Sự trở về của cán bộ CS và của đứa con hoang đàng trong Kinh Thánh - Dân Làm Báo

Sự trở về của cán bộ CS và của đứa con hoang đàng trong Kinh Thánh

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Trước hết người mổ (người viết) xin thưa: bản thân là một tên khô đạo, (nên) lại càng chẳng phải là người giảng đạo, nhưng hôm nay phải “vận dụng” đến Kinh Thánh với câu chuyện đứa con hoang đàng trở về với gia đình cũng vì đứa “con hoang” của Tàu khựa là Bộ Chính Trị/CSVN do Đại tướng Lê Hồng Anh làm “sứ thần” đang là chuyện thời sự “ma ám”, cùng lúc đang diễn ra ngày càng nhiều sự trở về với dân tộc của những cán bộ CS. Khiến tác giả suy nghĩ đến hai trường hợp trở về: của người CS và của đứa con hoang trong dụ ngôn của Đức Giê-Su.

Sự trở về (với gia đình) của đứa con hoang đàng trong dụ ngôn của Đức Giê-Su được kể lại trong sách Phúc Âm của Thánh Lu- Ca (Đoạn 15, Câu 11-32) như sau (trích):

“Rồi Đức Giê-su nói tiếp: "Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

"Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.

“Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa... Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy". Và họ bắt đầu ăn mừng.

"Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

"Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy." (Ngưng trích)

Sự trở về (với dân tộc) của những người CS thì không đơn giản như sự trở về của đứa con hoang đàng trong Kinh Thánh. “Anh chàng” trong dụ ngôn của Chúa chỉ là gã ham chơi, coi việc sum họp với gia đình nhẹ hơn là gần gụi với bọn phóng đãng phương xa; đến khi đói quá, đến nỗi mong được ăn cám heo cũng không ai cho mới quay về với gia đình.

Trong khi đó, theo ngu ý, phần lớn những người sau này trở thành “Cán bộ CS”, trước kia “ra đi” không phải vì ham chơi đòi chia gia tài, nhưng, trái lại, đã hy sinh gia tài để tìm đường cứu nước thực sự (chứ không phải “tìm đường” tiền cứu đói, hậu thành cứu nước như cậu cu Côn) khỏi ách nô lệ của thực dân phong kiến.

Nhưng con đường cứu nước của họ là con đường phá nước. Tội lỗi của đứa con hoang đàng trong Kinh Thánh chỉ là hạt cát trong sa mạc tội ác của tập đoàn cai trị CSVN mà họ là thành phần nòng cốt. Đứa con hoang đàng trong dụ ngôn của Đức Giê-Su chỉ phá hết phần gia tài cha me hắn chia cho, hắn sở hữu và có quyền sử dụng; hắn không lấy của người khác, và chẳng gây thiệt hại đến ai. Trong khi đó những đứa con hoang đàng của mẹ VN là đám Cán bộ CS kia đã phá nát cả gia cang, từ vật chất đến tinh thần, hủy hoại truyền thống dân tộc, đạo lý tổ tiên, tàn sát anh em trong nhà theo chỉ thị của phường thảo khấu bên ngoài, cắt xén di sản cha ông cho ngoại bang, tàn ác với ruột thịt nhưng hèn hạ với kẻ thù.

Nay thì mặt nạ CS đã bị lột, mặt thật CS đã phơi như “đêm giữa ban ngày”.

Trong bối cảnh chết chưa chôn của CSVN, những người đi theo CSVN kỳ cựu với “thành tích cách mạng” đầy mình nay “phản tỉnh” và trở về với Dân tộc chưa hẳn có chung lý do và mục đích.

Họ có thể là đứa con hoang trong Kinh Thánh, trở về chẳng qua đánh hơi được ngày tàn của đám hoang đàng phóng đãng là Đảng CSVN, nhanh chân nhảy trước đi là vừa để được tiếp tục thụ hưởng của tích lũy được bấy lâu nay.

Họ có thể là những người trở về chân thành vì nhận ra con đường mình đi trước kia là lạc lối. Thành phần này đang chịu hy sinh rất nhiều những quyền lợi họ đang hưởng trong đó “sổ hưu” chỉ là chuyện nhỏ (trái ngược với sự trở về của đứa con hoang đàng trong dụ ngôn của Đức Giê-Su chỉ vì “lâm cảnh túng thiếu” đến nỗi “ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng”), và sự trở về này có thể sẽ “gây hậu quả nghiêm trọng” trước mắt đối với gia đình họ như trường hợp cựu Đại tá QĐND kiêm nhà báo đảng Bùi Tín, có khi đến cả tính mạng bản thân...

Trở về, vì bản thân hay vì dân tộc, rõ ràng là không mang ý nghĩa ngang nhau nhưng theo ngu ý, tất cả đều được Mẹ Việt Nam mở rộng vòng tay, vì ít nhất những đứa con của Mẹ còn giữ được tính người khi họ nhận chân ra mặt thật của CSVN.

Ngoại trừ họ là những kẻ trá hang nhằm mục đích gây thêm tội ác.

Tác giả xin phép mượn mấy câu thơ sau đây của Vũ Đông Hà trong bài "Bình thường, đất nước tôi" để kết thúc bài “mổ”:

“Đất nước tôi cần
Những kẻ biết mình là người trong bầy súc vật
những áo đen không trốn nhủi giữa dòng tu
những tỉnh thức cuối đời biết nhìn lại
những con người
biết hối hận khi đang sống.” (*)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo