lịch sử chiến tranh Lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ, người ta có thể nói Hoa Kỳ có đủ kiên nhẫn để chờ trái chín rồi rụng đối với Trung cộng, thay vì trèo cây hái trái, sẽ có nhiều nguy hiểm bất ngờ. 

Chính bà Hilary Clinton, khi còn làm ngoại trưởng cho Obama, nhiệm kỳ đầu, nhân dịp viếng thăm một nước Á châu có tuyên bố: “Trung quốc sẽ sụp đổ. Họ đang lo lắng và họ định ngăn chặn lịch sử. Đó là việc làm vô ích. Họ không thể làm được điều đó. Nhưng họ có duy trì, kìm hãm càng lâu càng có thể... Họ đang làm trò cười.” 

Theo tờ Hoan cầu Thời báo (Global Time), trong một cuộc thăm dò kín đáo, thì 63% dân số Trung cộng muốn một thể chế dân chủ như Tây phương. 

Đây là câu trả lời cho những người nghĩ rằng chế độ độc tài cộng sản Trung quốc sẽ kéo dài mãi; nhưng cũng đồng thời là câu trả lời cho những người cho rằng trong tương lai gần sẽ có cuộc đại chiến giữa Hoa Kỳ và Trung cộng. 

Xét về cả 2 phía, Trung cộng và Hoa Kỳ, cả 2 phía không có bên nào muốn có một cuộc chiến quân sự, mặc dầu cuộc chiến tâm lý, chính trị, thương mại, ngoại giao mặc dù nhiều khi lên đến cao điểm. 

Về phía Hoa Kỳ, như trên đã nói, Hoa Kỳ chờ trái chín rồi tự rụng. Có nhiều người còn có ý mỉa mai, châm chọc, cho rằng chính quyền Hoa Kỳ thích tình trạng hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung cộng kéo dài, vì có lợi cho Hoa Kỳ, thay vì lao vào một cuộc chiến đầy rủi ro. 

Thật vậy hiện nay Trung cộng qua tay các đại gia là con cháu của Bộ Chính trị và Trung ương đảng đã đầu tư vào Hoa Kỳ là 200 tỷ $, các con cháu các ông lớn đổ xô sang Hoa Kỳ học. Tổng số sinh viên Trung cộng là 235 000, đứng đầu trên tổng số sinh viên thế giới ở Hoa Kỳ là 800000 sinh viên. Số nhà giàu Trung cộng bỏ ra nước ngoài sinh sống, đứng đầu ở Canada, sau đến Hoa Kỳ và nước Úc. 

Làm thế nào để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung cộng đối với các nước chung quanh và đồng thời làm thế nào để dìu dắt Trung cộng đi theo con đường dân chủ, buôn bán sòng phẳng với cộng đồng thế giới, không làm hàng giả, không sao chép trái phép, không dùng những hãng xưởng quốc doanh, hay sự trợ cấp của chính phủ để sản xuất hàng rẻ nhằm xuất cảng. Cũng trong mục tiêu đó, nên Obama đã cố xúc tiến trình thông qua Hiệp ước Thương mại xuyên Thái bình dương (TPP), đưa Trung cộng đến chỗ nếu không gia nhập thì bị cô lập, nếu gia nhập thì phải thay đổi đường lối kinh tế và thương mại. 

Mảng ngoại giao lớn thứ nhì của Obama là Âu châu gắn liền với Trung Đông và Nga, nhằm để giải quyết vấn đề Trung Đông, Palestine, Do thái, Iran, Syrie thì phải cần đến một số cường quốc Âu châu, Anh, Pháp, Đức và Nga. 

Cũng như với Á châu, chính quyền Obama đang xúc tiến một hiệp ước thương mại vừa song phương vừa đa phương với những nước Âu châu, không phải để thay thế hiệp ước của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), mà để bổ sung, nhất là về lãnh vực canh nông, có nhiều điều khoản đã lỗi thời. 

Đối với Âu châu và đặc biệt đối với Nga, Hoa Kỳ có nhiều điểm chung cùng mục đích: Về vấn đề tài giảm binh bị, nhất là vũ khí và đầu đạn nguyên tử, cả hai bên không nói ra, nhưng ai cũng rõ với số dự trữ khổng lồ đầu đạn nguyên tử của cả 2 nên, không có lợi ích chi cả, chỉ hao tốn về vấn đề bảo trì, hai bên đều muốn giảm, để đỡ hao tổn, việc còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật: giảm loại nào, tầm ngắn, tầm trung hay dài. 

Mặc dầu, vì trực tiếp hay giám tiếp, đế quốc cộng sản sụp đổ là có phần của Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ vẫn cần Nga hiện nay, vì Nga còn ảnh hưởng đến vấn đề Trung Đông và xa hơn nữa là vấn đề khủng bố. Ở điểm này 2 bên đều cần đến nhau, vì để giải quyết vấn đề Syrie, và thêm vào đó vấn đề Iran, Palestine và Do Thái, nếu không có Nga và các cường quốc Âu châu như Anh, Pháp, Đức thì không được. 

Vấn đề khủng bố, ai cũng biết nó bắt nguồn từ Trung Đông. Nhưng đừng nghĩ là chỉ đe dọa Hoa Kỳ và thế giới mà không đe dọa Nga. Ngược lại, Nga lại bị liên quan trực tiếp và nhiều nhất vì những nước Trung Đông sát bên hông Nga. 

Từ những điểm trên, có người cho rằng Nga đang trở lại vị trí đế quốc, siêu cường của mình xưa kia, nhất là với Poutine, từ năm 2012. 

Các cường quốc Âu châu và nhất là Hoa Kỳ cần đến Nga để giải quyết một số vấn đề, nhưng có giới hạn, vẫn không muốn Nga trở lại địa vị siêu cường trước kia. Bằng chứng là vấn đế Ukhraine hiện nay. Tổng thống Nga Putin đã chiêu dụ chính quyền nước này bằng cách hứa giúp đỡ cả chục tỷ $, đồng thời giảm một phần ba giá dầu hỏa và khí đốt cho Ukhraine, chính quyền đương thời nước này muốn chấp nhận đề nghị này, nhưng bị phe đối lập, đứng đằng sau là Hoa Kỳ và các cường quốc Âu châu, Anh, Pháp, Đức giúp đỡ, phản đối. Vấn đề hiện còn đang tiếp diễn, chưa có giải pháp. Nhưng Hoa Kỳ và các cường quốc Âu châu không thể nào khoanh tay đứng nhìn Ukhraine lọt lại vào vòng quỹ đạo của Nga. 

Nhưng một câu hỏi đến với chúng ta là liệu Nga có thể trở lại vị trí siêu cường trước đây hay không? Mặc dầu với sự thận trọng tối đa, nhưng câu trả lời là không, vì Nga hiện nay chỉ là cường quốc bậc trung. 

Với một diện tích khổng lồ 17 000 000 km2, với dân số gần 150 triệu, tổng sản lượng của Nga hiện nay là 2000 tỷ $, tất nhiên sau Hoa Kỳ! 15000 tỷ), Trung cộng! hơn 8000 tỷ), sau ngay cả Đức! 3 400 tỷ) và Pháp! 2600tỷ). 

Nền kinh tế Nga hiện nay chỉ nhờ vào việc xuất cảng dầu hỏa và khí đốt, ngoài ra không có một cái gì, nhất là về kỹ nghệ tiêu dùng, không có một mặt hàng nào trên thị trường ngoài dầu hỏa và khí đốt. Một nước mà nền kinh tế ở bực trung, kỹ nghệ tiêu dùng còn thấp kém, mặc dầu trước đây Nga mạnh về kỹ nghệ vũ khí, về lâu dài, nước đó khó có thể trở thành siêu cường. 

Mảng ngoại giao thứ ba của Obama là vấn đề Phi châu và sự giúp đỡ những nước nghèo khó, chống lại những bệnh hiểm nghèo và SIDA. 

Về vấn đề giúp đỡ, như chúng ta đã biết, những hội từ thiện ở Mỹ rất nhiều, chỉ lấy một thí dụ điển hình là nhà tỷ phú Bill Gates, ông đã bỏ ra hàng chục tỷ giúp những trẻ em nghèo khổ và bệnh tật, nhất là ở Phi châu. Việc này, chính phủ Hoa Kỳ đỡ một gánh nặng. Tuy nhiên, nói đến Phi châu người ta cũng không quên vấn đề khủng bố. Ở Phi châu, như ngay nhiệm kỳ đầu, Obama không chủ trương chính sách can thiệp, nhất là về quân sự. Mặc dầu vậy, nhưng Hoa Kỳ cũng can thiệp gián tiếp, đứng sau Pháp để can thiệp, giúp đỡ trong việc cho thông tin, giúp đỡ hậu cần. 

Mảng ngoại giao thứ tư của Obama là vấn đề môi trường. Ở điểm này, nhiều người cho rằng là một vấn đề dễ giải quyết. Nhưng không phải vậy. Đây là một vấn đề nhức đầu cho chính quyền Obama. Hoa Kỳ và Trung cộng hiện nay vẫn là 2 cường quốc làm ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Thải khí carbonique! CO2), tính theo đầu người hàng năm, tính theo tấn! tonnes), Hoa Kỳ đứng đầu với 17,6 tấn, Trung cộng chỉ có 6,2 tấn, nhưng vì Trung cộng đông dân số, gấp bốn lần Hoa Kỳ, nên tổng số phế thải CO2 của 2 nước là đứng đầu thế giới. 

Làm thế nào giảm, là vấn đề rất khó khăn. Nhất là hiện nay Hoa Kỳ đang muốn độc lập về vấn đề nhiên liệu, xúc tiến mạnh vấn đề khai thác dầu hỏa và khí đốt trong tầng phiến thạch. Vấn đề này bị nhiều tổ chức bảo vệ môi trường phản đối. Dầu hỏa và khí đốt nằm trong lòng đất, trong những tảng đá ong. Để lấy nó, phải dùng áp suất mạnh ép dầu từ những tảng đá này, làm ảnh hưởng đến lòng đất. Hậu quả lâu dài chưa biết như thế nào, có thể gây ra những sự thay đổi quân bằng môi trường hay những cuộc động đất mai sau. 

Những mục tiêu của Obama, nếu nói xa là từ ngày ông còn là ứng cử viên đảng Dân chủ, năm 2008, nếu nói gần là vào nhiệm kỳ hai, bắt đầu năm 2012, theo như nhiều nhà nghiên cứu và phân tích, thì rất có khả thế thực hiện được, vì nhiều lý do, trong đó có một lý do chính là tình hình kinh tế quốc nội. 

Hoa Kỳ, kể từ 3 tháng cuối năm 2013 và bắt đầu năm 2014, kinh tế quốc nội Hoa Kỳ, theo nhiều nhà phân tích, thì rất là sáng sủa: không những Hoa Kỳ sẽ độc lập và trở thành quốc gia sản xuất và xuất cảng nhiên liệu đứng đầu thế giới, mà mọi ngành nghề đều khởi sắc, các hãng xưởng Hoa Kỳ đã trở về nước đầu tư lại, nạn thất nghiệp giảm, cán cân thương mại giảm thất thâu, ngân sách quốc gia bớt thâm thủng. 

Nếu xét về lịch sử ngoại giao nước này, thì không ai chối cãi được rằng chính trị quốc nội và chính trị đối ngoại liên quan mật thiết với nhau. Về triển quan chính trị quốc nội Hoa Kỳ, thì cũng có nhiều nhà phân tích cho rằng tương lai rất sáng sủa: Nạn thất nghiệp giảm, còn 6,6%, trong khi đó ở Âu châu là trên dưới 10%, tăng trưởng kinh tế vào 3 tháng cuối năm 2013 là 3,7%, trong khi đó ở Âu châu là dưới 3% ; càng ngày các hãng xưởng Hoa Kỳ quay về đầu tư và làm ăn ở quốc nội, vì giá nhân công rẻ ở ngoại quốc không còn hấp dẫn nữa. Lấy thí dụ cụ thể là Trung cộng, giá nhân công tăng vào khoảng 10% mỗi năm, chỉ cần mấy năm là giá nhân công cũng xấp xỉ ngang bằng những nước phát triển khác. 

Đấy là chưa kể một yếu tố rất quan trọng, đó là vấn đề nhiên liệu. Theo như nhiều dự đoán chính xác và đáng tin cậy, thì từ nay đến năm 2017, giá nhiên liệu, kể cả dầu hỏa bình thường và dầu hỏa khai thác từ những phiến thạch sẽ giảm xuống nửa giá, Hoa Kỳ không những không cần nhập cảng mà còn xuất cảng. Đây là một yếu tố có ảnh hưởng rất lớn trên trường chính trị quốc tế. Nó làm giảm bớt những sự hung hãn của những nước đói dầu hỏa, trên thế giới, như Trung cộng. 

Theo như nghiên cứu, thì số dự trữ dầu hỏa trong những phiến thạch lên đến 335 tỷ thùng dầu, trong đó Nga đứng đầu với 75 tỷ; sau là Hoa Kỳ gần 60 tỷ, tiếp là Trung cộng hơn 30 tỷ, rồi tới Argentine, Libye gần 30 tỷ, những nước còn lại như Mễ tây cơ, Pakistan, Canada và Indonésia, mỗi nước trên dưới 10 tỷ. 

Giá dầu hỏa giảm không những làm bớt căng thẳng việc chạy đua mua bán và tìm kiếm dầu hỏa, mà còn làm cho giá thành những hàng hóa sản xuất giảm, đẩy mạnh việc tăng trưởng kinh tế thế giới. 

Một cách tương đối, thì chính trị kinh tế quốc nội và chính sách ngoại giao của Obama nhiệm kỳ nhì, có nhiều triển quan tốt đẹp. 

Tuy nhiên những tiên đoán tương lai, dù là ngắn hạn, chúng ta cũng nên thận trọng, tránh kiểu của K. Marx và những người cộng sản, tiên đoán cả trăm năm, mà vẫn nhất quyết rằng lịch sử nhân loại nhất định phải đi theo con đường này, sau đó thực tế chứng minh hoàn toàn ngược lại.(1) 

Paris ngày 18/02/2014 



___________________________________

(1) Xin xem thêm những bài về Ngoại giao Hoa kỳ và Phê bình Marx, trên:


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo